1.
Nhà tôi có 6 người anh chị em. Chị Tư là con giữa.
Ngày nhỏ, tôi nghe mẹ kể, dù có anh chị lớn nhưng đỡ việc nhà chính cho mẹ lại là chị Tư. Chị Hai nhỏ con, chậm, yếu, làm mẹ không ưng. Anh Ba là con trai, được cưng chiều nên ham chơi. Chị Tư tốt tính, thật thà, siêng năng, đùn bao nhiêu việc cũng ôm, miễn sao có được vài lời khen mát ruột!
Cha mất sớm, anh chị đi học xa, ở nhà, chị Tư phụ mẹ chăm một bầy em lít nhít, trong đó có tôi. Hết việc đồng tới việc nhà, chị quần quật gánh vác tất bởi mẹ mới sinh tôi còn yếu. Làm lâu quen việc, chưa có gia đình mà chị biết cách chăm em như mẹ chăm con, đến mức nằm trong vòng tay chị, tôi yên tâm chẳng kém gì khi được mẹ bồng ẵm, nâng niu.
Sức người nào phải gỗ đá. Khổ cực trăm bề, cũng có lúc chị cảm thấy đuối, mặt nặng mày nhẹ, nhưng hễ thấy mắt mẹ tôi ầng ậng nước là chị lập tức tươi tỉnh, lại nai lưng gánh việc như chẳng có chuyện gì xảy ra. Mỗi khi cực quá, tủi thân, chị lại ra hè… lén khóc. Khóc chán lại quệt mắt, quay vào...
2.
Chị Hai, rồi anh Ba lần lượt lập gia đình. Trong nhà, chị Tư thực sự thành chị cả, quán xuyến trong ngoài, lo cho mẹ, cho em từ ăn ngủ đến học hành. Chị thương tôi nhất. Chị bảo, tôi là út, lúc ra đời lại không thấy mặt cha… Vậy nên, đi học, đi chơi ngoài đường, đứa nào ăn hiếp tôi là… biết tay chị ngay! Chị làm đồ chơi cho tôi, kiếm sách cho tôi đọc, dạy dỗ, kèm cặp tôi đến nơi đến chốn. Chị dạy mau thuộc, dễ nhớ; lại biết cách “dụ” tôi học bằng những chiêu rất sáng tạo Còn nhớ, năm tôi học lớp 2, bản cửu chương toán tôi học tới học lui vẫn không sao thuộc nổi. Nguyên do là tôi… ghét toán! Bù lại tôi thích học văn, mê đọc sách sớm. Nắm được điều ấy, chị âm thầm tìm, mang về cuốn truyện đồng thoại “Truyện thỏ khắp thế giới”. Đó là tập truyện dịch. Mới đọc vài trang đầu tôi đã thấy mê. Cho đọc truyện đầu xong chị… thu hồi sách, ra điều kiện: mỗi ngày học thuộc một chương trong bản cửu chương thì mới cho đọc tiếp! Bị ép thế, tôi chỉ mất nửa tháng hè là thuộc xong bản cửu chương!
3.
Chị lấy chồng muộn, cứ lấy cớ mẹ già, em dại mà lần lữa. Mẹ phải làm dữ chị mới nghe. Hôn nhân nửa đường gãy gánh, chị lại bồng con quay về, trở thành “bà chị cả” trong nhà lo toan mọi việc trước sau. Mà nói cho đúng, giờ chị không còn “chị cả” nữa, mà là mẹ. Mẹ mất nhưng chúng tôi còn có chị. Chị thành mẫu hình hệt như người chị trong bài hát “Chị tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến, lo dựng vợ gả chồng cho từng đứa em. Vậy mà chị nào có yên đâu, có chuyện gì lục đục, khó khăn, các em cũng dắt nhau về réo chị. Dẫu có bực mình mắng mỏ tí chút, xong chị lại bỏ công việc để đi dàn xếp, làm tất cả những gì chị có thể làm.
…Ngày vợ chồng tôi ly hôn, chị khóc như chính chị là người trong cuộc, đau cho nỗi đau của em mà lực bất tòng tâm không giúp gì được. Chị giờ đã sáu mươi, sống chật vật với thu nhập ít ỏi từ mấy sào ruộng khoán. Cả một đời quên mình lo toan cho gia đình, chị có giữ riêng gì cho mình đâu? Vậy mà biết tôi đau ốm, khó khăn sau ly hôn, chị đến thăm, lấy từ túi ra một chỉ vàng y dúi vào tay tôi: “Cho cậu. Để thuốc men, bồi dưỡng…”. Nhìn mái đầu bạc trước tuổi, nhìn gương mặt nám từng vệt đồi mồi, đuôi mắt rạn chân chim của chị mà tôi suýt khóc. Chị ơi…
Kết Thúc (END) |
|
|