Tuy đã biết chỉ còn mấy ngày nữa là Lụa lên thành phố để vào niên học mới, nhưng Nhân vẫn nảy ra ý định đi tìm Quỳnh. Song, điều trước tiên là phải có địa chỉ chính xác rõ ràng, bởi Nhân cũng hiểu anh không thể gặp mặt Quỳnh nếu chỉ nhớ mỗi khuôn mặt đáng yêu qua bộ nhớ. Suy nghĩ rồi đi đến quyết định Nhân phải chờ tới lúc Lụa theo mẹ ra chợ bán trái cây mới dám lần mò vào phòng em để lục tìm địa chỉ. May sao, quyển sổ mà Lụa thường dùng để ghi chép những thứ linh tinh lại nằm ở ngăn kéo trên cùng. Và địa chỉ của Quỳnh đã lọt vào mắt Nhân dù Lụa đã dùng viết xóa bôi ngang một đường dài. Kiếm cây viết ghi vội vào bàn tay, Nhân trở lại phòng mình thay bộ đồ vía nhất và lận lưng ít tiền để làm lộ phí. Chợt mùi sầu riêng chín từ ngoài vườn theo gió lọt vào nhà, Nhân hỉnh mũi rồi nhanh nhẹn chạy ra kiếm được 2 trái chín thật lớn, cột lại thành chùm với dự định mang theo làm quà. Khép cửa cẩn thận trước khi rời nhà, Nhân còn ra hiệu cho bầy chó bằng tín hiệu riêng mà chỉ anh và chúng mới hiểu.
Ra đến đường quốc lộ, Nhân không phải chờ lâu vì một chiếc xe đã trờ tới. Lúc này anh mới cảm thấy mình bậy nhưng đã cách xa cả chục cây số đường. Thôi thì cứ coi như đi du lich một phen. Biết đâu rời khỏi bàn tay chăm sóc của mẹ Nhân lại chẳng học được nhiều điều mới lạ. Tục ngữ có câu "Ði một ngày đàng, học một sàng khôn" mà... Nhưng mà dẫu sao thì Nhân cũng có lỗi là không báo cho gia đình biết. Chắc chắn một lát nữa từ chợ trở về, không thấy Nhân những người thân của anh sẽ lo quýnh quáng lên cho mà xem.
Ngồi trên xe Nhân không quan tâm tới xung quanh vì mải lo chuẩn bị tư tưởng để gặp Quỳnh. Chẳng biết cô bé ấy có mừng rỡ hay làm mặt lạnh như chưa từng quen biết? Nghĩ đến chuyện này Nhân bỗng cảm thấy hụt hẫng. Nếu sự thật là như thế thì anh phải xử trí ra sao? Không, Nhân tin Quỳnh là một người rất có tình. Những ngày cô bé ấy nán lại ở nhà anh đã cho thấy rõ mọi cá tính dù thời gian thật ngắn ngủi.
Hai giờ đồng hồ sau, chiếc xe đã đưa hành khách vào bến đỗ. Nhân lục đục chui ra cùng 2 trái sầu riêng nặng trĩu 1 bên tay. Anh ngơ ngác nhìn quang cảnh nhộn nhịp ở nơi đây và bị 1 tốp người bu quanh gạ gẫm :
- Về đâu em trai?
- Anh chở giá hữu nghị nè.
Cũng có tinh thần cảnh giác cao, Nhân cố tìm cách thoát và chọn một người khá lớn tuổi ngã giá sau khi xòe bàn tay để lộ địa chỉ của Quỳnh ra. Người chạy xe ôm chỉ lấy Nhân có vài ngàn và anh đồng ý ngồi lên xe. Sau vài dãy phố vòng vo, và vượt qua mấy cái ngã tư đèn đỏ chiếc xe ôm đã đưa Nhân tới trước một ngôi nhà khá lớn có cổng rào bằng sắt thật kiên cố làm anh thấy thót lòng. Trả tiền xe rồi đứng tần ngần ra đó cả hàng giờ, Nhân hết nhóng mắt nhìn vô ngôi nhà lại quay ra ngó dòng lưu thông trên đường phố. Sinh hoạt của con người nơi đây dường như không bao giờ ngừng nghỉ khiến Nhân cảm thấy chóng mặt phải tựa lưng vào cánh cổng đang khép kín để giữ thế cân bằng. Làm sao gọi được Quỳnh ra đây cho mình gặp bây giờ? Ðúng là nhà giàu có khác tường đã xây cao còn cắm lởm chởm đầy những mảnh chai. Chẳng lẽ Nhân lại leo vào, vì anh vốn giỏi tài ấy mà.
