1. Trường nằm trên một ngọn đồi, qua cái dốc mới lên được. Tấm bảng mộc to chăng ngang cổng ghi rõ: “Trường trung học cơ sở X ”. Vào trong: sân trường bé tẹo, dãy nhà cấp 4 sơ sài, vừa vặn cho 3 phòng học cộng một phòng giám hiệu. Phòng ấy thêm chức năng nội trú: làm nơi ở cùng chỗ nấu ăn cho thầy hiệu trưởng kiêm luôn chân bảo vệ trường. Trường vẻn vẹn 4 giáo viên (tính luôn thầy hiệu trưởng) dạy “ôm sô” tất tật mọi lớp, mọi môn. Lớp không nhiều: 2 lớp 6, 1 lớp 7, 1 lớp 8 và 1 lớp 9. Lớp càng lên trên càng ít học sinh. Lớp 9, năm nay có đầu tiên, vét hết được 15 em. Vậy đã giỏi, bởi vùng “biên địa” lấy đâu ra nhiều học sinh; theo xong tiểu học là may, ở nhà đi rẫy, chữ nghĩa có no bụng được đâu. Chính quyền khản cổ tuyên truyền mang ánh sáng văn hóa đến thôn buôn nhưng người dân cứ một mực lấy cái… nồi gạo làm gốc!
Thầy Hùng là một trong số 4 thầy cô đại biểu cho nỗ lực ánh sáng văn hóa ấy.
2. Thầy Hùng dân ở phố, mới được điều về trường. Trẻ, đẹp trai, dạy giỏi, công tác phong trào tốt. Không thiếu người nhiễu sự xì xầm về thầy nhưng lũ học trò xóm núi không quan tâm. Thầy Hùng xuất hiện hệt ngôi sao sáng xua tan bớt buồn tẻ nơi ngôi trường hoang sơ. Học chuyên khoa Lý; nhưng về trường, thầy Hùng dạy tất tật mọi bộ môn tự nhiên: Toán, Lý, Hóa và cả… Sinh vật. Chưa hết, thầy còn kiêm luôn công tác Đoàn Đội, làm Tổng phụ trách. Hát hay, đàn giỏi, quản trò có duyên, thầy nhanh chóng quy tụ quanh mình một nhóm “fan” luôn xem thầy như thần tượng!
Trong số các “fan thầy Hùng”, tôi là “fan” cuồng nhiệt nhất.
Tôi mau chóng thành học trò cưng của thầy, được “truyền lửa” tất tật mọi nỗi đam mê: từ đàn hát tới… bộ môn Vật lý! “Thường con gái học Vật lý không giỏi; nhưng em có “tư duy suy lý” tốt. Thầy tin…”. Câu nói của thầy khiến tôi thêm phấn chấn. Tôi học giỏi Vật lý, nuôi ước mơ sẽ trở thành cô giáo dạy Vật lý, như thầy…
3. Tôi bây giờ là cô giáo Vật lý. Tôi đã đạt được ước mơ. Trái đất tròn: tôi về nhận công tác đúng ngôi trường ngày xưa, thành đồng nghiệp của thầy Hùng. Mừng. Trường giờ khang trang: hạ tầng không còn chút dấu tích gì gợi nhớ thời gian khó khi xưa. Thầy Hùng lên hiệu phó chuyên môn, già đi, bệ vệ hơn. “Mừng em tốt nghiệp, trở lại trường...”. Vẫn nụ cười tươi; nhưng cái bắt tay của thầy dường hơi lạnh.
4. Nhớ ngày còn là “cục cưng” của thầy nơi ngôi trường nghèo xóm núi, thầy Hùng từng đùa, hứa sẽ… “truyền y bát” cho tôi! Lời hứa đó ứng nghiệm. Tôi thật sự trở thành bản sao của thầy Hùng lúc mới về trường: trẻ, đa năng, chuyên môn vững, nhiệt tình. Làm gì cũng lăn xả, hết mình.
