Sau cuộc thi đáng nhớ đó, tôi bệnh liệt giường, người sốt nóng. Cặp nhiệt thủy ngân có khi chỉ quá con số 39 độ. Thằng Tin bày đặt làm khôn, khuyên má tôi: - Má phải đưa gấp ảnh vô bệnh viện mới được! Ảnh bị sốt suất huyết đó! Nghe nó nói, tôi bắt giật mình. Quả thực, ở thành phố độ rày đang có dịch sốt xuất huyết. Nghe nói bệnh này nguy hiểm lắm, chết như chơi . Tôi đang lo lắng thì nghe má tôi cười: - Không phải đâu! Đây chỉ là sốt thường thôi . Sốt xuất huyết là khi nào sốt cao đột ngột và liên tục kìa . Rồi lại buồn nôn ói mửa và đau bụng, nhức đầu nữa . Nghe vậy, tôi an tâm. Lúc này tôi sợ sốt xuất huyết, tôi sợ chết thình lình lắm. Nếu chết ngay bây giờ thì làm sao cố gắng đẩy môn toán lên, làm sao "bày keo khác" như thằng Bảy nói được. Rồi tôi bỏ cây bạch đàn của tôi cho ai . Rồi lấy ai giảng ngữ pháp cho nhỏ Hiền mỗi khi thằng Đại nhờ. Lấy ai đi học chung với thằng Bảy, cho nó mượn sách và thỉnh thoảng trêu chọc cái "máu điệp viên" của nó. Còn nhà sinh vật nữa, nếu tôi chết bất tử, ai sẽ nghe những câu chuyện lý thú của nó. Lúc bình thường thì tôi chẳng nghĩ ngợi gì, nhưng đến lúc sắp sửa "từ giã cõi đời", tôi mới phát hiện ra là tôi bận bịu nhiều thứ quá, mà thứ nào cũng quan trọng. Vì vậy, khi biết mình không bị sốt xuất huyết, tôi mừng như sống lại . Cả tôi lẫn Tin, không đứa nào biết hiện nay các bác sĩ đã chữa thành công thứ bệnh ghê gớm này, và nếu bệnh, tôi cũng đừng có hòng chết được! Nhưng dù không phải sốt xuất huyết, tôi cũng chưa thể đến trường được. Đối với tôi, đó là điều khổ tâm ghê gớm. Nhất là chỉ còn mười ngày nữa là thi học kỳ. Má bảo tôi bệnh là do mắc phải trận mưa chiều hôm trước. Má nói thì chắc là đúng. Nhưng riêng tôi, tôi vẫn nghĩ sự thất bại trong cuộc thi hôm thứ bảy vừa rồi có thể là một nguyên nhân gây nên cơn sốt của tôi . Mới nghỉ học có ba bữa mà tôi nhớ trường, nhớ lớp quá xá. Tôi nhớ thầy cô, nhớ bạn bè, nhớ bàn ghế, bảng đem, vườn cây, nhớ đủ thứ. Tôi nhớ cả Kim Hà - Kiến Lửa, thằng Chí ba hoa, thằng Hùng chi đội trưởng. Đã từ lâu rồi, tôi không còn giận chúng. Tôi biết chúng ưa phê bình, kiểm điểm tôi không phải vì ghét bỏ gì tôi mà vì thực lòng chúng muốn tôi tiến bộ, muốn tôi trở thành một học sinh tốt. Ngay cả Đại cũng vậy . Trong thời gian gần đây, tôi đã nhìn Đại bằng một con mắt khác, tôi không ác cảm với nó như hồi mới đầu nữa . Đại nghiêm khắc nhưng công bằng và tốt bụng. Nó yêu bạn nhưng không chịu nhân nhượng những khuyết điểm của bạn, không vị nể bạn như kiểu thằng Bảy, vì vậy mà có lúc tôi tưởng nó cố tình "đụng" tôi . Khi hiểu ra điều đó, tôi quý nó hơn. May nhờ nó làm tổ trưởng, tổ tôi mới đi lên chớ nếu tôi làm, chắc cả tổ đi xuống hố từ bảy đời rồi . Tôi nằm trên giường vừa nghĩ ngợi miên man, vừa dòm chừng đồnghồ, chờ Bảy và Quang tới . Kể từ hôm tôi bệnh, sáng nào trước khi đi học, Bảy cũng ghé qua nhà tôi lấy tập của tôi đem lên trường chép bài giùm. Khi thì nó chép, khi thì Quang chép. Chữ thằng Quang ngoằn ngoèo, nguệch ngoạc như gà bới . Nhưng không vì thế mà tôi không biết ơn nó. Tan học, Bảy đem tập trả tôi và