Đoàn tàu khách trườn qua đường đèo vắt ngang lưng núi. Trong toa tàu, khách còn ngon giấc, chỉ có Thuấn ngồi nghe gió gào rít, xô đập ô cửa. Phía vịnh biển, những chấm sáng ngư đăng trông như hạt tấm vung vãi trên dải lụa đen. Vẫn âm thanh xình xịch quen thuộc, nhưng nhịp gõ bánh sắt chậm lại khi đoàn tàu uốn lượn vòng cua. Lòng Thuấn nôn nao khi sắp tới quê nhà.
Con đường mưu sinh gập ghềnh đẩy đưa Thuấn vào nhịp sống tất bật ở thành phố phương Nam, nhưng hoài niệm về miền quê bình dị cứ chập chờn trong giấc ngủ. Lắm khi mùi thơm nắm rơm mùa gặt lẫn mùi bùn ngai ngái quê xa đánh thức giấc chiêm bao, khiến Thuấn bật dậy nửa đêm, quờ quạng kiếm tìm như kẻ mộng du. Thiếu thời, Thuấn đã trải qua những chuỗi ngày vất vả. Cắt lúa, mò cua, bắt ốc, cuốc đất, chăn bò... là chuyện thường ngày. Kể cũng lạ, bây giờ Thuấn sống chẳng thiếu thứ gì, nhưng trái gió trở trời một chút là phải đến bác sĩ. Còn hồi trước, suốt ngày dầm mưa dãi nắng, cuốc đất lật cỏ, cơm không đủ no, áo không đủ ấm mà chẳng mấy khi đau ốm. Quá nửa đời, hơn hai chục năm xa quê, từ một người làm công ăn lương, Thuấn gặp cơ may phất lên giàu có.
Đêm cuối hạ, Thuấn rời xưởng gia công giày dép sau giờ tăng ca. Đang đạp xe qua chiếc cầu dẫn vào khu tạm cư, bất chợt có tiếng động lạ thường, lẫn tiếng người rên rỉ dưới khóm bèo. Dò dẫm và nhận ra cô gái bê bết bùn đất, vết thương ở cổ chảy máu, Thuấn xốc lên, cõng ra lộ, vẫy taxi đưa vào bệnh viện. Ú ớ như ngậm hột thị khi bác sĩ hỏi tên tuổi, địa chỉ nạn nhân nên Thuấn gặp rắc rối. Cô gái hôn mê chưa rõ ra sao, cảnh sát tạm giữ Thuấn để thẩm vấn. Ông chủ xưởng giày dép nhìn Thuấn bằng ánh mắt nghi ngại. Tới khi nạn nhân hồi tỉnh, hung thủ bị bắt thì Thuấn đã thất nghiệp.
Đang nghĩ vẩn vơ, chợt có tiếng gõ cửa. Người đàn ông ngoài sáu mươi, tóc hoa râm bước vào, nép sau là một cô gái. Mận đấy ư? Thuấn nhận ra không chỉ vì khuôn mặt trái xoan, mà còn vì vết sẹo ở cổ. Ngã rẽ cuộc đời Thuấn bắt đầu từ đó. Trông coi xưởng mộc mỹ nghệ xuất khẩu của gia đình Mận non một năm thì hai người thành vợ chồng. Ra riêng, Thuấn được nhà vợ hỗ trợ vốn liếng lập doanh nghiệp, mở rộng sản xuất, kinh tế gia đình phất lên như diều gặp gió.
Trở thành ông chủ, mỗi khi Thuấn ra khỏi biệt thự, có ô tô bóng nhoáng đón đưa. Công việc kinh doanh chiếm hết quỹ thời gian mỗi ngày nên mấy lần Thuấn dự tính về quê tu sửa phần mộ bố mẹ nhưng đều gác lại.
Kỷ niệm chuyến tàu thời xa lắc đưa Thuấn rời quê, khởi đầu cuộc mưu sinh bỗng dưng trỗi dậy, xốn xang trong lòng, khiến Thuấn từ chối đi máy bay, cũng chẳng màng tới ô tô riêng. Mận ngạc nhiên đến nghi ngại. Chẳng biết công chuyện làm ăn có vấp phải trở ngại không mà chồng mình đổi tính tới mức mua vé tàu ghế cứng suốt chặng đường hơn nửa ngàn cây số.
* * *
Đoàn tàu lầm lũi chui qua đường hầm cuối cùng, nhịp gõ xình xịch đánh thức ký ức quê nhà. Bạn thân ở quê của Thuấn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dò hỏi người quen, nghe đâu thằng Bảo mất sau cú sập hầm khi lên miền núi đào đãi vàng sa khoáng. Thằng Trân trúng cử Hội đồng nhân dân xã, giờ là Chủ tịch. Thằng Tính, thằng Bảo theo nghề giáo. Còn Trang, hoa khôi của trường nhưng duyên phận hẩm hiu, bị chồng ngược đãi nên bồng con ba tuổi từ phố về quê làm ruộng... Thuấn tính, lo xong việc nhà sẽ rủ đám bạn thả mình trên bãi cỏ nghe tiếng ếch nhái đồng xa tranh nhau hối hả, đốt nắm rơm khô nướng con rô đồng nhâm nhi rượu gạo, lội ruộng đặt trúm bẫy lươn, ra bầu câu cá...
