Thạch Phủ người nước Tề, thời Xuân thu. Có tiếng là tài giỏi, nên được lắm kẻ thương yêu và… ghen ghét. Vợ của Thạch Phủ là Lã thị, thấy vậy, mới than thở với chồng rằng:
- Khôn chốn bạo tàn, khôn ấy dại. Dại chốn bạo tàn, dại ấy khôn. Nay vận nước đang hồi loạn lạc. Lòng dân ly tán - mà chàng cứ nổi bật kiểu ni - ắt sẽ có ngày chàng hối hận, rồi lúc ấy thiếp làm sao sinh sống? Giữa chốn bụi đời lắm sự truân chuyên? Lắm cái u mê của oai quyền danh vọng?
Thạch Phủ liền nắm lấy tay vợ, mà khẳng khái đáp rằng:
- Ở đời có ba cái nhiều mà không tốt. Đó là đường, muối và lòng do dự. Nay ta một lòng lo xây đắp. Cuộc sống an lành cho thế hệ mai sau, thì chẳng thể sợ… tiểu nhân mà đắp mền mãi được. Chớ cái giỏi ni mà không dùng chi hết ráo - thì đứng nhìn Trời - Chẳng hổ thẹn hay sao?
Lã thị nghe chồng nói vậy. Lòng bỗng dâng lên một niềm hãi sợ, rồi rầu rầu suy nghĩ tự mình ên:
- Nóng giận khác nào như cơn gió, sẽ thổi cái ào tắt ngọn lửa thông minh, thì ta không thể thiếu nghĩ suy mà làm liều mãi được. Chi bằng ta cứ cầu xin tới tới. Mong Cậu dắt dìu đến được bến bình yên, thì nải chuối tiêu ta sẽ tâm thành dâng Cậu. Chớ đến nước ni mà không mần không tính - thì nghĩa vợ chồng - Biết có còn kéo nữa đặng hay chăng?
Đoạn, thở hắt ra một tiếng, rồi tha thiết mà nói với Thạch Phủ rằng:
- Danh là một loại y phục không hình, không màu sắc song vô cùng rực rỡ. Danh càng rực rỡ thì lại càng đáng sợ, bởi nó là mầm ganh tị. Nó sẽ đem tai họa đến cho người mang nó. Phần chàng. Dẫu trải tấm lòng ra, nhưng tha nhân mấy ai hiểu được điều trân quý đó? Hay lại đâm bị thóc thọc bị gạo, để ngày qua ngày chàng phải… héo úa đi, thì chữ phu thê làm sao mà ấm mặn? Đó là chưa nói càng nổi rền tăm tiếng, hẳn thiên hạ tìm về mỗi ngày một dày hơn, thì sung sướng chi mà chàng muốn này muốn nọ? Bởi chúng đến đông thì chàng mau chết gấp. Mau chóng giã từ vợ mọn quá ngây thơ. Mau chóng ra đi khi tóc còn chưa bạc. Chớ Danh cho lắm mà tan tành xí quách, thì mê đắm làm gì cho nhọc hở chàng ơi!
Thạch Phủ nghe vậy, liền hất tay vợ ra, mà bực bội gắt tràn:
- Tuyết trước cửa nhà ai nấy quét. Việc của ai người nấy lo. Còn bà. Thêu thùa may vá lại chẳng lo, mà cứ thích xen vô… bình thiên hạ, thì có còn hiền phụ được hay chăng?
Một hôm, Thạch Phủ bị người vu tiếng xấu, nên bị bắt giam. Bọn nha lại đòi ba mươi lạng bạc mới được thả về. Bằng không sẽ giải về kinh xử xét. Lã thị hổng biết mần răng, bởi của cải trong tay chỉ chưa đầy hai mươi lạng, nên trong lòng bừng lên như lửa đốt. Tựa như kiến cả đàn dẫm nát ruột gan tim, thành thử nước mắt tuôn không sao cầm thắng được, khiến sự sáng suốt bỗng ào nhiên tan biến, mới chạy vào nhà thắp vội nén nhang thơm, mà vái lịa vái lia rồi khấn này khấn nọ:
- Chồng con chẳng may vướng vào kiếp nạn. Thọ lãnh tai ương. Lành ít dữ nhiều. Nay kính xin Cậu Bà từ cao soi xét. Viện dẫn điều ngay, để đấng phu quân sớm ra vòng lao lý - thì ân đức này - con nguyện sẽ hết đời báo đáp. Không thể nào quên…
Ngày nọ. Thạch Phủ bị dẫn độ tới kinh đô. Thời may có Án Tử từ xa bang tới, liền dừng cương lại hỏi thăm điều cớ sự. Khi hiểu rõ ngọn nguồn, Án Tử liền sai gia nhân đem tiền đến chuộc, rồi đưa về nhà. Thạch Phủ bỗng nghe lòng hưng phấn, như thể ngày nào khăn đóng bưng trầu rượu chạy qua, mà mát tận tim gan rồi nghĩ này nghĩ nọ:
- Có phần không cần gì lo. Thiệt là người xưa nói chơi chơi mà lúc nào cũng đúng.
