Gia đình dì tôi và gia đình bác Tám không ai biết tôi đi đạp xích-lô . Tôi giấu biến. Nếu biết, tất dì dượng tôi sẽ cản. Chiều nào chạy xe, tôi đi bộ ra Ngã Bảy, nhận bàn giao xe từ người chạy xe ban ngày . Buổi tối, sau khi trả xe, tôi lại thả bộ về nhà. Dì tôi hỏi, tôi bảo là đi dạy kèm. Thông thường, chạy xe đến khoảng chín, mười giờ tối, tôi đã kiếm đủ số tiền cơm nước cho một ngày . Từ giây phút đó, để giữ sức ngày mai đi học, tôi không rước khách nữa, chỉ đạp xe tà tà đi trả. Trời tối . Gió mát. Những ánh đèn thủy ngân toả ra một thứ ánh sáng êm dịu, mơ màng trên đường vắng. Đó đây vẳng lại những tiếng lá trò chuyện thì thầm. Những lúc ấy, vừa thong thả đạp xe đi tôi vừa nhớ Quỳnh da diết. Giá như Quỳnh không thay đổi, giá như tình cảm giữa hai đứa tôi vẫn như ngày nào thì lúc này, sau khi đã lo xong phần cơm áo, tôi sẽ ghé đón Quỳnh đi chơi . Tôi sẽ chở Quỳnh đi ăn bánh cuốn, đi ăn kem, yaourt, đi uống chanh muối ... nói chung là tất cả những thứ gì Quỳnh thích. Chúng tôi sẽ đi dạo bên bờ sông, sẽ đi trên những con đường thanh vắng ngập đầy lá rụng, nói chung chúng tôi sẽ ... Đang mơ mơ màng màng, tôi bỗng nghe "sầm" một tiếng, chiếc xích-lô lủi vô lề ngã chổng kềnh, còn tôi bắn xuống mặt đường, ê ẩm cả người . Vừa buồn cười vừa đau, tôi ngồi thở một lúc mới lồm cồm ngồi dậy đỡ xe lên. Tay lái xe xích lô rất nhẹ, chạy xe không chăm chú là ủi vô lề như chơi . Tính tôi lại hay vừa đi vừa nghĩ ngợi lông bông nên bị nằm đất hoài . Nhưng đối với tôi, những cú ngã này không thấm thía gì so với cú ngã trong tình yêu . Chuyện tôi đạp xích-lô, Quỳnh không biết nhưng Kim Dung lại biết. Tôi đã cố tình giấu Kim Dung nhưng không hiểu thằng Bảo mách lẻo những gì mà một hôm Kim Dung hỏi tôi : - Ông chạy xe đã ngon lành chưa ? Tôi giả bộ ngây thơ : - Xe gì ? Kim Dung đập vào tay tôi : - Đạp xích-lô chứ đâu phải ăn cắp ăn trộm gì mà ông giấu ! Tôi đành cười khì. Nó đề nghị tỉnh bơ : - Tối nay ông ghé chở tôi đi chơi đi ! - Đi đâu ? - Thì đi loanh quanh ! - Tôi hay lủi vô lề lắm ! - Lủi vô xe tải mới sợ chứ lủi vô lề thì ăn nhằm gì ! Thế là tối đó tôi ghé nhà Kim Dung. Kim Dung bây giờ không còn ở căn nhà cũ. Nó đổi căn nhà kia cho nhà nước lấy, căn nhà này, nhỏ hơn. Nó bảo căn nhà cũ rộng quá, buồn thiu, đôi khi lại gợi lại hình ảnh của mẹ nó khiến nó muốn khóc. Nó nói nhớ mẹ thì tôi tin nhưng nó nói nó khóc thì tôi không tin lắm. Tôi chưa thấy nó khóc bao giờ. Thấy tôi đỗ xịch xe trước cửa, Kim Dung mừng lắm. Nó nhảy tót lên xe, kêu : - Tới luôn bác tài ! Tôi nhướng cổ, hỏi : - Tới đâu ? Nó khoát tay : - Muốn tới đâu thì tới ! Tôi chẳng biết tới đâu nên cứ chở nó chạy lòng vòng bốn phương tám hướng. Chạy đã, chúng tôi ghé vào quán ăn. Khi ăn xong, tôi giành trả tiền. Kim Dung gạt phắt : - Ông chạy xích-lô được mấy đồng mà đòi làm tàng ! Để tôi trả cho ! Ông bà già tôi đi rồi nhưng tôi vẫn còn giàu, ông cứ yên chí ! Trên đường về, Kim Dung nổi hứng đề nghị : - Ông nhường cho tôi chở một lát coi ! Tôi hoảng hồn : - Thôi, cho tôi can ! Kim Dung đụng phải người ta chắc tôi đi tù sớm ! Tôi nói y chang giọng thằng Bảo . Kim Dung làm ra vẻ ngoan ngoãn : - Không sao đâu ! Tôi chạy cẩn thận mà ! Nhưng