Mặt trời ngã sau bụi tre. Ra khỏi lớp, tôi nhảy chân sáo. Nồm lồng lộng. Khói loang xa. Loang cả mùi đường thắng đang tới. Nước miếng tôi tứa ra. Cái mùi quái ác, lôi cuốn làm sao. Định bữa nay không ghé chòi, nhưng cái mùi thơm lừng, ngọt lịm, đã níu chân tôi lại. Thấy tôi, lão Bường kêu:” Vào đây, đường tới rồi nầy” Lão biết tôi hảo ngọt, còn lão được cái sướng người. Sướng vì đã ngứa cái lưng. Lưng lão đầy rôm sảy. Suốt ngày xoai trần, lão bó nùi, đốt lò. Mặt trời lên, ngứa quá lão lấy bã mía cào, nhiều khi tấy máu. Tôi giết từng mụn, từng mụn, lão rên khe khẽ. Trong đám trẻ con, lão chọn tôi, đơn giản là tôi không làm lão đau.
Đường đổ vào muỗng rồi. Muỗng xếp thành dãy dài. Đít muỗng nhọn hoắt cắm xuống đất. Vài phút sau trên mặt muỗng nổi lên lớp bọt màu vàng nhạt. Lớp bọt này ngon nhất. Lấy bã mía khoanh lại, cào về một phía rồi vê lên. Thổi thổi cho vừa nguội, đưa vô miệng. Nó vừa ngọt, vừa thanh, vừa thơm, tan ngay ở đầu lưỡi, còn cái mùi cứ đằm đằm mãi ở cổ, hấp dẫn vô cùng. Xong, làm hớp nước chè xanh, tuyệt !. Nước chè lúc nào chả có, lão Bường để sẵn siêu nước chè tươi ở lỗ lù, nóng suốt ngày với cái mo đài chằm bằng cau treo gần đó. Lão nói ” Thứ đường dẻo, nòi ác nhơn. Nó giống như đờn bà. Nghe cái mùi nhịn không được, mà làm một vích ớn tới trên óc. Vậy mà hôm sau lại thèm”. Lão vừa nói, vừa cười, nhìn chú Bạch. Tôi biết thế nào cũng gặp chú Bạch ở đây. Định không ghé choì vì tôi ghét chú Bạch. Chú Bạch nói dóc. Cứ chiều tắm táp xong, chải đầu láng liết, chú đến lò. Ăn đôi vích đường, chủ yếu là chú nói dóc. Công bằng mà nói thì chú giỏi, rất giỏi nữa đằng khác. Cuốc ruộng, thả lờ, nhứ chim, việc ghì chú cũng thạo
Có lần, chú vác nguyên cái máy nước Cô- le, bơi qua sông. Cô Thuận nể lắm. Nhưng cô Thuận cũng ghét chú. Cô Thuận đến từ rạng sáng. Cô cho hàng ăn. Ba ông hàng lăn đều theo bước chân trâu. Cô Thuận châm mía vào kẻ hàng. Mía bị ép giập kêu bôm bốp, nước tóe ra chảy thành dòng xuống thùng chè. Chú Bạch vừa đi sau trâu vừa tiếp mía cho cô Thuận ép. Chú nói và liếc cô Thuận. Cô Thuận vờ không nghe. Chú nói: ” Hôm rồi, bừa xong đám ruộng ngõ sau, tôi vác bừa ra sông rửa. Không biết cơ man nào là cá gáy. Quýnh quá, tôi lia cái bừa xuống, mười hai răng bừa găm đúng mười hai con cá; ăn không hết, tôi phải đổ ”. Cô Thuận ngứa miệng:” Sao anh không mua mười ang muối , rồi muối để dành mà ăn”. Chú Bạch nói:” Thuận à, em nói cay tôi làm gì, tôi nói thiệt đó, mới hồi hôm đây có bầy cò về ngủ ở bụi tre sau nhà. Tôi lấy thanh tre gấp lại, kẹp cổ từng con lôi xuống. Đâu cũng được vài mươi con. Tôi còn nhốt ở nhà đó, không tim em đến xem thử”. Cô Thuận dấm dẳn: “Anh này vô duyên quá. Chim cò nhà anh nhiều, anh giữ lấy mà dùng, cơn cớ gì mà biểu người ta đi dòm chim …cò của anh”. Cô tiếp tục châm mía vào ép. Chú Bạch mất hứng, quay qua lão Bường. “Ông Bường này, hôm trước mình tôi bắt ba tên trộm như bỡn”. Lão Bường hỏi: ” Thiệt hông ” –“ Thiệt chứ sao hông”. Chú Bạch nói tỉnh queo: “Hôm đó trời oi lắm. Hình như chuyển mưa. Tôi không ngủ được. Nửa đêm tôi nghe tiếng bịch bịch sau nhà. Tôi đóan bọn trộm đang đào ngạch. Quả như vậy. Hể đã là trộm trước khi đánh quả nhà nào chúng đều đốt một cây nhang giữa ngõ; phòng khi có động chúng biết đường mà tháo chạy. Đêm đó trời tối đen như mực. Nghe chúng đào, tôi vờ không hay. Lúc đầu chúng đưa thử cục gạch vào. Không động tĩnh gì. Lát sau chúng đưa chân vào. Cũng không thấy gì. Thế là một thằng chui vô. Tôi lẽn đường khác ra ngõ, rút cây nhang cắm giữa bụi gai mây, rồi la toáng lên. Cả bọn tháo chạy; lao thẳng vào bụi mây. Chúng mắc gai lùng nhùng. Tôi đốt đuốc lên tóm gọn. Ông Bường thấy tài không? ” Lão Bường tấm tắc:” Tài, tài quá!. Nhưng chú Bạch này, nói gần, nói xa không qua nói thiệt. Chú để ý con nhỏ Thuận phải không? nói đi chứ chim cá lòng vòng chi cho mệt. Nói đi tui làm mai cho. Con Thuận coi vậy mà được lắm nghen”. Chú Bạch vò tay, nhìn xuống đất, đỏ tai, cười.
