Cuộc sống của tôi từ sau khi cưới anh chỉ là quanh quẩn ở thành phố này, trong căn nhà rộng 305 mét vuông, có vườn hoa, thảm cỏ, ghế xích đu, có tường rào cong cong bằng sắt, có cả tiếng chim hót buổi sáng chao đậu trên các cây cao. Tôi cũng thèm đi rong chơi đến một miền đất nào đó, dẫu chỉ là một bản làng heo hút, một con đường quê đất đỏ và có thể chỉ là một làng chài ven biển. Những giấc mơ đó của tôi, Luân đều thực hiện được mỗi khi có điều kiện.
Nhưng công việc của tôi và anh khác nhau. Anh thường xuyên vắng nhà bởi anh là một kiến trúc sư tài giỏi. Công việc của tôi đơn điệu hơn anh, không đi đây đi đó. Tôi là một họa sĩ, sau khi ra trường tôi được nhận vào làm việc ở trường văn hóa nghệ thuật. Công việc của tôi là dạy học trò vẽ, rảnh rỗi thì sáng tác. Tranh tôi vẽ chủ yếu là hoa và thiếu nữ. Anh chẳng bao giờ quan tâm đến công việc của tôi, dẫu trên lý thuyết thì nghề kiến trúc cũng liên quan đến hội họa. Tôi cũng chẳng bao giờ tham dự những cuộc hội họp hoặc giao lưu bạn bè của anh, bởi tôi không thích đám đông. Cuộc sống của hai vợ chồng như thế là thuận hòa. Tỉ dụ như khi đi ăn thịt gà, anh chỉ thích ăn thịt, còn tôi thích ăn đầu, cánh và da gà, “hai vợ chồng nhờ thế khỏi mất công giành ăn với nhau” - anh cười.
Thật ra, anh là một người chồng rất tốt. Anh bảo: “Hè này rảnh, anh và em đi một chuyến Thái Lan nhé”. Tôi cũng đã chuẩn bị mọi thứ để tận hưởng chuyến đi mà theo cách nói của anh là đi hưởng tuần trăng mật.
Nghĩ lại, ngày hai đứa lấy nhau, anh là một sinh viên mới ra trường, tập tễnh làm việc cho một văn phòng kiến trúc sư, còn tôi chỉ là một giáo viên dạy vẽ. Lo đám cưới xong, dù còn nợ, hai vợ chồng vẫn quyết định đi Đà Lạt ba ngày gọi là hưởng tuần trăng mật như mọi lứa đôi khác. Mẹ tôi từng bảo rằng, có thể mai sau tụi con sẽ có rất nhiều tiền, có thể đi bất cứ phương trời nào, ở những khách sạn sang trọng, ăn ở những nhà hàng đắt tiền, nhưng chuyến đi của những ngày đầu mới thành đôi lứa mới là chuyến đi có ý nghĩa. Vậy là hai vợ chồng son trẻ cùng đi hưởng tuần trăng mật trên chiếc xe máy.
Chuyến đi Đà Lạt của hai đứa rơi vào những ngày mưa. Khi ấy, tôi chợt nhớ đến câu thơ của ai đó: “Anh chọn ngày mưa gió để yêu em”. Để rồi trong ba ngày mưa gió đó, hai vợ chồng ở đủ ba ngày trong khách sạn, đi ăn, rồi trở về, chẳng có một tấm ảnh kỷ niệm nào và chẳng có chuyến tham quan nào. Nhưng trong cơn mưa giăng mù đất mù trời của Đà Lạt, lòng tôi luôn ngập tràn hạnh phúc. Hạnh phúc mà tôi nghiệm ra trong chuyến đi với anh chính là được ở bên cạnh người mình thương yêu và được thương yêu.
Những ngày mưa Đà Lạt đó trở thành kỷ niệm khó quên trong đời sống vợ chồng chúng tôi. Để rồi những ngày sau đó, hai vợ chồng lại bận rộn với những công việc của mình. Tôi quen đi trên con đường nhỏ, ngang qua cái chợ nhỏ họp vội buổi sáng với những người bán hàng cứ trải một tấm vải dầu ra đất, rồi bày biện hàng hóa của mình đợi người mua. Tôi quen lớp học vẽ của mình nằm trên tầng một, với những cô cậu học trò đam mê nghề vẽ giống như tôi thời nhỏ. Công việc của tôi đều đặn những bước chân đi và về trên một con đường quen, còn công việc của anh ngày lại càng vắng nhà. Những bữa cơm có chung chồng vợ theo thời gian trở nên hiếm hoi. Mãi rồi tôi cũng quen cách sống một mình trong căn nhà mà bằng công sức của chính anh tạo dựng lên. Tôi quen cách anh nhắn tin: “Em ăn cơm một mình nhé. Hôn em”; quen cách anh gọi điện: “Vợ yêu, anh nhớ em quá, tối nay anh về trễ đó”.
