Đọc lướt một lượt trên facebook, Thùy dừng lại ở thông báo: “Theo khảo sát của các mem (thành viên) thì offline từ thiện lần này sẽ được tổ chức ở Câu lạc bộ Trẻ để chuẩn bị cho buổi từ thiện ở Trại Dưỡng lão An Bình sắp tới”. Lần đầu tiên thấy từ “offline”, cô bèn tra Google, mới hiểu “offline” tiếng Anh là không trực tuyến (ngược lại với online), trong ngữ cảnh này nghĩa là những buổi gặp nhau trực tiếp. Tò mò, cô đăng ký tham gia, phần vì thích làm từ thiện, phần nữa muốn có điều kiện giúp mình dạn dĩ hơn.
Đúng lịch, Thùy dắt chiếc SCR ra thì thấy bánh xe chẳng còn chút hơi nào. Vá xe xong, cô đến câu lạc bộ trễ mất 15 phút. Cô khẽ bước vào cửa sau để không ai chú ý nhưng từ phía trên, một người bất chợt lên tiếng: “Ai đi trễ sẽ bị phạt đấy nhé!”. Lúc này cả tập thể đang nghe từng thành viên mới giới thiệu về bản thân mình. “Gần đến lượt mình rồi, phải làm sao đây?” - Thùy chợt cảm thấy run run. Khoảng 5 phút sau, người quản trò đưa mắt nhìn về phía cô và nói: “Tiếp theo là một gương mặt mới. Theo quy định thì sau khi giới thiệu về bản thân, người nào đi trễ phải hát hoặc làm trò cười đấy nhé!”. Mọi người quay lại nhìn Thùy, chờ đợi. Vốn không tự tin trước đám đông, Thùy đỏ bừng mặt, ngập ngừng đứng lên tự giới thiệu. Bất chợt, một ý nghĩ thoáng qua: Hát bài gì bây giờ? Hay là mình hát bài “tủ” vậy - cô nghĩ. Rồi Thùy hát ca khúc Nhật ký của mẹ, bài hát đã từng gây ấn tượng với rất nhiều người của tác giả Nguyễn Văn Chung. Giọng ca của Thùy được nhấn nhá từng từ, từng câu: Bao ngày mẹ ngóng/Bao ngày mẹ trông/Bao ngày mẹ mong con chào đời… Thấy con khóc òa/Mắt mẹ lệ nhòa/Cảm ơn vì con đến bên mẹ”, không ngờ đã làm mọi người xúc động. Kể từ đó, cô gái 25 tuổi được nhiều người chú ý. Kết thúc buổi offline, Thùy được các anh chị đến làm quen và tỏ ý muốn cô hát bài này tại buổi từ thiện ở Trại Dưỡng lão. Thùy nghĩ, cô không phải là người hát hay, nhưng có lẽ vì tình cảm quá đặc biệt đối với mẹ, người suốt đời tần tảo với con nên cô mới có nhiều cảm xúc như vậy.
Cha bỏ mẹ con cô khi Thùy 5 tuổi, chưa hiểu gì về cuộc đời. Thùy chỉ nhớ, hồi ấy cô cứ hỏi: “Mẹ ơi, ba đâu rồi? Con muốn có ba”. Mẹ cô ngân ngấn nước mắt trả lời: “Đợi con lớn, ba sẽ về con ạ”. Thế rồi cô đợi mãi, đợi mãi nhưng chẳng thấy cha đâu. Khi Thùy 17 tuổi, mẹ bị bệnh nặng tưởng không qua khỏi, cô phải nhờ sự giúp đỡ của gia đình bên ngoại. Bệnh thuyên giảm, mẹ ôm Thùy vào lòng rồi nói: “Vì có con nên mẹ gắng gượng vươn lên. Mẹ phải chống đỡ với bệnh tật để sống với con”. Và vì mẹ, Thùy đã nỗ lực học, với danh hiệu 12 năm liền là học sinh giỏi. Khi đậu vào đại học, mẹ mừng rơi nước mắt. Thùy đi học, bà dúi vào tay cô mấy triệu bạc vừa vay mượn được. Cuộc sống sinh viên với bao khó khăn, vừa đi học, vừa đi làm, Thùy đã vượt qua. Tấm bằng đại học loại giỏi đã giúp cô có công việc như ý muốn ở một công ty lớn. Mọi thứ được như bây giờ là nhờ có mẹ, Thùy vẫn thường nghĩ thế. Do vậy, mỗi khi đi công tác xa, cô chỉ mong được về sớm để ở bên mẹ.
Hôm đến Trại Dưỡng lão An Bình cùng các anh chị trong nhóm, ban đầu Thùy vẫn rụt rè. Rồi chẳng mấy chốc, cô đã hăng hái tham gia tất cả các công việc như: trao quà; cắt móng tay, sửa lại áo quần cho các cụ. Trong buổi giao lưu, Thùy hát bài Nhật ký của mẹ mà nước mắt đầm đìa. Hát xong, Thùy thấy một cụ bà khuôn mặt đầy nếp nhăn, lom khom từng bước đến ôm cô. Bà lão nặng tai nên nói rất to: “Con ơi, con của mẹ đâu, sao không đến đây?”. Cử chỉ của cụ bà làm mọi người im lặng. Ai cũng ngạc nhiên không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Thùy cũng vậy. Cô quay sang ôm bà, dìu bà ra phía ngoài rồi hỏi: “Bà ơi, có chuyện gì thế?”. Bà cụ bảo: “Mẹ chờ đứa con gái của mình từ lâu lắm rồi. Nó nói sẽ đến thăm mẹ thường xuyên nhưng chẳng thấy đâu. Nó tên Phương, ở nhà gọi là Na”. Không biết trả lời thế nào, Thùy hỏi nhỏ chị điều dưỡng đứng gần đó về hoàn cảnh của cụ. Thì ra, gia đình bà trước đây rất khá giả nhưng từ khi cụ ông mất, người con gái sinh ra mê cờ bạc, bỏ cả chồng con, bán hết gia tài rồi gửi mẹ vào trại dưỡng lão này. Một lần nữa nước mắt Thùy lại rơi. Thùy quay sang bà cụ, ngập ngừng trả lời: “Chắc chị ấy bận. Chị ấy sẽ đến thăm bà”. Nghe Thùy nói, cụ bà gật đầu, mắt đượm buồn nhìn xa xăm.
Sau buổi giao lưu, một mình trên đường về, nước mắt Thùy lại muốn rơi. Cô nghĩ đến lời câu hát: Này con yêu ơi, con biết không/Mẹ yêu con, yêu con rất nhiều!.../Bao ngày mẹ ngóng, bao ngày mẹ trông, bao ngày mẹ mong con quay về mà lòng thắt lại. Không biết người con gái tên Phương ấy ở đâu, và có biết chăng ở Trại Dưỡng lão có cụ bà mòn mỏi chờ con từng phút, từng giây?
Kết Thúc (END) |
|
|