Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Món Quà Ấm Áp Tác Giả: Lê Thị Xuyên    
    Hạnh có tiết dạy Văn đầu giờ tại lớp 10A1. Cùng với cái lạnh mùa đông là những cơn mưa rả rích, lê thê kéo dài gần hai tuần liền. Học trò đến lớp lưa thưa vài ba đứa. Chúng cứ năn nỉ Hạnh xin nghỉ để cô trò tâm sự. Chúng còn nài nỉ cô kể chuyện cười, chuyện về mấy nhà thơ, nhà văn. Gió ngoài trời vẫn thổi từng cơn rin rít trên mấy ngọn bạch đàn bên ngoài cửa sổ.
    
     Hạnh thấy rùng mình vì hơi lạnh thốc vào. Trong lớp, bốn cậu học viên ngồi chung một bàn, em nào cũng ấm áp bởi những chiếc áo len, áo khoác dày cộp được khoác lên mình, chỉ có Trọng, cậu học trò ngồi một mình ở bàn phía dưới đang run lên vì lạnh. Chốc chốc em lại khụt khịt mũi với vẻ rất khó chịu. Em vẫn cười khi Hạnh pha trò qua những câu nói hay câu chuyện hài hước. Dừng lại, hướng cái nhìn về phía em, Hạnh gạn hỏi:
    
    - Trời lạnh thế sao em không mặc áo khoác?
    
    Trọng cười hiền lành:
    
    - Em không có áo khoác.
    
    Hạnh ngạc nhiên. Hưng, lớp trưởng phân trần:
    
    - Nhà bạn Trọng nghèo lắm. Mẹ bạn không có tiền mua nổi áo khoác đâu cô.
    
    Nghe vậy, Nam ngồi ngay cạnh liền tiếp lời:
    
    - Trọng vào đây học cũng vì để không phải đóng tiền học phí, chứ bạn thi lớp chín lên mười đủ điểm vào trường công đấy cô ạ.
    
    Trọng lặng lẽ. Khuôn mặt em buồn rười rượi đủ để Hạnh cảm nhận được nỗi lòng của cậu học trò nghèo với hoàn cảnh đặc biệt. Sau tiết dạy, hình ảnh của cậu học trò qua lời kể của mấy bạn cùng lớp cứ ám ảnh khiến Hạnh suy nghĩ rất nhiều. Hạnh quyết định tìm hiểu cho rõ về hoàn cảnh của Trọng.
    
    Theo chân mấy cậu học trò, Hạnh tìm đến nhà Trọng vào một buổi sáng Chủ nhật, mưa lác đác. Con đường đất nối dài vào nhà Trọng nước ngập lên mắt cá chân. Hạnh xuống xe dắt bộ men theo bờ mương vào ngõ. Nghe tiếng gọi của Hưng, Trọng từ trong nhà bước ra. Bộ quần áo ngắn cũn hình như được mua sắm từ mấy năm trước. Nó có vẻ không hợp lắm so với vóc dáng của cậu học trò lớp mười. Thấy cô giáo và các bạn đến, Trọng bẽn lẽn. Em mời cô và mấy bạn vào nhà. Ngôi nhà mái ngói tuềnh toàng, bên trong đủ để đặt một cái tủ, phía trên mặt tủ là tấm ảnh với bát hương thờ. Nền đất bị mưa dột ướt sũng. Ngay cả cạnh bát hương thờ cũng là một cái chậu nhỏ được đặt để hứng nước mưa dột. Trọng nhìn cô giáo có vẻ ái ngại:
    
    - Ba em mất từ khi em lên mười. Một mình mẹ làm thuê nuôi em cho đến bây giờ.
    
    - Thế mẹ em đâu?
    
    - Mẹ em bưng bún thuê ở ngoài phố. Trưa mẹ mới về.
    
    Từ trong nhà, hướng cái nhìn ra ngoài sân, Hạnh nhận ra cuộc sống của mẹ con Trọng. Giàn mướp lác đác vài bông hoa vàng vọt, rũ rượi vì mấy ngày mưa liên tục. Mấy quả mướp èo ọp đưa qua đưa lại theo cơn gió. Mấy vạt đất nằm phơi mình, lổn nhổn những viên sỏi, viên đá lô nhô. Trọng rót nước mời mọi người. Cái lạnh thấm vào da thịt khiến bệnh viêm xoang của em càng trở nặng. Trò chuyện với Trọng, Hạnh biết thêm mẹ của em cũng bị bệnh gai cột sống nên không làm được việc nặng. Chị vẫn đi làm thuê, làm mướn để kiếm tiền trang trải cuộc sống của hai mẹ con ngày hai bữa. Hạnh thấy lòng mình càng se sắt khi nghe Trọng kể về hoàn cảnh của em.
    
    Hạnh là giáo viên trẻ mới ra trường được mấy năm. Về công tác tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên nơi phố huyện này, cô đã gặp gỡ học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau; rồi tính cách, học lực, đạo đức và hoàn cảnh mỗi học viên cũng chẳng ai giống ai. Ban đầu, áp lực khiến cô muốn từ bỏ việc. Nhưng dần dà, cô thay đổi ý nghĩ. Nếu đứng trước khó khăn, ai cũng muốn từ bỏ thì ai sẽ là người gánh vác? Cô nhận ra, dạy văn hóa cũng quan trọng, nhưng dạy cho các em biết vươn lên, vượt qua hoàn cảnh, biết xác định mục đích sống trong tương lai thực sự là điều cần thiết. Có lẽ vì thế, Hạnh thấy mình chẳng phải đơn thuần là giáo viên mà là người thân của các em. Mỗi giờ lên lớp của Hạnh là những câu chuyện đời, là những tấm gương sáng về nghị lực sống. Và niềm vui lớn nhất với cô vẫn là giúp học viên luôn lạc quan, vui vẻ. Sự tận tâm, gần gũi, thân thiện và tỉ mỉ ấy càng khiến học viên quý mến cô hơn.
    
    Năm mới đang tới gần, ai nấy háo hức niềm vui với những dự định mua tặng những món quà nhỏ để tặng người thân, bạn bè. Học viên thay nhau chúc Hạnh những lời tốt đẹp. Hạnh kể cho các em nghe về những món quà ý nghĩa, về những câu chuyện giản dị nhưng vô cùng quý giá trong cuộc sống. Rồi trước lớp, Hạnh lấy ra hộp quà từ trong túi xách.
    
    - Món quà này, cô và lớp xin tặng bạn Trọng. Hy vọng rằng tình cảm của tập thể lớp sẽ là động lực nho nhỏ giúp em học tập tốt hơn. Vừa nói, Hạnh vừa trao tận tay cho Trọng. Em nhận món quà từ Hạnh trong những tràng pháo tay của lớp. Niềm vui và hạnh phúc khiến Trọng cảm động rưng rưng.
    
    Hôm nay, Trọng đến lớp như thường ngày. Hạnh cảm nhận được niềm vui trên gương mặt của cậu học trò nghèo khi được khoác chiếc áo ấm mới giữa ngày đông giá lạnh. Giờ học Văn hôm nay như càng thêm sôi nổi, ý nghĩa hơn.

Kết Thúc (END)
Lê Thị Xuyên
» Vào Nghề
» Ở Trọ
» Bên Ngoài Ô Cửa Sổ
» Món Quà Ấm Áp
» Hơi Ấm Tình Thương
» Sự Cảm Hóa
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển