Chuyện của ông, cũng như chuyện của bất cứ ai bắt đầu từ ngày xửa, ngày xưa, thuở chúng ta chưa chào đời. Trải qua bao triều đại, tỉnh chúng tôi cung cấp cho hoàng gia những bầy tôi tin cậy nhất. Họ có danh xưng là thái giám, nhưng với lòng tôn kính, chúng tôi gọi họ là đại phụ, thân mật hơn là ôn. Không một ai là con cháu giòng chính từ các ôn, nhưng nếu đi ngược lại dòng máu trong họ thì các ôn là bác, chú, anh, em con chú con bác đã từ bỏ giống nam của mình, để tên của giòng họ được tồn tại. Đó là thế hệ của những đứa bé trai, vào khoảng bảy, tám tuổi, được chọn bị thiến – tẩy uế, người ta gọi vậy – rồi được đưa vào hoàng cung tập sự, phục dịch, hầu hạ hoàng đế và hoàng gia. Đến tuổi mười ba hay mười bốn, các ôn bắt đầu hưởng lương, rồi chắt chiu dành dụm những đồng tiền bằng bạc gởi về cho song thân. Các đồng bạc đó được cất kỹ vào trong một cái rương, cùng với một bao lụa có bộ dịch hoàn của ôn được bảo tồn bằng lá cây. Khi các anh em trai của ôn đến tuổi lâp gia đình, bố mẹ rút bạc từ rương ra, tài trợ cho phí tổn cưới vợ, các bà vợ này sẽ sanh con trai, những đứa con lớn lên mang giòng họ gia đình, rồi tiếp tục lấy vợ, sanh con; sẽ có đứa bé trai được chọn vào hoàng cung, trở thành những đứa trẻ được tẩy uế. Năm tháng trôi qua. Đến lúc đầu gối lung lay, không còn có khả năng phục dịch hoàng gia nữa, các ôn rời hoàng cung, được cháu trai mời về sống trong gia đình. Chẳng còn điều chi để bận tâm nữa, các ôn ngồi suốt ngày hưởng ánh nắng mặt trời, tay vuốt ve con mèo đem theo từ hoàng cung về, mập và chậm như chủ, mắt theo dõi những con chó đực rượt đuổi các con chó cái. Ngày các ôn lìa đời, đám tang là biến cố huy hoàng nhất của tỉnh: sáu mươi bốn Tao sư, bận áo xanh và xám, nhảy múa trong bốn mươi chín ngày liền, không cho tà ma nào dám xâm nhập thân thể. Sau bốn mươi chín ngày, việc thiêng liêng cuối cùng là lúc bao lụa chứa giống nam héo tàn của ôn được đặt vào quan tài. Giờ đây bộ phận thiếu sót đã được nhập lại với cơ thể, hồn các ôn, không còn luyến tiếc chi nữa, đi đến một nơi tốt đẹp hơn thành phố chúng tôi ở.
Đó là câu chuyện của các đại phụ tỉnh chúng tôi. Qua nhiều triều đại, các ôn là thành viên tin cậy nhất của hoàng gia. Thái giám chăm sóc các công chúa, cung tần trong những việc riêng tư, thầm kín nhất mà không làm vẩn đục giòng máu quý phái với những ước muốn xấu xa, hèn hạ của đàn ông. Thái giám phục dịch hoàng đế và các hoàng tử nhẹ nhàng, thanh lịch, không như các cung nữ, đầu luôn tơ tưởng cơ hội quyến rũ hoàng đế hay các hoàng tử với sắc đẹp rẻ tiền của mình. Các đại phụ không hề là mối đe đọa cho các hoàng hậu. Tuy nhiên cũng có những đồn đại, rằng thái giám là đồ chơi cho các vị hoàng tử trẻ, lúc các vị chưa đến tuổi được có cung tần, rồi lại có những chuyện xì xầm về các thái giám bất hạnh bị chết đuối, bị thiêu, bị đánh chết hay bị chặt đầu vì những lỗi lầm nhỏ nhặt nhất, thế nhưng chúng tôi biết, những câu chuyện như thế chỉ là những bịa đặt nhằm bôi nhọ thanh danh tỉnh. Chúng tôi tin những gì mắt trông thấy, các mộ bia khắc tuyệt kỹ trong nghĩa trang, các bức ảnh lồng trên vải lụa thêu trong quyển ảnh của giòng họ. Chúng tôi vô cùng yêu thương và mang ơn các đại phụ. Nếu không có các ôn, thì chúng tôi là ai, những người được sanh ra trong thành phố không tên?
Thế kỷ qua, tăm tiếng tỉnh chúng tôi mờ nhạt đi. Nhưng trước hết xin kể hầu quý vị chuyện của một cậu thanh niên trước khi sang đề tài về sự sụp đổ của các ôn qua quá trình lịch sử. Theo truyền thống, những cậu bé được gởi vào hoàng cung không thể là con trai đuy nhất của gia đình, bởi vì phận sự thiêng liêng nhất của con trai vẫn là tiếp nối giòng dõi. Thế mà đại phụ vĩ đại nhất lại là con trai độc nhất của gia đình ông. Cha ông mất sớm trước khi cụ có thì giờ trồng thêm hạt giống vào bụng bà vợ. Gia đình không có chú hay bác gởi tiền về từ hoàng cung, cho nên bà vợ góa và cậu con trai sống vất vả. Lúc cậu bé mười tuổi, sau một buổi cãi vã với những đứa bé hàng xóm, có đứa khoe là chú nó nhận cả thỏi vàng từ tay hoàng đế, cậu vào chuồng bò, tự tẩy uế mình với sợi dây và cái liềm. Huyền thoại kể rằng cậu đi qua phố, tay cầm bộ dịch hoàn đẫm máu, miệng la to cùng dân hai bên đường đang thảng thốt nhìn cậu bằng cặp mắt xót thương: “Rồi các ông bà sẽ biết, nay mai tôi sẽ là quan phục vụ đắc lực nhất của Hoàng đế.” Mẹ cậu, không sống nổi với niềm hổ thẹn gia đình không có con cháu nối dõi tông đường, nhảy vào vực giếng tự vẫn. Hai mươi năm sau, người con trai trở thành hoạn quan uy quyền nhất hoàng cung, dưới trướng có hai ngàn tám trăm thái giám, và ba ngàn hai trăm cung nữ. Không có anh em trai để gởi tiền về, lúc về hưu, Ôn là người giàu có nhất trong vùng. Ôn thuê người cải táng mộ bà thân mẫu trước chôn trong một quan tài rẻ tiền, làm lại cho bà một đám tang thứ nhì, huy hoàng lộng lẫy nhất vùng. Đó là tháng thứ chín của năm 1904, mà tới ngày nay, những người già trong tỉnh vẫn còn kể đến những chi tiết của đám táng: quan tài vĩ đại, đẽo từ gỗ đàn hương, chồng thỏi vàng, rương quần áo lụa, hộp ngọc thạch... tất cả được chôn cùng, để bà mẹ quá cố đủ tiêu dùng tới kiếp sau. Điều đáng nể nhất là ôn đã mua bốn cô gái nhỏ trên núi, nhà nghèo, tất cả đều mười hai tuổi. Bốn cô được bận quần áo lụa xa-tanh, thứ mà họ chẳng bao giờ mơ ước rớ tới, rồi các cô được cho ăn một chén thủy ngân, chất thủy ngân sẽ giết họ tức thì, giữ được làn da hồng hào tươi tắn suốt trong thời gian kiệu của họ đi trước quan tài, diễn hành qua phố tỉnh.
