Nếu xếp hạng người ít được chú ý đến nhất trong tất cả mọi người làm việc trong thành, thì không ai tệ bằng Saji Isoroku. Anh ta lại làm trong tổ Giữ cờ, là chỗ chẳng có chút gì nổi bật cả, mỗi ngày cứ cắm cúi nhìn xuống đất mà đi đi về về từ dãy nhà của tổ đến thành, đều đặn suốt mười năm ròng, đến nay đã 36 tuổi. Vợ chẳng có mà con cũng không. Mà đâu phải ngay từ đầu không lấy được vợ! Khoảng tuổi 25, anh cũng đã cưới vợ rồi, nhưng người vợ đầu tiên ấy bệnh chết, sau đó, hai người vợ kế tiếp lại theo nhau chạy trốn mất. Phải nhận rằng Isoroku là gã đàn ông có vận rủi về đường hôn nhân.
Thế nhưng, người đời thì không cho đó là vì vận rủi mà thôi. Có kẻ quả quyết rằng nguyên do là vì dung mạo của Isoroku đó thôi. Isoroku là một người đàn ông có bề ngoài lôi thôi lếch thếch. Lúc nào cũng chỉ phô ra khuôn mặt rám nắng đen đủi, mũi to, miệng rộng quá khổ, mà mắt lại ti hí, nhìn vào đâu chẳng biết được. Thêm vào đó, tóc mai lại sớm rụng gần hết, mới giữa lứa tuổi 30 mà tóc đã thưa quá rồi, bởi đã bắt đầu rụng nhiều đâu từ mười năm về trước. Mới nhìn qua, khuôn mặt chẳng khác gì cái mặt nạ ông Hộ pháp mũi quạ ấy, nên bị mang tiếng là kẻ xấu trai cũng chẳng oan gì.
Phải chi đàn ông dung mạo như thế mà bù lại, có được chút chiều cao và cử chỉ nhanh nhẹn thì có lẽ cũng còn coi được, thế nhưng Isoroku lại thấp bé, gầy còm, lù đù. Nhìn Isoroku nhỏ con, ít nói, lưng hơi còng, bước trên đường vào thành làm việc, thì ai cũng cho đó là người đàn ông còn tệ hơn tầm thường nữa. Vì vậy, chẳng phải là vô lý khi có kẻ giải thích rằng người vợ đầu tiên đã chết sớm thì không nói làm gì, chứ hai người vợ sau đã phải chạy trốn, hẳn là vì đã chán mứa cái dung mạo và hình dáng lôi thôi lếch thếch của Isoroku.
Anh ta là người thiếu tham vọng. Sau khi người vợ cuối đã bỏ trốn mất rồi thì lại càng lộ vẻ lôi thôi lếch thếch hơn nữa.
Thế mà lại có kẻ nói nhỏ: -"Không phải thế đâu!". Kẻ đó là Yoshinari ở tổ Kế toán. -"Isoroku có bộ mặt như thế, chứ thật ra là một gã thích chuyện ấy lắm kia. Tôi nhắm rằng anh ta đã yêu quá đến làm chết người vợ đầu tiên, còn các bà thứ hai và thứ ba thì vì Isoroku đòi hỏi kịch liệt quá, chịu không thấu mới chạy trốn về quê cả, đấy mới là sự thật".
Yoshinari Manjiro, người nói như thế là một tên đàn ông háo sắc không thua ai, khét tiếng ở xóm chơi bời Somekawa rồi, nên nghe thế, ai cũng phì cười.
-"Tôi không bịa chuyện đâu. Chuyện Isoroku ham sắc dục thì có chứng cớ đây". Thấy người ta cười, Yoshinari nổi tức lên mà phân bua như thế. Anh ta tình cờ gặp một cô gái trước đây đã giúp việc nhà Isoroku, ở quán trà trong xóm yên hoa Somekawa. Cô ta kể là các tớ gái của nhà Saji thường chỉ làm được chừng một năm mà thôi vì thế nào cũng bị chủ nhà là Isoroku phóng tay quấy nhiễu, chính cô cũng đã bị nguy hiểm một lần rồi.
