Kiểu vốn con nhà nghèo, nếu quy thành phần giai cấp thuộc loại chánh gốc bần cố nông. Gã ngồi đâu ăn cũng được và ăn cái gì cũng xong. Từ bé cu cậu quen dùng đũa, nhưng khi cần cũng dùng tay sai năm quân nhoay nhoáy. Gặp món ăn hợp khẩu vị, nhất lại cung ít hơn cầu ở chiếc bàn ăn có nhiều người cùng ngồi đánh chén, Kiểu hay kế thừa truyền thống ẩm thực của thằng cu Lặc trong văn học sử. Là hễ gắp miếng nào bỏ vào miệng, miếng ấy lập tức trôi xuống tận củ tỉ Kiểu ngay.
Cô đầm Liz, vợ của Kiểu, thì khác.
Bữa trưa, cô đầm ăn qua loa ở chỗ làm không nói. Buổi cơm chiều mới là cơ hội để Liz trả thù đời. Nàng chế tác nó rặt tính màu mè hoa lá cành. Với soong nồi sạch bóng. Bát điã thơm phưng phức. Chiếc khăn trải bàn trắng muốt. Hai cái khăn ăn gấp chéo đặt chỉnh tề truớc mặt. Muỗng dao niã làm bằng inox sáng chưng. Chưa kể cuối tuần, Liz còn tự biên tự diễn mấy ngọn nến cùng ít nhạc thính phòng cho bữa cơm chiều thêm lung linh, huyền ảo.
Làm sao bần cố nông Kiểu có thể thoả hiệp với môi trường trưởng giả ấy được.
Từ thưở cha sinh mẹ đẻ, gã chưa biết rượu vang màu xanh hay đỏ chứ nói gì uống? Thế mà Liz lại bày trò uống rượu khai vị. Nàng bảo rượu chát giúp Kiểu ăn ngon miệng, đồng thời kích thích tuần hoàn, cũng như bồi bổ lục phủ ngũ tạng. Không tiện từ chối trước sự mời mọc khẩn khoản, Kiểu bèn nhấp thử một hụm rượu. Miệng đắng ngắt , lưỡi cay xè, gã khẩn thiết yêu cầu:
- Em làm ơn cho anh thià đường gấp.
Liz nheo mũi:
- Anh định cho đường vào rượu à?
- Đúng vậy.
- Nhưng ai lại khuấy đường với rượu?
- Em cứ lấy hộ anh.
Cô đầm xúyt xoa:
- Nhưng cho đường vào thì còn gì là cái men rượu chát qúy hiếm ủ đủ 50 tuổi, hả anh?
Kiểu “bảo lưu” ý kiến:
- Liz cứ làm ơn lấy hộ anh thìa đường.
Kiểu cóc thèm bận tâm chai rượu bao nhiêu tuổi. Nhưng nào phải tại gã ngoan cố hoặc vô tình? Chẳng qua gã chỉ thực bất tri kỳ vị. Mục tiêu phấn đấu của gã là biến cốc rượu thành ly nước mía. Gã đâu biết, cũng không cần biết rằng tuy cùng làm bằng nước nho ép cả đấy, giá của lít rượu chát tùy theo thời gian ủ lâu hay mau có thể chênh lệch khoảng vài đô đến vài trăm đô. Cô đầm rút cục đành chào thua Kiểu ở cái khoản ngưu ẩm man di mọi rơ vừa nói.
Đến chiếc lọ cắm hoa, Liz không dễ nhượng bộ như thế. Nàng là người yêu hoa hồng. Ở cái xứ quanh năm lạnh buốt da đó , hoa hồng trồng trong nhà kiếng phải cần có máy sưởi, cũng như cần điện thắp sáng, nên hoa hồng đắt lắm.
Vào muà đông, một giúm nhánh hồng còm cõi giá vài đô là chuyện đời thường. Mỗi ngày Liz thay ba nhánh hoa, một tháng tốn cả trăm đôn, Kiểu hỏi sao không xót ruột? Số tiền ấy vào thời điểm ấy, nếu gởi về Việt nam là thừa sức mỗi tháng nuôi sống một gia đình đấy. Chả trách mỗi khi nhác trông thấy lọ hoa, cái mặc cảm sống phè phỡn trên nỗi đau đồng loại trong Kiểu lại ngóc cổ cục cựa đứng dậy.
Liz tất nhiên không nghĩ việc chưng hoa là lãng phí, thậm chí …vô nhân đạo như Kiểu “quy chụp”. Nàng bảo nàng không thể sống thiếu hoa được. Cũng nàng bảo hễ thiếu vắng lọ hoa, chiếc bàn ăn dù có nem công chả phượng đi chăng nữa, nàng ăn cũng không ngon.
Thoạt nghe câu minh định lập trường rất ư là phú qúy sinh lễ nghĩa của cô đầm, bần cố nông Kiểu lúc đầu chỉ thấy chướng tai. Nhưng càng về sau , cái cảm giác bị áp bức, bị bắt buộc mỗi lúc mỗi rõ. Dĩ nhiên nào có ai ép gã phải ngắm hoa, thưởng hoa cơ chứ? Chính cái mặc cảm bần nông ngồi đánh chén trong môi trường trưởng giả nó làm phiền cu cậu. Thêm mớ dao muỗng nĩa lỉnh kỉnh quấy rầy. Rồi bơ sữa cũng hợp đồng phục kích chiếc dạ dày nữa , càng ác.
