Ba mất sớm, con cháu ở xa, mạ sống một mình ở quê. Khi gia đình anh chị có cái ăn cái mặc tương đối đủ đầy thì mạ đã già yếu. Vợ chồng anh muốn đưa mạ vô Nha Trang ở cùng, nhưng mạ nói còn vườn tược, mồ mả tổ tiên ai lo, với lại mạ quê mùa, không quen ở thành phố ồn ào, khói bụi, đắt đỏ. Mấy đứa em cũng xúm vào thuyết phục, nói mãi mà mạ không nói lại câu nào nên đành thôi.
Thương mạ, lễ, Tết, bão lụt, mùa lạnh, hoặc thi thoảng có ai về quê thì vợ anh chủ động gửi về cho mạ áo quần, khăn ấm, đường, sữa, bột ngọt... và một ít tiền. Việc này như thành một thông lệ. Anh biết ơn vợ nhưng để trong lòng không nói ra. Khổ nỗi, mạ chi tiêu quá tằn tiện, có mua cá ăn thì cũng chỉ mua cá cơm, cá nục, cây trái trong vườn bòn mót bán được thứ gì cũng lụm cụm gói ghém cẩn thận từng đồng bạc lẻ và cất giấu kỹ tận đáy tủ, không dám tiêu pha như người khác. Nhiều thứ quà của chị gửi về, mạ chỉ đem khoe với họ hàng, láng giềng rồi cất để dành, không hề đụng tới. Anh bảo: “Thôi em đừng gửi nữa, hôm trước đứa cháu họ mới điện vào cho anh nói, chú thím ơi, mấy thứ đó mệ cất mãi trong rương, cháu xem kỹ nó hết hạn rồi”. Chị buông một câu: “Bà thiệt là...” rồi ngồi im không nói nữa, nét mặt chị đượm buồn, có chút phảng phất khó chịu.
Lần về quê mới đây để chạp mả họ, vợ chồng mấy đứa em ở xa cũng về, anh gọi dâu rể lại họp gia đình, nói anh chị ở xa lo tiền, đứa nào sắp xếp được công việc thì sớm đưa mạ vô Đà Nẵng làm cho mạ hai hàm răng giả loại tốt. Mạ cười móm mém hỏi: “Hết bao nhiêu tiền bây?”. Thằng em út nói ước khoảng vài chục triệu đồng cho bộ răng tốt đó mạ. Mạ cười, hai hàm chỉ còn lợi, nói: “Cả đời tau và ba chúng mày nuôi 3 trai, 2 gái, giờ đứa nào cũng yên bề gia thất, cũng nhà cao cửa rộng mà chưa bao giờ trong nhà mạ có vài triệu, khoai sắn hàng ngày thế mà đứa con nào cũng lớn bằng người, được học hành tử tế. Tau già rồi, sống được bao lâu cần chi răng với cỏ cho tốn tiền, ăn uống trệu trạo cũng qua bữa. Thôi, các con để mấy chục triệu đó nuôi các cháu ăn học cho thành người”. Khuyên mãi không được, cả năm anh chị em ngồi lặng người, thương mạ không nói thành lời. Thế là ý định muốn có một chút báo hiếu cho mạ vào cuối đời của mấy anh em không thành. Ai cũng buồn.
Lần anh nhân tiện đi công tác Hà Nội, ghé qua quê, đưa mạ vào Nha Trang chơi với con cháu. Thương mạ một đời khổ, sáng nào anh chị cũng đưa mạ đi ăn quán ngon. Ngày thứ nhất đến Thờn Bơn, mạ nói ồn ào quá, rồi hỏi đi hỏi lại một ly cà phê bao nhiêu tiền. Ngày thứ hai đến nhà hàng Đèn Lồng Đỏ, mạ nói vô chi chỗ sang trọng cho tốn tiền rồi hỏi có bánh canh không. Vợ anh chọn món ngon, mời mạ ăn, mạ nói ở quê ăn sáng bằng bánh canh là sang rồi. Ngày thứ ba, nhân có cô gái út đang học đại học ở TP. Hồ Chí Minh về, cả nhà ríu rít bàn đến chỗ nào ngon ngon, có món phù hợp với ở quê mình, thì mạ nói các con đi đi, mạ ăn hàng quán lạ bụng lắm, ở nhà ăn chút cơm nguội còn hôm qua kẻo uổng. Cả nhà thất vọng tràn trề, thuyết phục mạ cách chi cũng không được. Con út nói mệ làm cả nhà mất vui, anh lừ mắt, nó ngúc ngoắc bỏ đi, mặt buồn xo. Chị gọi lại dỗ dành con gái rồi khuyên phải học đức tính của mệ luôn luôn tự lập, không lệ thuộc ai, biết tiết kiệm chi tiêu, sống trong sạch và nhân hậu để sau này ra với đời con ạ.
Ngày mạ mất đột ngột, cả nhà vội vàng lên tàu hỏa lúc nửa đêm, gặp mưa to, đường tắc, nằm chờ nhà tàu giải quyết sự cố mãi đến tối mịt ngày hôm sau mới đến quê. Chưa kịp vào ngõ, đứa cháu chạy ra nói chú thím và mấy em vào mau mau, vuốt mắt mấy lần mà mệ chưa chịu nhắm, chắc chờ nhà chú thím và các em về.
Hôm đưa mạ lên đồi, mấy đứa cháu khuân một bao tải áo quần của mạ để hóa lửa. Khi mở ra, đứa cháu gái gọi chị lại nói, đây, những bộ áo quần đẹp của thím may gửi về cho mệ, mệ chỉ mang khi đi ăn giỗ, ăn cưới để khoe của con dâu trong Nam gửi về, rồi lại cất vào rương, dặn khi nào mệ chết mang theo cho mệ. Còn tiền bạc các chú thím gửi về cho, cùng với tiền bán cây trái trong vườn thì bao nhiêu năm nay mệ dành dụm gửi cho mỗi đứa cháu nội, ngoại một cuốn sổ tiết kiệm để thưởng công học hành.
Chị run run lật qua lật lại mấy bộ đồ đẹp mình may cho mẹ chồng bao nhiêu năm rồi mà thấy vẫn còn như mới, rồi lặng lẻ hóa lửa từng thứ một. Làn khói quyện với mùi nhang trầm thơm ngát nhẹ nhàng bay lên cao. Chị ngước nhìn theo, ở trên đó màu trời xanh biếc không một gợn mây, không kìm được nước mắt, chị khóc nức nở gọi: “Mạ ơi...”.
Kết Thúc (END) |
|
|