Ngoài những chuyện vừa xảy ra, nhỏ Hiền Hòa còn một điểm rất đáng để cho thằng Dưỡng bực mình. Ðó là giọng ca của Hiền Hòa.
Hiền Hòa hát rất hay. Năm ngoái, khi An Dung và Việt Hà chưa nghỉ học, Hiền Hòa hợp với hai đứa này thành một ban tam ca rất được bạn bè trong lớp ái mộ. Ðó là ba giọng "họa mi vàng" của lớp và là niềm tự hào của tổ 1.
Thằng Dưỡng là thành viên tổ 1, tất nhiên cũng hãnh diện về giọng ca thiên phú của các bạn mình. Mỗi khi ban "Tam ca Áo Trắng" Hiền Hòa, An Dung, Việt Hà biểu diễn trong các buổi liên hoan của lớp hoặc của trường, Dưỡng đều đứng dưới hò hét đến khan cổ và vỗ đến rát cả tay.
Nhưng điều đó đâu có nghĩa là Hiền Hòa được quyền chê bai giọng hát của nó.
Nhất là những lúc ngồi trong lớp, Hiền Hòa thỉnh thoảng cũng cao hứng ngân nga đôi ba câu chứ đâu phải mình nó. Những lúc đó, nó đâu có bịt tai, đâu có chuồn ra khỏi lớp. Vậy mà đến khi nó cất giọng, con nhỏ Hiền Hòa lại đùng đùng bỏ đi. Như vậy có khác nào coi thường nó. Có khác nào con nhỏ Hiền Hòa tự cho mình là số một, còn nó số... một ngàn lé chín.
Nhưng dù giận con nhỏ kênh kiệu kia không để đâu cho hết, giờ ra chơi Dưỡng vẫn tò tò theo Hiền Hòa và thằng Tần vào căn-tin.
Tần là con nhà giàu, ngày nào nó cũng bao hai đứa này ăn chè mệt nghỉ. Tổ 1 có cả thảy sáu đứa, không hiểu sao Tần chỉ thích chơi với Dưỡng và Hiền Hòa.
Chỉ trừ thời gian Tần bị ghẻ, Dưỡng và Hiền Hòa lảng ra vị sợ vi trùng ghẻ bò qua người, còn suốt từ năm lớp bảy đến nay, không giờ ra chơi nào mà ba đứa không cặp kè nhau chui vào căn-tin.
Bữa nay cũng vậy, nhưng khác với mọi lần, mặt mày thằng Dưỡng lúc này trông buồn xo. Nó ngồi một đống và múc từng muỗng chè đưa lên miệng một cách uể oải.
- Hôm nay mày có chuyện thế hả Dưỡng ? - Tần tò mò nhìn bạn.
- Không có gì!
- Mày giận ai hở ?
- Không.
Tần không tin:
- Chắc là mày giận tao rồi.
- Không mà.
Dưỡng hờ hững đáp. Lần này thì nó nói thật. Khi nãy, lúc ngồi trong lớp, nó quả có nổi quạu với thằng Tần và nhỏ Hiền Hòa thật. Nhưng nó chỉ điên tiết lúc đó thôi. Bây giờ, Dưỡng đã hết giận rồi. Bây giờ Dưỡng chỉ buồn.
Từ trước đến giờ, Dưỡng chưa bao giờ biết buồn. Nhưng bữa nay thì Dưỡng buồn. Nó cứ thấy lòng nó sao sao ấy.
Xưa nay Dưỡng vốn thích hát hò. Nhưng xem ra thiên hạ không thích nghe nó hát hò. Ở trường cũng thế mà ở nhà cũng thế.
Nó từng bị ăn đòn quắn đít vì tội giữa trưa nổi hứng bất tử hát vang nhà làm ba nó giật mình thức giấc, làm mẹ nó giật mình tuột tay làm vỡ chiếc đĩa quý đang rửa dở.
Ngay cả hai đứa em nó, thằng Dinh và nhỏ Hòe, nó cũng không có cách gì "chinh phục" được. Không dám chạy vắt giò lên cổ như Hiền Hòa, sợ ông anh nổi dóa cốc cho sói trán, nhưng mỗi lần nghe nó cất giọng là thằng Dinh và nhỏ Hòe vờ cắm mắt vào tập hoặc vờ lui cui làm gì đó để mong cho nó nản mà "tắt đài" đi cho. Tất nhiên Dưỡng biết tỏng "ý đồ đen tối" của hai đứa em nhưng nó không có cớ gì để ra tay "trị tội".
Có lần, bị Dưỡng o ép quá, thằng Dinh và nhỏ Hòe đành phải bấm bụng ngồi làm khán giả cho ông anh ca sĩ trổ tài.