Mọi suy tưởng tan biến bởi hồi còi tàu báo hiệu vào ga. Thuấn lấy túi hành lý, xuống tàu. Thay vì lên taxi tựa lưng cho đỡ mệt, Thuấn gọi xe ôm. Vào tới bìa xóm Bầu Súng, trả tiền xong, Thuấn tần ngần bên hàng cây so đũa lao xao trước gió, chợt nhớ đến một người. Phải rồi, còn Sương nữa chứ. Sương kém Thuấn ba tuổi nhưng gần gũi, thân thiện lắm. Hai nhà cách nhau bờ rào râm bụt, lần nào nấu canh chua bông so đũa Sương cũng bưng qua một tô nóng hổi. Lúc còn sống, mẹ Thuấn bảo: “Mày chịu ưng con Sương, tao qua thưa vợ chồng chú thím Tám một câu”. Thiệt tình, Thuấn cũng thương Sương, nhưng nhà còn khó, nên chưa nghĩ chuyện vợ con. Ngày Thuấn rời quê, Sương đãi món canh chua bông so đũa, miệng nửa đùa, nửa thật: “Vô thành phố làm ăn giàu tới cỡ nào cũng đừng quên món canh nhà quê này nghen”.
Bây giờ, bàn tay Thuấn đã chạm chùm bông so đũa bìa xóm, nỗi nhớ Sương xốn xang. Thuấn khoác túi xách bước nhanh vào xóm. Sớm tinh mơ, miền thôn dã thật thanh bình. Thuấn bước ra giếng múc nước mát vỗ mặt, ngước nhìn bên kia bờ rào, chợt thấy nao lòng. Ngôi nhà chú Tám hoang sơ trống vắng. Chú Tám đi xa ba năm có lẻ. Thím Tám theo anh con cả lên Tây Nguyên, còn Sương nghe đâu lấy chồng xa lắc.
Tất bật việc nhà xong, Thuấn mệt lả, nhưng vẫn tìm Sương theo địa chỉ dì Năm lục lại trong trí nhớ. Từ thị trấn miền núi, Thuấn đi xe máy theo con đường ngổn ngang sỏi đá, quanh co len lỏi giữa cánh rừng nối tiếp những ruộng mía. Non trưa Thuấn mới đến buôn Khăm. Cậu bé nước da đen nhẻm, tóc cháy màu nắng ngẩn ngơ nhìn Thuấn giây lát mới sực nhớ cái tên người đàn bà mà ông khách lạ vừa hỏi. Nó nhảy tót lên xe máy, chỉ đường Thuấn.
Đón Thuấn ở sân đất nhỏ hẹp trước ngôi nhà xập xệ là hai bé gái giống Sương như đúc.
- Xin lỗi. Má cháu là Sương. Nguyễn Thị Sương, quê dưới xóm Bầu Súng? - Thuấn cẩn trọng dò hỏi.
- Dạ, đúng - đứa lớn vừa đáp, vừa chỉ tay về phía bàn thờ đặt di ảnh người phụ nữ có đôi mắt buồn.
Cảm giác hụt hẫng khiến Thuấn đứng lặng hồi lâu khi nghe bé gái sụt sùi kể:
- Ba cháu đi điệu tìm trầm, biệt tích hơn hai năm. Một mình má vất vả lo toan cuộc sống gia đình. Má tính sau mùa đậu đỏ năm nay sẽ đưa tụi cháu về quê ngoại sinh sống. Ai ngờ một trận sốt rét ác tính đưa má đi xa gần ba tháng nay.
Nói tới đó, đứa bé bật khóc. Thuấn cảm thấy cay cay trong mắt. Quá xế, Thuấn ra nghĩa trang bên sườn đồi lộng gió. Chờ cho nén hương trước ngôi mộ Sương sắp tàn, Thuấn thẫn thờ bước đi giữa ánh chiều mênh mang nỗi buồn. Bất chợt Thuấn nhìn thấy ở vực suối có cây so đũa. Những chùm bông trắng tinh khiết, gợi nhớ bát canh chua ngày xa quê.
Suốt đêm đó, nằm trên chiếc chõng tre trong ngôi nhà nhỏ ở miền sơn cước, Thuấn không ngủ được. Trời chưa sáng tỏ, Thuấn bật dậy, ra bờ suối chọn những chùm bông so đũa, nấu bát canh tưởng nhớ người em gái một thời xa lắc nhưng đầy ắp kỷ niệm khó quên.
Kết Thúc (END) |
|
|