Về đến nhà. Án Tử sai gia nhân dọn phòng cho Thạch Phủ nghỉ tạm, rồi vào nhà trong, mà chẳng nói thêm gì nữa cả. Mấy hôm sau, Án Tử cũng mần y như rứa. Vợ của Án Tử là Hàn thị, thấy vậy, mới ngạc nhiên mà hỏi rằng:
- Người ta bị hàm oan. Chàng ra tay cứu giúp, rồi đưa người ta về ở tạm, mà chẳng nói gì. Là cớ làm sao? Hay lại thích… bỏ dùi quên trống?
Án Tử đáp:
- Nước có thể làm chở thuyền, mà cũng có thể làm đắm thuyền. Vật tự bản chất nó. Không hẳn là thiện. Không hẳn là ác. Vậy thiện hay ác, là do cái Tâm của người mà ra. Việc của Thạch Phủ cũng tuồng y như rứa. Chớ có gì đâu mà nàng phải làm lớn chuyện - khiến đụng chữ phu thê - thì cái sai đó nàng mau mà dừng lại…
Hàn thị bỗng cười nhạt một tiếng, rồi mạnh dạn nói rằng:
- Người giàu có khi nào xem trọng kẻ nghèo? Nay chàng đang làm quan Tướng Quốc, thì xá gì bọn khổ cực dân đen, mà vướng víu chi cho bận lòng quân tử?
Nói rồi, nhìn thẳng vào mắt của Án Tử, mà quyết liệt những lời xuất phát tận tâm can:
- Chàng cứu người. Chỉ vì muốn nổi danh. Chứ thực ra chẳng có thương yêu gì hết cả. Có phải vậy chăng?
Án Tử mặt mày tái mét. Mắt trợn ngược lên. Mãi một lúc sau mới lớn tiếng mà nói rằng:
- Bất cứ làm việc gì, ta cũng tự vấn Lương Tâm, để xem việc đó có làm cho ta hổ thẹn. Còn dư luận của người đời ra sao, ta chẳng cần biết đến. Bởi ta luôn nhủ thầm: Phàm làm việc gì, là làm cho mình. Chớ nào phải làm cho người ta, mà sợ dư luận hợp hay là không hợp? Phần nàng không khen chồng thì chớ - lại buông lời nói ngược nói xuôi - Há chẳng khiến cho thiên hạ cười chê trách móc?
Hôm sau, Án Tử đang ngồi uống cà phê với vợ. Chợt Thạch Phủ bước vô, rồi ấp úng nói rằng:
- Tôi được ông ra tay cứu giúp, rồi cho về đây ở tạm. Lo đủ miếng ăn. Áo quần tươm tất. Nay tôi xin lạy ông một lạy. Trước là cám ơn tấm thịnh tình ông đã dành cho tôi. Sau thay lời từ biệt. Chớ cứ nơi đây ngày đêm nương náu - mà thui thủi một mình - thì còn luyến tiếc đất ni làm chi nữa?
Nói rồi. Quỳ xuống mà lạy. Án Tử vội đỡ lên, rồi tha thiết nói rằng:
- Tôi dù chẳng ra gì, song cũng vừa gỡ được tội cho ông. Sao lại nỡ nào đối xử với tôi… cạn tàu như thế?
Thạch Phủ ngậm ngùi, đáp:
- Tôi nào dám đối xử với ông như thế. Chẳng qua tôi nghe người quân tử gặp phải kẻ bất tri kỷ thì cực thân. Gặp người tri kỷ thì hả dạ. Nay tôi đã gặp người vu hại giá oan, rồi được ông đây cứu ra vòng lao lý - thì với tôi - Ông là người tri kỷ. Mà giả như ông không nhận tôi là người tri kỷ, rồi bỏ mặc không một lời đoái đến, thì chẳng thà tôi mắc nạn còn hơn. Chớ không thể sống dây dưa thế này mãi được!
Án Tử nghe ra bỗng sinh lòng kính trọng, rồi trong bụng nghĩ thầm:
- Thằng này thấu hiểu tình đời, mà lại có tài có trí. Ngang nhiên nói rõ lòng mình mà không sợ mất lòng ân nhân, thì rõ ra là người có gan nhiều lắm vậy. Người này mà dùng đúng nơi đúng chỗ, thì trên có thể trị quốc an dân, dưới đem lại yên bình cho bá tánh…
Đoạn, tôn Thạch Phủ lên hàng thượng khách. Nhất mực ân cần. Tiếp đãi nồng hậu, khiến Phủ cảm phục trong dạ mà âm thầm nghĩ tựa như ri:
- Ta nặng lời oán trách, mà Án Tử lại vui lòng đón nhận. Chẳng những không mang niềm buồn phiền trong tâm tưởng, mà còn mở lượng hải hà dung thứ đỡ nâng, thì đúng là kẻ yêu quý người hiền như chính thân mình vậy. Những tưởng, ở cõi hồng trần lắm đục ít trong - thì khó mà có được một tấm lòng như Án Tử - Nào dè xa đâu hổng thấy lại chình ình ngay trước mặt, thì thiệt là… quá đã!
