Giăng Briden, một ông già độc thân mà người ta vẫn cho là kẻ hoài nghi, nói: Những nỗi bất hạnh lớn ít khi khiến tôi buồn. Tôi đã thấy tận mắt chiến tranh, tôi đã bước qua thây người, không thương cảm. Những sự tàn nhẫn thô bạo của tạo hóa hoặc của con người có thể làm chúng ta thốt kêu lên khủng khiếp hoặc công phẫn nhưng không hề khiến tim ta se lại, không hề gây cái rùng mình lướt qua lưng khi ta nhìn thấy vài điều não lòng nho nhỏ.
Nỗi đau mãnh liệt nhất con người có thể cảm thấy, dĩ nhiên là khi người mẹ mất con, và khi người đàn ông mất mẹ. Điều ấy mãnh liệt, kinh khủng, điều ấy đảo lộn và cào xé, như người ta nguôi khây những tai họa đó như là lành những vết thương lớn đẫm máu. Vậy mà, vài cuộc gặp gỡ, vài điều thoáng thấy, phỏng đoán, vài nỗi thầm kín, vài sự lắt léo của số phận, lay động trong ta cả một thế giới xót xa những suy nghĩ, hé mở đột ngột trước ta cánh cửa bí ẩn những đau khổ tinh thần, phức tạp, không phương cứu chữa, càng sâu xa hơn bởi dường như êm nhẹ, càng nhức nhối hơn bởi dường như mơ hồ, càng dai dẳng hơn bởi dường như không thực, những điều ấy để lại trong tâm hồn ta cái gì như một giải u buồn, một vị chua chát, một cảm giác thất vọng và rất lâu ta mới xua tan được.
Tôi thường thấy luôn luôn trong mắt đôi ba điều mà người khác chắc hẳn không để ý, những điều ấy đã xuyên vào trong tôi như những vết kim châm dài, mảnh, không sao chữa khỏi. Có lẽ các bạn không hiểu niềm xúc động mà những ấn tượng thoáng qua đó để lại trong tôi. Tôi chỉ kể với các bạn một cách ấn tượng mà thôi, nó đã xưa cũ lắm, nhưng lại sinh động như vừa mới hôm qua đây. Có thể tôi mủi lòng chỉ là do tưởng tượng.
Giờ đây tôi năm mươi tuổi. Hồi ấy tôi còn trẻ và đang học luật. Hơi buồn, hơi mơ mộng, thấm nhuần một triết lý u hoài, tôi ít ưa những tiệm cà phê ồn ào, những anh bạn ầm ĩ, những ả ngu ngốc. Tôi hay dậy sớm, và một trong những lạc thú thân thiết nhất của tôi là đi dạo một mình, vào khoảng tám giờ sáng, ở khu vườn ươm của công viên Luxemburg.
Các bạn thì các bạn chẳng biết khu vườn ươm ấy đâu. Nó như thể một mảnh vườn từ thế kỷ trước để quên, mảnh vườn xinh như nụ cười hiền của bà già tuổi tác. Những hàng tào um tùm ngăn những lối đi hẹp và đều đặn, những lối đi êm ả giữa hai bức tường hoa lá xén cắt có phương pháp. Lưỡi kéo lớn của người coi vườn luôn sửa sang ngay ngắn những tấm vách bằng nhành cây ấy, và đây đó, từng chỗ, từng chỗ, ta bắt gặp những bồn hoa, những khoảnh đất trồng các cây nhỏ xếp thành hàng như học sinh đi dạo, những đám hồng lộng lẫy hoặc những đội ngũ cây ăn quả. Cả một góc khu vườn xinh đẹp tuyệt vời ấy là nơi ở của loài ong. Những nếp nhà rơm của chúng, xếp cách quãng khéo léo trên các tấm ván, mở ra trước ánh mặt trời những khuôn cửa lớn bằng chiếc đê khâu, và suốt dọc đường, ta gặp những con ong vàng óng vi vu, những chủ nhân thực sự của cái chốn thanh bình này, những khách dạo chơi thực sự tại những hành lang yên tĩnh này.
Hầu như sáng nào tôi cũng đến đó. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế dài và đọc sách. Đôi khi tôi bỏ sách rơi trên đầu gối để mơ màng, để nghe Pari đang sống quanh tôi, và để hưởng cái yên nghỉ mênh mông của những lùm cây cảnh theo kiểu xưa cũ này.
