Khi Quý ròm và nhỏ Diệp về tới nhà, ba mẹ nó đang ngồi uống nước ở phòng khách.
Chưa ai kịp hỏi câu nào, nhỏ Diệp đã sà lại xa- lông, tíu tít khoe:
- Đoàn Vàm Cỏ diễn kịch hay ghê, ba mẹ không đi xem tiếc quá!
Rồi như để chứng minh cho nhận định của mình, nhỏ Diệp phấn khởi tiếp:
- Anh Quý xưa nay không thích xem kịch, thế mà hôm nay cũng xuýt xoa mãi.
Quý ròm mỉm cười, không nói gì. Nhưng một khi nó không phản đối, có nghĩa là nó xác nhận nhỏ Diệp nói đúng.
Ba nhìn Quý ròm:
- Kịch hay lắm hở con?
- Dạ, tối nay đoàn kịch Vàm Cỏ diễn vở Chiếc lá cuối cùng chuyển thể từ truyện ngắn của O’Henry.
Ba gật gù:
- Ba biết truyện đó. Đó là truyện ngắn hay.
- Con chưa đọc truyện đó, nhưng bây giờ thì con biết rồi! - Nhỏ Diệp nhấp nhỏm như muốn chồm lên khỏi ghế. Nó bấm đốt ngón tay – Trong truyện có cô Xiu nè, cô Giôn- xy nè, cụ Be- man nè, có ông bác sĩ nữa nè. Người nào đóng cũng hay hết á. Con thích nhất là cụ Be- man. Cụ Be- man đóng hay đến nỗi con muốn khóc luôn.
Mẹ chữa lại:
- Diễn viên đóng vai cụ Be- man chứ không phải cụ Be- man đóng, con à.
Lần thứ hai trong một bóng tối, nhỏ Diệp bị nhắc nhở về chuyện này. Khi này, lúc ở trong rạp, Quý ròm cũng chỉnh nó y như vậy.
- Nhưng con vẫn thích nghĩ đó là cụ Be- man hơn! - Nhỏ Diệp phụng phịu.
Mẹ cười:
- Thôi, con muốn nghĩ đó là ai thì tuỳ con.
Thấy mẹ chiều theo ý mình, nhỏ Diệp tươi mặt lên, lại khoe:
- Tụi con còn được nói chuyện với cụ Be- man nữa đó. Nói chuyện lâu ơi là lâu luôn.
Mẹ tròn mắt, vẻ ngạc nhiên:
- Con gặp cụ ở đâu?
- Ở sau hậu trường chứ đâu. Văn kịch, anh Quý dẫn con ra sau hậu trường chơi.
Nhỏ Diệp nói tiếp bằng giọng hãnh diễn:
- Cụ Be- man còn tặng tụi con một cặp vé mời nhưng tụi con không lấy. Anh Quý bảo tối mai ảnh sẽ tự mua vé vào xem.
Đôi mắt của mẹ càng lúc càng mở to hơn:
- Tối mai tụi con lại đi xem nữa?
- Dạ
Mẹ nhíu mày:
- Thế tối mai đoàn kịch Vàm Cỏ diễn vở gì?
Quý ròm tặc lưỡi, và nó nhắm tịt mắt lại:
- Vẫn vở đó mẹ à.
- Lạ thật đấy! - Mẹ khẽ đưa mắt nhìn ba – Đi xem hai đêm liên tiếp chỉ mỗi một vở diễn!
Quý ròm phác một cử chỉ mơ hồ:
- Mẹ không hiểu đâu. Nghệ thuật kịch đang gặp khó khăn. Mà xưa nay những nghệ sĩ chân chính sống chết với nghề là vì niềm đam mê cháy bỏng đối với nghệ thuật. Có một ngọn lửa cháy không nguôi trong tim họ…
- Chà chà! – Ba “e hèm” một tiếng - Cậu nhóc nhà ta trở thành người bên vực cho kịch tự bao giờ thế. Lại ăn nói như một nhà lý luận nữa chứ, ghê thật!
Câu nói của ba khiến Quý ròm đỏ bừng mặt. Nó không rõ có phải ba nó đang chế giễu nó không. Nó cũng bàng hoàng nhận ra nó vừa lặp lại những điều cụ Be- man vừa nói với nó, những điều mà thực ra nó đã nghe một cách thờ ơ.
Dường như ba Quý ròm đọc được những ý nghĩ trong đầu con trai. Ông nhướn mày:
- Chắc là ông cụ Be- man đã tâm sự với con những điều này?
- Dạ.
Quý ròm cúi đầu xuống, lí nhí đáp, cảm thấy không được tự nhiên cho lắm.
May làm sao, như để trả ơn ông anh đã dẫn nó đi xem kịch tối nay, nhỏ Diệp làu tàu vọt miệng:
- Tối mai, không chỉ có anh Quý và con đi xem đâu: Cả anh Tiểu Long vả chị Hạnh cũng đi nữa.
Chắc là ba Quý ròm đang định nói gì thêm với con trai, nhưng nhỏ Diệp đã làm lạc mất ý nghĩ trong đầu ông. Thế là ông quay sang xoa đầu con gái:
- Hay lắm, con gái của ba. Xem một tiết mục văn nghệ hay, sau đó rủ bạn cùng xem là một điều nên làm.
- Ba ơi, cũng là để ủng hộ cho đoàn kịch nữa! - Được khen, nhỏ Diệp nổi hứng vung vít - Tại đoàn kịch của cụ Be- man ế lắm ba à.
Rồi nó tự bình luận:
- Diễn kịch hay như thế mà vắng khách, thật bất công!
Câu nói hồn nhiên của nhỏ Diệp khiến ba nó đột ngột rơi vào sự trầm tư. Ông ngồi lặng một lúc lâu rồi khẽ nói, giọng chìm hắn đi:
- Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những chuyện như thế, con à. Đó không phải là điều gì đáng ngạc nhiên. Chỉ có điều, trong cuộc đời mình,cụ Be- man còn gặp thêm những bất công không đáng có… không đáng có chút nào…
Nhỏ Diệp chắc ba nó đang nói tới cụ Be- man trong vở kịch, liền kêu lên:
- Nhưng sự hy sinh của cụ có ý nghĩa lắm chứ ba! Cụ tuy chết đi nhưng con nghĩ đó là một cái chết đẹp!
Bà cầm chiếc khăn lau, đứng ở cửa ngách nhìn lên, sốt ruột đẹp!
- Thôi, các cháu đi tắm rửa rồi chuẩn bị ăn cơm, muộn lắm rồi!
Khi way đi, bà lẩm bẩm:
- Bữa nay ba cha con nhà này mắc chứng gì vậy kìa? Tự dưng ai nấy điều ăn nói văn hoa, bóng bẩy hẳn lên!
Tiểu Long và nhỏ Hạnh không biết Quý ròm đã bị kịch mê hoặc. Nên sáng hôm sau, nghe Quý ròm rủ:
- Tối nay, đi xem văn nghệ không?
Nhỏ Hạnh hỏi ngay:
- Xiếc hở, Quý?
Còn Tiểu Long thì cười:
- Hay là David Copperfield mới qua Việt Nam?
Quý ròm lắc đầu:
- Không! Đi xem kịch!
Quý ròm nói rõ tứng tiếng. Nhưng cả Tiểu Long lẫn nhỏ Hạnh đều nghĩ mình nghe nhầm.
Tiểu Long chồm sát mặt Quý ròm.
- Kịch? Trời đất, tao có nghe lộn không vậy?
Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi, giọng nghi ngờ:
- Nếu mình không nghe lộn, chắc là Quý nói lộn.
- Các bạn không nghe lộn mà thằng ròm này cũng không hề nói lộn! –Quý ròm đập tay lên ngực – Chính xác là tôi rủ hai bạn tối nay đi xem kịch với tui.
- Rõ rồi! - Tiểu Long vò đầu – Nhưng tao vẫn không hiểu tại làm sao mà tự dưng mày lại rủ đi xem kịch? Mày là chúa ghét kịch mà!
- Trước nay tụi này rủ Quý đi xem kịch bao nhiêu lần mà Quý có đi đâu! - Nhỏ Hạnh nheo mắt tiếp.