giảng lại những điều thầy cô giảng ở lớp. Nó giảng giải kỹ lưỡng, chi li, sợ tôi không hiểu, và nhẫn nại trả lời từng thắc mắc của tôi . Đến khi tôi tỏ ra hiểu thấu đáo bài học, nó mới an tâm ra về. Nhờ vậy, dù nghỉ học, tôi vẫn theo kịp chương trình ở lớp và đỡ lo lắng cho kỳ thi sắp tới . Thằng Quang mặc dù nhà xa nhưng trưa nào cũng chở Bảy ghé tôi . Nó có chiếc xe đạp cà tàng nhưng chạy rất chiến. Tôi thường gọi nó là con Rốt-xi-nan lắm mặc dù nó không biết Đông-ki-sốt là ai . Hễ ngựa là nó khoái rồi . Đến nhà tôi, Quang chỉ đóng vai khán giả, ngồi một chỗ nghe Bảy giảng bài cho tôi . Nó chưa bao giờ có mơ ước làm "thầy " tôi . Nhưng ngược lại, nó cung cấp cho tôi những tin tức sốt dẻo: - Huy ơi, dãy bạch đàn của tổ mình cao gần hai thước rưỡi đó. Cao nhất lớp. Sáng nay tao mượn cây thước của thầy Đức chạy ra vườn đo đàng hoàng! Hoặc là: - Thầy Hoàng dạy thể dục nói sai khi thi học kỳ sẽ tổ chức giải bóng đá giữa các lớp tám và lớp chín đó nghen mày! Hết bệnh lẹ lẹ lên! Những thông báo hấp dẫn của nó khiến tôi nôn nao quá xá, cứ muốn ba chân bốn cẳng chạy ngay tới trường. Tôi luôn thầm mong ông Bụt trong chuyện cổ tích hiện ra, chích cây đũa thần vô người tôi, thế là trong thoáng mắt, cơn cảm cúm biến mất. Nhưng chẳng có cây đũa thần nào chạm vô người tôi cả, chỉ có những cây kim tiêm của má tôi chích vô mông đau điếng. Trưa nay cũng vậy, vừa bước vô khỏi cửa, Bảy chưa kịp đưa tập vở cho tôi, Quang đã bô bô: - Huy ơi, có cái này cho mày nè! Tôi nhướng mắt: - Gì vậy ? Nó làm bộ bí mật: - Một món quà bất ngờ. - Ăn được không? Nó cười hì hì: - Không ăn được! Nhưng rất đặc biệt! Tôi nóng ruột: - Nói đại ra cho rồi! Úp mở hoài! Quang lấy trong tập ra một tờ giấy đưa cho tôi . Tôi tò mò đọc. Thì ra đó là một bài thơ của Kiến Lửa . Nhưng lần này Kiến Lửa đã đổi giọng, nó không buồn chích tôi nữa: Kỳ thi đã sắp đến rồi Mà sao bạn lại bệnh ngay lúc này Bạch đàn giờ đã xanh cây Có bàn tay bạn ngày ngày bón chăm Bạn ơi hết bệnh cho nhanh Mau mau về với chúng mình bạn nghe Chúc Huy sức khỏe dồi dào Trở về với lớp, với cô, với thầy . Kiến Lửa lúc này làm thơ tiến bộ hơn lúc trước. Nhưng đôi chỗ gieo vần còn lộn xôn, ý tứ trùng lặp, xưng hô loạn xị, khi thì gọi bạn khi lại gọi Huy . Tuy nhiên, bài thơ làm tôi xúc động thật sự. Té ra Kiến Lửa vẫn nhớ đến tôi và dành cho tôi nhữnh tình cảm chân thành, mặc dù trước đây nó từng đốt tôi nhảy dựng lên. Tôi rất cảm ơn bạn, Kiến Lửa ạ, tôi sẽ cố hết bệnh để trở về với trường, với lớp. Nhưng cơn bệnh quái ác của tôi vẫn không chịu hết ngay . Nó cứ bắt tôi nằm nhà nghe Bảy giảng bài và nghe Quang thông báo tin tức. Thiệt sốt ruột! Tôi có cảm giác như bị cầm tù trong nhà. Một hôm, cùng với Bảy và Quang, Đại và Hiền đến thăm "nhà tù" của tôi . Thấy "phái đoàn " tới, tôi nhỏm người dậy . Nhưng Đại nắm lấy vai tôi ấn xuống: - Cứ nằm nghỉ đi! Ngồi dậy chi cho mệt! - Không sao! Đỡ nhiều rồi! Tôi nói và lại cố nhỏm dậy nhưng Đại quyết không cho, nó giữ chặt vai tôi . Trong tư thế đó, nó báo tin cho tôi: - Đơn xin vô đội của mày đã được xét. Ban chỉ huy liên