Nhưng tôi bỗng nhận ra rằng tôi không phải là người duy nhất lui tới nơi đây ngay từ lúc mở hàng rào chắn vườn, và đôi khi tôi chạm trán, ở góc một bồn cây, với một ông già kỳ quặc người bé nhỏ. Ông ta đi giày có nút bạc, mặc quần có mép lật, áo rơ-đanh-gốt màu thuốc sợi Tây Ban Nha, gài đăng ten thay ca-vát và đội một chiếc mũ lạ lùng không tưởng tượng nổi, màu xánh, vành rộng, tuyết dạ dài, gợi nhớ thời hồng thủy. Ông ta gầy, gầy lắm, xương xẩu, tươi cười và nhăn nhúm. Đôi mắt sắc của ông nhấp nháy, động đậy vì tai mắt luôn chớp dồn, và lúc nào ông cũng cầm trong tay một cây gậy chống tuyệt đẹp có nắm tay cầm bằng vàng chắc là một kỷ vật huy hoàng nào đó. Ông lão ấy thoạt tiên làm tôi bỡ ngỡ, rồi khiến tôi cực kỳ quan tâm. Và tôi rình ông ta qua các bức tường cây lá, tôi theo dõi ông từ xa, tôi dừng bước ở chỗ ngoặt các bụi cây để ông khỏi trông thấy.
Và thế là một buổi sáng, tưởng rằng chỉ có một mình, ông ta bèn làm những động tác lạ lùng: thoạt tiên vài bước nhảy khẽ, rồi cúi chào một cái, và đạp cẳng chân khẳng khiu nhảy một điệu Entrechat hãy còn lanh lẹn, rồi ông bắt đầu lịch thiệp xoay người, nhún nhảy, uốn éo một cách kỳ khôi, mỉm cười như trước công chúng khán giả, yểu điệu làm duyên, khuỳnh tay, vặn vẹo cái thân hình con rối tội nghiệp, gửi vào khoảng không những cái chào khẽ, cảm động và lố lăng. Ông ta khiêu vũ.
Tôi ngây người vì kinh ngạc, tự hỏi trong hai người thì ai điên, ông ta hay tôi.
Nhưng ông ta đột nhiên dừng lại, tiến lên như các diễn viên tiến trên sân khấu, rồi nghiêng mình lùi bước, mỉm cười duyên dáng và tay run run gửi những cái hôn như của đào hát cho hai hàng cây xén thẳng. Và ông ta lại trịnh trọng đi dạo tiếp.
Từ hôm đó, tôi không rời mắt khỏi ông ta, và mỗi sáng ông lại tái diễn cái trò kỳ lạ không tưởng tượng nổi ấy. Tôi thèm nói chuyện với ông ta đến phát điên len. Tôi đánh bạo, và sau khi cúi chào, tôi nói với ông ta:
-Thưa ông, trời hôm nay đẹp quá.
Ông ta nghiêng mình:
-Vâng, thưa ông, thật quả là tiết trời thuở xưa.
Tám ngày sau, chúng tôi thân nhau, và tôi biết chuyện ông ta. Ông là thầy dạy khiêu vũ ở rạp Opera, thời vua Louis mười lăm. Cây gậy đẹp của ông là tặng vật của bá tước De Clemont. Và hễ nói chuyện khiêu vũ với ông là ông bèn thao thao bât tuyệt. Thế rồi một hôm ông tâm sự với tôi:
-Tôi lấy đào Ca-xtơ-ri đấy ông ạ. Nếu ông muốn, tôi sẽ giới thiệu bà ấy với ông, nhưng chốc nữa bà ấy mới đến đây. Ông thấy đó, khu vườn này là niềm vui và cuộc sống của chúng tôi. Đấy là tất cả những gì của ngày xưa còn lại với chúng tôi. Dường như nếu không có nó, chúng tôi không thể tồn tại được nữa. Nó cũ kỹ và thanh nhã, có phải không ông? Tôi tưởng như được hít thở ở đây một không khí không hề thay đổi từ thuở tôi còn trai trẻ. Chiều nào nhà tôi và tôi cũng ở đây. Những tôi thì tôi đến từ sáng, vì tôi hay dậy sớm.