Giống thầy, tôi cũng có một “cộng đồng fan” - giờ đông đảo hơn, do trường ngày một đông đúc, chính quy. Phải thôi: Hội giảng chuyên môn huyện, tỉnh, tôi không giành giải nhất cũng giải nhì. Công tác Đoàn Đội, ngoại khóa do tôi phụ trách bao giờ cũng ấn tượng. Lên lớp, học sinh trầm trồ. Đầu năm, lớp nào cũng ngong ngóng mong tôi về làm chủ nhiệm! Quý mến, nể phục, đó là những gì mà đa số học sinh và đồng nghiệp dành cho tôi - hơi nhiều và hơi nhanh với cô giáo trẻ mới về trường…
Vài người không chia sẻ điều đó. Không đáng ngạc nhiên. Cái ngạc nhiên là trong số ấy có cả… thầy Hùng!
5. Từ lúc về trường, tôi vẫn cư xử với thầy Hùng như bát nước đầy. Lễ, Tết, ngày Nhà giáo, tôi luôn nhớ quà cáp, hoa tươi thăm viếng, chúc tụng thầy. Duy nhất một chuyện tôi không lùi bước trước thầy, ấy là chuyên môn! Có lần bị thua lý, thầy Hùng nóng mắt gọi tôi “ngựa non háu đá”: “Em đừng tưởng mới bước về trường, lập ba cái thành tích lẻ tẻ đã có quyền lên mặt ta đây. Nên nhớ, tôi vẫn là thầy em, là cấp trên của em. Tôi nâng em lên được thì cũng dìm xuống được…”. Tôi đứng sững, câm như hến, nước mắt chảy dài. Tôi có làm gì, nói gì sai đâu?
Trong tôi, thần tượng đã đổ vỡ.
6. Kể từ đó, thời lượng giảng dạy chuyên môn của tôi bị cắt đi, tuần còn 4 tiết. Đang dạy các lớp cuối cấp, tôi bị hất phăng sang đầu cấp, đánh mất luôn cái trách nhiệm bồi dưỡng học sinh giỏi chuẩn bị đi thi huyện, tỉnh. Chưa hết, tôi còn bị điều đi làm công tác Đoàn Đội, phong trào cùng những chuyện linh tinh chẳng dính líu gì đến tấm bằng cử nhân sư phạm Vật lý của tôi. Phản đối, khiếu nại, thầy Hùng cứ ừ ừ, trường thiếu nhân sự, bố trí khó khăn quá, em thông cảm, từ từ nha…
…Hình như đã khá lâu tôi không chào thầy Hùng. Thầy cũng vậy: trao đổi công việc cùng tôi thầy cứ nhìn mông lung vào một nơi đâu đó, rất xa. Bề ngoài, mọi thứ dường như vẫn vẹn nguyên không có gì đổi thay, nhưng với tôi tất cả đang dần nguội lạnh. Tôi không còn thấy yêu nghề, cái nghề đã có lúc tôi từng nghĩ rằng mình sẽ gắn bó sống chết. Tôi đang chuẩn bị cho một nỗ lực chuyển trường. Đi đâu cũng được, miễn không phải giáp mặt thầy Hùng. Tôi cũng bắt đầu nghĩ đến khả năng thôi việc, tìm nghề mưu sinh khác…
7. Thầy Hùng bệnh. Ung thư phổi. Giai đoạn cuối.
Tôi đang hoàn tất hồ sơ xin chuyển công tác lên một trường vùng sâu, đùng một cái, mọi sự thành vô nghĩa. Thầy hiệu trưởng yêu cầu tôi ở lại, đề nghị tôi tạm quyền chức danh hiệu phó chuyên môn trước khi có quyết định bổ nhiệm chính thức. Tôi hỏi: Sao lại là em mà không phải ai khác? Theo ý thầy Hùng…, thầy hiệu trưởng đáp.
…Tôi đến thăm thầy Hùng vào một chiều mưa gió mù trời. Thầy Hùng nằm mỏng đét, dán chặt xuống giường. Cơ thể người đàn ông từng nặng sáu mươi lăm ký lô giờ chỉ còn như hình nhân, xung quanh lằng nhằng đủ thứ kim tiêm, dây nhợ. Ngực thầy thoi thóp từng cơn yếu ớt. Bác sĩ bảo: đã phải dùng morphine liều cao, bằng không đêm bệnh nhân không cách nào chợp mắt! Tôi ứa nước mắt…
Thầy Hùng chợt mở mắt, chớp chớp nhìn tôi. Mặt thầy rạng lên, đôi môi khô cố nở một nụ cười:
- Em ư? Thầy biết, thế nào em cũng tới…
Kết Thúc (END) |
|
|