Vừa đến gần cửa lớp, cô Thy đã thấy những cái đầu lô nhô đứng lên ngóng ra hành lang. Kèm theo những tiếng nói lao nhao ồn ào. Rồi những câu thông báo bay đến bên ngoài vẫn còn nghe:
- Hồng y sư tỷ tới.
- Hoàng hậu nương nương giá lâm.
- Hôm nay sẽ nghe sư tỷ ca vọng cổ mát trời luôn, sổ đầu bài toàn loại C, cho tụi bây quậy nữa đi.
Cô Thy nghe hết. Nhưng vẫn thản nhiên như không. Mới nhận lớp có một tuần mà cô đã nghe tụi nó gán cho cô vô số biệt danh. Nhưng cô không có ý định "lên lớp" chúng nó. Bản thân thầy cô trong mắt học sinh như thế nào thì chúng sẽ vô tư phản ánh lại như thế. Không thể đem bài dạy về đạo đức mà áp đặt lên chúng nó. Chỉ tạo ra những cử chỉ kính trọng giả tạo mà thôi.
Nếu bản thân thầy cô đáng được kính trọng, thì tự khắc học sinh sẽ nể phục. Cô Thy quan niệm như vậy, nên chẳng khi nào la mắng học sinh nếu chúng có hổn với mình.
Mà thật ra, cô chẳng khi nào bị học sinh đem ra đùa bỡn. Trừ cái lớp 11C chọc trời khuấy nước này.
Cả lớp đứng dậy chào khi cô giáo bước vào. Lại vẫn những âm thanh ken két, cười nói ồn ào như cái chợ. Cô Thy đứng giữa lớp, yên lặng nhìn chúng nó. Ðặc biệt là nhìn những cái miệng phát âm không biết mệt.
Tiếng ồn bớt dần, rồi im bặt. Chúng nó rất ngán cách ổn định bằng mắt của cô. Mỗi lần bị cô nhìn là chúng nó chấp chới mắt nhìn xuống. Và cái mỏ tự động khép lại. Thật ra bị quát tháo dễ chịu hơn là bị chiếu tướng. Xấu hổ sao ấy.
Ðợi lớp hoàn toàn yên lặng, cô Thy cho ngồi xuống. Rồi đi về phía bàn giáo viên. Cô đứng bên bàn nói chậm rãi:
- Hôm nay là ngày đầu tiên cô dự buổi sinh hoạt lớp của các em. Trước đây các em sinh hoạt như thế nào thì bây giờ vẫn giữ nếp ấy. Cô chỉ theo dõi thôi, các em bắt đầu đi.
Ở cuối bàn. Lớp trưởng và lớp phó nhìn nhau, ngần ngừ. Cuối cùng, lớp trưởng mạnh dạn đứng lên, đi lên bảng, tay cầm theo một bản cáo trạng dài sọc.
Mới nhìn vào, thì lớp trưởng cũng đã gây ấn tượng về vị trí bề thế của mình. Ðó là một cô nàng to đùng, béo núc na núc ních, mặt hồng hào mũm mỉm. Trông vừa dễ thương vừa buồn cười. Nhìn thì có lẽ tức cười đấy. Nhưng chớ có dại dột đụng vào. Vì lớp trưởng không hiền lành khờ khạo gì đâu.
Lúc mới vào lớp 10. Thoạt nhìn cô nàng, ai cũng che miệng cười rúc rích. Người thì gọi là "ú cô nương", người thì gọi là "bé béo", hoặc "đại nhân" (nghĩa là người bự). Những lúc bị chọc, cô nàng tảng lờ như không nghe, và hoàn toàn không phản ứng gì cả.
Ngay việc bình bầu lớp trưởng, cũng là một sự việc không bình thường chút nào. Nó có lịch sử thế này. Ấy là đầu năm lớp 10 vào, chẳng ai biết rõ thực lực của ai. Cô chủ nhiệm bèn cho lớp bầu một lớp trưởng tạm thời. Rồi qua một học kỳ sẽ bình bầu chính thức.
Thế là cả lớp nhất trí bầu "ú cô nương", cho vui. Vì lúc đó, ú là cô nàng nổi nhất trong lớp. Chúng nó chỉ khoái đùa giỡn trêu chọc, chứ hoàn toàn không có ý định nghiêm chỉnh.
Nhưng dần dần "ú cô nương" thể hiện vai trò của mình một cách đáng nể. Và cả lớp hết dám lờn mặt chọc ghẹo. Nàng béo học giỏi, có năng khiếu điều khiển lớp. Ðặc biệt mà ai trêu nàng thì có mà toi đời. Thế nên hết học kỳ I, nhiệm kỳ của nàng vẫn không bị bãi bỏ, và kéo dài đến mãi bây giờ.
Lớp trưởng đứng giữa lớp, nghiêm chỉnh đọc bản báo cáo cuối tuần. Trong đó khuyết điểm thì vô số kể. Nào là đi trễ, không mang phù hiệu. Nam sinh không bỏ áo vô quần. Quét lớp trễ. Ăn quà, cúp tiết... Còn ưu điểm thì... quá ư là khiêm tốn, hầu như không có. Nhưng vốn vị tha, lớp trưởng cũng cố tìm cho lớp một ưu điểm. Ðó là không có hiện tượng đánh lộn, chỉ cãi nhau mà thôi.
Ðọc xong bản báo cáo, lớp trưởng quay lại, ái ngại nhìn cô Thy. Nhưng vẻ mặt cô vẫn thản nhiên:
- Tiếp tục đi em.
Lớp trưởng lại quay mặt xuống lớp:
- Bước qua phần báo cáo của các tổ, mời tổ trưởng tổ một.
Hồng cô nương đứng lên. Cô nàng cũng cầm một tờ sớ dài ngoằn:
- Sau đây tui xin báo cáo tình hình tuần vừa qua. Tuần qua tổ hai bỏ quét lớp hai lần, bị cô bộ môn Sử xếp loại D trong sổ đầu bài. Bạn Minh Lan rủ năm bạn khác cúp tiết. Bạn Thùy ăn vụng trong giờ Anh Văn. Các bạn khác không thuộc bài, không làm bài tập, không...
Ở dưới lớp, các cô nương của tổ hai mím môi! Nguýt háy! Mặt mày hầm hầm hình sự. Chờ cho Hồng cô nương báo cáo xong, tiểu thư Minh Lan lập tức đứng dậy, đi lên bảng. Tay tiểu thư cầm tờ cáo trạng còn dài hơn cả tổ một. Tiểu thư bắt đầu phản công bằng cái giọng nhỏ nhẹ êm ái:
- Tôi xin đại diện tổ hai, báo cáo kết quả học tập tuần qua. Trong tuần qua, các bạn tổ một mất kỷ luật nhiều nhất: cố ý xả rác bừa bãi, nói chuyện nhiều, làm mất đồ lau bảng, ăn vụng trong giờ toán, không thuộc bài, ngủ gật và...
Hồng cô nương bật dậy, hung hăng:
- Ai cố ý xả rác? Bạn nêu tên lên đi.
Trần tiểu thư chưa kịp trả lời, thì Thùy cô nương đã đứng bật dậy:
- Nêu thì nêu, bạn nè, bạn Trúc nè, nguyên nhóm của bạn cố ý xé giấy rải dưới gầm bàn, có không?
- Còn tổ của bạn thì không quét lớp, sẵn lớp dơ thì bỏ rác xuống cho dơ luôn.
- Chứ không phải tổ bạn có ý xả rác để bắt tụi tui quét cho cực hả? Bởi vậy không thèm quét đó.
Các cô nàng của hai tổ bắt đầu nổi xung thiên. Mai Thanh của tổ một đứng dậy tham chiến:
- Mấy bạn lười quét lớp rồi đổ thừa thì có.
Thùy quay phắt về phía Mai Thanh định quạt lại, nhưng Xuyến đã kéo tay cô xuống, rồi đứng bật dậy:
- Bạn nói ai lười? Bạn lười thì có, làm một chút cũng than mệt, trốn quét lớp, sao không nói ra luôn.
Hồng cô nương kéo Thanh ngồi xuống, hung hăng đứng lên:
- Người ta bị yếu tim nên không làm nặng, vậy cũng bắt bẻ, ỷ con nhà giàu rồi kênh kiệu hả?
Hai nhóm hết đứng lên lại ngồi xuống, hoa tay múa chân hài tội lẫn nhau. Quên phắt có cô chủ nhiệm đang ở đó. Thế là chiến tranh bùng nổ, biến cả lớp thành chiến trường rực lửa. Chiến tranh nổ ra một cách dữ dội, càng lúc càng lan rộng ra. Tầm vóc của nó không thua gì chiến tranh vùng vịnh.
Cô Thy sững sờ nhìn xuống lớp. Không tưởng tượng nổi chúng nó cãi nhau chí tử như vậy. Quả là những nhân vật số một, "dọc ngang nào biết trên đầu có ai". Cô đã nghe danh quậy nổi tiếng của lớp. Nhưng không hình dung nổi là nó mất trật tự như thế.
Thấy cô chủ nhiệm đăm đăm nhìn các thành viên tham chiến, lớp trưởng đứng dậy la lớn:
- Thôi đi, các bạn đừng có cãi nhau nữa, cô nhìn kìa.
Nhưng các cô nàng say sưa với cuộc chiến, khí thế còn bừng bừng. Một câu quát thì có sá gì. Và các nàng vẫn liệt kê tội của nhau một cách hăng hái.
Tức quá lớp trưởng quát lớn:
- Im đi nghe không?
Phải đợi đến khi cô chủ nhiệm bước xuống, đứng ở bàn đầu nhìn từng người, thì cuộc chiến mới lắng xuống và chấm dứt. Các cô nàng ngồi im thin thít, âm thầm liếc háy lẫn nhau. Nhìn nhau bằng đôi mắt hình viên đạn.
Cô Thy không bình phẩm điều gì, chỉ nói nhẹ nhàng:
- Tổ trưởng báo cáo tiếp đi các em.
Tiểu thư Minh Lan thấy các bạn mình hài tội tổ một đã đủ. Không cần gì đọc thêm nữa, tiểu thư bèn bước lên bảng, thận trọng ghi "Tổ một: -23 điểm".
Trước đó, Hồng cô nương đã viết số 20 điểm trừ to tướng, dành cho tổ hai.
Thấy số 23, các nàng tổ một càng tức dữ. Nhưng không dám lên tiếng. Chỉ đành nhủ thầm với lòng: "Tuần sau sẽ rửa hận".
Tiếp theo là báo cáo của tổ ba và tổ bốn. Hai tổ này đều là con trai, tính tình hào phóng rộng rãi, chẳng thèm để ý đến những chuyện nhỏ nhặt, nên chỉ báo cáo chút xíu là xong. Rất êm thấm hòa bình.
Xong phần báo cáo của các tổ. Cô Thy gọi lớp trưởng lên, hỏi nhỏ nhẹ:
- Những lần sinh hoạt trước, lớp có mất trật tự vậy không em?
- Dạ, tuần nào cũng vậy ạ. Lúc trước cãi nhau, cô Thủy có phạt mấy bạn. Nhưng mấy bạn vẫn không chừa ạ.
Cô Thy gật đầu, rồi hỏi tiếp:
- Lớp em có chia phe phái, băng nhóm gì không?
Hỏi thế, chứ cô thừa biết lớp có mấy phe rồi. Quả nhiên, lớp trưởng trần thuật vanh vách:
- Dạ, có hai phe ạ, phe của bạn Minh Lan và phe của bạn Hồng. Mấy bạn kia ghét bạn Minh Lan vì bạn ấy ỷ nhà giàu nên kiêu căng. Còn bạn Minh Lan thì ghét mấy bạn kia hay châm chích.
Cảm thấy điều tra đã đủ, cô Thy cho lớp trưởng về chỗ. Sau đó cô bước xuống lớp nói như thông báo:
- Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta sẽ chia tổ lại. Cô vẫn phân lớp làm bốn tổ, nhưng sẽ có sự thay đổi giữa tổ một và tổ hai.
Và cô Thy ghép hai phe kình chống nhau trong cùng một tổ. Ðồng thời rải đều các nhân vật phe nhóm ngồi riêng với nhau. Các cô nàng bất mãn trong bụng, nhưng không dám phản đối. Không hiểu sao thái độ nhẹ nhàng nghiêm trang của cô Thy làm chúng nó thấy ngán, không dám giơ càng múa vuốt chống đối.
Bằng cách đó, cô Thy làm cho hai phe đối nghịch có chung bổn phận, và quyền lợi, nên chẳng có lý do gì để các nàng moi khuyết điểm của nhau nữa.
Thế là tuần đầu tiên chủ nhiệm lớp, cô Thy đã làm một sứ mạng lịch sử, là hợp nhất các tổ chức chung về một mối. Còn sau khi ổn định, các tổ chức có tiến bộ không thì phải theo dõi mới biết.
|
|
|