Chuyện của Ôn hoạn vừa kể là trang sử huy hoàng nhất của tỉnh, tựa như tràng pháo bông tráng lệ tỏa trên bầu trời trước khi bóng tối ập tới. Chẳng bao lâu, triều đại cuối cùng bị đập đổ bởi cộng hòa. Hoàng đế bị đuổi khỏi cấm thành, theo sau là những nô bộc trung thành nhất, thế hệ cuối cùng của các thái giám. Vào thập niên ba mươi, họ sống nghèo đói trong những ngôi đền chung quanh cấm thành. Những người khôn hơn thì đỡ khổ nhờ trưng bày thân thể họ cho nhà báo ngoại quốc và cho du khách, họ được thêm tiền khi trả lời những câu phỏng vấn, và nhất là nếu có chụp hình.
Qua một nền cộng hòa ngắn ngủi, các tướng lãnh tranh quyền, hai thế chiến, cả hai lần chúng tôi đứng vào phe chiến thắng, thế nhưng chúng tôi chẳng thắng được gì! Sau nội chiến, chúng tôi thấy rạng đông của thế giới cộng sản. Ngày mà nhà độc tài tuyên bố cộng sản chiến thắng trên đất nước, tại tỉnh lị chúng tôi, một chàng thợ mộc trẻ rước vợ mới cưới về nhà.
“Họ nói là chúng ta có một cuộc đời mới kể từ ngày hôm nay”. Cô vợ trẻ bảo chồng, tay chỉ cái loa trên mái nhà.
“Mới hay cũ, đời sống vẫn thế,” anh chồng trả lời vợ. Anh leo lên giường làm tình với nàng, mắt nhắm đê mê, trong khi đó cái loa vẫn phát thanh bài hát mới, giọng nam và nữ lập đi, lập lại những lời hát...
Cậu con trai của hai người được thai nghén giữa tiếng hợp xướng “Cộng Sản thật vĩ đại, thật vĩ đại, thật vĩ đại...” Trên đài phát thanh, bài hát vang lên, ngày này qua ngày nọ, người mẹ trẻ hát theo, tay sờ bụng bầu và cẩn thận cắt hình ảnh nhà độc tài từ báo chí. Dĩ nhiên chúng tôi không gọi ông là độc tài. Chúng tôi gọi ông là Cha của dân tộc, vị cứu tinh, ngôi sao Bắc đẩu của đời chúng tôi, mặt trời không bao giờ tắt của kỷ nguyên. Như hầu hết các đàn bà cùng thế hệ, người mẹ không biết chữ. Nhưng không như mọi người đàn bà khác, chị thích xem báo, và chị gìn giữ tất cả hình ảnh của nhà độc tài trong một tập sách dày cộm. Chị quả thật là người đàn bà thông minh nhất thời ấy, vì chẳng có người đàn bà nào khác nghĩ đến chuyện ngắm hình nhà độc tài trong lúc đang mang bầu. Có người tin rằng lúc mang thai, nếu nhìn mãi hình ảnh nào đó, đứa bé lúc chào đời sẽ có nhiều cơ hội giống khuôn mặt đó. Mấy năm trước, đàn bà có bầu thích nhìn một con búp bê, mang một cái tên ngoại quốc, Shirley Temple. Chục năm sau, các bà có thai thích nhìn khuôn mặt các tài tử màn bạc, nhưng vào thời điểm đó nhà độc tài là siêu sao duy nhất trên các cơ quan truyền thông, vì thế, người mẹ chỉ có ngắm mặt nhà độc tài mười tháng liền trước khi đứa bé chào đời.
Đứa bé trai ra đời với khuôn mặt nhà độc tài, một điều kỳ diệu mà lúc đầu chúng tôi chẳng nhìn thấy. Mười năm đầu đời của đứa bé, chúng tôi tránh nhìn mặt nó, bởi lẽ ai cũng e ngại sẽ thấy khuôn mặt người cha quá cố. Anh là một người đàn ông siêng năng, tử tế với hàng xóm và đối xử tốt với vợ. Chúng tôi chẳng bao giờ ngờ rằng anh sẽ là kẻ thù của quốc gia cộng sản mới thành lập. Thế nhưng có rất nhiều chứng nhân, không phải một mà là cả một quán rượu.
Anh đã bị đưa lên đoạn đầu đài vì lời phê bình của chính mình về anh hùng và con lợn cái. Đến lúc ấy, chúng tôi đã ý thức được quyền uy của nước cộng sản đàn anh. Trong quốc gia đàn anh đó, còn gọi là Liên Sô, đàn bà được khuyến khích sản xuất nhiều con cho chính nghĩa cộng sản, những người đàn bà sanh được một số con tới tiêu chỉ nào đó, được gọi là các bà mẹ anh hùng. Nước chúng tôi cùng đi trên con lộ lớn của thiên đường, thế nên nhà độc tài quyết định theo cùng chính sách.
Anh thợ mộc trẻ, lúc đó đã ngà ngà say, bông đùa cùng các bạn rượu: “Các bà mẹ anh hùng? Con lợn cái của tôi mới đẻ mười con lợn con. Thế có nên cho nó chức vị đó không?”
Thật là một tấn công hiểm ác vào chính sách nhà độc tài. Anh thợ nề bị xử tử sau phiên xử của tòa án nhân dân. Tất cả mọi người có mặt trừ chị vợ, mỗi người trong chúng tôi dơ cao tay lên, hô hào chiến thắng của nhân dân, tiếng nói đồng loạt át đi tiếng rên rỉ của người vợ trên giường đẻ. Chúng tôi gào thét khẩu hiệu cùng lúc viên đạn bắn vào đầu người đàn ông trẻ. Chúng tôi hát các bài ca cách mạng khi thân thể anh diễn hành qua những con phố. Cuối cùng, lúc giọng nói bắt đầu khàn đi vì kiệt sức, thì chúng tôi mới nghe tiếng khóc chào đời của thằng bé, rống lớn, đau khổ, và trong một thời gian, thật khó cho chúng tôi có thể nhìn thẳng vào mặt nhau. Chúng tôi đã làm gì cho người mẹ và đứa bé? Phải chăng người đàn ông trẻ đã chết từng là anh em của chúng ta?
Chúng tôi cũng không biết là cùng thời điểm, có một nhà trí thức tại thủ đô đã bị bỏ tù, bị tra tấn cho tới chết vì ông dám tiên đoán sự tăng trưởng kinh khủng của dân số, và ông đã kêu gọi nhà độc tài thay đổi chính sách. Chúng tôi cũng không hề biết trong một buổi gặp gỡ với đàn anh Moscow, nhà độc tài tuyên bố rằng nước chúng tôi chẳng hề sợ một thế chiến hay chiến tranh nguyên tử. Ngài nói: Mỹ cứ dội nguyên tử lên đầu chúng tôi đi. Chúng tôi có tới năm trăm triệu dân. Dù nửa dân số có chết đi chăng nữa, Trung quốc vẫn còn hai trăm năm mươi triệu dân, hai trăm năm mươi triệu người dân còn lại sẽ sản xuất hai trăm năm mươi triệu dân khác trong một thời gian không bao lâu.
Lời nói của ngài ở trên được đăng lên báo, đọc xong máu chúng tôi nóng lên. Nhiều năm kế tiếp, mọi người ngước mắt nhìn trời, đợi chờ máy bay Mỹ dội bom lên đầu, để có dịp tỏ bày lòng can đảm và trung thành đối với nhà độc tài, chứng minh lời nói của Ngài.
Thằng bé lớn nhanh như bụt măng. Người mẹ già đi còn nhanh hơn bội phần. Sau cái chết của anh chồng thợ mộc, theo lời yêu cầu của chị, Ủy Ban Cách Mạng giao cho chị công việc quét đường. Mỗi sáng sớm, chúng tôi nằm trong chăn, nghe tiếng chổi quét xào xạc. Chị trở thành góa bụa năm mười tám tuổi, người đàn bà góa trẻ đẹp, tất nhiên có nhiều chàng độc thân tơ tưởng tới trên cái giường đơn độc của họ. Thế nhưng không người nào đề nghị lấy chị làm vợ. Ai mà muốn lấy vợ góa của một tên phản cách mạng, để rồi suốt cuộc đời phải lo lắng có ngày bị tố là đồng tình với một kẻ đứng bên phía trái của lề đường? Hơn nữa, dù rằng nhà độc tài đã dạy rằng trong quốc gia mới, đàn ông và đàn bà ngang hàng nhau, chúng tôi vẫn tin là đàn bà góa chồng mà tái giá là lòng vẫn còn đĩ thõa. Niềm tin đó được chính nhà độc tài xác nhận, khi báo đăng lời ngài phê bình cùng một thân cận, mà người này về sau trở thành kẻ thù của nhân dân: “Người đàn ông không thể nào che dấu tính phản động sẵn có của mình, cũng như người đàn bà góa không thể nào che đậy được niềm khát khao được ân ái.”
Thế rồi người đàn bà góa tàn úa trước mắt chúng tôi. Khuôn mặt chị càng ngày càng tái nhợt đi, cặp mắt khô dần. Đến năm cậu bé lên mười, chị chẳng khác gì một bà già sáu mươi. Không một người đàn ông độc thân nào còn đặt mắt vào khuôn mặt của chị.
Thằng bé lên mười năm bắt đầu nạn đói. Ba năm trời trước đó, chúng tôi không làm gì hơn là hát những bài ca thiên đường cộng sản và thề sẽ giải phóng tầng lớp lao động đau khổ khắp thế giới. Nông dân và công nhân ngừng làm việc cực nhọc, dành toàn thời giờ nặn óc soạn một bài thơ nữa, hăng hái tranh đua là nhà thơ vô sản hay nhất. Mọi người tới trung tâm tỉnh bàn luận chiến lược làm thế nào chinh phục thế giới dưới sự lãnh đạo của nhà độc tài. Nạn đói đến bất ngờ, lúc mọi người không có tí chuẩn bị nào. Tất cả ngoan ngoãn lắng nghe những lời động viên của nhà độc tài trên loa phát thanh. Ngài kêu gọi người dân hãy buộc thắt lưng lại, hy sinh cho tương lai của cộng sản, và người người vui vẻ bấm thêm lỗ vào đai lưng quần. Đến năm thứ ba của nạn đói, nhà độc tài nói trên loa phát thanh: Hãy hủy diệt chim sẻ và chuột, chúng là những tên ăn cắp đã cướp đi thực phẩm chúng ta và đem nạn đói tới.
Giết chim sẻ là một sự kiện vui vẻ nhất trong ba năm dài của nạn đói. Sau nhiều tháng ăn cháo lỏng và rễ cây, sáng ngày giết chim sẻ và chuột, mỗi người được ăn hai bánh bao từ nhà ăn thành phố. Ăn xong, chúng tôi leo lên mái nhà và bắt đầu khua chiêng trống theo lệnh của Ủy Ban Cách Mạng. Từ mái nhà này qua mái nhà nọ, nhịp điệu vang dội đuổi các con chim lên trời cao. Buổi sáng, buổi trưa, mọi người chơi, theo ca, nếu có một con chim nào toan nghỉ trên cành cây, nó bị đuổi ngay bằng những cây tre dài, đầu buộc lá cờ đầy màu sắc. Tới chiều, quá hãi hùng và kiệt sức, chim sẻ rơi như mưa bom. Trẻ con, trang hoàng quanh bụng bằng chim sẻ, chạy khắp nơi, gom góp thêm những con chim cho buổi ăn tối.
Thằng bé lén nhét một con chim sẻ vào tay áo, bị một tên lớn hơn chụp tay, la to: “Nó ăn cắp tài sản nhân dân”.
“Mẹ tôi đang đau. Bà cần phải ăn”, thằng bé nói.
“Này thằng kia, mẹ mày cần thứ chim khác, con ạ”, tiếng nhạo báng của một gã đàn ông. Đám đông phá ra cười. Mấy cái bánh bao trong bụng và những con chim sẻ trong giỏ làm chúng tôi vui vẻ.
Thằng bé đăm đăm nhìn gã đàn ông một lúc, rồi bỗng húc đầu vào bụng gã.
“Đồ chó đẻ”, gã la lên, và choàng tới bóp hạ bộ thằng bé.
“Đập thằng phản cách mạng một trận đi,” người khác la to, thế là chúng tôi nhào tới thằng bé, tay đánh, chân đá. Nạn đói làm rã rời thân thể chúng tôi, và đây là cơ hội giải tỏa cơn giận không tên.
Bà mẹ nhào vào đám đông, cố gắng đẩy chúng tôi ra. Sự có mặt của bà làm cho chúng tôi càng điên tiết với những cú đấm đá vào người thằng bé. Có vài người đã bắt đầu lượm gạch và đá, sửa soạn ném vào người nó. Những người khác thì nghiến răng, sẵn sàng ăn tươi nuốt sống nó.
“Các người hãy nhìn kỹ vào mặt nó. Kẻ nào dám đụng vào người nó, tôi sẽ kiện cho tới cùng vì đã dám xâm phạm ngài lãnh đạo vĩ đại”, người mẹ la hét như một mụ điên.
Đám đông tê cứng lại, trố mắt nhìn vào mặt thằng bé. Dù với khuôn mặt sưng vù, mắt bầm tím, không ai có thể nhầm được đó là khuôn mặt của nhà hà độc tài, đẹp trai, ngang tàng, như trong các quyển sách kể lại tuổi trẻ anh hùng của ngài. Thằng bé đứng lên, lết tới mẹ nó. Chúng tôi hãi sợ trố mắt nhìn, không ai dám làm gì cả dù nó khạc đờm đầy máu vào chân chúng tôi.
“Hãy nhớ kỹ khuôn mặt này, một ngày nào đó các người phải trả giá tương xứng”. thằng bé nói. Nó lượm vài con chim sẻ và bỏ đi với mẹ nó. Hai mẹ con đỡ nhau như một đôi vợ chồng.
