1. Sáng Chủ nhật, chiếc ô tô màu đen bóng loáng đậu xịch trước nhà tôi. Một người đàn ông dáng vẻ sang trọng, lịch lãm bước xuống, đưa tay bấm chuông.
Tôi ra mở cổng, tò mò nhìn khách.
Khách nhìn tôi, nở nụ cười thân thiện. Tôi hơi sững lại. Có gì đó hết sức quen thuộc trong ánh mắt nhìn thẳng, đầy tự tin này. Tôi cố lục trí nhớ. “Thắng! Mày không nhớ tao sao? Đô đây!”. Tôi ngớ ra mấy giây rồi kêu to: “Đô! Là mày sao?”.
Hai đứa ôm nhau mừng rỡ.
Tôi quan sát thằng bạn cũ. Không đen nhẻm, lòng khòng như ngày xưa mà béo tốt, trắng trẻo. Nhưng vẫn khuôn mặt đó, ánh mắt và nụ cười đó. Tôi sốt ruột: “Nói đi! Mày lặn đâu từ hồi đó tới giờ? Rồi làm cách nào mà thành đạt như vầy?”. Đô chậm rãi: “Chỉ đơn giản là tao có chút may mắn”.
2. Hồi đó, cùng từ Nha Trang vào nên tôi và Đô ở chung một phòng trọ. Ngoài ra còn có thằng Nam, quê Quảng Ngãi và thằng Huy ở Đà Lạt xuống. Cả phòng nhất trí “góp gạo thổi cơm chung” cho rẻ và tiết kiệm. “Thực đơn” thường là canh nấu với cá tạp: canh chua, canh rau tập tàng… và một đĩa muối dằm ớt. Bữa nào “đầu bếp” hào phóng, cho thêm chén mắm cà, thấy sang hết biết.
Một hôm, cả trường xôn xao về mưa và lũ lớn ở miền Trung, trong đó có Nha Trang. Nhà tôi ở chỗ cao, đỡ phải lo lắng chuyện lũ lụt. Còn nhà Đô ở Vĩnh Ngọc, như nó kể, nằm bên bờ sông Cái. Kiểu này, nhà Đô chắc bị lũ cuốn trôi hết. Những buổi chiều, nó ngồi bất động, mắt đăm đắm ngó đám keo lá tràm, đợi tin nhà. Đến bữa, nó trệu trạo hoài không hết chén cơm.
Đúng như Đô dự đoán, em nó báo tin, Nha Trang bị lũ. Cái cầu gỗ gần nhà bị cuốn trôi. Và nhà nó cũng chung số phận. Lũ lên nhanh quá nên cả nhà chỉ kịp chạy thoát thân. Tất cả nhà cửa, đồ đạc… đều bị lũ cuốn hết. Ba nó bị thương nặng khi cố cứu vài thứ lặt vặt trong nhà…
Chẳng còn cách nào khác, Đô đành bỏ học. Giấc mơ ra trường có việc làm thay ba nuôi các em của nó mãi mãi chỉ là giấc mơ.
Hôm đó, chúng tôi lặng lẽ nhìn Đô xếp đồ vào cái túi du lịch cũ rích: vài bộ quần áo bạc màu, cái khăn rằn ba nó cho hồi đậu đại học, và một lô sách cũ nó kiếm được đâu đó.
Huy quay sang tôi, dè dặt: “Hay là vầy, từ nay thằng Đô khỏi lo chuyện tiền ăn ở. Tụi mình sân siu nhau, chắc cũng đủ”. Tôi gật: “Ừa! Đáng bao nhiêu đâu”. Nam phụ họa: “Được”. Huy quay sang Đô, nhỏ nhẹ: “Mày ở lại đi. Bọn tao bao mày ăn ở. Sắp tới, mày có học bổng mà”. Tôi vỗ vai Đô: “Mày học giỏi, bỏ uổng lắm”.
Miệng Đô méo xệch: “Hổng được. Tao phải về. Còn mấy đứa em nữa”.
Nghe Đô nói, bọn tôi bỗng thấy buồn chi lạ. Giá như chúng tôi có cách chi giúp Đô?
Nam có vẻ bồn chồn sao đó. Nó nhìn Đô rồi lại nhìn chúng tôi. Một lúc sau, nó lẳng lặng lục hòm, lấy ra năm tờ bạc một trăm ngàn đồng, đưa cho Đô: “Mày cầm tạm”.
Tôi và Huy nhìn ra ngoài cửa, ngượng ngùng. “Ngân sách” của phòng bây giờ cũng còn lại chừng đó. Mà hôm nay mới là ngày thứ hai của tháng.
Đô cúi mặt, mân mê mấy tờ bạc. Mắt nó rơm rớm…
Từ đấy, chúng tôi không gặp Đô. Cũng bởi cuộc sống cứ cuốn đi, nào học hành, tốt nghiệp, rồi lo công việc, gia đình, con cái...
3. Một cách thong thả, đôi lúc trầm tư trong hồi tưởng, Đô kể...
...Hồi đó, với số tiền “hỗ trợ bão lụt”, Đô sửa lại nhà và mua một con đò, thay ba làm nghề đưa khách sang sông. Bận rộn là vậy, nhưng giấc mơ đại học vẫn nung nấu trong lòng nó. Những lúc không có khách, nó nghiên cứu các giáo trình, tài liệu… Nó định cố gắng dành dụm tiền, đăng ký học tại chức.
Do thỉnh thoảng phải chở, phải giao tiếp với những người khách nước ngoài ưa du lịch bụi nên Đô bắt đầu tự học tiếng Anh. Một lần, có ông khách người Anh tỏ ra tò mò khi thấy chồng sách đủ loại nó để trên mũi ghe. Sau đó, ông ấy trở lại thăm nó mấy lần và hứa sẽ giúp đỡ. Ít lâu sau, ông ta làm thủ tục nhận Đô làm con nuôi và đưa hắn qua Anh. Lấy xong bằng tiến sĩ, Đô trở thành giảng viên một trường đại học. Năm ngoái, ba nuôi Đô mất. Vì không có người thân nên ông ấy để lại tất cả tài sản cho Đô…
Tôi gật gù:
- Không phải ai cũng may mắn thế! Mà này, mày về nước làm việc luôn hay thăm gia đình?
Đô có vẻ lưỡng lự:
- Công việc của tao bên đó đang ổn định!
Tôi thông cảm:
- Vậy, để tao gọi thằng Nam, thằng Huy. Chúng mình gặp nhau, ôn lại chuyện cũ.
Mắt Đô sáng lên:
- Chắc chắn rồi ! Tao cũng có việc muốn nhờ...
Dù chưa biết chuyện gì, tôi vẫn hồ hởi:
- Được thôi. Tụi tao sẵn sàng. Nhưng là việc gì?
- Tao muốn chuyển tiền về Việt Nam.
Tôi ngớ người một chút rồi lắc đầu, xua tay:
- Ờ, chuyển tiền hả? Mà sao không nhờ các em mày?
- Là vầy, tao muốn tụi mày lập một cái quỹ, kiểu như “Quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo”... Đừng như tao hồi đó…
Những chữ cuối, giọng Đô nhỏ hẳn, như nghẹn.
Tôi thở hắt ra, cười ngượng nghịu:
- Được rồi, mày yên tâm, tụi tao sẽ làm!
Kết Thúc (END) |
|
|