Mọi người lại phì cười một lần nữa. Lời Yoshinari thật thú vị, nhưng vẫn không ra khỏi phạm vi suy đoán. Cho dù giả thử chuyện người tớ gái cũ kể lại có thật đi nữa, nghĩa là đàn ông đơn chiếc như Isoroku mà có lúc cồn cào ham muốn đến nỗi thấy có người tớ gái gần ngay đấy là phóng tay quấy nhiễu đi nữa, cũng khó mà lấy chuyện đó làm cơ sở đủ để quy kết rằng Isoroku là một gã ham chuyện sắc dục được.
Dù sao đi nữa, cứ tưởng tượng không biết anh chàng Saji Isoroku ấy có vẻ mặt như thế nào khi giở trò quấy nhiễu các cô tớ gái, là người ta ôm bụng mà cười lăn ra.
Dạo gần đây, sau khi người vợ thứ ba bỏ trốn, Saji Isoroku mới trở thành đầu đề câu chuyện bàn tán của thiên hạ theo kiểu này. Chứ ngoài chuyện này ra, chẳng ai buồn để ý đến Isoroku.
Tuy nhiên, dù không buồn để ý đến Isoroku, hay trong bụng nghĩ Isoroku là một gã quá đỗi tầm thường đi nữa, người làm việc trong thành cũng chẳng ai nói lời bỉ thử đối với anh, hay buông lời chế diễu trước mặt anh. Bởi chừng mười năm trước đây, có lần Isoroku đã thi thố kiếm pháp tuyệt luân bên ngoài thành, khiến mọi người tự đáy lòng cảm thấy e sợ người đàn ông có dung mạo xấu tệ ấy.
Isoroku thời trai trẻ đã tập luyện kiếm pháp của phái Itto ở xóm gần thành. Lúc bấy giờ thì chưa nghe tiếng đồn đại gì về tài năng của anh, nhưng đến năm 19 tuổi, anh thay thế cho cha anh đang bệnh để lên Edo [1] làm việc rồi bắt đầu học kiếm theo phái Imaeda, thì nghe đâu đã có những bước tiến vượt bậc. Tuy nói vậy chứ tiến đến mức như thế nào thì cũng chẳng ai biết rõ. Chỉ biết rằng Isoroku đã hai lần đệ đơn xin phiên trấn cho triển hạn lưu trú để tiếp tục làm việc trên Edo vì lý do tu luyện thêm kiếm thuật, rồi sau khi cha chết, đã không trở về xứ ngay mà lưu lại trên Edo tất cả là sáu năm, nên chuyện anh chuyên chú tập luyện kiếm thuật hẳn không phải là tầm thường.
Việc Isoroku thi triển kiếm pháp trong sự kiện xảy ra mười năm trước đây đã tình cờ mà trình bày cho cả phiên trấn biết anh đã hội đắc kiếm thuật đến mức nào. Đó là chuyện xảy ra một năm sau ngày anh từ Edo trở về xứ.
Muời năm trước, vào một ngày mùa thu, có hai người đàn ông đến trọ ở lữ quán Momiji trong xóm Kawahara. Cả hai đều khoảng trên dưới 30 tuổi, có vẻ là võ sĩ mất chủ, nhưng trang phục tươm tất nên lữ quán Momiji cho trọ mà không nghi ngại gì. Hai người bảo là võ sĩ mất chủ, xuất thân ở xứ Joshu, đang trên đường đi Tsugaru tìm bà con, và ghi gửi tiền trước vào sổ, số tiền quá đủ cho vài ngày trọ ở lữ quán.