Mấy năm liền chúng tôi phân vân, chẳng biết là điều may mắn hay là một tai ách với một khuôn mặt giống in nhà độc tài sống giữa chúng tôi. Thằng bé và mẹ nó được xem như một gia tài quý, dễ vỡ, không một ai trong chúng tôi dám hé môi cho người ngoài biết.
“Có thể không là một điều may”, các cụ già cảnh cáo, rồi họ kể câu chuyện của những ôn hoạn chẳng may trùng tên với hoàng đế, nên bị vứt vào miệng giếng. “Có những điều không được phép trường tồn như là bản đúc”, các cụ kết luận.
Thế nhưng chẳng ai dám nói một lời xúc phạm đến khuôn mặt thằng bé. Càng lớn nó càng giống nhà độc tài. Những lần chạm mặt nó ngoài đường, bỗng dưng thấy ấm lòng, tưởng như có ngài sống lẫn với chúng tôi. Đó là thời gian mà nhà độc tài là điều còn vĩ đại hơn cả thế gian. Có những bà nội trợ mù chữ dùng báo lót tường, chẳng may dán ngược các tựa báo có tên nhà độc tài, và vì thế bị xử tử. Có phụ huynh của học trò lớp một viết sai tên Ngài, bị gởi đi cải tạo. Với thằng bé sống giữa chúng tôi, mọi người có cảm giác như đang đi trên phiến đá mỏng mà bên dưới là vực nước sâu thẳm. Chúng tôi sống trong âu lo. Với khuôn mặt như vậy, mà không tỏ đầy đủ lòng tôn kính thì có thể bị hiểu là tận đáy lòng thầm kín có nuôi mối hận ghét ngài. Mặt khác nếu tôn kính quá đáng, thì có thể bị xét là không biết phân biệt giữa giả và thật, đã tôn thờ sai thần tượng. Trong trường học, thầy giáo không dám chỉ trích thằng bé dù nhỏ nhẹ. Trò chơi nào có nó tham dự, phe không có thằng bé sẵn sàng chịu thua. Sau khi nó tốt nghiệp trung học, Ủy Ban Cách Mạng họp mấy tuần liền để bàn thảo một công việc xứng đáng cho người có khuôn mặt như vậy. Không có một việc làm nào trong tỉnh có thể giao cho hắn để lòng người được an tâm. Cuối cùng, chúng tôi đi đến một giải pháp hay nhất cho vấn đề - bầu anh làm trưởng ban cố vấn Ủy Ban Cách Mạng.
Anh thanh niên thịnh vượng ra. Chẳng có việc gì làm, cũng không thích giết thì giờ bên cạnh chén trà cùng với các thành viên già, anh đi vòng vòng các phố, trò chuyện với mọi người, ai cũng cảm thấy hãnh diện được anh hỏi đến. Thoạt trông thấy dáng anh, các cô gái bán hàng đã đỏ mặt. Mẹ anh giờ đây khá hơn trước nhiều, má hồng hào hơn. Chỉ có điều là không cô gái nào dám đi chơi với anh, ai cũng ngại lấy anh có thể là điều may nhất mà cũng có thể là điều kém may mắn nhất. Dân tỉnh không có máu đỏ đen, thế nên không một ai dám yêu một người như anh.
Ngày nhà độc tài qua đời, dân tụ họp tại trung ương thành phố, khóc như trẻ mồ côi. Trên máy truyền hình độc nhất của tỉnh, cả nước cùng tru tréo với chúng tôi. Suốt ba tháng trời, mọi người đeo băng tang nơi cánh tay áo, dù đang làm việc, hay đã lên giường ngủ. Suốt sáu tháng trời, mọi thú vui đều bị cấm ngặt. Cả đến một năm sau ngày Ngài mất, chúng tôi quay mặt đi, kinh tởm những phụ nữ bụng bầu, biết rõ rằng các mụ đã không thành thật trong thời gian tang chế. Cha của mấy đứa nhỏ đó cũng chẳng được ai kính trọng nữa.
Đây là thời gian khó khăn cho chàng trai. Mỗi lần trông thấy mặt anh, nhiều người đã bật khóc nức nở, và anh ta cũng phải khóc theo cùng. Có lẽ anh cũng mệt mỏi. Cả một năm anh nằm nhà, khi chúng tôi thấy anh trở lại, tay cầm một vali nhỏ, thì trông anh già đi nhiều so với cái tuổi hai mươi tám.
“Có chuyện gì vậy anh?” chúng tôi lo lắng hỏi. “Anh đừng buồn quá mà tổn hại sức khoẻ “.
“Cám ơn, nhưng tôi khoẻ lắm”, anh thanh niên trả lời.
“Anh đi xa à?”
“Vâng tôi có việc đi xa”
“Đi đâu vậy”, lòng nhói đi vì đau. Mất anh trong giờ phút này cũng giống như mất nhà độc tài một năm trước đây.
“Việc chính trị”, chàng thanh niên trả lời với nụ cười bí mật: “Việc quốc gia bí mật”.
Sau khi anh được chở đi trong một chiếc xe hơi sang trọng, có màn cửa (chiếc xe hơi duy nhất mà phần đông dân tỉnh thấy lần đầu tiên trong đời) thì chúng tôi mới biết tin anh tới thủ đô để dự phần trong việc chọn lựa người thủ vai nhà độc tài. Nhiều ngày chúng tôi bàn cãi giữa nhau những danh từ mới như vai trò và chọn lựa. Cuối cùng điều chúng tôi đồng ý là anh ta sẽ trở thành một người vĩ đại.
Lúc bấy giờ, không còn có anh nữa, bà mẹ trở thành nguồn tin tức duy nhất. Mỗi bận có người hỏi thăm về con trai, khuôn mặt bà rạng rỡ hẳn lên và bà lại kể chuyện mình đã nhìn vào ảnh nhà độc tài ngày đêm, trong lúc bào thai lớn lên trong bụng. “Cũng y như cậu ấy là con của Ngài”. Bà nói. “Vâng, tất cả chúng ta đều là con của lãnh tụ, nhưng anh quả là đứa con tốt nhất”.
Bà mẹ thở ra một cái, hài lòng. Bà nhớ lại những năm đầu tiên khi cậu con mới chào đời, những người đàn bà cùng lứa tuổi với bà cũng lần lượt có con, lần lượt treo bằng tưởng thưởng “Bà Mẹ anh hùng” trên tường, họ đi ngang qua bà mặt vênh vênh, tự kiêu. Rồi thời gian sẽ cho biết ai mới thật là Mẹ anh hùng, bà nghĩ thầm, miệng mỉm cười tự đắc.
Bà đưa tin về cậu con, mỗi chi tiết mở cửa một thế giới mới. Anh được đi trên tàu lửa hạng sang tới thủ đô, rồi cùng với các thí sinh khác được ở trong một khách sạn sang trọng, được dẫn đến bảo tàng viện, nơi nhà độc tài yên nghỉ, để học, sửa soạn cho cuộc tranh tài.
“Có những thí sinh khác nữa à?” chúng tôi quá đỗi ngạc nhiên khi biết có nhiều người đàn bà khác cũng nhìn ngắm khuôn mặt nhà độc tài khi có bầu.