đội đã thông qua rồi . ít bữa lên trường là kết nạp. Mừng không? Tôi bàng hoàng cả người . Từ lâu tôi đã chờ đợi tin này, vậy mà khi nghe Đại nói, tôi vẫn không tránh khỏi bất ngờ. Bất giác tôi buột miệng hỏi một câu lãng xẹt: - Thiệt không? Nhỏ Hiền xen vào: - Thiệt mà! Chính bạn Hùng nói với tổ mình. Thế là quyết tâm và mơ ước của tôi từ đầu năm đã được thực hiện. Những cố gắng của tôi trong thời gian gần đây đã đem lại kết quả tốt đẹp. Tôi đã là đội viên. Điều kỳ diệu đã xảy ra . Từ nay, tôi sẽ không còn hổ thẹn mỗi khi nhìn thằng Tin đi học với chiết khăn quàng đỏ trên vai nữa . Ba tôi sẽ không còn áy náy và buồn phiền về "thằng to đầu" này nữa . Tôi có cảm tưởng như cơn sốt đã lùi xa, đã biến mất. Tôi rơi vào một trạng thái nhẹ nhõm đầy phấn chấn. Trong cảm giác lâng lâng đó, tôi nghe Bảy nói: - Ở trường mình mới thành lập các đội Trần Quốc Toản. Mỗi lớp là một đội . Mỗi đội chi thành nhiều nhóm: Nhóm mua hàng, nhóm trông em, nhóm làm việc nhà .... Tổ mình thuộc nhóm mua hàng. Thi học kỳ xong là bắt đầu "công tác" đó nghen mày! Tôi tỏ vẻ hiểu biết: - Giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ chớ gì! - Không phải chỉ các gia đình thương binh liệt sĩ thôi đâu! Kể cả các gia đình neo đơn có con em đi bộ đội, đi thanh niên xung phong nữa! Tôi nháy mắt với Bảy: - Vậy mình kéo tới giúp gia đình thằng Đại đi . Nó có anh đi bộ đội mà! Bảy chưa kịp trả lời, Hiền đã lên tiếng: - Ba bạn Đại còn là thương binh nữa đó. Bác ấy ở tù Côn Đảo, bị tra tấn đến gãy tay . Cả bọn sửng sốt khi nghe Hiền nói . Trời ơi , nó có người cha oai thiệt oai, thành tích lẫy lừng vậy mà trước nay có giấu kỹ! Gặp tôi, tôi đã khoe ngay từ đầu năm rồi . Quang nói với Đại: - Vậy nhà mày là "đại chỉ đỏ" rồi! Hôm nào tụi tao tới mua hàng giùm cho mày nghen! Đại cười: - Thôi! Tụi mình tới giúp nhà khác đi! Nhà tao không thiếu người mua hàng đâu tao có tới năm đứa em lận! Tôi vọt miệng: - Vậy thì tụi tao tới trông em giúp mày! Đề nghị thầy Dân đổi tụi mình từ nhóm mua hàng sang nhóm trông em. Bảy, Quang, Hiền vỗ tay lốp đốp trước ý kiến của tôi và hùa vô: - Đúng rồi! Đúng rồi! Đổi thành nhóm trông em! Đại đỏ bừng mặt, nó lắc đầu nguây nguẩy: - Không được đâu! Ai lại làm kỳ vậy! Tự dưng lại kéo tới nhà tao! Tôi khăng khăng: - Không có kỳ gì hết! Tụi tao sẽ xin ý kiến thầy Dân. Quay sang tụi bạn, tôi hô: - Ai đồng ý thì đưa tay lên! Bảy, Quang, Hiền đều đông loạt giơ tay khiến Đại mặt mày bí rị. Nó không biết làm gì ngoài việc nhắc đi nhắc lại: - Không được đâu! Tao đã nói là không được mà! - o O o - Bệnh của tôi đã thuyên giảm. Sáng nay, khi ngủ dậy tôi thấy trong người khỏe khoắn hẳn lên, liền đòi đi học nhưng má tôi không cho . Má rờ đầu tôi rồi nói: - Con hết bệnh rồi, nhưng phải nghỉ thêm một ngày cho lại sức rồi mai hãy đi . Má nói, tôi không dám cãi . Và khi bước xuống khỏi giường, đi tới đi lui trong nhà, tôi thấy sức mình còn yếu thiệt, hai chân cứ run run. Thôi, cố gắng đợi đến mai vậy! Tôi tự an ủi . Trưa, như thường lệ, Bảy và Quang đem tập về cho tôi . Nhưng hôm nay, lật tập ra, tôi bắt