mặc cho nó "dụ khị", tôi vẫn lắc đầu nguầy nguậy . Mấy hôm sau, Kim Dung kêu tôi đạp xe vô trường coi văn nghệ. Tôi từ chối : - Tụi nó thấy tụi nó cười chết ! - Làm gì mà cười ! - Cười chứ ! Tôi chở Kim Dung tới cổng trường thì được ! Lúc nào tan hát, tôi ghé đón về ! Kim Dung lắc đầu : - Ông không đi thì tôi đi làm gì ! Thôi, tôi với ông chạy lòng vòng chơi đi ! Thế là tôi chở nó đi chơi . Thường thường, cứ mỗi lần chở Kim Dung đi chơi, tôi lại nhớ đến Quỳnh. Tôi cứ ao ước giá như Kim Dung là Quỳnh thì tôi sẽ hạnh phúc biết mấy . Chẳng thà không nghĩ thì thôi, chứ đã nghĩ đến Quỳnh, mà lại cứ "giá như", "giá như" hoài, tôi cảm thấy đau khổ và buồn tủi vô cùng. Những lúc ấy, chân tay tôi rã rời, bải hoải, chạy xe hết muốn nổi . Thực ra, dạo này sức khỏe tôi cũng không được tốt lắm. Một phần lo ôn thi tốt nghiệp, một phần lo đạp xích-lô, lại thêm cú sốc tình cảm nặng nề, người tôi đâm ra uể oải, lờ đờ như người nghiện thuốc. Đi đâu về nhà, tôi cứ trèo lên gác nằm lăn đùng ra đó. Lan Anh lúc này đã là một cô nữ sinh cấp ba mười sáu tuổi . Càng lớn nó càng dễ thương. Dễ thương nhất là nó rất thương tôi . Biết tôi buồn, nó không biết làm sao an ủi, chỉ biểu lộ tình cảm bằng cách chăm sóc tôi nhiều hơn. Có hôm, tôi đang ngồi học bài, nó tự động mua cà phê đem để trước mặt tôi . Tôi mỉm cười hỏi nó : - Tiền ở đâu mà mua vậy ? - Tiền của em. - Em làm gì có tiền ? - Mẹ cho, em để dành ! Nó làm tôi cảm động quá chừng. Tôi nắm tay nó, khẽ nói : - Em tốt lắm ! Cảm ơn em ! Nó dòm tôi : - Sao bữa nay tự nhiên anh nói năng khách sáo quá vậy ? Tôi cười cười không đáp và cúi xuống học bài tiếp. Lan Anh ngồi im lặng một hồi rồi bỗng nhiên thốt lên : - Em ghét chị Quỳnh ! Nói xong, nó chạy mất. Chắc nó sợ tôi giận vì nó dám công khai ghét Quỳnh của tôi ! Dì tôi hình như cũng biết tâm sự của tôi nhưng dì giữ ý không nói ra . Mãi đến khi tôi thi tốt nghiệp xong, dì tôi mới hỏi : - Cháu làm gì mà buồn buồn vậy ? Tôi nhìn dì không đáp. Nhưng ánh mắt đau khổ của tôi đã nói biết bao điều . Dì tôi trầm ngâm một lúc rồi thở dài : - Cháu nên quên con Quỳnh đi, cháu ạ ! Trước đây, Trâm đã khuyên tôi như vậy một lần. Vả lại, tôi cũng chẳng chờ đợi dì tôi báo điều gì tốt lành. Nhưng khi nghe câu nói tàn nhẫn đó thốt ra từ miệng dì tôi, tôi vẫn không tránh khỏi trạng thái choáng váng. Tôi hỏi dì, giọng nhẹ như hơi thở : - Nhưng tại sao vậy, dì ? Dì tôi nhìn tôi bằng ánh mắt buồn bã : - Cháu khờ quá ! Ba cháu đi học tập cải tạo, còn gia đình người ta là gia đình cách mạng, cháu hiểu không ? Tôi chết lặng người, nửa hiểu nửa không. Ba tôi đi học tập thì sao ? Gia đình cách mạng thì sao ? Tôi có trách nhiệm gì trong chuyện ấy ? Tôi và Quỳnh yêu nhau kia mà ! Mẹ Qùynh chẳng bảo đợi tôi ra trường rồi sẽ tính toán cho hai đứa tôi là gì ! Tôi quay cuồng trong hàng trăm câu hỏi không lời giải đáp và thiếp đi trong một giấc mơ ảm đạm. Những ngày sau, khi tỉnh táo hơn tôi lại càng cảm thấy tuyệt vọng hơn. Trên thực tế, thái độ của Quỳnh và của gia đình Quỳnh chính là câu giải đáp. Dù không thuyết phục, nhưng nó cứ vẫn là một câu giải đáp, ít ra là giải đáp cho tôi . Đã vậy, anh còn biết làm gì bây giờ, Quỳnh ơi ? |
|
|