Phần Hàn thị thấy chồng mình biết nghe lời phải trái. Rộng lượng bao dung, mới bừng bừng bảo dạ:
- Đàn ông. Dáng thì to. Tiếng thì hùng, nhưng thật ra chỉ là đồ… giả để chưng. Chớ chẳng được chút ngô khoai gì hết cả!
Nghĩ vậy, mặt mày bỗng hớn hở, khiến mắt sáng long lanh. Miệng cười chúm chím. Như thể tuổi thanh xuân đang ào ào dấy động, nên chốn tâm can bỗng rần lên lửa cháy, mới đã cả lòng mà nghĩ thật mông lung:
- Đàn ông mà không vợ, thì như thuyền không lái. Như phản gỗ long đong. Như bánh bông lan thiếu men không thèm… dậy. Cho nên cõi dương gian nói cũng chẳng có gì là quá, khi cho rằng: Vợ là… mẹ của người ta. Như bá mẫu chăm con như gà dang cánh rộng…
Ngày nọ, Án Tử đang ở thư phòng làm việc. Chợt Thạch Phủ bước vào. Xá cho một phát, rồi thẳng thắn nói rằng:
- Chim có tổ. Cây có cội. Nước có nguồn. Người có… thê. Nay tôi đã cách chia với hiền nội qua ba mùa lá rụng, nên trong lòng chẳng đặng phút nào yên, khiến khi ngủ khi ăn cứ mong ngày hội ngộ. Vậy nếu ông không thấy gì cấn cái. Có thể nào, bắc nhịp cầu cho đôi lứa đặng gặp nhau?
Án Tử cười cười, đáp:
- Vợ chồng là duyên trăm năm. Không phải duyên sớm tối, thì lỡ có cách xa thêm vài năm nữa - cũng chẳng hề chi - nếu so với cả trăm năm tâm đầu ý hợp…
Thạch Phủ bỗng mặt mày tái mét. Lạnh toát cả người, khiến miệng cứ ấp a không sao mà nói được. Mãi một lúc sau, mới thu hết can đảm đặng tỏ bày khúc mắc tận trong tim:
- Người ta lấy lửa thử vàng. Lấy vàng thử đàn bà. Lấy đàn bà thử đàn ông. Lấy đàn ông thử… rượu. Nay tôi ở chốn này được ăn trắng mặc trơn. Kẻ hầu người hạ, trong khi hiền nội ở quê nhà thì phòng không chiếc bóng, khổ nhọc tìm… đô. Tôi chỉ sợ rằng: Cái nghèo đang vây bủa. Tin chồng lại biệt tăm, thì khó giữ cho chữ phu thê sống hùng sống mạnh. Rồi lỡ một mai liều thân vui duyên mới - thì phận trai này - Biết có còn vui sướng được không đây?
Án Tử bỗng dõi mắt nhìn vào cõi hư vô, rồi đứng lên đến gần bên Thạch Phủ, mà mạnh dạn nói rằng:
- Giàu đổi bạn. Sang đổi vợ. Tôi thấy ông là người có thực tài. Lòng mong tiến dẫn với ngôi cao, để cùng nắm tay mà lo cho đất nước, nên tôi muốn ông ở đây để dễ dàng vui duyên mới, đắp dựng tương lai. Chớ có dè đâu ông vẫn vướng mắc với ngày xưa tháng cũ. Vướng hình hài phai nhạt với thời gian, thì tôi hỏi ông: Có còn là… quân tử?
Thạch Phủ nghe thế mới tá hỏa tam tinh, rồi hớt hãi đáp rằng:
- Nội tử tôi tuy già và xấu, nhưng cùng tôi ăn ở đã lâu. Kể từ lúc còn trẻ và quá chừng là đẹp. Xưa nay. Đàn bà lấy chồng lúc trẻ cốt để nhờ cậy lúc già. Lúc đẹp để nhờ cậy lúc xấu, và tôi với nàng đã nhờ cậy lẫn nhau. Ngay trong lúc sáng trưng cũng như thời hoạn nạn. Nay ân nhân lại muốn tôi bỏ đi điều ân nghĩa đó - để bội bạc với nàng - thì tôi chẳng thà chết rục ở nhà giam. Chớ không thể bỏ bờ qua bến khác!
Đoạn, chắp tay lạy Án Tử hai lạy. Quyết lòng không nhận. Lúc ấy, Hàn thị ở phòng trong. Nghe hết đầu đuôi câu chuyện, mới bụng bảo dạ rằng:
- Chồng ta đem danh lợi và nữ sắc ra mà nhử. Nào dè Thạnh Phủ vẫn một dạ trung… trinh, thì rõ ra là người có thể cùng chồng ta giữ gìn an vui cho bá tánh. Lo việc nước non. Chớ không phải hạng mới có chút tiền của chức tước - đã vội bỏ vợ nhà - để sống đời phụ bạc, mà chẳng để ý gì đến hậu vận mai sau, thì thiệt là… hết biết.
Kết Thúc (END) |
|
|