Thời tiết hôm nay cũng thật chướng, lúc nắng gay gắt, lúc lại đổ mưa rào làm Nhân không biết phải núp mình vào đâu cứ trân mình ra chịu trận cùng cái bụng đói meo đang đòi hỏi được ăn. Mọi thứ trước mắt Nhân đều thu hút và lạ lẫm đến độ anh nhìn không biết chán, nên đã quên đi khoảng thời gian đang chậm chạp nhích dần theo chiếc kim đồng hồ trên cổ tay anh.
Chợt có một chiếc xe mì gõ đẩy ngang qua, mùi nước lèo thơm ngạt mũi đã kích thích bao tử rỗng tuếch của Nhân đến tột độ khiến anh xông ra ăn liền hai tô. Khi đã cảm thấy thật no nê, Nhân lại lững thững xách 2 trái sầu riêng về chỗ cũ ngồi đợi bằng tất cả sự nhẫn nại. Nhưng quả ông trời không hề hậu đãi anh, nên khoảng 3 giờ chiều chiếc cổng sắt im lìm bỗng bật mở. Trong lúc Nhân chưa kịp tỏ hết sự mừng rỡ vào câu hỏi :
- Bà ơi... cho cháu hỏi... đây có phải nhà của Quỳnh không ?
Thì bà vú già đã nhăn trán nhìn Nhân rồi trả lời :
- Phải. Nhưng Quỳnh đã theo gia đình đi nghỉ mát ở Nha Trang mấy ngày nay rồi. Không có nhà đâu.
Nhân hụt hẫng đứng thộn mặt ra một hồi lâu rồi đưa cho bà vú 2 trái sầu riêng và dặn :
- Cháu gởi cái này cho Quỳnh !
Chờ bà vú cầm lấy, Nhân vội vã bước đi ngay. Thế là bao công lao chờ đợi của anh chẳng được bù đắp bằng 1 nụ cười tươi của Quỳnh như anh đã mong ước. Biết phải đi đâu giữa phố phường đầy xa lạ ngoài việc quay về nhà dù trời đã về chiều. Ðón 1 chiếc xe ôm trở lại bến xe trong lúc thời tiết chẳng lấy làm đẹp đẽ gì. Nhân giam mình trong góc chiếc xe Huyndai chật hẹp để trở về. Ngồi trên xe, và trong giây phút mơ màng ngắn ngủi ấy Nhân đã trông thấy Quỳnh, nhưng sao nhìn cô thật xa lạ chẳng giống ngày nào đặt chân đến nhà anh. Có đúng như lời nhỏ Lụa đã nói không? Quỳnh không có thời gian để nhớ tới 1 thằng như Nhân, hay tại bởi giấc mơ khác xa với hiện thực ?
Nhân đã về đến nhà trong lúc cả nhà đang rối beng lên vì sự vắng mặt đột suất của anh suốt cả ngày. Lụa hét ầm lên khi thấy Nhân lù lù bước vô cửa :
- Ối... trời ơi... anh Hai !
Bà Năm từ dưới bếp nghe thấy tiếng reo cũng quýnh quáng chạy lên :
- Ôi... Nhân con đi đâu để má và em lo lắng suốt từ sáng đến giờ ?
Cảm thấy mình có lỗi nên Nhân không tỏ ra khó chịu mà lặng lẽ cúi đầu :
- Con chỉ loanh quanh đi dạo cho thoải mái thôi mà.
Lụa sờ tay lên trán anh, miệng bí bô liên tục :
- "Nóng" thế này thảo nào đi dạo mát trong mưa là phải rồi.
Nhân khẽ cười dù biết rằng em gái lại sắp sửa cho mình là thằng điên. Anh chợt bảo với mẹ :
- Con muốn được tiếp tục đi học lại má à.
Bà Năm có vẻ ngạc nhiên nhưng không muốn để lộ ra bên ngoài như con gái. Bà thấy Lụa trợn mắt nhìn anh trai.
- Úi... cái lỗ tai của tôi còn chính xác không vậy ta ?
Nhân nheo mắt nhìn về phía Lụa :
- Không lãng đâu, nhỏ đã nghe rõ ràng mà.
- Nhưng sao anh lại có ý định đi học tiếp ?
- Bởi anh không muốn mình bị dốt hơn em.
Lụa tinh ranh :
- Ðó chẳng phải là lý do chính đáng. Tự nhiên sau 1 ngày lang thang anh lại muốn đi học là sao?
Nhân co tay cốc Lụa đỏ cả trán :
- Con nhỏ này lý luận quá xá hén. Lẽ ra phải ở nhà chăm sóc má là em chứ không phải anh đâu. Con gái học nhiều cũng chỉ để nấu cơm, giặt giũ chứ chẳng được tích sự gì.