Momiji là một lữ quán kiêm nhà chứa, ở khu vực yên tĩnh bên bờ sông Gomagawa. Hai người khách ấy gọi gái đến uống rượu mỗi đêm. Đến đêm thứ ba, nhà làm rượu nổi tiếng giàu có trong vùng quanh thành là tiệm Takano của Gibee bị cướp đột nhập. Hai người làm công chống lại bị chúng chém chết. Bọn cướp hiếp bách người chủ, đoạt 500 lạng vàng xong, chạy trốn vào xóm đêm trong cơn mưa nhỏ.
Sáng hôm sau, người ta phát giác ra bọn đạo tặc ấy chính là hai người khách trọ ở lữ quán Momiji. Chúng còn nạy hòm tiền, lấy luôn cả 50 lạng vàng của lữ quán nữa.
Sở Kiểm sát lập tức phái người ra tất cả các trạm kiểm soát ở bốn phía, cho người vào cả các đường nối, để soát xét người ra vào phiên trấn. Nhưng bọn cướp vẫn không bị mắc lưới. Không thấy hình tích gì chứng tỏ là bọn chúng đã qua khỏi các trạm kiểm soát, nên một mặt, sở Kiểm sát tiếp tục cuộc điều tra theo hướng bọn cướp còn ẩn núp đâu đó trong phiên trấn, một mặt, ra bố cáo truy nã chúng đến tất cả các làng xóm trong lãnh địa.
Nhưng, hoá ra là bọn cướp vẫn còn ẩn nấp ngay trong xóm gần thành. Xóm Eboshi chỉ cách xóm Kawahara một con sông, có một căn nhà bỏ hoang. Hàng xóm phát hiện cứ đêm đến là có mùi gì như là mùi nấu cơm thoang thoảng từ căn nhà ấy, nên thưa lên sở Kiểm sát, vì thế bại lộ ra là hai tên ấy đang ẩn nấp ở đấy.
Sáng hôm sau, sở Kiểm sát tập trung người bao vây nhà ấy. Nhưng bọn trong nhà chống cự dữ dội, nên không dễ bắt được chúng. Cả buổi sáng không xong, đến gần bốn giờ chiều cũng chưa ra sao cả. Mà đã có 5 người bị chúng chém rồi, trong đó một kiểm-sát chết, một người khác trọng thương. Người chết lại là Ioka, xưa nay vẫn có tiếng là giỏi môn kiếm ngắn, nên phía Kiểm sát rúng động cả lên. Họ hiểu ra rằng hai tên cướp nấp trong nhà ấy chẳng phải là thứ thấy vàng loá mắt làm liều, mà là một bọn cướp chuyên nghiệp và hung ác. Chẳng ai dám mạo hiểm xông vào trong nhà ấy cả. Đám Kiểm sát nhắm chừng không thể bắt giữ chúng ngay được nên bắt đầu chuẩn bị củi lửa để đốt phòng gian suốt đêm.
Tình hình cho đến lúc ấy đã được loan đi khắp thành. Isoroku từ thành được phái đến hiện trường vào khoảng quá bốn giờ chiều một chút. Mọi người trong các nhà lân cận của căn nhà hoang ấy đã bị sơ tán đi, họ cùng với vô số những người hiếu kỳ đến xem đứng đầy cả các đường trong 1, 2 xóm nhà quanh đấy. Isoroku vẹt đám người hiếu kỳ ấy, tiến đến gần đám Kiểm sát đang nấp canh dưới mái hiên các nhà bên cạnh, bàn bạc gì đấy với họ. Thấy thế, đám người đứng xem ai cũng chỉ nghĩ là Isoroku mang chỉ thị gì đấy từ trong thành ra cho bọn Kiểm sát mà thôi. Bởi Isoroku nhỏ con, lúc bấy giờ đã lộ vẻ lôi thôi lếch thếch rồi. Ngỡ anh ta chỉ là sứ giả gì đấy từ trong thành ra, thì chẳng phải chỉ đám người hiếu kỳ ấy, mà hầu hết bọn Kiểm sát cũng đã nghĩ như thế. Thế nhưng, sau khi bàn chuyện với thanh tra Yabe là người chỉ huy đám Kiểm sát ấy xong, Isoroku lấy trong túi ra sợi dây, nhanh nhẹn buộc tay áo lại, rồi băng qua con đường tĩnh lặng, tiến đến căn nhà hoang ấy.