Thấy hai đứa em khoanh tay ngồi ngoan ngoãn trước mặt, Dưỡng khoái chí lắm. Hít một hơi đầy, nó nhắm tịt mắt, gân cổ hát: "Con cò bay lả bay la...".
Thật ra thằng Dinh và nhỏ Hòe chịu ngồi làm khán giả bất đắc dĩ chẳng phải sợ gì ông anh. Chẳng qua tụi nó thương anh tụi nó. Xưa nay, tụi nó thấy Dưỡng hát đến đâu người ta ùn ùn bỏ chạy đến đó, có khi Dưỡng còn bị ba mẹ cho ăn đòn vì cái tội hát hỏng lung tung nữa. Cho nên tụi nó muốn chiều Dưỡng một lần. Tụi nó nghĩ mình là em út mà không gồng mình ngồi nghe thì trên đời này chắc chẳng có ai chịu ngồi yên cho Dưỡng "tra tấn". Như vậy thì tội cho ông anh ca sĩ của tụi nó quá!
Nhưng khổ nỗ, dù nhiệt tình đến mấy, thằng Dinh và nhỏ Hòe cũng chỉ có thể giữ bình tĩnh được có một lúc thôi. Khi thằng Dưỡng gào lên: "Dân làng rằng dân làng ơi rằng có biết (biết) hay chăng" thì tụi nó mồ hôi đã bắt đầu lấm tấm trên trán. Thằng Dinh có cảm giác anh nó đang hỏi nó "rằng có điếc (điếc) hay chăng" và tự nhiên nó gật đầu như người mộng du, hai tai ù đặc.
Và đến khi Dưỡng đưa bài hát lên cào trào: "Ai lên lên xứ Lạng (Lạng) cùng anh" thì thằng Dinh và nhỏ Hòe chịu hết xiết. Mặc cho ông anh khẩn khoản rủ lên xứ Lạng, hai đứa nó len lén lạng xuống dưới gầm bàn ngồi thu lu và đưa tay nút chặt tai lại.
Dưỡng đang say sưa trổ tài, không biết khán giả đã chuồn đi từ đời tám hoánh. Mãi đến lúc chuyển qua "tình tính tang tang tính tình", nó mới he hé mắt. Thấy trước mặt trống trơn, Dưỡng lập tức ngay đơ như cán cuốc, giọng ca tắt phụt hệt ra-di-ô bị cúp điện thình lình.
- Dinh! Hòe! - Dưỡng đấm tay xuống bàn, gầm lên - Tụi mày trốn đâu rồi ? Ra đây tao bảo!
Dười gầm bàn vọng lên tiếng lít chít như chuột kêu:
- Dạ, có em.
Dưỡng ngó trật xuống, thấy hai cái đầu đang rụt rè thò ra, nó vừa tức vừa buồn cuời.
Cuối cùng không nhịn được, nó phì cười:
- Tụi mày làm trò gì thế hở ?
- Dạ, tụi em có làm gì đâu ạ! - Dinh xoa xoa mái tóc - Tụi em... tụi em...
Dưỡng chỉ tay ra cửa:
- Tụi mày xéo đi cho tao nhờ! Tao cần là cần những khán giả biết thưởng thức nghệ thuật chứ đâu có cần những cái tai trâu!
Dưỡng nói nặng. Nhưng nghe lệnh "phóng thích" bất ngờ được ban ra, thằng Dinh và nhỏ Hòe mừng khấp khởi, lo co giò vọt lẹ, bụng dạ nào mà ở đó cãi cọ.
Bây giờ nhớ lại cảnh đó, Dưỡng không cảm thấy buồn cười nữa. Nó chỉ thấy lòng hiu hắt, thấy cuộc đời sao vắng kẻ tri âm.
Thấy Dưỡng buông một câu gọn lỏn rồi ngồi trầm ngâm lâu lắc, Hiền Hòa cười nói:
- Không phải Dưỡng giận Tần đâu. Dưỡng giận Hiền Hòa đó.
Dưỡng nhún vai:
- Sai bét mà cũng nói.
Hiền Hòa nheo mắt:
- Thế sao khi nãy Dưỡng hất cây thước văng xuống đất ?
- Văng xuống đất đâu mà văng xuống đất!
Hiền Hòa "xí" một tiếng:
- Nếu Hiền Hòa không nhanh tay chộp thì cây thước đã rớt xuống đất rồi.
Dưỡng lại làm thinh. Nó không muốn thanh minh. Nó không muốn để lộ ra tâm sự của nó. Ly chè đã ăn hết rồi mà Dưỡng cứ ngồi buồn tay khua khoắng mãi. Tiếng muỗng chạm vào thành ly lanh canh bữa khác nghe vui tai mà bữa nay sao nghe buồn quá xá. |
|
|