Ăn trưa xong, tôi quay lại vườn Luxemburg, và chẳng mấy chốc, tôi đã thấy ông bạn của tôi đang trịnh trọng kiểu cách khoác tay một bà lão bé nhỏ, mặc áo đen, và tôi được giới thiệu với bà cụ. Đó là đào Ca-xtơ-ri, vũ nữ trứ danh được các ông hoàng yêu dấu, được nhà vua yêu dấu, được cả cái thế kỷ hào hoa ăn chơi yêu dấu, cái thế kỷ dường như đã để lại trên đời một hương vị yêu đương.
Chúng tôi ngồi xuống một chiếc ghế dài. Đó là vào tháng năm. Hương hoa thoang thoảng bay lượn trong những lối đi sạch sẽ tinh tươm, mặt trời ấm áp lướt qua kẽ lá, rắc xuống chúng tôi những giọt nắng lớn. Tà áo dài đen của đào Ca-xtơ-ri như đầm đia ánh sáng.
Khu vườn vắng vẻ không người. Xa xa nghe tiếng xe ngựa lăn bánh. Tôi nói với nhà khiêu vũ già:
-Xin ông giảng cho tôi thế nào là điệu Mơ-nuy-ê?
Ông giật mình.
-Điệu Mơ-nuy-ê, thưa ông, là bà hoàng của các điệu vũ và là điệu vũ của các bà hoàng, ông hiểu chứ? Từ khi không còn vua, không còn điệu Mơ-nuy-ê nữa.
Và ông bắt đầu, một cách văn hoa, một bài ca tụng tràng giang mà tôi chẳng hiểu gì hết. Tôi muốn được miêu tả những bước nhảy, mọi động tác, các dáng điệu. Ông ta lẫn lộn, bực dọc vì sự bất lực của mình, kích động và phiền muộn. Và đột nhiên ông quay sang bà vợ cổ kính của ông nãy giờ vẫn lặng lẽ và trang nghiêm.
-Ê-li-dơ này, mình có đồng ý không, này, mình chịu khó nhé, mình có đồng ý chúng ta chỉ cho ông đây biết nó như thế nào không?
Bà đưa mắt e ngại nhìn khắp chung quanh, rồi đứng dậy không nói một lời và đứng trước mặt ông.
Thế là tôi được thấy một điều không sao quên nổi.
Họ đi đi lại lại với những điệu bộ trẻ thơ, mỉm cười với nhau, lắc lư người, nghiêng mình, nhảy nhót như hai con búp bê cũ kỹ nhảy múa được nhờ một bộ máy cổ đã gãy hỏng đôi chút, xưa kia do một người thợ cực kì khéo léo chế tạo nên, theo kiểu cách thời ấy. Và tôi nhìn họ, lòng xôn xao vì những cảm giác lạ lùng, tâm hồn bồi hồi vì một nỗi u hoài khó tả. Tôi tưởng như trông thấy một hồn ma thảm hại và hài hước, bóng dáng lỗi thời của một thế kỷ. Tôi buồn cươi và muốn khóc.
Bỗng họ dừng lại, họ đã nhảy xong các hình của điệu vũ. Hai năm trôi qua, khi tôi trở lại Pari, người ta đã phá mất mảnh vườn ươm. Họ ra sao rồi khi không còn khu vườn thân thương ngày xưa, với những khoảnh vườn ngoắt ngoéo, với hương vị quá khứ và những lùm cây cảnh quanh co duyên dáng?
Hay là họ đã chết? Hay là họ lang thang ở những đường phố tân thời như những kẻ lưu đày vô vọng? Hay là họ đang khiêu vũ, những bóng ma hài hước tức cười, đang nhảy một điệu Mơ-nuy-ê kỳ ảo giữa những cây trắc bá trong nghĩa địa, dọc các lối nhỏ hai bên là những nấm mồ, dưới ánh trăng?
Kỷ niệm về họ ám ảnh tôi, quấy nhiễu tôi, giày vò tôi, canh cánh trong tôi như một vết thương. Vì sao? Tôi chẳng biết.
Các bạn cho như vậy là lố bịch, hẳn thế?
Kết Thúc (END) |
|
|