Người ta thấy Isoroku tuốt hai thanh kiếm ra ngay trước cửa nhà. Rồi bình thản bước vào trong. Bên trong yên lặng một hồi, nhưng đột nhiên 2, 3 tiếng hét ghê rợn nổi lên. Những tiếng hét vang vọng khắp các phố đang nín thở chờ xem.
Rồi nơi cửa trước vẫn mở toang của căn nhà hoang ấy, Isoroku bước ra, còn đang tháo dây buộc tay áo. Kiếm đã được tra vào vỏ rồi. Bên trong nhà ấy đã xảy ra chuyện gì như thế nào thì chẳng ai thấy được cả. Im lặng một hồi rồi đám Kiểm sát nhất tề ùa vào trong căn nhà hoang ấy.
Cuộc điều tra của Kiểm sát cho biết là cả hai tên cướp hầu như chỉ bị chém một nhát mà chết.
Từ sự kiện đó, Isoroku đã được mọi người trong thành quý trọng một thời gian. Đồng liêu và người quen biết thì ai cũng muốn hỏi từng chi tiết của việc anh đã chém chết hai tên cướp ấy như thế nào, còn người không quen biết gì, khi thấy Isoroku trong thành hay trên đường đi, về thành, cũng kính cẩn thi lễ. Rõ ràng là mọi người đều muốn khen ngợi ca tụng Isoroku, nên giá mà anh đối ứng bình thường, thì cũng đủ để tiếng thơm dũng cảm tài trí ấy dần dần ghi khắc trong tâm trí mọi người, và giá trị tư cách của anh cũng tăng vọt lên được. Thế mà Isoroku lại có phần khác đời. Người ta hỏi chi tiết, anh chỉ đáp, đơn sơ: -"Có gì đâu", hay ậm ừ cho qua chuyện, và đáp lại mắt nhìn thân thiện của mọi người, anh ta chỉ cúi mặt hay nhìn lảng đi như tuồng mắc cở hay khó chịu gì đấy. Vì thế, chẳng bao lâu, bắt đầu có kẻ dè bĩu: -"Chém được hai tên cướp thật đấy, nhưng cũng chỉ là bọn cướp cạn mà thôi. Chẳng cần phải khen tặng quá đáng".
Mà công trạng ấy cũng chẳng giúp Isoroku được tăng thêm bổng lộc gì, anh vẫn chỉ được mức lương 50 hộc [2] và vẫn làm ở tổ Giữ cờ. Nghe nói đêm ấy, quan Gia lão [3] Sugitani Gonshiro, người đã trực tiếp ra lệnh cho Isoroku ra giúp đám Kiểm sát, gọi Isoroku đến tư dinh mở tiệc khen thưởng anh, thế thôi. Cho nên, có kẻ nói như thế cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Thành tích ấy của Isoroku dần dần bị quên lãng. Tháng năm chồng chất, ngay cả sự kiện táo tợn ấy cũng ít ai còn nhớ. Tuy vậy, chuyện đã thực sự xảy ra thì cũng không thể vùi lấp hẳn được nên nhờ có chuyện mười năm về trước ấy mà dù Isoroku có bị bỏ quên đi nữa, cũng may mắn tránh được chuyện người ta chê cười bộ điệu xốc xếch thường trực của anh.
Thế nhưng lại có một chuyện khác xảy ra, mà lần này thì thật sự làm mất mặt Isoroku. Sự kiện này được người trong thành loan truyền không chút e ngại, khiến ai cũng cười vang diễu cợt, ngay cả những người xưa nay cho rằng Isoroku là nhân vật sâu sắc khó hiểu, cũng cảm thấy đã thấy rõ được con người thật của anh rồi.