gặp một nét chữ lạ. Không phải chữ Quang cũng không phải chữ Bảy . Tôi ngạc nhiên: - Ai chép bài giùm tao vậy ? Bảy cười mỉm: - Mày đoán coi! Tim tôi đập thình thịch trong ngực. Thực ra, không đợi Bảy đố, tôi cũng đã đoán ra chữ ai rồi . Nét chữ không đẹp nhưng mềm mại, đích thị là chữ con gái . Vậy là Hiền, chứ còn ai vô đây nữa! Chẳng lẽ Bảy đưa tập tôi cho Kim Liên hay Kim Hà chép, nó đâu có điên dữ vậy . Lật tới lật lui cuốn tập trong tay, bất giác tôi nín thở khi gặp dòng chữ ở trang sau cùng: "Mong Huy không bao giờ quên người bạn gái của mình. Hiền ". Lập tức tôi gấp cuốn tập lại, lật đật nhét dước gối như giấu một cục vàng, sợ Bảy và Quang phát hiện. Tai lùng bùng, còn hai tay thì luống cuống, điệu bộ của tôi khiến Bảy phì cười: - Mày làm cái trò gì vậy ? - Không, không! Có gì đâu! - Tôi chối phất. - Ha, ha, ha! - Bảy ôm bụng cười sặc sụa - Mong Huy không bao giờ quên người bạn gái . Mày giấu câu đó chớ gì? Tôi tái mặt: - Sao mày biết? Bảy nháy nháy mắt một cách ranh mãnh: - Sao lại không biết! Có vậy mà cũng bày đặt giấu tới giấu lui! Cho mày coi đây nè! Bảy chìa cuốn tập của nó cho tôi coi . Ở trang cuối, có dòng chữ của Hiền, nội dung nan ná như câu trong tập tôi: "Mong rằng Bảy sẽ nhớ mãi đến Hiền ". Câu của Quang còn "tha thiết " hơn: "Chúng ta đừng quên nhau ". Tôi ngượng chín người khi hiểu rằng cái câu êm ái đó không phải Hiền dành riêng cho tôi . Nó "ban phát" đồng đều hết, y như chuyện thêu khăn tay vậy . Vậy mà tôi lại đi làm cái chuyện che che giấu giấu làm như của hiếm, thiệt là bễ mặt. Dồng thời, tôi không giấu được kinh ngạc: - Nó làm cái gì mà viết tùm lum trên tập của tụi mình vậy ? Bảy không cười cợt nữa . Nó thở dài, vẻ mặt nghiêm trang: - Hiền sắp sửa chuyển trường rồi . Nó sẽ không còn học chung với tụi mình nữa! - Hả? Mày nói sao ? Tôi thốt lên, chới với . Tin của Bảy như sét đánh ngang tai . Tôi hy vọng là mình nghe lầm. Nhưng không, Bảy nói tiếp: - Thi xong học kỳ một là Hiền đi . Nó chuyển về trường Phú Lâm. Tôi vẫn không hiểu: - Sao vậy mày ? Tại sao đang học nửa chừng Hiền lại xin chuyển trường? - Tại vì nhà nó dời về Phú Lâm chớ sao! - Quang ngứa miệng chen vào trả lời thay cho Bảy . Tôi nhìn Quang nghi ngờ: - Nói thiệt hay chơi đó mày ? Hiền không ở chỗ chợ Cầu Ván nữa hả? - Thiệt mà! - Quang gật đầu - Khu nhà chỗ đó bị giải tỏa rồi . Người ta gọi đó là khu nhà ổ chuột. Còn dân ở đó thì được cấp nhà mới ở Phú Lâm, trong một chung cư vừa xây xong. Hiền dời về đó thì nó phải chuyển sang trường Phú Lâm học cho gần chớ sao! Có gì đâu mà thắc mắc! Không, tôi đâu có thắc mắc, tôi hỏi cho biết vậy thôi . Biết để mừng giùm cho Hiền. Từ nay Hiền khỏi phải sống chui rúc, ra vào trong túp nhà tối tăm, chật chội và ọp ẹp bên rãnh nước đem ngòm nơi đuôi chợ. Dọn về nơi ởmới rộng rãi, khang trang, Hiền sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong học tập. Chắc Hiền sẽ tiến xa . Nhưng còn gánh chè? Chiều chiều, bóng dáng dịu dàng của Hiền có sẽ xuất hiện trên khắp các nẻo đường Phú Lâm ngang dọc, với gánh chè trĩu trịt trên vai và lời rao ngọt