Nấu nướng món gì, bất kể rán xào luộc hay nướng, Liz đều nhoay nhoáy quết bơ hoặc nêm nếm phó mát vào. Lần đầu thưởng thức thực phẩm Au Mỹ , Kiểu cũng thấy beo béo hay hay. Vài ngày sau, thì bứ đến tận cổ.
Sữa mới thực khỏi nói.
Dù sữa tươi tiệt trùng theo phương pháp Pasteur hẳn hoi, nhưng nếu từ bé chưa quen dinh dưỡng sữa, hễ uống sữa vào là biết tay nhau ngay.
Kiểu ta có "kinh nghiệm xương máu" về chuyện này.
Ngày mới sang xứ lạ, nghe lời bà đầm hàng xóm xúi dại, buổi sáng gã hiên ngang bồi dưỡng cốc sữa truớc khi bắt chiếc xe buýt đi chơi phố. Xe mới chạy được non nửa đường, chiếc bụng dưới của cu cậu bỗng lăn tăn sự cố kỹ thuật.
Lúc đầu nó lăn tăn sơ sơ. Sau chợt sôi toàn diện, triệt để, mãnh liệt , đi kèm với những cơn đau thắt khốn khổ khốn nạn. Kiểu nghiến răng vận cơ bắp toàn thân cố gắng be bờ đắp đập. Nỗ lực ấy rõ ràng chả đi đến đâu cả. Xét vì những tiếng ùng ục khả ố vẫn thi nhau vựơt qua lớp da bụng đập vào tai nguời ngồi bên cạnh rõ mồn một.
Không khí chung quanh chỗ Kiểu ngồi trên chiếc xe buýt chợt căng ra, nóng hực lên, giống chiếc bánh đa đột xuất đặt lên lò nướng. Qúy vị hành khách tây đầm dù lịch sự có thừa ra đấy, vẫn mắt dáo dác liếc Kiểu rõ cái điệu nhìn thôi mà chẳng nói, có nói cũng khôn cùng. Thế là tự nhiên Kiểu trở thành trung tâm "vũ trụ". Tự nhiên gã khơi khơi nằm…. toàn quyền sinh sát các kẻ đồng hành khốn khổ ngồi quanh.
Một cụ hành khách chắc là chịu hết xiết sự căng thẳng, bèn tay ôm ngực buớc nhanh đến chỗ tài xế thì thà thì thào như bán bạc gỉa. Vừa nghe xong, mặt ông thợ lái cắt không còn một giọt máu. Trước cái cận cảnh ô nhiễm, và vì thế cận cảnh phải nai lưng ra tái lập môi trường sờ sờ ra đấy, tài xế dựng tóc gáy cũng phải. Không nói không rằng, ông ta mắm môi tăng tốc đẩy chiếc xe lướt đi như mũi tên.Vài phút sau, dù chưa đến trạm đỗ, nó vẫn đỗ đánh két tại một khu shopping có toa lét ở gần.
Lê Tấn Kiểu được tái sinh. Gã không đi , không bước lúc đặt chân xuống lề đường. Gã phá mọi kỷ lục thế giới về môn chạy nước rút 100 mét. Không có cái đích đến nào qúy hoá bằng căn phòng vệ sinh khi ấy. Và chả có liều doping nào mạnh hơn ly sưã sát nhân mà Kiểu đã vô ý … doping vào dạ dày trong cái buổi sáng lưu lạc nhớ đời vừa nói.
Từ đấy Kiểu kiềng sữa, Kiểu không đội Trời chung với sữa.
Nhưng bơ, phó mát vẫn là cái "vấn nạn" mà gã phải đối mặt trong bữa ăn hàng ngày.
Một tháng lấy Liz , một tháng dạ dày trường kỳ đánh vật với những món ăn do Liz nêm nếm bằng bơ phó mát, Kiểu bỗng nhớ bát cơm chan nuớc rau muống hãi hùng.
Khi ấy, cuối những năm 70 , không có bất cứ nhịp cầu thông nối nào giưã Việt nam với Canada. Nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ món ăn quê hương không nơi phát tiết dồn tích lại đặc quánh giữa hồn Kiểu. Nó có trăm dạng nghìn vẻ và lộn xộn, thập cẩm. Một nỗi nhớ tự phát, không nhân tạo, chẳng thảo-chương, và nhất định chê hệ thống hoá như thế còn gì không là nỗi nhớ sâu lắng nhất, ray rứt nhất, thấm thiá nhất?
Nguời khác khi ấy chỉ thèm rau muống. Riêng Kiểu tương tư rau muống. Tương tư là sự quá đà, quá độ của nỗi nhớ. Và nhớ, bao giờ lại chả ở trên thèm vô số bực? Thèm thuộc bản năng, hay do bản năng dẫn dắt cũng thế. Nhớ, trong khi ấy, khởi phát từ cả tim và óc theo máu luân lưu khắp châu thân, nhoay nhoáy đi qua mọi vùng vô thức, tiềm thức , ý thức.
Kiểu chẳng biết tại sao gã không nhớ ngôi trường cũ, mái đình xưa, cánh đồng luá vào sữa, hoặc cơn heo may giải đồng…. mà lại chỉ nhất định tưởng-tiếc rau muống.
Nỗi nhớ rau muống rõ ràng không thơ một ly ông lão nào cả. Nó đồng quê nước phèn. Nhưng mà thật. Rất thật. Và rất Kiểu.
Giống quê hương, Kiểu biết rau muống từng bao dong, nuôi dưỡng Kiểu cực hào phóng tận tụy. Giống quê hương, rau muống ngàn đời câm nín, không bao giờ kể công dù rau muống cho Kiểu và những nguời quanh Kiểu nhiều lắm.
Chả nhiều, mà món rau muống luộc chấm với tương bần lại giúp con đường trai giới của các tăng sĩ đỡ khúc khuỷu hẳn. Chả nhiều, sao dìm cọng rau muống chẻ vào bát nước mắm cà cuống để chén với bún chả, thực khách nếu không cẩn thận kềm chế đầu vào , lạng quạng dám lăn ra bội thực chứ giỡn? Nhiều nhà hàng Tàu ở Bắc Mỹ còn khôn lỏi hơn một bực. Họ cóp py món rau muống xào của dân ta đem ra chiêu đãi những du khách kiêm thực khách Tây Tàu khắp thế giới. Và họ vớ bẫm.
Tưởng tiếc rau muống xong, Kiểu tiện thể còn tương tư những món điểm tâm quê hương khác đến đầu đến đũa nữa.
Chắc chắn, cu cậu ắt đã xơi chúng trong mơ hơi kỹ. Nếu không sao một sáng cuối tuần, Liz lại nhìn chồng giọng tần ngần:
- Anh yêu, anh có nghe ai nói đến chứng ăn du hay không?
Kiểu chưng hửng:
- Hả?
Liz nhấn mạnh:
- An du, anh ạ
- Sao, em nói sao?
Liz nói chậm từng chữ:
- Em nói là anh ăn du.
- An du là cái gì?
Liz nhẹ nhàng:
- An du là biến chứng của mộng du. Người ăn du thường nhai tem tép, nuốt ừng ục khi ngủ đấy.
Vỡ lẽ, Kiểu cười xoà:
- À …. Nếu như vậy, anh của em đúng là người ăn du dài dài rồi.
Liz tròn xoe mắt:
- Lạy Chúa! Điều em nghĩ bấy lâu nay quả không sai. Đúng là cuộc chiến Việt nam đã ảnh hưởng tới anh nhiều quá rồi. Chúng ta phải cấp tốc đi gặp đốc tờ tâm lý mới được. Anh làm ơn dậy tắm rửa thay quần áo xong, chúng ta đi ngay.
Miệng nói, tay Liz vung ra nắm lấy tay Kiểu. Trước cái lực kéo… vĩ cuồng , thằng con ông cụ súyt ngã chúi vì bất ngờ. Tự ái đàn ông bị va chạm, Kiểu gắt nhặng xị tỏi: - Làm cái gì mà vũ-thê như thế hả? Có thả tay người ta ra không thì bảo?
Gã kiên định lập trường: - Đây chả tâm lý tâm liếc cái quái gì cả. Đây chỉ cần gặp một vị lương y đặc biệt.
Liz xoắn xúyt:
- Ông đốc tờ ấy là ai? Ở đâu? Đã tốt nghiệp đại học Harvard chứ anh?
Giọng Kiểu tưng tửng:
- Harvard mà thấm tháp gì?
Liz vẫn thắc mắc:
- Hay là trường y khoa Boston nổi tiếng?
- Cũng không nốt.
- Vậy trường gì, anh?
- Trường đời.
Liz trợn mắt:
- Lang băm à?
Kiểu xua tay:
- Ai baỏ em ông ấy lang băm? Chuyên viên… ẩm thực trị liệu danh trấn thiên hạ của dân An nam đấy, đừng đùa.
Cô đầm gãi mũi:
- Là thế nào cơ? Em chưa rõ lắm.
Kiểu ba hoa:
- Thì thay vì dùng thuốc, vị lương y này lại chuyên chữa bá bệnh chỉ bằng một món ăn duy nhất.
Liz đảo mắt nhìn trần nhà, giọng miả mai :
- Món ăn gì mà lại ép phê siêu đẳng thế, anh yêu?
Kiểu nuốt nước bọt:
- Món phở do "đốc tờ" phở bào chế, Liz ạ
Cô đầm cao giọng :
- Phô?
Kiểu phất tay: - Không phải phô em nhé. Phở. Chỉ là phở. Nhớ gọi đúng tên nó là phở cho anh nhờ. Phở ngon tuyệt hảo hạng. Phở không phô một ly ông lão nào cả.
Liz thắc mắc:
- Nhưng phở là thực phẩm. Còn chứng ăn du thuộc tâm bệnh. Hai thứ ấy nào có liên quan gì với nhau chứ?
Kiểu hoa tay:
- Thế thì em lầm.
Mặt cô đầm đờ ra:
- Anh có thể làm ơn nói rõ hơn?
Kiểu xoa tay:
- Ờ… thì cứ tạm cho là anh mắc chứng ăn du như em đã phát hiện đi, vậy thì sao nào?
- Em đang chờ nghe anh nói.
Kiểu nói tiếp:
- Thì vẫn có hai thắc mắc cần được đặt ra, nghe Liz. Một là tại sao anh lại ăn du? Và hai, anh đã xực món gì trong những cơn ăn du trăm voi không đưọc bát nước sáo ấy?
Cô đầm lắc đầu:
- Em chịu.
Kiểu nắm tay vợ :
- Em không biết điều ấy thì đã hẳn! Còn anh, anh không chỉ biết mà còn biết rõ là khác. Anh biết rằng giữa anh với phở có một mối liên quan cá- nước sâu đậm. Phở vốn gồm hai thành phần là nước và cái. Lúc mới lên 6 tuổi, anh từng chuyên chén cơm chan với nước phở bởi anh có bà cô họ làm nghề bán phở. Lớn thêm tí nữa , mỗi sáng đi học, anh luôn tranh thủ ghé đến quán của bà để trước tán ăn, sau ăn vạ một bát phở xuông cho lương tâm yên ổn. Bà cô thương cháu lắm. Khổ nỗi phải cái tội nghèo. Thành thử bà chỉ kham nổi một bát phở không người lái cho cháu mỗi sáng. Cứ thế, bằng phở xuông và nhờ nước phở , anh sống hùng sống khoẻ suốt thời niên thiếu.
Giọng Kiểu bùi ngùi:
- Khi lớn lên làm ra tiền, bà cô thương qúy đã khuất. Gánh phở thơm ngát kỷ niệm không còn.Từ đấy, sáng nào rách không đủ địa "nộp xâu" cho chủ nhân tiệm phở gần nhà , anh bữa đó giống hệt con cá thiếu nước tha hồ hẻo hẻo.
Liz xúyt xoa:
- Tội nghiệp anh của em quá.
Kiểu cười:
- Đừng thèm tội nghiệp anh làm gì. Hãy tội nghiệp chiếc dạ dày hiện đang nhớ phở da diết của anh, thì hay hơn. Mà Liz này…
- Dạ
- Anh chả có tâm bệnh tâm biếc cái quái gì đâu. Sở dĩ anh phải xực hàm thụ phở trong mơ chỉ là tại anh thiếu phở, thèm phở, đói phở, và khát cái món phở ngon số dách ở trên đời ấy mà ra cả.
Liz bá lấy cổ chồng:
- Như thế anh yêu còn chờ gì chưa dẫn em đến tiệm phở?
- Anh xin lỗi.
Liz xụ mặt:
- Chiều em một tí không được à?
Kiểu giải thích:
- Anh chiều em, nhưng tiệm phở ở mãi bên Việt nam nó có chịu chiều em đâu.
Gã chép miệng:
- Tuy vậy anh đã có cách.
Bát phở khai-tâm của Liz do Lê Tấn Kiểu tự nấu lấy. Cu cậu thuỗng công thức chế biến phở trong cuốn sách gia chánh của bà Quốc Việt rồi đem hợp đồng với mớ kinh nghiệm ăn cơm tháng mười mấy năm ở tiệm phở Tàu bay làm thành.
Trước năm 75, phở Tàu bay nổi tiếng lắm. Nổi đến mức có anh Bộ trưởng bà con cô cậu với chủ nhân Dinh Độc lập sáng nào cũng sai tùy phái ghé lại tiệm làm hai công tác trọng đại. Một, lọc lựa lấy nửa ký lô thịt bò ngon đem xay thành nước cốt. Và hai, yêu cầu ông chủ tiệm đem lượng nuớc cốt đặc sánh đó tôi luyện thành một tô phở tái siêu chất lượng để mang về cho ngài Bộ trưởng dùng.
Lần đầu, được vỡ lòng bát phở tái do Kiểu nấu, Liz cất thịt bánh vào dạ dày nhanh như điện truớc khi dùng thìa chu đáo vét húp đến giọt nuớc dùng cuối cùng. Mặt đỏ ứng, mũi lấm tấm mồ hôi do quá trình lao động ăn uống cật lực, Liz khen phở ngon loạn châu chấu. Từ đấy, cô em bắt đầu trường kỳ xực phở.
Một chiều Liz bám lấy Kiểu hí hửng:
- Cảm ơn anh.
Kiểu ngơ ngác:
- Cảm ơn cái gì, hả Liz?
Cô đầm cười đến mép tai:
- Em vừa leo lên bàn cân xong. Nhẹ đi được 4 pound tức gần 2 ký lô anh yêu ạ.
Thấy Kiểu đần mặt rõ cái điệu thông minh nhưng chậm hiểu , nàng phụng phịu:
- Ơ kià, sao anh không nói gì thế?
Chợt nhớ tới nỗi sợ béo hãi hùng của đầm, Kiểu nói vuốt đuôi:
- À… Tuyệt vời!
Và trổ nghề Ang lê: - Congatulate cưng!
Liz quay người một vòng:
- Cảm ơn anh. Nhờ anh, em mới biết ăn phở. Phở ngon không thể chê được. Hơn nữa nếu không nhờ ăn phở nguyên tháng nay , làm sao em có thể nhẹ đi được gần 2 ký. Lạy Chuá, có nằm mơ em cũng không dám mong được như thế đâu.
Bán tín bán nghi, Kiểu hỏi gặng:
- Em có chắc là nhờ phở?
Liz giơ ngón tay cái lên:
- Trăm phần trăm, anh ạ.
Kiểu vỗ đùi:
- Vậy thì chúng mình sắp phất lớn.
Cô đầm chưng hửng:
- Anh bảo sao?
Kiểu hào hứng:
- Còn sao với trăng cái gì nữa, cô em. Chả phải chính em vừa phát hiện ra cái "tác dụng phụ" tuyệt vời của phở là làm thân thể thon gọn lại là gì?
Liz ngơ ngác:
- Em phát hiện?
Và reo lớn lên khi hiểu ra câu chuyện:
- Đúng, anh nói đúng. Đúng là phở có làm cho dáng người em trở nên thon thả thật.
Kiểu ba hoa:
- - Đấy, em thấy chưa? Trúơc đây cứ hễ nghe phong phanh ở đâu có loại thuốc mới hoặc phương pháp mới giúp giảm cân là y như có em và có vô số khách hàng mát da mát thịt khác sắp hàng chờ mua. Nhưng rút cục thì đâu vẫn hoàn đấy. Thực chả bù với bây giờ. Bây giờ chỉ cần mỗi một tháng ăn phở, em đã đạt được niềm ao ước mà trước đấy em cứ ngỡ chừng vô vọng, anh nói như thế đúng đấy chứ?
Cô đầm thắc mắc:
- Nhưng phở làm bằng "nguyên liệu" gì mà qúy hoá thế hả anh?
Kiểu chợt nhớ lời các cụ xưa dạy rằng, thành thực chính là thiện, tuy thế nếu ta lại cứ nói thực và thành thực ở những trường hợp không nên nói thực thì vẫn theo các cụ, điều này lại trở nên ác rõ.
Kiểu vốn chê ác khoái thiện. Cho nên trước câu thắc mắc vừa nói của cô đầm, Kiểu không thể nói huỵch toẹt cái lý do mà phương pháp phở giúp Liz giảm cân nó chỉ giản dị có thế này.
Trước đấy vào mỗi bữa cơm chiều , Liz luôn tiêu thụ một tảng thịt bò bỏ lò to bằng bàn tay cùng với củ khoai tây nướng, cộng thêm ly sữa xúc-cù-là béo ngậy. Kể từ ngày phở hoá cách ẩm thực, thực đơn tối của cô em chỉ gồm có mỗi một bát phở ngã qua hàng thịt , với ít bánh, với hằng hà xa số rau giá, với vô số nước lèo. Bưã ăn có tiếng không có miếng đó tuy làm cho Liz no nhưng không gây béo là điều dễ hiểu.
Thế nhưng Kiểu dại gì đi "tiết lộ" bí mật ấy ra miệng, khiến cho bát phở đâm ra mất thiêng trong mắt Liz? Con người ta, Kiểu biết, ai mà lại chả thế. Cái gì dễ có quá như nước và không khí chẳng hạn , là con người hay xem thường. Bởi vậy thay vì trả lời trực tiếp câu Liz hỏi, Kiểu lại đẩy một đường lý thuyết rất ư màu mè riêu cua rằng thì là , bệnh tật, như cụ Hải Thượng Lãn Ông đã dạy, là do miệng mà sinh ra. Người đời không nhất thiết cứ phải hấp thụ thực phẩm kém vệ sinh, mà chỉ cần ăn uống thiếu cân đối chất, nói chung là ăn uống không đúng với âm dương ngũ hành thì lâu ngày cơ thể họ tất phải trục trặc kỹ thuật. Nói tóm tắt, hễ càng ăn cao lương mỹ vị nhiều, họ càng cần uống thuốc nhiều. Và cái "vĩ tuyến" phân cách thực phẩm với chất độc, cũng như thực phẩm với dược phẩm trông chỉ mong manh như sợi tóc. Nhưng coi chừng đấy nhá! Mềm dịu hoá thành ngọn chông mấy chốc? Và chính cái tưởng như mong manh lại gian ác có hạng mới ác. Vì sao? Vì nó khiến người đời mất hẳn tính cảnh giác. Vì chả cần nó phải xô, thiên hạ vẫn tự nguyện ngã nhanh ngã mạnh vào cái trận địa phục kích do bản năng ăn uống vô độ của kiếp người giăng mắc.
Phở, vẫn theo lý thuyết gia Kiểu, lại khác. Phở tuy chẳng được xếp vào hạng cao lương, nhưng rõ tàng nó là một mỹ vị khác hẳn các món cao lương mỹ vị. An phở xong dứt khoát không cần uống thuốc. An phở xong chỉ việc uống nước phở. Và thay vì đuổi thuốc đi chơi chỗ khác, phở lại nhoay nhoáy đồng hoá thuốc thành một món ăn khoái khẩu phục vụ cái đệ nhất thú của kiếp người. Được như thế, vẫn theo nhà phở học Kiểu, là nhờ bát phở được bào chế bằng vô số dược liệu qúy giá. Nhìn Liz, gã giở giọng phán phiệu:
- "Nguyên liệu" kiêm dược liệu trước nhất cửa phở là bánh phở, Liz ạ. Bánh phở làm bằng gạo lên men nên chứa hàm lượng đường rất thấp. Còn xuơng bò hầm phở thì cung cấp loại canh xương cực tốt cho sức khoẻ. Thịt bò nấu phở cũng đâu nỡ gây ra chứng nghẽn mạch do chứa quá nhiều chất sắt như thịt bò cuả các món ăn khác?
Vừa nghe nói đến bò, Liz sáng rực cả mắt lên. Cô em chả là rất hẩu cái món thịt bò bỏ lò roast beef chấm với nước sốt gravy. Ngày hai đứa mới sống chung, nhìn nàng gặm tảng thịt to bằng bàn tay nướng nửa sống nửa chín còn nhễ nhại huyết tươi, Kiểu táng đởm kinh hồn. Sau quen mắt, gã không úy kỵ nữa. Nhưng mắt quen, mà miệng ngoan cố không quen. Nên Kiểu đành khẩn thiết thỉnh cầu Liz rằng nếu có dọn món ấy cho gã ăn, cô em nhớ chịu khó lạng thịt thật mỏng và nuớng thịt thật chín cho gã nhờ.
Mê món bò bỏ lò quá, lại nghe nói phở cũng điều chế bằng thịt bò mà không gây chứng nghẽn mạch cho người ăn, Liz bèn hỏi lấy hỏi để:
- Thật thế hả anh?
- Còn phải hỏi.
Cô đầm thắc mắc:
- Nhưng vì sao? Bằng cách nào anh nhỉ?
- Chuyện là thế này, cục cưng. Mỗi khi làm món roast beef, anh thấy em luôn luôn đút cả tảng thịt vào lò nướng. Một trăm phần trăm chất sắt trong thịt khi ấy bởi được tôi luyện ở nhiệt độ cao, tất sẽ cứng hơn sắt , và tất sẽ cản trở máu huyết lưu thông kỹ hơn sắt một khi được hấp thụ qua thành ruột của người ăn. Thịt bò được ninh trong nồi phở lại khác. Đa phần chất sắt theo nước phở bốc hơi rồi. Phần li ti còn lại bởi đã bị ninh mềm như bún cho nên dù có lọt vô mạch máu của người dùng cũng không thể làm khó ai được. Gia vị quế của phơ đã thế cũng không chỉ giúp dậy hương phở mà còn có khả năng làm giãn mạch khiến cho máu tha hồ ập tới cuốn phăng đi cái dúm chất sắc còm cõi vừa du nhập vào cơ thể của người ăn.
Liz gật gù:
- Anh nói phải lắm. Dù rằng cái chuyện luyện sắt của món roast beef và chuyện ninh sắt trong nồi phở có hơi phản khoa học.
Lờ tịt lời phê bình của Liz đi, Kiểu tiếp tục thống kê:
- Ngoài thịt bò xương bò, phở còn có gân bò cung cấp chất a giao giữ cho khớp xương được dẻo dai, khoẻ mạnh. Dược-liệu sách-bò thoạt nhìn thì tưởng là vô bổ nhưng chính cái đặc tính nhai mệt không nghỉ của nó lại giúp bắp thịt quai hàm tập thể dục hiệu quả hơn cả nhai kẹo cao su. Những phụ tùng rau thơm, hành ngò, giá của phở trong khi ấy vừa cung cấp mọi sinh tố cần thiết vừa chứa vô số chất sơ mà những hãng đông y Au Mỹ vẫn đem bào chế thành các viên chất-sơ bắt bộn bạc. Món tương ớt phở có cà chua phòng chống ung thư đấy. Múi chanh vắt vào bát phở tăng cường sức đề kháng và bảo trì vẻ trẻ khoẻ. Cuối cùng, bao trùm lên tất cả là cái hương thơm độc đáo cuả bát phở.
Liz liếm môi:
- Phở thơm lắm hả anh?
Nước bọt ứa ra, Kiểu cũng liếm môi:
- Hương thơm chính là tiêu chuẩn giúp phân biệt giữa phở với hủ tíu bò mà em.
Thấy mặt mũi cô đầm rất ư thành khẩn tiếp thu, cao hứng, gã tán tiếp:
- Liz làm ơn nhớ hộ anh rằng tuy cùng là dán nhãn hiệu phở cả đấy , nhưng chín mươi phần trăm số tiệm phở lại chuyên sản xuất hủ tíu bò. Chỉ có vài phần trăm còn lại dậy lên được cái hương phở độc nhất vô nhị đúng nghĩa. Không trách đã có một "phê bình gia " phở bảo rằng dễ nấu nhất là phở mà khó nấu nhất cũng phở.
Liz thắc mắc:
- Tại sao lại thế hả anh?
Thay vì trả lời cô đầm, đang cao hứng, Kiểu diễn thuyết tiếp:
- Mỗi vị đầu bếp nấu phở, Liz làm ơn nhớ hộ cho anh, là một nghệ sĩ vị nhân sinh, hay đúng hơn vị chiếc dạ dày của kiếp nhân sinh đúng nghĩa đấy. Bằng cảm hứng và tài năng, chứ không phài bằng tiền và vì tiền, mà họ "sáng tác" phở đâu em.
Tợp một hụm nước cho trơn cổ , gã quay lại chủ đề:
- Chính bởi tưởng lầm rằng phở dễ nấu, cho nên ở Việt nam ai cũng hong hóng khai trương tiệm phở. Hầu hết trong số này đáng tiếc chỉ làm chau mày các "tín đồ" phở và làm tổn thương không ít cái tên phở cao qúy.
Nói đến đấy, mắt Kiểu sáng lên:
- Anh nhất định sẽ cơm bưng nước rót đi mời bằng được một đại-sư nấu phở về hợp tác với hệ thống sản xuất phở của chúng ta sau này.
Liz xen vào:
- Anh muốn mở tiệm phở?
Kiểu buông thõng:
- Nhất định thế.
Gã đi vào chi tiết:
- Như em đã thấy, tại Bắc Mỹ, có hơn hai trăm triệu nguời Mỹ và hai mươi mấy triệu tây đầm Canada. Họ khác nhau ở tuổi tác, học vấn, giới tính, chủng tộc. Nhưng tất cả đều găp nhau ở một điểm. Là vừa thích ăn ngon và vừa muốn giữ cho thân hình săn gọn, cưng ạ.
Liz gật gù:
- Anh nói chí phải.
Kiểu lý thuyết tiếp:
- Hai sở thích ấy của họ đối kháng nhau như nước với lửa. Bởi hễ ăn ngon, người ta thường ăn nhiều và do đó lại càng ngực thon bụng nở. Phở trong trường hợp này trở thành giải pháp độc nhất giúp cho cả nhân loại đã hẩu xực , lại vừa giảm béo vừa không bị cao huyết áp mà không phải trả bất cứ giá nào , kể cả cái giá ăn ít đi một tí. Em hiểu rồi chứ, Liz?
Cô đầm hào hứng:
- Hơn cả hiểu, anh ạ.
Kiểu càng hào hứng:
- Nếu thế tại sao chúng ta không cấp tốc đi đăng ký mở độc quyền hàng loạt tiệm phở ở khắp vùng Bắc Mỹ này để trước hốt bạc, sau tiện thể "cứu nhân độ thế "?
Liz lấn cấn:
- Anh muốn bắt chước hệ thống bán thức ăn nhanh Mc’ Donald chăng?
Kiểu sôi nổi:
- Anh muốn bóp còi qua mặt Mc Donald là khác.
- Anh không nghĩ rằng anh đang kỳ vọng quá lớn?
Kiểu cười khẩy:
- Vẫn chưa lớn đúng với cái kích cỡ của phở đâu cưng.
Gã ưỡn ngực:
- Kể từ giờ phút này, em có thể gọi anh là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc đại công ty phát hành phở của Kiểu và Liz.
Liz mỉm cười:
- Còn em thì sao, thưa Tổng giám đốc ?
Kiểu vẫn uỡn ngực:
-Anh bổ nhiệm em là giám đốc nhân viên kiêm điều hành. Chỉ cần em chịu khó chỉ huy tốt và điều hành kheo khéo môt tí. Là bảo đảm chúng ta tha hồ đếm bạc.
Liz dè dặt: - Liệu có dễ như thế không anh?
Kiểu nghiêm mặt:
- Là giám đốc nhân viên kiêm điều hành, đề nghi Liz luôn tự tin và lạc quan.
Mắt Liz mơ màng:
- Xin lĩnh tôn ý Tổng giám đốc.Việc trước nhất chúng ta cần làm, thưa Tổng giám đốc, là lên một kế hoạch tiếp thị thật nóng.
Kiểu ậm oẹ:
- Cách nói hay nhất là làm. Câu nói hay nhất cũng là làm. Vậy thì làm đi. Chỉ có một điều tôi cần lưu ý cô giám đốc. Là nhớ thay hai chữ tiếp thị kêu boong boong bằng cái từ chào hàng chân chỉ hạt bột cho tôi nhờ.
- Có gì khác biệt giữa tiếp thị với chào hàng thưa Tổng giám đốc?
Xoa hai tay vào nhau, Kiểu đáp:
- Có và có nhiều là khác. Chào hàng là có sao nói vậy nên chào hàng đồng nghĩa với mời khách, giữ khách và củng cố khách. Tiếp thị , cái con chữ khả ố của thời đại chúng ta, hơi khác. Tiếp thị chuyên ăn gian nói dối để vồ khách, loè khách, và vì thế vồ hụt khách. Liz phải cố nhớ thật kỹ điều sau đây hộ anh.
Liz nhỏ nhẹ:
- Tổng giám đốc cứ dạy.
Kiểu thọc tay vào túi quần:
- Chúng ta không chỉ vớ bẫm nhờ phở đâu Liz ạ. Tên của anh và tên Liz rồi sẽ được ghi vào sách danh nhân thê giới. Cả nhân loại mai này sẽ cảm ơn chúng ta. Phở đã đành có từ lâu rồi. Nhưng nếu chúng ta không đại kỹ nghệ hoá , thậm chí toàn cầu hoá phở để biến nó thành một món ăn quốc-tế-hồn, quốc-tế-túy thì liệu nhân loại có sống vui, sống khoẻ, sống đẹp như nhân loại vẫn hằng ao ước được không?
Liz lác cả mắt:
- Khi ấy, cả thế giới sẽ yêu phở anh nhỉ?
Kiểu cướp lời:
- Yêu đâu đã đủ. Phải nói họ tự nguyện thần phục phở chứ em. Khi ấy nuớc nào lạng quạng không yêu hoà bình, thích gây chiến tranh, ta chỉ việc cúp viện trợ phở là họ phải đâu vào đấy ngay. Phở sẽ là vị sứ giả hoà bình vinh danh và sáng danh Liên hiệp quốc cưng ạ.
Mắt cô đầm sáng như đèn pha:
- Vậy chúng ta còn chờ gì chưa ra văn phòng đăng ký kinh doanh để xin độc quyền mở hệ thống bán phở?
Kiểu và Liz hối hả đi đăng ký ngay. Cô thư ký văn phòng kinh doanh, sau vài phút kiểm chứng với máy điện toán bèn toét miệng ra nói với hai vợ chồng rằng thì là:
- Chúng tôi rất tiếc không thể chấp nhận lá đơn xin độc quyền bán phở ở Bắc Mỹ của ông bà được. Tại thị trấn này thì chưa có , chứ khắp Canada đã có ít nhất 5 nhà hàng cùng với khoảng hơn 30 cái khác tại nước Mỹ đăng ký bán Vietnamese noodle rồi.
Nghe cô ta nói đến đấy , con trâu chậm Kiểu thay vì thất vọng lại thấy mát ruột như vừa tợp được hụm nước trong sau khi đã lỡ uống nước đục dài dài vậy.
Cô thư ký gọi phở là Vietnamese noodle. Ý cô ta muốn phân biệt với món mì Chinese noodle của Tàu. Điều này thoạt nghe hơi ấm ớ. Ý nghĩa của nó thực sự không ấm ớ tí nào. Nguời Âu Mỹ chả là khoái đồng hoá Đông phương với Trung quốc. Dân Việt dân Miên dân Lào, món ăn Việt Miên Lào… cái gì trong mắt dân Au Mỹ cũng thảy đều là Tàu và của Tàu tuốt tuột cả. Hoá nên một khi họ buộc phải công nhận phở là Vietnamese noodle , có nghiã là món phở đã đang trên đà… quốc tế hoá chứ chẳng phải chuyện đùa đâu.
Nhưng đấy là chuyện sau này. Chứ khi ấy tại thị trấn Kiểu sống chả có tiệm phở nào cả, cho nên nhớ phở quá, dân ta chỉ còn mỗi một cách là tay làm hàm nhai.
Liz cũng tay làm hàm nhai phở sau khi đã lậm phở đậm. Tiến trình hội nhập phở của nàng phải nói hơi đốt giai đoạn. Vừa mới chịu phở xong, Liz hất đầu cho qua các giai đoạn kết phở , yêu phở, mê phở, để khi không biến thành kẻ lậm phở khơi khơi.
Một kẻ lậm phở không thể sống thiếu phở được. Mà Kiểu khổ nỗi lại thuộc loại đại-lãn có hạng. Thành thư ngoài cái cách tự-lực tự-cường phở ra , một người chuyên xực phở trường chứ không phải ăn chay chường như Liz làm sao có phở ăn nhỉ?
Nếu nàng, chỉ mỗi tuần một bát, như cái mục Mỗi Tuần Một Truyện của báo chí đã đỡ. Đằng này bởi đô phở ngày một tăng, Liz hễ đi làm về nhà là lụi hụi nấu phở.
Gã "thợ săn" Lê Tấn Kiểu rất hoan hỉ về việc ấy.
Chiếc bẫy phở, hay đúng hơn chiếc lồng son phở mà gã giăng ra êm ái quá. Con chim khuyên Liz lỡ bước vào rồi quen hơi nhất định không ra.
Nhờ thế ngày hai bữa Kiểu khỏi phải đánh vật với các món ăn chế biến bằng bơ phó mát. Nhờ thế Kiểu đều đều, dài dài có phở ăn.
Kiểu đâu chỉ ăn? Gã ăn phở giả bữa.
Kết Thúc (END) |
|
|