Đêm ấy, chẳng phải ngay từ đầu Isoroku đã có ý định phóng tay quấy nhiễu cô tớ gái Sato. Mà phải nói là anh đã cố gắng dằn lòng để chuyện ấy đừng xảy ra nữa kia. Isoroku biết thiên hạ đồn đại như thế nào về chuyện các cô tớ gái nhà anh không ai ở lâu trong nhà được. Người ta bảo là bị chủ nhà quấy nhiễu nên cô nào cũng chỉ ở được chừng một năm là nhiều. Có hôm anh từ thành về đến bên ngoài hàng rào cây tươi của dãy nhà của tổ, nghe giọng các bà vợ của đồng liêu bàn tán chuyện ấy một cách trắng trợn, Isoroku đã phải nhón gót rón rén quay trở lại đường cũ.
Thế nhưng, chuyện đó quả là oan cho anh. Đâu phải anh chỉ thuê toàn các cô tớ trẻ. Bà già cũng có mà xồn xồn quá tuổi 40 cũng đã thuê rồi. Bà già tên là Nao vào làm được ba năm, nấu cơm ngon, ưa sạch sẽ, Isoroku rất thích, nhưng rồi lưng đau không cử động được phải nghỉ mất. Bà xồn xồn 40 tuổi là Some thì được thuê ngay sau khi người vợ đầu tiên vừa chết, nhưng đêm đêm cứ đến ngồi xổm ngay trước cửa phòng ngủ của Isoroku, nên anh phải cho nghỉ việc. Những chuyện như thế thì thiên hạ chẳng thèm nhắc đến, chỉ chọn toàn chuyện các cô tớ trẻ mà bàn thôi. Anh có bất bình vì thế thật, nhưng sự thực thì quả là các cô tớ trẻ, cô nào rồi cũng chỉ ở được trên dưới một năm mà thôi, khiến chính Isoroku cũng áy náy. Anh mơ hồ để ý đến một điều: các cô tớ trẻ vào làm việc nhà, đến lúc đã quen với công việc thì Isoroku bắt đầu thấy có cảm tình với mọi chuyện các cô làm. Tất nhiên, có cô lười biếng, có cô xấu xí, nhưng mọi khuyết điểm nhỏ nhặt đều chẳng lưu lại trong mắt Isoroku, anh chỉ nhìn thấy những khía cạnh tốt đẹp của các cô mà cảm thấy mãn nguyện thôi. Đối với các cô tớ gái thì có được người chủ như thế là đáng quý quá rồi, thế mà lạ lùng thay, cô nào cũng ở chừng một năm là cuốn gói bỏ đi.
Có lẽ mình như thế là không nên rồi. Isoroku nghĩ. Trong lòng anh luôn luôn có tâm tình khao khát, ngưỡng mộ người phụ nữ, nhưng chưa bao giờ được thoả mãn. Từ thời trẻ, anh đã chẳng có duyên với đàn bà. Cũng đã có lần đến chỗ chơi bời rồi, nhưng đàn bà ở chốn ấy đối xử lạnh nhạt hay ăn nói bạo trợn về diện mạo xấu xí của anh khiến lòng anh băng giá. Người vợ đầu tiên thì hiền dịu lắm, nhưng chỉ sống với anh được có ba năm. Người vợ thứ hai và thứ ba thì ngay từ đầu đã xem nhẹ anh, rồi một người bỏ đi không nói lý do, người kia thì thiên hạ đồn đại là đã tự ý bỏ anh, nhưng thật ra, anh không chịu nổi nết ăn ở nên đã viết giấy đoạn hôn mà cho ra khỏi nhà. Sau đó, chẳng còn ai mối lái gì cho anh nữa.