ngào trên miệng, nhặt nhạnh từng đồng phụ giúp mẹ nữa không? Dường như đọc được ý nghĩ của tôi, Quang nói: - Hiền nghỉ bán chè rồi . Bây giờ buổi chiều nó đi học may . - Ủa, vậy còn một mình má Hiền bán hả - Cũng nghỉ luôn. Má Hiền mới được nhận vào bán hàng trong hợp tác xã tiêu thụ phường. Cái phường hiện giờ chớ không phải phường Cầu Ván đâu! Vậy thì tuyệt! Tôi không mong gì hơn là những điều tốt đẹp và may mắn hãy luôn luôn đến với Hiền, đến với người bạn gái của tổ năm chúng tôi . Tính tình trầm lặng, giọng nói êm ái, mắt nhìn ấm áp, lúc nào cũng vui vẻ cũng cười lúc nào cũng nhường nhịn bạn bè, lúc nào cũng mong muốn giúp đỡ người khác, người tổ viên nữ duy nhất của chúng tôi như thế đấy . Trước một người bạn gái như vậy, không ai có thể làm điều xấu . Thật vậy, sự tiến bộ của tôi từ đầu năm đến nay có một phần là nhờ Hiền. Bởi vì lúc nào tôi cũng muốn chứng minh cho Hiền thấy tôi là một con người tốt, một học sinh đàng hoàng, gương mẫu, không chê vào đâu được. Vậy mà bây giờ chúng tôi sắp phải chia tay với Hiền thường ngày có đầy đủ năm đứa ngồi học, bây giờ trống đi một chỗ, tôi thấy cay cay nơi mũi . Tự dưng tôi buồn khiến Bảy với Quang đâm buồn theo . Ba đứa ngồi ba góc như ba pho tượng, lặng lẽ theo dõi những ý nghĩ của riêng mình về "cảnh đời tan hợp". Thình lình, Bảy vỗ đét lên lưng tôi: - Có gì đâu mà buồn! Thi học kỳ xong Hiền mới đi chớ có phải đi ngay bây giờ đâu! - Dời xuống Phú Lâm, cũng ở trong quận mình chớ đâu xa! - Quang tiếp lời Bảy - Xa nó thì tụi mình cũng buồn thiệt. Nhưng nếu muốn thì đạp xe lại thăm nó mấy hồi, dễ ợt. Nói xong, nó quay lắc vai tôi: - Chừng nào tao dẫn mày tới thằng Bảy tới nhà nó chơi cho biết! Tao đến đó một lần rồi . Ờ hén! Chuyện đơn giản vậy mà mình không nghĩ tới . Thỉnh thoảng mình đạp xe lại thăm Hiền chớ có gì khó đâu . Nó viết cho mấy đứa con trai tụi tôi, dặn đừng quên nó, chắc ý là nhắc tụi tôi siêng ghé thăm nó chớ gì. Vậy mà tôi chẳng nghĩ ra . Đầu đuôi cũng tại tôi lâu nay ít tới chơi nhà bạn bè. Tôi chỉ tới lui mỗi một nhà Bảy, một phần vì nhà nó gần, phần khác vì dạo trước tôi dựa dẫm nó để cóp-pi toán. Nhà Hiền ở chợ Cầu Ván tôi cũng tới một lần, tới vì cuốn địa . Nhưng cái thời kỳ biếng nhác của tôi đã qua rồi . Từ nay, tôi phải năng tới thăm bạn bè mới được. Để được biết và làm quen với ba Đại, người thương binh đáng kính trọng. Để hiểu đời sống của nhà sinh vật và cặp thỏ thí nghiệm của nó mà từ lâu tôi hứa tới coi rồi quên bẵng. Tôi cũng sẽ đi thăm Kim Hà - Kiến Lửa, thăm Hùng, Chí, thăm Kim Liên ... Một nửa năm học đã trôi qua với bao nhiêu vui buồn, xáo trộn. Trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, tâm hồn tôi đã cảm nhận biết bao điều mới mẻ. Con người tôi, tựa như lớn hẳn lên , không phải lớn ở cái chiều cao "nhất lớp " của tôi, mà lớn trong những suy nghĩ của mình. Bất giác tôi buột miệng bảo Quang: - Chiều mai tao sẽ tới thăm cặp thỏ của mày! Nó sáng mắt lên: - Mày nói thiệt chớ! Vậy cả thằng Bảy cũng đi nữa nghen! Mà bữa nay không phải một cặp đâu! Thỏ tao mới đẻ một bầy! Kết Thúc (END) |
|
|