1. Ngày…
Cái ga xép hẻo lánh này hóa ra không đến nỗi vắng vẻ như tôi tưởng lúc mới về nhận công tác. Gọi là ga mà chỉ có hai phòng nhỏ tí. Một dành để bán vé và phòng còn lại dành cho trưởng ga là tôi. Công việc ở đây không nhiều, chỉ là nhận lệnh giờ tàu ra vào ga, nhắc nhở các nhân viên bảo dưỡng cung đường trong khu vực, giải quyết các trường hợp trốn vé hoặc xin giảm giá, ưu tiên… Hàng ngày, chúng tôi đón dăm chuyến tàu chợ, vài đoàn tàu Thống Nhất. Đó là lúc sân ga ồn ào, náo nhiệt cảnh những người buôn thúng bán mẹt gồng gánh lên xuống, nói cười ầm ĩ. Khi tàu rời ga, tất cả lại trở nên vắng lặng. Trong khoảng thời gian tàu dừng cho hành khách lên xuống, đội quân bán hàng rong chạy nháo nhác, rao ơi hời, mời mọc khách mua các thứ “đặc sản địa phương”: Bánh chưng, trứng luộc, mía, thuốc lá, nước… Trong số đó, có những cô bé, cậu bé mới 7, 8 tuổi. Tôi chợt thấy thương chúng. Lẽ ra bọn trẻ phải được đến trường chứ đâu phải kiếm miếng ăn vất vả thế này!
Ngày…
Trong số những người bán hàng rong trên sân ga, tôi chú ý đến một cô bé tên là Hà. Gọi là cô bé nhưng có lẽ Hà cũng đã 17, 18 tuổi. Hà có khuôn mặt tròn xinh xắn, nước da phơi nắng trở thành màu bồ quân. Hai gò má em ửng hồng dưới ánh nắng khi mải miết chạy dọc đoàn tàu, cất những tiếng rao lanh lảnh. Khoảng thời gian không có tàu, Hà hay sang căn phòng nhỏ của tôi. Lý do đơn giản: tôi có nhiều sách truyện và báo. Hầu hết là sách báo cũ. Nhưng đối với những người ở cái ga xép buồn tênh này thì đó là một thứ giải trí đáng giá. Qua trò chuyện, tôi biết Hà là một người chị đảm đang, phải nghỉ học từ sớm để phụ mẹ nuôi các em ăn học. Buổi tối, em mới có thì giờ đến lớp bổ túc. Tuy bận rộn nhưng tôi nghe nói Hà học khá, nhất là môn văn. Thảo nào em say mê những cuốn sách, những tờ báo cũ của tôi đến thế. Có lần, em thổ lộ, em sẽ cố gắng học, mai sau em sẽ trở thành một người viết văn. Nhìn vào mắt Hà, tôi tin em sẽ làm được.
Ngày …
Hà hay đến chỗ tôi, đọc nghiến ngấu, từ những cuốn sách cũ rích đến các tờ báo nhàu nát. Nhiều lúc, em đọc say sưa đến nỗi không biết tôi đã vào phòng, đang nhìn em chăm chú. Có những lúc, tôi bắt gặp em ngồi bất động, suy tư. Tôi có cảm giác em không nghe, không thấy gì cả. Không thấy tôi đang đứng trước mặt, không biết có một đoàn tàu đang vào ga. Không nghe những tiếng rao lảnh lót phía bên ngoài…
Tôi đến gần, khẽ kéo tay áo em: “Hà! Tàu đến rồi đấy!”. Em giật mình, vội vã cúi xuống, ôm mẹt hàng, phóng ra ngoài sân ga…
Ngày…
Không biết từ bao giờ, tôi thích đứng bên ngoài cửa sổ ngắm em. Tôi thích nhìn em mê mải đọc báo, thích cái dáng trầm tư của em đang ngẫm ngợi. Và điều này nữa, thỉnh thoảng, tôi và em cùng nhận xét, bàn bạc về một truyện ngắn nào đó… Chính đôi mắt rực sáng, long lanh của em truyền cho tôi sự phấn khích để tôi hoa chân múa tay một cách say mê. Đôi mắt em hay mùi lá hương nhu quen thuộc tỏa ra từ mái tóc em làm tôi ngây ngất?
Tình yêu trong tôi, như một ngọn lửa, âm ỉ cháy. Nhìn vào mắt Hà, tôi biết em cũng không thờ ơ với tôi. Nhưng em còn nhỏ quá. Và còn ước mơ trở thành nhà văn nữa. Tôi đã gửi tiền nhờ bạn bè mua thêm một số sách mới. Có lẽ sắp tới tôi sẽ có quà cho em…
Ngày…
Cây phượng duy nhất trên sân ga bắt đầu nở những bông hoa đỏ rực. Sân ga vắng mặt Hà vì em phải tập trung cho các kỳ thi quan trọng ở phía trước. Không có em, không có dáng ngồi quen thuộc bên cửa sổ, tôi thấy lòng mình trống trải quá. Từ ga đến làng em không xa, chỉ cần 15 phút đạp xe là tôi có thể được nhìn thấy em, được nghe em líu ríu đủ chuyện. Nhưng tôi không muốn quấy rầy em. Tôi không muốn sự có mặt của tôi làm em sao nhãng việc học. Tôi phải kiên nhẫn, phải biết chờ đợi …
2. Cuốn nhật ký của anh được trao cho tôi khi những ngọn cỏ trên mộ anh bắt đầu nhú lên khỏi mặt đất. Những cái lá xanh nõn phất phơ trước gió, dịu dàng như có bàn tay ai đang ve vuốt. Anh đã đem tính mạng của mình cứu một chú bé chăn trâu khi em đang mải mê đi trên đường ray. Theo ý nguyện trước khi nhắm mắt, anh được nằm lại mãi mãi trên mảnh đất quê hương tôi.
Nước mắt của tôi rơi nhòe từng trang giấy. Mỗi dòng chữ trong cuốn sổ, như những mũi kim, châm vào tim tôi đau buốt. Thì ra, anh cũng yêu tôi, một tình yêu cháy bỏng và khao khát. Vậy mà tôi đâu có hay. Tôi, một đứa con gái nghèo, không bao giờ nghĩ đến chuyện được một người như anh để ý. Trong mắt tôi, anh thật thông minh, thật hoàn hảo; chức vụ trưởng ga của anh, đối với tôi, cao vời vợi. Dù vậy, lúc nào anh cũng từ tốn, điềm đạm. Anh không bao giờ to tiếng với ai, từ những người khách khó tính đến các bà lái buôn lắm điều. Không ít lần, lũ chúng tôi chèo kéo, giành giật khách, cãi vã ỏm tỏi, anh dùng những lời giản dị mà sâu sắc để hòa giải. Anh hay nói: “Cùng cảnh ngộ, lẽ ra các em phải biết thương nhau chứ”, hoặc “thêm được vài ngàn bạc, các em cũng không giàu hơn. Bớt đi vài trăm, các em cũng chẳng nghèo hơn. Vậy thì giành giật nhau làm gì?”.
…Dù bận đến mấy, chiều nào tôi cũng tranh thủ ra thăm anh. Bên mộ anh, tôi trồng 2 cây hoa trang đỏ, thứ hoa anh trồng rất nhiều ở trước ga. Tôi thì thầm kể với anh đủ chuyện vui buồn. Tôi nói với anh sẽ cố học thành tài, thành nhà văn như mơ ước. Truyện ngắn đầu tiên tôi sẽ viết về anh, về cái ga xép của chúng mình, về một tình yêu câm lặng nhưng cháy bỏng... “Em sẽ đặt tên cho truyện ngắn ấy là “Ga tình yêu”, anh nhé ”
Kết Thúc (END) |
|
|