Anh Vũ chưa ra tới cửa phòng thì ba bất ngờ bước vào.
Khi nãy, mải lo đối phó với đòn trừng phạt của anh Vũ, Quý ròm không nghe tiếng xe của ba, nên khi ba thình lình xuất hiện, nó hơi hốt, nhất là nó nhìn thấy ba đang cầm tờ áp-phích quảng cáo của nó trên tay. Quý ròm phải ngồi thẳng người lên và mím môi hít một hơi rõ dài để trấn tĩnh.
Ba ve vẩy tờ quảng cáo trước mặt, cười cười:
- Tuyệt lắm! Biến nước thành lửa, lấy máu vẽ tranh, thật không thể nào tin được! Lại bán với giá bình dân nữa đấy!
Quý ròm nhìn lom lom tờ quảng cáo trên tay ba, vẻ cảnh giác. Nó chưa rõ thái độ của ba nên vẫn ngồi im, án binh bất động. Tuy nhiên so với anh Vũ, ba dễ chịu hơn nhiều. Xưa nay, ba chưa bao giờ lên tiếng phê phán nó. Có vẻ như ba sẵn sàng tin những "hoạt động khoa học" của nó là những việc làm bổ ích.
Ba vẫn vui vẻ:
- Làm gì mà ngồi trơ như phỗng thế kia! Thế nào, buổi biểu diễn có thành công không?
Quý ròm liếc mắt về phía anh Vũ, khẽ hắng giọng:
- Dạ, thành công... hừm... tất nhiên... nếu như...
- Cái gì mà "tất nhiên", "nếu như" loạn cào cào lên như thế! Nếu thành công thì có nghĩa là không thất bại chứ?
Quý ròm chưa kịp trả lời thì anh Vũ đã nhìn lên trần nhà, nói bâng quơ:
- Nếu như que diêm không thình lình phát hỏa!
- Phát hỏa à? - Ba hỏi, rồi đảo mắt nhìn quanh phòng một lượt, ba lại tặc tặc lưỡi - Cũng chả sao! Nói chung là chưa đến nỗi nào! Làm trò ảo thuật tất nhiên phải có khói lửa, chỉ có điều phải thật cẩn thận mới được!
Nói xong, ba bước lại đặt tờ quảng cáo xuống trước mặt Quý ròm, nheo mắt bảo:
- Nhưng lần sau có muốn biểu diễn bán vé thì phải hỏi qua ý kiến ba mẹ! Ba nghĩ con chả cần tiền đến mức phải hành động như vậy!
Quý ròm gãi gãi đầu định lên tiếng giải thích thì ba đã bước ra khỏi phòng. Cũng may là ba chưa biết chuyện mình làm cháy tấm drap! Quý ròm tự an ủi và lại nhìn về phía anh Vũ.
Bắt gặp ánh mắt của nó, anh Vũ khẽ nhún vai:
- Hai ngày nữa! Nhớ đấy!
Rồi không để Quý ròm kịp phản ứng, anh cũng bỏ ra nốt.
Trưa đó, Quý ròm ăn cơm một cách uể oải. Câu chép phạt anh Vũ đưa ra khiến lòng nó nặng trĩu. Bắt một "nhà khoa học" như nó gọi những cuộc thí nghiệm của mình là nhảm nhí cũng chẳng khác nào bắt người công nhân chê bai nhà máy hoặc buộc người nông dân dè bỉu ruộng đồng, thật khó mà làm được! Anh Vũ cho nó một hạn định hai ngày, nhưng nó biết dù thời gian đó kéo dài gấp mười lần, nó cũng chẳng thế nào đi đến một quyết định dứt khoát được.
Thấy Quý ròm nhai cơm rệu rạo, biếng nhác khác hẳn thường ngày, mẹ lộ vẻ lo âu:
- Con làm sao thế? Ốm à?
- Dạ, không ạ! - Quý ròm lắc đầu.
Mẹ nhíu mày:
- Hay là hôm nay mẹ không nêm bột ngọt vào thức ăn nên con thấy nhạt miệng?
Quý ròm vẫn lắc đầu.
Nhưng ba thì gật đầu lia:
- Ờ, ờ, đúng đấy! Hèn gì anh có cảm giác món canh hôm nay nhạt nhạt thế nào! Hóa ra là em quên bỏ bột ngọt!
- Không phải là quên! - Mẹ cười - Mấy hôm nay thấy báo đài bảo bột ngọt là chất độc hại nên em cố ý không dùng đó thôi!
- Ðộc hại ư? - Ba húp một muỗng canh - Thế bột ngọt làm bằng chất gì mà ghê gớm thế?
- Em cũng chả nhớ! - Mẹ lúng túng - Em chỉ nghe người ta bảo thế thôi!
- Ðó là chất natri glutamat! - Quý ròm vọt miệng - Trước kia người ta lấy chất này từ đậu xanh, bột mì, đậu phộng khô, bây giờ người ta tổng hợp nó bằng cách lên men vi sinh vật!
- Thế nó độc hại lắm hay sao? - Ba nhìn Quý ròm, hỏi bằng giọng tin cậy.
- Con cũng chả rõ! Một số nhà khoa học cho rằng bột ngọt gây tổn thương não, làm giảm bạch cầu và tỉ lệ huyết sắc tố nhưng đến nay vẫn chưa có một kết luận chính thức nào!
Ba gật gù:
- Ừ, chứ nếu đã biết chắc là nó độc hại thì trên thế giới chả ai cho sản xuất bột ngọt làm gì! - Rồi ba quay sang mẹ, vui vẻ nháy mắt - Vậy ngày mai nhà ta tiếp tục dùng bột ngọt chứ?
Mẹ rụt cổ:
- Em vẫn thấy sờ sợ thế nào!
Bà nói:
- Dùng bột ngọt quen miệng rồi, bây giờ không có nó, cứ thấy món nao cũng nhạt thếch!
- Nếu dùng in ít thì được! - Quý ròm hắng giọng, cố làm ra vẻ chững chạc - Tổ chức Y tế Thế giới vẫn chưa có ý kiến dứt khoát về chuyện này, chỉ khuyến cáo là không nên lạm dụng, đặc biệt không nên dùng để nêm thức ăn cho trẻ em và phụ nữ đang mang thai.
Ba tặc tặc lưỡi:
- Thế thì ta cứ dùng, nhưng dùng in ít thôi! Mỗi khi ướp thịt, ta chỉ cần thêm một tí bột ngọt...
- Không được đâu, ba ơi! - Quý ròm vội vã lên tiếng - Mỗi khi ướp thịt, mẹ thường bỏ đường. Mà bột ngọt thì kỵ đường. Bột ngọt gặp đường sẽ tạo ra chất melanoidine, ăn vào khó tiêu lắm!
Ba ngẩn người ra:
- Thế thì biết nêm bột ngọt vào đâu?
Quý ròm bật cười:
- Thì nêm vào muỗng canh trên tay ba ấy!
Ba đưa muỗng canh lên miệng nhấm nháp, rồi cũng cười:
- Ừ nhỉ, phải nêm vào canh thôi!
Anh Vũ và nhỏ Diệp không tham gia vào cuộc tranh luận về đề tài bột ngọt. Nhỏ Diệp mải say sưa tấn công đĩa thịt rán nên thờ ơ với mọi chuyện chung quanh. Anh Vũ lặng lẽ nhai cơm, nghe không sót một lời nhưng chả tỏ thái độ gì.
Mỗi lần liếc về phía anh, Quý ròm đều bắt gặp anh đang nhìn lại mình, ánh mắt có chiều khác lạ. Anh đang nghĩ gì nhỉ, Quý ròm tự hỏi, chả hiểu anh có xem những điều mình nói là nhảm nhí hay không!
Ăn trưa xong, Quý ròm không vào phòng ngủ như thường lệ. Nó không muốn "đụng đầu" anh Vũ trong lúc này. Hơn nữa, nó cũng đang muốn ở một mình.
Quý ròm lẻn vào phòng học, khép hờ cửa lại. Rồi lôi hai chai bầu trên giá xuống để trước mặt, nó trầm ngâm tính kế.