“Tôi đoán chắc cậu nhà tôi sẽ được chọn”, bà mẹ trả lời “Cậu ấy tin chắc vậy đó khi được chính mắt trông thấy mặt vị lãnh tụ.“
Mấy năm sau, một số người trong tỉnh có dịp tới thủ đô, chờ đợi hàng giờ để có thể nhìn thấy mặt nhà độc tài. Sau khi Ngài chết, một bảo tàng viện được xây giữa trung tâm thủ đô, nơi thân xác ngài được đặt nằm trong một quan tài bằng pha lê. Tại cổng chính, kiến trúc gia khắc dòng chữ: Lãnh tụ chúng ta sống mười ngàn năm trong trái tim của cả trăm thế hệ. Chúng tôi đóng tiền, mua một cành hoa trắng bằng giấy, trang trọng đặt cành hoa dưới chân quan tài, giữa một biển hoa trắng. Trong giây phút, có một số người loé tia thắc mắc, không hiểu cuối ngày, người ta có gom góp các hoa để bán lại cho khách thăm viếng ngày mai hay không thế nhưng cảm giác xấu hổ tức thời xâm chiếm vì đã dám có ý nghĩ vẩn đục như vậy tại một nơi chốn thiêng liêng nhất thế giới. Cầm cành hoa trên tay, chúng tôi làm thành một hàng dọc dài, đi vào lòng bảo tàng viện, rồi chúng tôi thấy Ngài nằm trong quan tài trong veo, phủ lá cờ đỏ, có sao vàng, mắt nhắm lại như ngủ, miệng cười mỉm. Chúng tôi thật sự xúc động được tận mắt trông thấy thân thể môt người vĩ đại, mà chẳng ai một ai để ý tới màu đỏ hồng kém tự nhiên trên hai má, và cái cổ sưng vù bằng cái đầu.
Anh thanh niên của chúng tôi cũng làm lộ trình như thế, đã nhìn mặt ngài một cách tôn kính như vậy? Có điều chúng tôi thắc mắc, không biết anh có nghĩ điều gì khác mọi người dân thường?
Có lẽ anh có cảm giác gần gũi với nhà lãnh tụ vĩ đại hơn tất cả chúng tôi.. Anh ta có quyền có cảm giác như vậy, vì anh được chọn giữa bao nhiêu thí sinh dự cuộc tuyển chọn thủ vai nhà độc tài. Làm cách nào mà anh đã thắng tất cả thí sinh khác, mẹ anh không bao giờ cho biết rõ chi tiết, bà chỉ bảo anh được sanh ra cho vai trò. Phải mất một thời gian khá lâu về sau, chúng tôi mới biết được câu chuyện. Cùng với các thi sinh, chàng thanh niên của chúng tôi được tập luyện nhiều ngày liên tiếp, rồi những người có dáng ốm yếu, hay hơi thấp (dù họ cũng có khuôn mặt giống nhà độc tài) bị loại ngay vòng đầu, tiếp đến là những người không thể bắt chước giọng nói của nhà độc tài. Rồi tới những thí sinh hội đủ điều kiện, nhưng không có một tiểu sử sạch, tỷ dụ như những người xuất thân từ địa chủ. Cũng nhờ Ủy Ban Cách Mạng tỉnh đã dấu nhẹm chuyện anh thanh niên của chúng ta là con của một người phản cách mạng, anh đã lọt vào vòng cuối cùng với ba thanh niên khác. Ngày cuối, trong phần trả lời ứng biến, ba thí sinh kia chọn đọc câu nói nhà độc tài tuyên bố trong ngày khai sanh thể chế cộng sản trên đất nước (độc giả còn nhớ đó là ngày bắt đầu cuộc hành trình của anh thanh niên chúng ta), không hiểu sao, anh lại chọn câu sau đây của nhà độc tài: “Đàn ông không thể nào che dấu tính phản động sẵn có của mình, cũng như đàn bà góa không thể nào che đậy được niềm khát khao được ân ái.”
Trong giây phút, anh hoảng sợ câu nói buột miệng của mình, anh có cùng cái cảm giác như hôm con chim sẻ chết lạnh trong tay, cảm giác xấu hổ lẫn với giận dữ. Anh rất đỗi ngạc nhiên khi biết mình được chọn, lý do là anh đã thẩm thấu thực chất của nhà độc tài trong khi ba người kia chỉ biết sơ bề ngoài mà thôi. Cả ba thi sính đó cũng như tất cả thí sinh khác, được gởi đi bác sĩ thẩm mỹ, như lời các cụ đã nói, có những thứ không được phép trường tồn như là bản sao.
Chàng thanh niên của chúng tôi trở thành khuôn mặt duy nhất đại diện nhà độc tài Anh bắt đầu những năm tháng huy hoàng nhất đời mình. Anh thủ vai nhà độc tài trong những phim nói về cuộc đời ngài, phim được xản xuất bởi xưởng phim của nhà nước. Mỗi lần phim trình chiếu, rạp hát duy nhất của tỉnh chật cứng khán giả, ngồi xem phim mà lòng thầm trách mẹ mình đã không cho ra đời một khuôn mặt vĩ đại như vậy.
Việc hôn nhân của anh trở thành điều chúng tôi bận tâm nhất. Bấy giờ anh đã ba mươi tuổi, cái tuổi mà lẽ thường không còn thích hợp với các cô gái trẻ trong tỉnh. Nhưng mà ai lại chú trọng quá đến tuổi của một người vĩ đại? Các bố mẹ theo lối xưa, mướn các bà mai, gởi kèm theo những món quà đắt tiền. Bố mẹ văn minh hơn và nhất là bạo hơn, đến thẳng nhà bà mẹ, lè tè cô con gái e thẹn đàng sau lưng. Có quá nhiều mối để chọn, cứ cách mỗi ngày, bà mẹ lại tới trung tâm tỉnh gọi điện thoại cho con trai về một mối xứng đáng hơn mối trước. Thế nhưng anh không còn là người của tỉnh nữa. Anh bận bay khắp xứ dự những buổi tiệc liên hoan cũng như quay phim, anh đã gặp nhiều cô gái xinh đẹp hơn tỉnh chúng tôi có thể sản xuất. Qua lời xin lỗi của bà mẹ, anh từ chối tất cả các mối manh. Chấp nhận tỉnh mình chỉ là một hồ quá bé để chứa một con rồng lớn như vậy, các bà mẹ bỏ cuộc và gả con cho các chàng trai trong tỉnh. Thế nhưng cũng có vài người còn nuôi hy vọng mỏng manh, chờ ngày anh tỉnh ra và nhận thấy sắc đẹp và tiết hạnh của các cô gái tỉnh. Nhiều năm, con số con gái được giữ vẹn tròn, không cho ai đụng tới. Các cô chờ đợi, đến nỗi mỗi năm cổ mỗi dài thêm. Chẳng là điều lạ khi nhìn thấy cô gái có cái cổ cò đi trên đường phố với cha mẹ đi theo canh giữ, các cô càng ngày càng giống hươu cao cổ.
Quá bận rộn với vai trò, anh chẳng có thì giờ quan tâm đến những chuyện như vậy. Anh xuất hiện tại những buổi liên hoan ăn mừng quốc lễ. Khán giả trung thành nhất của anh là chúng tôi ngồi đợi suốt đêm trước máy truyền hình, chờ anh xuất hiện. Trên màn hình, đàn ông và đàn bà nhảy nhót, ca hát, toét miệng cười như những đứa trẻ lớp mẫu giáo được tập luyện kỹ càng. Trẻ con bốn, năm tuổi chơi đùa với nhau, hát những bài ca tình yêu, vui tươi như những con chim két. Lúc ấy, những người có đầu óc suy nghĩ hơn chút đỉnh, tự dưng có cảm giác không thoải mái, nỗi e ngại la lùng. hình như dân mình đang trên đà tuột dốc. Nhưng niềm lo âu đó tan biến ngay khi chàng trai của tỉnh, trong vai trò, xuất hiện. Trên màn ảnh, người ta đứng lên chào đón anh, khua tay để được anh bắt. Thiếu nữ trẻ, khuôn mặt xinh đẹp chạy ào tới với những bó hoa. Trẻ con bu chung quanh anh, gọi anh bằng tên nhà độc tài. Niềm thương nhớ tuôn tràn khoé mắt mọi người. Lúc ấy, chúng tôi tin rằng thời gian đang ngưng lại. Nhà độc tài đang sống giữa chúng tôi, và chúng tôi vui sướng được làm con của ngài.
Thế nhưng thời gian lén theo cùng thời điểm dân tỉnh bị khuôn mặt chàng thanh niên mê hoặc. Bấy giờ chúng tôi có Sony và Panasonic, Procter & Gamble, Johnson & Johnson. Phim ngoại quốc xuất hiện, có cảnh đàn ông và đàn bà tự do cầm tay nhau trên đường phố, họ còn hôn nhau mà chẳng lô tí nào sợ hãi trên mặt. Đời chúng tôi không hạnh phúc như chúng tôi đã được dạy dỗ. Dân ở các nước tư bản không đợi chúng tôi giải phóng họ. Họ không bao giờ biết tình thương dân tôi đã dành cho họ.
Có lẽ đây cũng là thời kỳ khó khăn trong đời chàng thanh niên. Tiểu sử và hồi ký về nhà độc tài xuất hiện một sớm một chiều như cỏ mùa xuân. Không giống như các quyển sách viết bởi các nhóm do nhà nước chỉ định, các quyển sách mới gặp khó khăn ngay tức thời sau khi trình làng. Chẳng bao lâu sách bị gọi là sản xuất bất chính, bị tịch thu và bị đốt từng đống. Nhưng đã có những tin đồn, những lời xầm xì, nói xấu về nhà độc tài. Tin truyền từ miệng này sang miệng nọ, làm thế nào mà dưới quyềtn cai trị của ngài có tới năm chục triệu người chết vì đói hay bị xử tử vì lý do chính trị. Nhưng nếu bạn để ý kỹ, thì con số đó cũng còn quá nhỏ so với con số mà nhà độc tài đã có lần sẵn lòng hy sinh cho quả bom nguyên tử của Mỹ. Như vậy thì có là gì mà rối rắm thế?
Tuy nhiên, dân bắt đầu suy nghĩ về những gì đã được dạy bảo, những tin tưởng từ mấy năm qua. Một khi nghi ngờ đã dấy lên, nó chạy loạn trong tim óc như lửa cháy rừng. Khuôn mặt anh vẫn xuất hiện đều trên truyền hình, nhưng giờ đây đã mất đi sức thu hút. Những cha mẹ nào đang chờ đợi để được anh cầu hôn con gái, bây giờ sẵn sàng gả con cho mối nào tới trước tiên. Bà mẹ trở thành bà già lắm mồm, ôm chầm bất cứ ai bà chụp được, kể chuyện con mình, câu chuyện không còn sức hấp dẫn nữa. Từ bà mẹ, chúng tôi được biết anh đang đi khắp nước cùng với vị lãnh đạo đương thời, chuyến đi để truyền cảm hứng cho đất nước, lấy lại niềm tin về thể chế cộng sản. Thì có gì là lạ, chúng tôi nói, và bỏ đi ngay, không cho bà cái dịp tán dương thêm.
Chuyến đi chấm dứt trước dự định, bởi các cuộc biểu tình chống đối xảy ra ngay tại thủ đô. Người người tập hợp đòi dân chủ tại trung tâm thành phố, nơi tọa lạc bảo tàng viện của nhà độc tài mà càng ngày càng ít người viếng thăm. Vị lãnh tụ đương thời truyền lệnh cho quân đội nổ súng vào những người chống đối. Nỗi ghê tởm của người dân cháy nhanh theo ngọn lửa thiêu người chết trong buổi hỏa táng do nhà nước điều khiển. Trên báo chí, chúng tôi đọc được lời tuyên bố của vị lãnh đạo là ông sẵn sàng giết hai trăm ngàn mạng người để đổi lấy hai mươi năm ổn định cho xã hội cộng sản. Tê tái với con số, người người đồng loạt lập lại vang trời lời nói của nhà lãnh tụ và ầm ĩ vỗ tay khen ngợi sự khôn ngoan của ngài, tại một buổi họp công cộng mà mọi người bắt buộc phải đến dự, buổi họp kết án những kẻ đã bị bắn vì vụ việc xảy ra.
Chẳng bao lâu, nước đàn anh trên chúng tôi không còn tồn tại nữa. Lần lượt các đồng chí quốc gia cũng lui dần khỏi sân khấu chính trường. Trong trạng thái bối rối, chúng tôi không biết phải nghĩ gì về họ, có nên ao ước được như họ, ghét bỏ họ hay tội nghiệp họ?
Thế là đời sống của chàng thanh niên bắt đầu có vấn đề. Theo thói quen, chúng tôi vẫn gọi là anh thanh niên, nhưng anh không còn trẻ nữa, anh đã vào tuổi tứ tuần. Tệ hơn nữa, anh là người đàn ông tuổi tứ tuần mà chưa bao giờ biết đến mùi đàn bà. Bạn đọc có tin không? Chúng tôi thắc mắc với nhau chuyện gì sẽ xảy đến cho anh. Kỳ lạ quá, chúng tôi lắc đầu nhìn nhau. Nhưng đó là sự thật, khi anh ở tuổi đôi mươi, mọi người e ngại trao con gái họ cho anh, đến khi chúng tôi sẵn sàng thì anh là người quá vĩ đại cho các cô gái tỉnh. Thời gian tàn nhẫn trôi qua. Bấy giờ các cô gái trẻ trong tỉnh chẳng còn mấy ai thì anh lại bắt đầu tơ tưởng đến những người thiếu nữ mà đáng lẽ anh đã được hưởng.
Khát vọng đã bị đánh thức, chàng thanh niên không còn sống bình an nữa. Anh ngắm nhìn các thiếu nữ đi trên đường phố, hấp dẫn với cánh tay mượt mà, chân trần trong cái váy mùa hè mỏng, lòng vương vấn với ước muốn được một người đàn bà cho riêng mình. Thế nhưng, có người đàn bà nào xứng đáng với sự vĩ đại của anh? Những lúc máu hoang nổi lên, anh chỉ muốn ôm đại bất cứ người đàn bà nào đi qua, biến nàng thành của mình. Anh thủ dâm và dục vọng lắng xuống. Rồi anh bỗng ý thức là không một người đàn bà nào có thể sánh được với mình.