Không chịu bị hạ bệ, Lụa vươn cao chiếc cổ :
- Anh đừng có nói lộn. Phụ nữ thời nay không còn là "nô tì" cho cánh đàn ông, con trai sai khiến nữa mà họ đã khẳng định được vai trò lẫn chỗ đứng trong xã hội rồi.
- Chà được đi học nói chuyện có khác ha. Thế thì anh sẽ quyết không ở nhà để chịu thiệt thòi đâu cô bé ạ.
- Nhưng anh còn phải cáng đáng công việc làm vườn nữa. Ðừng nói với em là bắt má làm thay anh nha.
Nhân nói giọng quả quyết :
- Anh sẽ kham cả hai, nghĩa là vừa đi học vừa làm. Dẫu sao thì anh cũng phải hoàn tất chương trình phổ thông để thi đại học.
Sự ngạc nhiên trong Lụa mỗi lúc một lớn hơn, nhưng cô không nghĩ rằng anh mình đang rất tỉnh táo. Lụa gợn lên sự thương hại trong giọng nói :
- Rồi anh Hai dự định sẽ làm gì chứ ?
Nhân dán tia nhìn vào chậu Quỳnh :
- Anh sẽ theo ngành nông nghiệp để sau này có thể chăm sóc vườn cây trái nhà mình bằng kỹ thuật cao cho hoa lợi nhiều hơn.
- Ý tưởng đó anh vừa lượm ở đâu vậy anh Hai ?
Nhân dí dỏm :
- Trên lộ trình rong ruổi cả ngày nay.
- Không ngang qua bệnh viện tâm thần chứ ?
- Ngược lại anh đã nhìn thấy toàn cảnh của xã hội trí thức nên mới ước mong theo kịp người ta.
- Nhưng em nghĩ anh không có điều kiện ấy đâu anh Hai à.
Mặc cho Lụa lo lắng Nhân vẫn tỉnh táo nói :
- Nếu ban ngày phải làm vườn không theo học chính quy được thì anh sẽ học bổ túc. Em phải ủng hộ cho dự định của anh chứ đừng nên hoang mang như vậy.
Lụa lấm lét nhìn lướt qua anh :
- Em chỉ sợ ý định đi học lại của anh nhất thời thôi.
- Ðể rồi coi anh sẽ vào đại học trước em đó, cô bé ạ.
Nghe Nhân nói Lụa le lưỡi :
- Em nhát ma anh chết giấc bây giờ đó ! Con nhỏ Quỳnh mà có ở đây chắc nó phải bò lăn ra mà cười.
Nhân chau mặt khi thấy em gái coi những toan tính của mình như trò đùa. Anh nghiêm giọng :
- Bộ ý muốn đi học lại của anh không đúng đắn hay sao?
Lụa dùng tay che miệng để ngăn tiếng cười chưa kịp nén. Nhân bồi tiếp :
- Ðừng tưởng anh không biết em đang chế giễu anh. Anh hiểu lúc nào trong mắt mọi người anh cũng chỉ là một thằng khùng không làm nên tích sự gì.
Thấy tình hình giữa 2 đứa con chợt trở nên căng thẳng, bà Năm không thể đứng im để nghe chuyện mà buộc phải lên tiếng. Bà mắng Lụa 1 vài câu bởi cái tội của cô luôn làm người khác phật lòng.
- Con nhỏ này nói mãi không điều chỉnh được cái miệng hay nói năng làm xàm.
Rồi quay sang Nhân :
- Má hoan hô con, nếu con thật sự muốn học lại để có tương lai theo kịp người.
Nhưng có điều con phải bớt mặc cảm thì mới hòa đồng cùng bạn bè được. Vấn đề cuộc sống nhà mình đâu đến nỗi túng thiếu gì. Má luôn mong cho 2 anh em con được học hành tới nơi tới chốn. Ðó là hạnh phúc lớn nhất của má.
Lời nói dịu dàng, động viên của mẹ làm sự bực tức trong lòng Nhân từ từ lắng xuống. Anh được mẹ chăm sóc khi phát hiện bộ đồ Nhân đang mặc vừa ẩm vừa dơ.
- Mau xuống tắm đi con. Ðể má đi hâm nóng cơm canh kẻo nãy giờ chắc nó đã nguội lạnh rồi.
Không phản đối, Nhân lầm lũi quay đi. Còn lại mình Lụa đứng ở nhà trên với cõi lòng chất chứa đầy ắp nỗi thắc mắc về người anh trai mà cô luôn tội nghiệp.
|
|
|