- Hồi trước khác, bây giờ khác! – Quý ròm hếch mặt lên trời, và khi người ta hếch mặt lên trời một cách ngạo nghễ như vậy có nghĩa người ta sắp sửa “xổ” triết lý cao siêu - Cuộc sống càng ngày càng thay đổi, tất phải kéo theo sự thay đổi thói wen thưởng thức nghệ thuật của công chúng chứ!
Tiểu Long và nhỏ Hạnh không biết Quý ròm “thuổng” câu nói của cụ Be- man ngoài đời, lần thứ hai trong vòng năm phút cặp mắt hai đứa lại tròn xoe.
Tiểu Long lắp bắp:
- Mày… mày… hù doạ gì tụi tao thể hở ròm?
- Ghê quá! - Nhỏ Hạnh cười khúc khích – Nhà toán học lại định kiêm luôn nhà xã hội học cơ đấy!
Quý ròm chấm dứt cuộc chất vấn và trêu ghẹo của hai bạn bằng cách way lại đề tài chính:
- Thế nào? Tối nay đi chứ?
Nhỏ Hạnh liếm môi:
- Nhưng đoàn kịch nào diễn?
- Diễn ở đâu? - Tiểu Long nối lời.
Quý ròm ngắn gọn:
- Đoàn kịch Vàm Cỏ. Rạp Cao Đồng Hưng.
- Đoàn kịch Vàm Cỏ? - Nhỏ Hạnh nhíu mày – Mình chưa nghe wa bao giờ!
- Ừ, - Tiểu Long đưa tay quẹt mũi - rạp Cao Đồng Hưng thì tao biết, nhưng đoàn kịch Vàm Cỏ thì thua. Nghe lạ wá hà!
Quý ròm hừ mũi:
- Đừng đánh giá con người wa tên tuổi…
- Ở đây là đánh giá đoàn kịch chứ không phải đánh giá con người! - Nhỏ Hạnh chúm chím.
Quý ròm nghiến răng:
- Nhưng một đoàn kịch bao giờ cũng xây dựng trên những con người…
Nhỏ Hạnh chỉ muốn trêu bạn. Thấy thằng ròm bắt đầu nổi quạu, nó lập tức hỏi lảng:
- Thế tối nay đoàn kịch đó diễn vở gì?
- Vở Chiếc lá cuối cùng.
- A, tao biết rồi! - Tiểu Long reo lên – Vở này chắc dựa theo truyện ngắn của O’Henry?
- Ừ.
Tiểu Long huơ tay:
- Vậy phải đi xem mới được!
Nhỏ Hạnh cũng hào hứng không kém:
- Nhất định là phải đi rồi!
Quý ròm như nở từng khúc ruột. Nó đã định “quảng cáo” về tài diễn xuất của các nghệ sĩ trong đoàn kịch Vàm Cỏ, nhưng thấy Tiểu Long và nhỏ Hạnh nhanh chóng nhận lời, nó liền từ bỏ ý định đó. Nó cũng không hề hé môi về chuyện nó đã gặp và trò chuyện thân mặt với diễn viên tài hoa Văn Vui, người thủ vai Be- man một cách thần sầu, mặc dù nó ngứa miệng khủng khiếp.
Chẳng wa Quý ròm không muốn bị chọc ghẹo. Từ một người chê bai kịch nghệ không tiếc lời, nó biến thành một tín đồ trung thành của sân khấu kịch nói, chỉ riêng sự thay đổi 180 độ đó đáng để hai đứa bạn nó cười cợt rồi. Nếu kể thêm thêm chuyện nó lẻn vô hậu trường rạp Cao Đông Hưng để được chiêm ngưỡng, để được trò truyện và “bắt tay thân mật” với các nghệ sĩ thì xấu hổ wá. Quý ròm không muốn Tiểu Long và nhỏ Hạnh xem nó là kẻ đầu hàng wá hăng hái, dù là đầu hàng một bộ môn nghệ thuật rất đáng được ngưỡng mộ.
Vì vậy rốt cuộc Quý ròm đã không nói thêm bất cứ một điều gì, ngoài lời giao hẹn:
- Đúng bảy giờ rưỡi có mặt ở nhà tôi nhé!
|
|
|