“Nhưng mà con cần một người vợ để cho ra đời đứa cháu nội chứ”, bà mẹ nói với con trai qua điện thoại. “Con nên nhớ, bổn phận thiêng liêng và tiên quyết nhất của đàn ông là sanh con trai, để nối tiếp dòng họ của gia đình”.
Anh lầm bầm vài tiếng trong miệng và cúp điện thoại. Anh biết không có bụng người đàn bà nào có thể nuôi dưỡng đứa con của một người có khuôn mặt vĩ đại như vầy.
Cuộc đời và sự nghiệp của nhà độc tài đã được khai thác xong, các phim đã hoàn tất, thế là anh thanh niên của chúng tôi có nhiều thì giờ nhàn rỗi. Khi không còn buổi tiệc liên hoan nào để anh đến dự nữa, anh đi lang thang trong thành phố, khoác trên người chiếc áo choàng, dấu mặt sau cổ áo kéo cao, mắt đeo kính đen thật lớn. Cũng có lúc anh ước muốn được ra đường với khuôn mặt không che dấu, nhưng khi nhớ đến thời kỳ bị bu chung quanh bởi trăm người xin chữ ký, anh lại thôi.
Một ngày nọ, anh đi qua phía bên kia thành phố, tìm kiếm điều anh muốn, nhưng không thể tỏ bày được. Anh bước vào con hẻm, gã bán hàng gọi mời anh sau quày bán sách, báo.
“Anh bạn, có muốn mua sách không?”
“Muốn mua sách không anh bạn?”
Anh dừng lại, nhìn gã bán sách sau cặp kính đen: “Sách gì vậy?”
“Anh muốn loại nào?”
“Anh có loại nào?”
Gã bán hàng dở chồng báo chí lên, để lòi một tấm ny-lông, trả lời: “Sách vàng, sách đỏ, loại nào cũng có. Năm mươi đồng nhân dân tệ, một quyển".
Anh cúi xuống, ngắm nghía sách, vẫn dấu mắt sau cặp kính đen. Dưới tấm ny-lông là một lố sách, báo, bìa màu rực rỡ. Anh cầm một quyển lên, săm soi cái bìa trình bày một người đàn ông và một người đàn bà, cả hai trần truồng, đang trong tư thế làm tình lạ hoắc. Quả tim trong lồng ngực anh bỗng dưng đập nhanh và mạnh.
“Quyển sách vàng này ngon lành lắm" gã bán hàng tiếp: “muốn vàng bao nhiêu cũng có".
Anh cặp quyển sách giữa mấy ngón tay, hỏi gã bán hàng: “Anh có gì nữa không?”
Gã trao anh quyển sách có hình nhà độc tài ngoài trang bìa rồi nói: “Quyển đỏ này nè, ai cũng thích hết”.
Anh có nghe nói về quyển hồi ký này rồi, tác giả là y sĩ của nhà độc tài suốt ba mươi năm, sách bị cấm sau khi đã được xuất bản ở ngoại quốc, và được lén đem vào từ ngả Hồng Kông và Mỹ.
Trả tiền hai quyển sách xong, anh đi bộ về nhà. Ngắm nghía kỹ khuôn mặt nhà độc tài trên bìa sách, anh lại so với khuôn mặt mình trong gương, một khuôn mặt hoàn toàn từ mọi góc độ. Anh thở dài, bỏ nó sang một bên, lôi quyển sách vàng ra, đọc ngấu nghiến như một tên chết đói. Khi anh cảm thấy mệt đừ vì cương cứng, anh thả nó xuống và cầm quyển sách đỏ lên.
Chưa từng có cảm giác trống trải như lúc này, anh luân chuyển hai quyển sách mỗi khi hết chịu đựng nổi quyển kia. Từ quyển sách vàng, anh nhận thấy rõ ràng thế giới mà anh đánh mất suốt cuộc đời anh, người đàn ông được một nguồn cung cấp bất tận về đàn bà, tất cả đều sẵn lòng phục vụ anh. Thế nhưng điều mà anh nhận rõ ra, là chỉ có một người đàn ông duy nhất có thể có vô số đàn bà mà ông muốn, người đó là nhà độc tài. Lần nữa, anh lật những trang có hình nhà độc tài, chung quanh toàn là các cô y tá hấp dẫn, và anh bỗng nhận thấy mình đã hiểu sai vai trò mình đóng bao nhiêu năm nay. Một người vĩ đại là người có thể có mọi thứ mình muốn trên thế giới này. Anh tự trách mình đã kém thông minh từ bao nhiêu năm nay, anh đứng dậy và bước vào bóng đêm.
Anh kiếm được một chị điếm không khó khăn gì, tại một quán nhạc karaoke và khiêu vũ, đèn lù mù. Anh cẩn thận, vẫn mang kính đen to bản, khoác áo dầy cộm trong suốt thời gian hai bên kỳ kèo giá cả.
Rồi anh đi theo chị ta vào một khách sạn gần đó, kín đáo lên phòng mà chị đã dành sẵn, trong lúc chị ta tính tiền với nhân viên khách tân.
Điều gì xảy ra tiếp theo đó vẫn còn làm cho chúng tôi thắc mắc. Chúng tôi chỉ có thể suy ra từ những lời đồn đãi rằng anh ta đã từ chối cởi kính đen cũng như cái áo khoác dầy cộm. Có lẽ anh nghĩ một người đàn ông vĩ đại có thể chiếm ngự người đàn bà bằng cách nào cũng được. Nhưng làm sao một người như anh có thể chống trả được bàn tay điêu luyện của người đàn bà anh đã thuê. Trong phút bối rối, thân thể anh cũng trần trụi như người đàn bà, khuôn mặt không che dấu, dễ nhận diện. Anh chưa kịp nhận thức sự việc đang xảy ra thì người nữ cảnh sát trong vai cô điếm đã chụp cái còng, còng anh lại và lôi máy ra, chụp ngay một tấm ảnh. Ánh đèn chớp lên, tấm hình đã được ghi lại, lúc đó cặp cảnh sát mới nhận ra khuôn mặt anh, độc giả cũng đoán biết họ phải vui như thế nào bởi khám phá này. Đáng lẽ với cái giá thường nhật, họ đòi anh giá đắt hơn mười lần, bởi vì anh là người nổi tiếng, và người nổi tiếng phải trả với cái giá của những người nổi tiếng cho các tấm hình.
Cho đến ngày hôm nay, chúng tôi vẫn bất đồng ý kiến là anh nên hành xử thế nào mới phải. Một vài người thì bảo, đáng lẽ anh nên trả số tiền đó để được tự do, tiền bạc có lẽ không là vấn đề đối với anh. Những người khác thì cho anh đã làm đúng khi không chịu hợp tác, nhưng đáng lẽ anh phải trình báo với công an ngay vụ việc, thay vì nghĩ rằng một việc như vậy sẽ lặng đi mà không ai biết. Sau đêm đó, tin đồn đại lan truyền khắp thủ đô, những câu chuyện màu sắc, như anh thường xuyên viếng các nhà thổ trái phép. Các bức hình mà anh đã không mua nó, giờ được truyền qua nhiều giới khác nhau, cho tới khi ai cũng nhận là mình đã xem rồi. Chẳng một ai trong tỉnh chúng tôi có cơ hội xem các bức hình đó. Thế nhưng tim chúng tôi thắt lại khi tưởng tượng thân thể tội nghiệp, trần truồng của anh, cho nên chúng tôi cố tránh nhìn khuôn mặt, chủ các bức hình đó.
Lá thư của Ủy Ban Trung Ương Tu Chỉnh Văn Hóa cho biết, anh không còn đủ tư cách để thủ vai nhà độc tài nữa, anh đã làm hại thanh danh người anh đại diện. Không bao giờ anh có thể tưởng tượng một người như anh lại bị mất việc. Trên thế giới này chẳng có một ai có khuôn mặt như anh, trong nước không có một người nào có thể thay thế được anh. Anh đi từ văn phòng này tới văn phòng nọ, xin có được một cơ hội thứ hai, hứa là anh sẽ không bao giờ đụng vào một người đàn bà nào nữa. Có điều anh không hiểu, người ta đã hết cần vai trò anh đóng rồi. Nhà lãnh tụ mới đang nắm quyền hành, tự xưng mình là người hướng dẫn vĩ đại cho chính nghĩa cộng sản trong thiên niên kỷ mới. Những nhân viên tìm kiếm tài giỏi nhất đang lùng khắp nước để kiếm một khuôn mặt khác khuôn mặt anh.
Thế là anh thanh niên không-còn-trẻ-nữa trở về nhà một ngày mùa đông ảm đạm. Mẹ anh buồn và quá xấu hổ, đã bỏ chúng tôi ra đi trước khi anh về kịp. Ngày anh về tới, một số người trong chúng tôi, những người còn nhớ hình ảnh thằng bé tay cầm chim sẻ, những người đã thầm kín ước ao anh sẽ là con rể họ, những người đã trung thành theo dõi con đường anh đi, là khán giả trung thành nghe những câu chuyện mẹ anh kể về con mình, và dù họ rất buồn thấy anh ngã, vẫn vui mừng có dịp thấy lại anh, họ chờ đón anh tại trạm xe buýt, dang tay ra để được bắt tay anh. Anh bước xuống xe buýt, làm lơ không thấy những nụ cười nồng ấm, khuôn mặt che bởi cặp kính đen, cổ áo kéo thật cao. Nhìn dáng anh đi thẳng tới nghĩa trang thăm mộ mẹ, cái bóng dài lết theo, mọi người thôi không trách anh sao lại kém lễ độ thế. Ai mà nỡ trách một người con như anh. Mặc chuyện xảy ra thế nào đi nữa, anh vẫn là người đàn ông vĩ đại nhất lịch sử của thành phố, chàng thanh niên của chúng tôi, người hùng của chúng tôi.
Tin chúng tôi đi, chúng tôi rất đau lòng khi được tin anh đã tẩy uế mình trước mộ mẹ. Làm sao anh có thể có ý tưởng như vậy, chúng tôi không thể nào hiểu được, nhất là, theo chúng tôi được biết, anh vẫn còn trinh bạch, vẫn còn một tương lai dài.
Đêm xảy ra chuyện, trong giấc ngủ, chúng tôi nghe tiếng hú dài thê thảm. Mọi người chạy vội vàng vào màn đêm lạnh lẽo, và tìm thấy anh trong nghĩa trang. Dù lớn lên với những câu chuyện của các ôn hoạn, thế mà trông thấy hình ảnh anh, chúng tôi lạnh cả xương sống.
Ai cũng thắc mắc hành động như vậy có ý nghĩa như thế nào. Không một ai trong tỉnh chúng tôi, những người hèn kém, ngay cả những ôn hoạn vĩ đại nhất, chưa từng ai đạt tới đỉnh cao như anh cả. Những ôn hoạn vĩ đại nhất cũng chỉ là những hầu cận được trọng vọng của các hoàng đế, còn anh, với khuôn mặt nhà độc tài, đã có thời kỳ là hoàng đế. Trông thấy anh quặn người trên mặt đất, mặt đẫm máu và nước mắt, chúng tôi hồi tưởng đến hình ảnh cậu bé mười tuổi, trên tay cầm chất đàn ông của mình, khuôn mặt bình thản và hãnh diện. Bỗng dấy lên trong chúng tôi nỗi buồn lạ thường, bởi chúng tôi biết rằng, chúng tôi, con cháu của các ôn hoạn, không bao giờ sánh được với tiền nhân.
Dẹp chuyện than vãn sang một bên, chúng tôi đang có trong tay một người vừa mới tẩy uế cần phải giải quyết. Vài người nhất định phải đem anh đi nhà thương để chữa trị ngay, nhóm khác thì thấy đó không phải là việc cần thiết phải làm, vì việc đã xong rồi. Trong tâm trạng rối như tơ vò ấy, chẳng một ai nhớ đến việc gom lại cái quan trọng nhất tại hiện trường. Khi sực nhớ ra đến lỗi lầm tối quan trọng đó, chúng tôi vội vàng trở lại nghĩa trang, bỏ ra mấy ngày trời lục lọi từng góc một. Thế nhưng phần mất từ thân thể anh đã biến mất, trong mồm của con vật nào đó, chúng tôi không dám tưởng tượng xa hơn.
Anh sống sót, chúng tôi không lấy làm ngạc nhiên mấy. Các ôn hoạn cũng đã từng sống và để lại những câu chuyện anh hùng trong lịch sử thành phố. Anh đang sống giữa chúng tôi, không còn khả năng tạo một đời sống nữa. Anh ngồi ngâm nắng, ngắm nhìn những con chó rượt đuổi nhau, khuôn mặt dấu đàng sau cặp kính đen và cổ áo kéo lên cao. Chiều tàn anh đi tới nghĩa trang, nói chuyện với mẹ cho tới đêm tối.
Chúng tôi đã chứng kiến anh sinh ra trong đau khổ, và rồi sẽ nhìn thấy anh chết trong khổ đau. Thế nhưng chỉ có một điều ai cũng lo lắng, là kiếp sau của anh sẽ đi về đâu? Cái chất đàn ông của anh đã biến mất, không kiếm ra được, rồi chúng tôi phải bỏ vào trong cái bao lụa cái gì đây? Làm sao chúng tôi có thể gởi anh về thế giới bên kia với một thân thể kém toàn vẹn như vậy?
Để tâm trí được yên ổn, mọi người đều cầu nguyện cho sức khoẻ anh. Chúng tôi cầu nguyện cho anh sống mãi mãi cùng lời cầu nguyện chúng tôi dành cho nhà độc tài. Anh là người đàn ông mà câu chuyện chúng tôi chẳng bao giờ muốn chấm dứt, và theo chúng tôi, đây là câu chuyện không có kết cuộc.
Ghi Chú: Cách gọi Ôn là do dịch giả tạo thêm, nghe thân mật và gần gũi.
Kết Thúc (END) |
|
|