Nếu gặp lúc bình thường, hai ngày là khoảng thời gian quá đủ để Quý ròm đem hai chai bầu này trả lại cho phòng thí nghiệm nhà trường. Kẹt một nỗi, hiện nay trường nó đang đóng cửa chờ nhà máy bên cạnh dời đi.
Nó cũng nghĩ đến chuyện gửi tạm hai chai bầu ở nhà Tiểu Long. Biện pháp này có thể thực hiện dễ dàng bất cứ lúc nào nhưng lại có nguy cơ mất sạch hết "oai phong". Trong mắt Tiểu Long, Quý ròm trước nay vẫn là một "siêu nhân" trong lãnh vực học tập lẫn "nghiên cứu khoa học". Mà một siêu nhân thì không thể đem đồ nghề của mình trốn chui trốn nhủi như phường đạo tặc được.
Trong lớp, ngoài Tiểu Long, Quý ròm còn chơi thân với nhỏ Hạnh cận nữa. Nhỏ Hạnh đọc sách đến mờ mắt, nhớ đủ chuyện trên trời dưới đất, được bạn bè mệnh danh là "nhà thông thái", thậm chí có đứa còn gọi nó là "bộ từ điển biết đi". Nhỏ Hạnh cũng là đứa chuyên môn lật tẩy những trò ảo thuật của Quý ròm. Nó nhớ vanh vách những nguyên tắc vật lý cũng như những phản ứng hóa học đã đọc được trong sách, chẳng có mẹo vặt nào của Quý ròm qua được mắt nó. Chỉ có điều là chúa nhát gan, nhỏ Hạnh chẳng bao giờ dám tự tay thực hành những hiểu biết của mình như Quý ròm.
Nghĩ đến nhỏ Hạnh, Quý ròm nhớ ngay đến thói quen vỗ vỗ trán và cứ chốc chốc lại đẩy gọng kiếng trên sống mũi của nó, liềm mỉm cười một mình. Ở lớp, nhỏ Hạnh học giỏi đều các môn chứ không chỉ nghiêng về các môn khoa học tự nhiên như Quý ròm nên luôn luôn đứng đầu trong bảo xếp hạng.
Tất nhiên nhỏ Hạnh chẳng bao giờ coi Quý ròm là "siêu nhân". Chính vì vậy, nếu bây giờ đem hai chai bầu đến nhờ nhỏ Hạnh giữ giùm, Quý ròm chẳng sợ "uy tín" của mình bị sụp đổ. Nó có thể thú thật hết mọi chuyện với nhỏ Hạnh và chắc chắn nhỏ Hạnh sẽ thừa thông minh để hiểu thấu và thông cảm với những khó khăn của nó.
Nhưng nhỏ Hạnh lại là chúa vụng về. Chính điều này làm Quý ròm lưỡng lự. Nhỏ Hạnh mà rửa chén dứt khoát là đập vỡ chén, rửa ly là đập vỡ ly, đố mà tránh khỏi. Ðến nhà nhỏ Hạnh chơi, lần nào Quý ròm cũng nghe bạn mình bị mẹ mắng về tội làm rơi vỡ đồ đạc như thể không làm hỏng một cái gì đó thì nó không phải là nó vậy. Giao các dụng cụ bằng thủy tinh cho một đứa như vậy cất giữ thật chẳng khác nào giao trứng cho ác! Trong khi đó còn những bốn, năm ngày nữa nhà trường mới mở cửa trở lại. Thời gian đó đủ để cho nhỏ Hạnh đập vỡ tới hai mươi chai bầu, chứ đừng nói hai chai!
Nếu bây giờ đem hai chai bầu này gửi cho nhỏ Hạnh để năm ngày sau đến gom một đống miểng vỡ đem đi đổ thì thà để cho anh Vũ đập ngay tại đây còn hơn! Quý ròm tặc lưỡi nghĩ thầm và sau một hồi trùng trình, nó buồn bã xách hai chai bầu đặt lại trên giá.
|
|
|