Không biết lão Bường nói thế nào mà cô Thuận có cảm tình với chú Bạch. Cô Thuận đồng ý, lễ ăn hỏi trong con trăng này. Chú Bạch bán bụi tre sau nhà, lên tận chợ tỉnh, chú nói với ông thơ vàng:
– Đánh cho tui chiếc nhẫn một chỉ.
Cầm chiếc nhẫn, chú nghĩ đến những ngón tay thon nhỏ, thỉnh thoảng cô Thuận đưa lên vuốt tóc. Nó mềm mại, ngọt ngào quá. Ngọt hơn vích đường dẻo chòi lão Bường. Cô Thuận mặc áo cánh nâu nước da lại trắng. Buổi chiều cô ra sông tắm khỏa nước, tóc xỏa vai trần. Chú Bạch làm bộ nhứ chim lò dò hoài ở bụi tre. Cô Thuận tằng hắng, chú ngồi im trong bụi, kiến cắn không dám gãi. Tối về, chú mơ thấy tóc cô Thuận thành mây bay qua ngực , làm chú nghẹt thở. Chú giật mình, thò tay vào túi mân mê chiếc nhẫn. Chiếc nhẫn nhỏ quá. Để chỗ nào chú cũng sợ mất. Lấy len quấn quanh thiệt kỉ, chú may nhẫn vào quần đùi. Mỗi lần giặt chú ngồi hàng giờ ở bờ rào canh chừng. Từ ngày có cô Thuận, chú Bạch bớt nói dóc. Với lại nói hoài cũng chán. Chú phụ lão Bường chà muỗng, la trâu, bó rác….. Hóa ra lò đường này có nhiều thứ hấp dẫn. Mùi đường hấp dẫn tôi. Tôi hấp dẫn lão Bường. Còn chú Bạch mê cô Thuận. Gần tới ngày ăn hỏi, chú Bạch bồn chồn lắm. Cô Thuận mắt long lanh, má hồng hơn. Trăng sáng, chú Bạch và cô Thuận ra bờ sông ngồi. Tôi mon men đến chòi mía. Lão Bường khều đèn đốt thuốc. Nghe có mùi rượu. Hình như lão Bường vừa uống rượu về. Tối nào lão cũng làm vài cút giải mỏi ở quán bà Bé. Bà Bé là vợ nhỏ lão Bường. Thợ nấu đường khói bụi đen thui, người lúc nào cũng chua chua, khen khét. Vậy mà nhiều bà mê lão. Bà nào cũng to như ông hàng trống. Hình như lão có biệt tài. Lão dạy chú Bạch:” Nhất lân la, nhì trà trộn”. Lão trà trộn với bà Bé có đứa con gái tên Hoa học lớp bốn với tôi. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Tóc nó hoe hoe, da đen mà cái miệng lanh lắm. Tôi ghét những đứa con gái lắm mồm. Biết tôi hay gải lưng cho lão Bường, bọn trẻ cắp đôi tôi với con Hoa. Tức chết được. Tôi không thèm gãi lưng cho lão nữa. Nhưng cái mùi đường quyến rũ quá. Non tháng, tôi ghé qua chòi. Chòi mía đông người. Tôi chạy vào, không khí có mùi tang tóc. Mọi người buồn bã xôn xao. Người ta đã hạ ba ông hàng xuống rồi. Nghe nói lúc cho hàng ăn cô Thuận vô ý, hàng kẹp nát đôi bàn tay. Những ngón tay giập như bả mía. Máu chảy thành dòng đỏ tươi xuống thùng chè. Chú Bạch hốt hoảng chạy trước đầu trâu chặn lại, tháo ách, hạ hàng, gỡ tay cô Thuận ra. Tháng sau, ở bệnh viện về cô Thuận còn hai ống tay nhòn nhọn. Da cô xanh lét.
Hơn hai năm sau đám cưới mới được tổ chức, vì cô Thuận từ chối mãi. Hôm làm lễ , chú Bạch cột chiếc nhẫn vào cổ tay cô Thuận. Họ hàng lau nước mắt.
Tôi xa quê mấy chục năm, Tết rồi về thăm , lão Bường, và mùi đường dẻo không còn.. Nhưng đường sá mở to, quán xá xập xình. Chú Bạch bỏ đi xa nghe nói đi với em “Cần …tiền” nào đó. Cô Thuận đã hom hem. Cô ngồi hàng chiều nhìn ra bờ sông mờ mờ , chờ một này chóng qua.
Kết Thúc (END) |
|
|