Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Bên Ngoài Ô Cửa Sổ Tác Giả: Lê Thị Xuyên    
    Tôi ở trọ, nhà chỉ rộng khoảng 3m, lọt thỏm giữa một bên là căn nhà hai tầng kiên cố của một ông cán bộ quản lý thị trường và một bên là ngôi nhà cấp bốn cất tạm, chủ yếu sử dụng cái sân sau của một tiệm sửa xe máy với những đồ đạc bày la liệt. Cuối cái sân sau ấy là vườn chuối. Ngày ngày, bên chiếc máy bàn lách cách tiếng gõ chữ, qua ô cửa sổ, những góc khuất của cuộc sống hiện ra trước mắt tôi.
    
    Sáng sớm, khi gian nhà trên, nhà giữa còn tờ mờ tối, mọi người còn ngái ngủ, nắng đã gọi ngày mới qua cửa sổ, làm sáng cả một khoảng nhà dưới. Cái yên ả của buổi sáng rồi cũng thoáng chốc qua đi. Tầm tám giờ, tiếng xe máy rịn rịn, rồ ga bắt đầu vang lên hết đợt này đến đợt khác; tiếng đập, tiếng gõ vào máy loạn xạ, thêm vào đó bụi sơn xe li ti băng mình ra khỏi ống xịt, va đập nhau tứ tung.
    
    Tiếng lách cách va đập vào nhau của đồ sửa xe kéo tôi về phía góc sân nhỏ, nơi thằng bé độ 9 - 10 tuổi đang cặm cụi ngồi nhặt từng cái ốc vít, cẩn thận bỏ vào trong một cái hộp sắt nhỏ, tay kia cầm từng yếm xe, cần trục để dồn về một góc. Nó vô tư làm việc như chẳng hề có một áp lực nào đè nặng lên tâm hồn của đứa trẻ ngây thơ, đang tuổi ăn tuổi chơi. Dừng gõ máy, tôi bước lại bên cửa sổ, nhìn sang vừa tò mò, vừa muốn lân la trò chuyện:
    
    - Nhà em đây hả?
    
    Giật mình trước câu hỏi đột ngột của tôi, nó ngẩng lên nhìn rồi nhẹ nhàng đáp lại:
    
    - Dạ không. Ba em thuê làm tiệm sửa xe thôi. Chị mới chuyển đến trọ trong nhà đó ạ?
    
    - Ừ, chị mới chuyển đến hôm qua. Chiều nay, em không phải đi học à? Nghe tôi hỏi, tự nhiên nó cúi gầm mặt xuống đất. Nụ cười nãy giờ thoang thoảng trên môi bỗng nhiên tắt ngúm. Nó không muốn trả lời và tôi cũng không hỏi thêm nhưng trong ánh mắt nó hiển hiện một điều gì đó trắc ẩn, khó nói thành lời. Từ trong nhà, giọng ồm ồm của người đàn ông hắt ra phía sau:
    
    - Cường! Vào đây ba bảo!
    
    - Dạ. Nó đứng dậy, lủi thủi bước vào nhà, bỏ mặc những chiếc đinh, ốc vít nhỏ nằm chỏng chơ chưa được nhặt bỏ hết vào trong hộp nhựa. Lát sau, nó nhanh thoăn thoắt bưng nồi ra vòi nước sát cạnh bờ tường nhà tôi đang trọ, loay hoay vo gạo. Ròi nó nhặt rau. Biết có người đang nhìn lén mình, nó cứ chăm chăm nhìn cái nồi, chẳng thèm ngước lên. Tiếng máy kêu ìn ìn dần ít lại rồi tắt hẳn, tiếng chổi quét sàn sạt xuống nền trộn vào âm thanh loảng xoảng của dụng cụ sửa xe đụng nhau báo hiệu một ngày của tiệm sửa xe chuẩn bị kết thúc. Trong khi thằng bé ngồi nhặt nhạnh, ngắt từng cọng rau muống thì ba nó bước từng bước nặng trịch lững thững đi ra phía sân. Nước da đen bóng, tay chân dính đầy dầu nhớt, nhìn anh, người ta dễ dàng đoán ra nghề nghiệp mà anh đang làm. Qua cửa sổ, anh nhận ra người thuê trọ mới, rồi cười chào:
    
    - Cô mới đến hả?
    
    - Dạ. Chào anh.
    
    Sau vài câu hỏi xã giao, thấy anh cũng khá niềm nở, tôi cũng mở lòng:
    
    - Anh mở tiệm sửa xe máy này lâu chưa?
    
    - Hai năm rồi. Được cái cũng đông khách nên việc cứ lai rai cả ngày. Còn cô làm nghề gì?
    
    - Em dạy học. Gia đình anh chị được mấy cháu ạ?
    
    - Được hai đứa, một trai, một gái.
    
    Anh vẫn trả lời cộc lốc như thế. Sau câu nói, anh bước vào nhà, tiếng nói chuyện rì rầm giữa hai cha con lại tiếp diễn. Câu chuyện về gia đình anh còn bỏ ngỏ, nó khiến tôi tò mò.
    
    Những ngày tiếp sau đó, cuộc sống vẫn chậm chạp bước qua trong những âm thanh hỗn tạp và những câu chuyện nhỏ giữa tôi và thằng bé. Nó có vẻ gần gũi và thân thiện với tôi hơn. Những buổi chiều đến, khi nắng đã vắng bóng ở một góc sân, nó lại ngồi dựa lưng vào tường, cạnh cửa sổ, mắt chăm chú đọc cuốn truyện cổ tích mà tôi cho mượn, lúc cười, lúc lại lặng im khó hiểu. Một chiều, khi đã đọc xong câu chuyện mà nó cho là lý thú, nó nhìn tôi qua khung cửa, giọng thỏ thẻ:
    
    - Em ước mình được đi học như các bạn quá chị ạ.
    
    Tôi hỏi vì sao em lại nghỉ học giữa chừng, nó chỉ lặng thinh, buông cái nhìn lặng lẽ, mặt buồn rười rượi.
    
    Ít lâu sau, tôi được nghe một người trong khu phố kể lại, hai năm trước, ba nó vừa sửa xe máy vừa buôn bán xe máy cũ, gặp thời nên nhà nó cũng thuộc dạng khá giả trong huyện. Đang yên đang lành, ba nó theo bạn đánh số đề rồi dứt ra không được, mặc cho mẹ nó khuyên ngăn. Cho đến khi thua đề không còn tiền vốn để làm ăn, nhà lúc nào cũng có người đến đòi nợ, dọa đập phá, mẹ nó không chịu nổi cảnh ấy, đành cùng em nó bỏ về nhà ngoại ở. Ba nó phải bán nhà để trả nợ, rồi chuyện học hành của nó cũng dang dở. Nó đành nghỉ học giữa chừng khi đang học lớp 4 để theo ba đến với cái phố huyện mới này.
    
    Thuê được căn nhà cấp bốn vừa làm nơi ở vừa làm tiệm sửa xe, cuộc sống của ba con nó đã dần ổn định. Vốn là người thợ có tay nghề, dần dà bạn hàng đã tìm đến đây khiến công việc của ba nó tất bật cả ngày. Bận bịu lo kiếm tiền, đâm ra anh lại quên đi niềm vui cũng như niềm mong mỏi của con. Còn nó thấy ba thay đổi như thế thì mừng lắm, thành ra nó đành gói ước mơ được đến trường của mình trong góc khuất của tâm hồn.
    
    Một buổi sáng, không hiểu sao hôm nay ba thằng bé lại ngồi một mình, lưng tựa vào chiếc ghế nhựa đã cũ, trên tay cầm ly cà phê sữa, thỉnh thoảng đưa lên miệng nhấp nhấp rồi lại đăm đăm nhìn ra phía sân, nơi đồ đạc ngả nghiêng, la liệt. Tiếng mấy chú chim sâu vẫn ríu ran gọi nhau trên những bụi chuối vườn bên trong ánh nắng sớm đã le lói. Bên ô cửa sắt nhỏ, tôi lại bắt đầu một ngày mới của mình với tiếng gõ bàn phím lách cách quen thuộc thường ngày. Thấy tôi, anh nói với sang:
    
    - Tôi định cho thằng bé Cường đi học lại được không cô?
    
    - Được chứ anh. Tôi ngạc nhiên. Em Cường rất… Tôi định nói ra cho anh biết suy nghĩ và mong muốn của thằng bé qua câu chuyện mà nó đã tâm sự với tôi, nhưng hình như anh đã hiểu được suy nghĩ của con, chỉ có điều anh không muốn nói cho nó biết. Một lúc sau, anh chào tôi rồi đi vào nhà. Tiếng cửa sắt ken két từ từ đóng lại. Thằng bé nhảy tót lên xe máy để ba nó chở đi. Chắc rằng khi biết mình được đi học lại, nó sẽ mừng vui lắm. Tôi ngồi vào bàn máy và lại lách cách gõ. Có cái gì len lỏi, miên man, rằng ngày mai thôi, những câu chuyện của thằng bé kể với tôi sẽ là niềm vui ở những bài học, bên thầy cô, bạn bè trong niềm vui khôn xiết.

Kết Thúc (END)
Lê Thị Xuyên
» Vào Nghề
» Ở Trọ
» Bên Ngoài Ô Cửa Sổ
» Món Quà Ấm Áp
» Hơi Ấm Tình Thương
» Sự Cảm Hóa
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển