1. Tháng 12, trời âm u, xám xịt. Những ngọn sóng cao ngất cứ dồn dập xô bờ, để lại từng vũng bọt trắng xóa. Một mình đứng trên bờ cát, Thùy nhìn ra khơi xa. Ngoài kia, cách đất liền hàng trăm hải lý, phải đi một ngày đường bằng tàu thủy mới tới nơi, Trung - người yêu của cô - đang đóng quân ở đó. Nơi ấy là Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng, máu thịt đối với mỗi người Việt Nam, trong đó có Thùy. Chỉ còn một tuần nữa, lúc ấy có tàu vào đất liền, anh sẽ về phép để tổ chức đám cưới với cô. Nghĩ đến thời khắc gặp Trung, Thùy cảm thấy quá đỗi hạnh phúc.
Theo dõi dự báo thời tiết hàng ngày, nghe phát thanh viên báo biển động, các tàu cá chú ý tránh trú bão là lòng cô lại không yên. Thùy lo Trung trở về đất liền vào dịp này sẽ gặp sóng lớn, không an toàn. Có khi cả nghĩ, Thùy lại lo anh không kịp về đúng ngày tổ chức đám cưới, khi biển không thôi ầm ào, dữ dội. Mỗi lần như vậy, Thùy gọi điện cho Trung. Anh lại động viên vợ chưa cưới: “Anh sẽ về đúng hẹn, đừng lo gì ảnh hưởng đến sức khỏe, em yêu”.
2. Kỷ niệm ban đầu khi hai người quen nhau thật ấn tượng. Khi đó, tàu HQ của Binh chủng Hải quân nhổ neo tại bến cảng Cam Ranh. Lần đầu tiên Thùy - nữ nhà báo đang công tác ở một cơ quan báo chí của tỉnh - được cử đi tác nghiệp ở Trường Sa và có mặt trên chuyến tàu ấy. Ngoài các phóng viên báo chí của tỉnh và Trung ương còn có người thân của các chàng lính đảo. Thùy rất hồi hộp khi bước chân lên tàu, bởi ngoài việc gặp gỡ các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, cô còn được tiếp xúc với những người mẹ, người cha của họ - những người ở hậu phương hàng ngày hàng giờ hướng về biển đảo. Tuy say sóng nhưng Thùy cũng cố hết sức để tác nghiệp trên tàu. Vừa phỏng vấn xong người đàn ông có nước da ngăm ngăm, quê ở Hải Phòng thì từ phía trước boong tàu có giọng nói thật to:
- Nhà báo ơi, có muốn làm con dâu của bác không?
Thùy ngạc nhiên ngước lên nhìn rồi hỏi tiếp: Bác có con trai à? Con bác có chịu lấy con không?
- Sao con nói như vậy? Bác lại sợ con chê lính đảo, chê con bác. Từ sáng đến giờ, bác nhắm con làm con dâu bác rồi đấy!
- Con muốn, con không chê đâu! Bác làm mai cho con nhé! - Nghe người phụ nữ nói, Thùy đỏ mặt, rồi trả lời tinh nghịch.
Bữa cơm tối hôm ấy, bà Hoa và Thùy làm quen với nhau. Những từ “con dâu tương lai” mà bà Hoa, mẹ của Trung - một sĩ quan trên đảo Thuyền Chài - gọi đùa Thùy cứ lặp đi lặp lại, làm cho ai cũng chú ý. Có người đã nói với bà Hoa: “Chị vun vào đi. Con bé đó được đấy. Biết đâu hai đứa kết nhau thì sao”.
Theo lịch trình chuyến đi, tàu sẽ cập đảo Song Tử Tây (đảo xa nhất) và vài ba đảo khác mới tới đảo Thuyền Chài. Sự hồi hộp của Thùy cứ tăng theo thời gian. Cô rất có cảm tình với bà Hoa khi bà kể về người con trai duy nhất của mình; về những ngày gian khó cả gia đình chỉ trông chờ vào hai sào ruộng ở quê, một tỉnh ở vùng Bắc Bộ. Anh là người con có hiếu, học giỏi, ngoan ngoãn. Lên đường nhập ngũ, được đóng quân ở Trường Sa, anh mừng lắm. Đó là mảnh đất mà anh khao khát được đến, được cùng đồng đội giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thân yêu.
Con tàu đã đi được hơn nửa chặng đường, chỉ còn một đảo nữa (đảo Thuyền Chài) là trở về đất liền. Từ xa, trên tàu, nhìn về phía đảo chìm, nghĩ đến lúc được ôm lấy con trai, bà Hoa cảm thấy quá bồi hồi. Giây phút ấy rồi cũng đến. Cầm máy ảnh trên tay, Thùy đã kịp chụp được những tấm hình ưng ý nhất về sự hội ngộ đầy cảm xúc giữa người lính và người thân của họ, trong đó có mẹ con bà Hoa. Theo kế hoạch, đoàn công tác sẽ lưu lại đảo nửa ngày nhưng hôm ấy bất chợt có bão, nên tàu phải neo lại thêm một ngày nữa. Thời gian và trời đất đã chiều lòng bà Hoa. Thế rồi Trung và Thùy quen nhau.
Trở về đất liền, tự dưng Thùy nghĩ nhiều đến Trung. Ở ngoài đảo, Trung cũng vậy. Những cuộc điện thoại và tin nhắn giữa hai người cứ dày lên mỗi ngày. Tình cảm cũng đong đầy theo thời gian. Vài tháng sau, họ chính thức tuyên bố với hai gia đình về tình yêu của mình. Qua thời gian tìm hiểu, tình yêu cũng đã đủ “chín”.
3. Còn ba ngày nữa là cặp đôi Trung - Thùy tổ chức đám cưới. Thùy đã gửi hết thiệp mời từ 5 - 7 ngày trước. Họ nhà trai từ ngoài Bắc đã vào Nha Trang để dự đám cưới. Tất cả chỉ còn chờ nhân vật chính, đó là chú rể.
- Anh ơi, sao giờ này anh vẫn chưa về? Tàu nhổ neo chưa anh? - Thùy sốt ruột gọi cho người chồng sắp cưới.
- Trời có bão. Anh sẽ về đúng hẹn. Mình sẽ làm đám hỏi và đám cưới trong một ngày thay vì trước 1 ngày như dự định em ạ. Đừng lo nhé! - Trung trả lời Thùy mà lòng anh nóng như lửa đốt.
Ba ngày dài như thế kỷ, Thùy nghĩ thế, rồi bật khóc. Sáng chờ đến chiều, chiều chờ đến khuya, một ngày đã trôi qua. Hôm sau, Trung gọi điện nói tàu đã nhổ neo, vậy mà Thùy chờ mãi chẳng thấy. Tối 25-12 tổ chức đám cưới, vậy mà chiều 24 vẫn không thấy Trung về. Bữa cơm tối hôm ấy dọn ra, Thùy chẳng thể ăn nổi. Cô đang ngồi ở bậc thềm nhìn ra ngoài đường thì chợt thấy Trung. Thùy khóc òa rồi chạy ra ôm chầm lấy anh. Những giọt nước mắt của Thùy thấm vào vai áo Trung âm ấm. Anh giữ chặt Thùy trong vòng tay và thì thầm với cô: “Biển động rất mạnh, anh đã kịp về rồi. Đừng khóc nữa em!”.
Kết Thúc (END) |
|
|