Tôi buồn, mỗi ngày một buồn hơn. Tôi buồn bởi âm thanh của chiếc tivi cứ đều đều đủ mọi thông tin của cả bao nhiêu kênh ở đó. Tôi buồn với cả những giọt mưa cứ vội vã rơi, thấm vào trong đất. Tôi buồn sau những giờ dạy lại ghé chợ chồm hổm mua bó rau, ít thịt, cá, nấu xong thì ăn một mình, không hết thì hâm đi hâm lại. Bản tính tôi vốn tằn tiện, dù Luân làm ra rất nhiều tiền. Có khi, anh đi tiếp khách về, mua nguyên một con gà rô ti, hay những món ăn tôi thích, rồi bảo: “Anh biết em thích món này, em ăn đi nhé”. Xong việc anh lại đi tắm rồi vào phòng, trở mình với những bản nhạc trữ tình mở ra từ chiếc loa nho nhỏ, và anh ngủ.
Tôi không thể nói với Luân rằng lâu lắm rồi anh không chở tôi đi đâu. Anh còn lời hứa với tôi về chuyến du lịch Thái Lan. Anh hẹn với tôi kỷ niệm 5 năm ngày cưới, anh sẽ bỏ hết mọi công việc, sẽ tắt điện thoại, không mang laptop theo. Có nghĩa là hai đứa sẽ đi hưởng tuần trăng mật đúng nghĩa, bỏ lại phía sau những bận bịu đời thường. Nghĩ cho cùng, có biết bao nhiêu người phải mệt nhoài vì chuyện cơm áo, mà đôi khi họ đi trọn cả một đời người vẫn không đạt được giấc mơ.
Nhưng tôi đã bảo với anh: “Thôi, đi nước ngoài theo kiểu đi tour không thích bằng đi trong nước theo kiểu bụi bụi đâu. Hay là mình đi một chỗ nào trong nước chẳng hạn, em thích một nơi không phải là đi du lịch”. Vậy là anh và tôi cùng quyết định đi Quy Nhơn.
Tôi luôn có ý nghĩ lạ đời như thế. Tôi thích đi đến Quy Nhơn để có thể leo lên tháp Bánh Ít, ngắm nhìn đất trời trên ngọn tháp thênh thang kia. Và Quy Nhơn còn rất nhiều điều mà tôi muốn khám phá. Đó là biển Gềnh Ráng gắn liền với câu chuyện tình thương đau của nhà thơ Hàn Mặc Tử, đến Hầm Hô để nhìn những cây lộc vừng nở hoa hay tới Tây Sơn ghé nơi xưa vua Quang Trung từng dựng cờ khởi nghiệp. Anh ngạc nhiên khi tôi nói điều đó: “Ủa, sao em biết nhiều về Quy Nhơn vậy?”. Tôi cười với anh: “Em đọc trên mạng đó mà”.
Nhưng chuyến đi Quy Nhơn đã vỡ tan trong cơn mưa chiều nay. Nó vỡ như người ta ném mạnh một chiếc ly thủy tinh vào bức tường. Tôi đã khám phá ra điều bí mật của Luân mà anh không ngờ tới.
Chiều hôm đó, anh để chiếc laptop ở nhà. Chiếc laptop của tôi bị vi rút nên tôi lấy máy anh chơi trò chơi Pikachu mà tôi vẫn thích.
Anh cài yahoo chat tự động. Vừa mở máy ra, tôi đã đọc những dòng tin nhắn của cô gái nào đó tên Trâm Anh. “Sao hai ngày nay anh không tới nhà em? Anh bận lo cho bà vợ đỏng đảnh ở nhà phải không? Anh chuẩn bị mọi thứ để mình đi Thái chưa? Anh cứ đưa vợ anh đi Quy Nhơn vui vẻ rồi hai đứa mình tiếp tục đi anh nhé”.
Tôi không thể tin nổi. Tôi bỗng tò mò mở lại những tin nhắn còn lưu trên máy. Rõ ràng là anh và cô gái tên Trâm Anh quen nhau rất lâu rồi. Thỉnh thoảng cô ta đi cùng với anh trong những chuyến công tác.
Như một phản xạ, tôi tắt điện thoại. Tôi phóng xe dưới cơn mưa. Và dừng lại ở một quán cà phê. Mưa bên ngoài hắt vào làm nhòa mắt tôi. Tôi không khóc, tôi tự nhủ là không có giọt nước mắt nào trong cơn mưa. Tôi cần phải ngồi rất lâu ở quán cà phê này trước khi có quyết định sẽ làm cho tôi rất đau đớn.
Kết Thúc (END) |
|
|