Vì không có duyên với đàn bà như thế nên nỗi khao khát trong tâm tình Isoroku dâng cao, dần dần anh trông người đàn bà nào cũng giống như tiên cả. Cô tớ gái xấu xí thì được Isoroku nhìn trộm say đắm, thầm nghĩ là khuôn mặt không được đẹp nhưng khoảng hông là tuyệt phẩm! Cô tớ gái lười biếng đến mức để bếp lúc nào cũng có mùi ôi thối, sàn chiếu đầy bụi, cũng được Isoroku nhìn trộm mà thấy mặt cô nhìn nghiêng thật gợi tình! Những lúc như thế, mặt Isoroku đờ đẫn hẳn ra. Thế nên cho dù anh chưa phóng tay động chạm gì, các cô cũng đâm ghét mà xin nghỉ việc. Điều đó thì chính Isoroku cũng hiểu được.
Vì thế, khi cô Sato vào làm thì Isoroku trân quý lắm. Sato là cháu ruột của bà già Nao đã giúp việc nhà anh ngày trước, vì đau lưng mà phải nghỉ. Cô đến từ một làng trong núi xa chân thành đến 5 dặm. Lúc mới vào làm, cô 17 tuổi, năm nay đã 18, nhưng không thấy dấu hiệu gì là muốn nghỉ việc, mặc dù đã qua thời kỳ một năm, thời điểm các cô tớ gái khác đã bỏ đi. Từ 17 tuổi lên 18, Sato thay đổi rõ rệt. Lúc mới đến, mặt Sato đen sạm, ăn nói cử chỉ cứ như là con trai. Vậy mà chỉ trong vòng một năm nay, da mặt cô đã bớt đen, đổi sang mịn màng trơn láng như toả sáng từ bên trong, và lời nói cử chỉ đi đứng đã có vẻ thanh nhã đầy nữ tính từ lúc nào rồi. Và cô làm việc nhanh nhẹn, không nề hà khó nhọc. Nhà Isoroku sạch sẽ, đẹp đẽ hẳn lên.
Ở trong căn nhà sạch sẽ, đẹp đẽ, ăn được món ngon như thế, Isoroku thỉnh thoảng lại nhắc nhở mình phải gắng sao đừng làm cho Sato phải bỏ đi. Do đó, anh gắng kiềm chế tâm tình muốn ngắm nhìn đăm đắm cô Sato dạo này đã thành một người phụ nữ quyến rũ, mà gắng nhìn lảng đi chỗ khác.
Thế nhưng, đêm ấy, anh đã có chút rượu vào người. Đã được mời đến tiệc mừng ở nhà của trưởng tổ, ăn uống no say, anh về đến nhà thì đã quá 9 giờ tối.
-"Không cần cơm, cho trà đi". Anh gọi.
Cô Sato dọn mâm cơm xuống, nấu nước pha trà mang lên.
-"Trà ngon quá!". Isoroku khen. -"Cô thì sớm muộn gì cũng sẽ đi lấy chồng, mà cô vào nhà nào thì cũng sẽ là dâu ngoan đấy nhé".
Cô Sato ngậm miệng cười, hơi vặn vẹo tấm thân thon nhỏ. Isoroku hốt hoảng lảng mắt đi không nhìn Sato. Anh nghe có luồng khí lạnh rờn rợn chạy dọc sống lưng. Anh tự mắng mình: coi chừng đấy. Nửa muốn cắt đứt câu chuyện, đi ngủ cho xong, nửa lại muốn nói chuyện với Sato một lúc nữa.
-"Ta là kẻ không có duyên lấy vợ". Isoroku than thở. -"Bà của cô cũng đã biết là người vợ thứ ba của ta là người trắc nết. Chuyện trong nhà chẳng bao giờ làm. Sáng không thèm dậy. Thế mà tiêu hoang thì không ai bằng. Cứ mua sắm quần áo mới mãi thôi. Hôm nào rạp Hachiman diễn tuồng là đi xem không sót một tuồng nào".
Đang than thở, Isoroku thoáng nhớ lại làn da trắng muốt của người vợ đã ly hôn. Đàn bà trắc nết đấy, nhưng sao mà da cứ trắng như tuyết ấy thôi!
-"Thật là thứ đàn bà trắc nết! Cô đi làm dâu cũng phải chọn kỹ người chồng mà quyết định chuyện nhân duyên. Đâu nào, đưa bàn tay cho ta xem duyên số có may mắn không".
Isoroku cảm thấy mình tự nhiên sao mà mồm miệng nhanh nhẩu quá! Có vẻ như bên trong anh có thêm một kẻ thô bỉ ẩn náu, trước đây hay mê mẩn ngắm chỗ hông các cô tớ gái, lưu luyến làn da trắng của người vợ trắc nết anh đã đuổi đi, và bây giờ đây lại ra mặt nói lời trăng hoa.
Cô Sato hầu như hoàn toàn ngây thơ chìa bàn tay ra. Nhỏ xương, mịn màng trơn láng, có hơi ẩm.
Kẻ thô bỉ trong Isoroku liếm môi: -"Đàn ông có số phận về đàn bà, đàn bà có số phận về đàn ông. Số phận ấy hiển hiện trên lòng bàn tay đấy". Những lời vu vơ ấy, có lẽ cô Sato nghĩ là vì anh ta lâu ngày mới lại say rượu mà nói ra, nên cứ điềm nhiên đưa bàn tay cho Isoroku cầm không chút nghi ngờ. Isoroku một tay cầm bàn tay Sato, tay kia cuốn tay áo cô lên. Isoroku mê đắm nhìn không chớp mắt tĩnh mạch lờ mờ hiện lên trên làn da mịn màng của cô gái.
Mặt Sato thoáng hiện vẻ nghi ngờ. Cô định rút bàn tay lại. Nhưng Isoroku nắm chặt tay cô kéo lại phía mình.
Lập tức, thân người Sato nẩy bật lên như thỏ nhảy. Và cô hét lớn. Tiếng hét xé toạc không khí, kinh động bốn bề. Isoroku hoảng hồn buông tay cô ra. Sato lại hét lên như sắp bị giết đến nơi, rồi chạy trốn vào nhà bếp. Isoroku chạy theo gọi cô lại. Anh đã thức tỉnh, toàn thân ràn rụa mồ hôi. Thế nào đi nữa, cũng phải ngăn chặn tiếng hét của cô gái.
-"Cô Sato, bình tĩnh lại! Ta có làm gì đâu nào!". Isoroku hốt hoảng nói lớn.
Nhưng có lẽ Sato tưởng lầm là Isoroku đuổi bắt cô lại nên vừa tiếp tục hét tướng lên, vừa chui dưới tay áo của Isoroku mà chạy ngược trở lại phòng uống trà, rồi kéo cửa, chạy qua phòng bên cạnh. Thế là trong nhà diễn ra một màn rượt bắt như trò chơi trẻ con. Isoroku càng cuống cuồng đuổi theo, Sato càng cuống quít chạy thục mạng. Tiếng chân dẫm thình thịch vang động, Sato không ngừng hét lớn.
Cuối cùng, Sato mở cửa trước chạy tuốt ra ngoài nhà. Isoroku chân chỉ mang tất, không giày dép, cứ thế chạy đuổi theo sau. -"Cô Sato. Trở lại đây!". Isoroku gào lên.
Nhà bên cạnh cách hàng rào cây tươi có tiếng nói vọng qua: -"Thế là lại thêm một cô nữa bỏ đi rồi!". Tiếp theo là chuỗi tiếng cười ha hả khoái trá của người đồng liêu là Shimahara. Có vẻ Shimahara nghe ồn từ đầu, đã sớm bước ra nghe ngóng tình hình bên nhà anh. Tiếng cười vang rền có vẻ thích thú lắm.
Mà không chỉ nhà bên cạnh thôi, đây đó trong dãy nhà của tổ đã thấy đèn đốt sáng lên, có vẻ nhà nào cũng dỏng tai nghe chuyện huyên náo trong nhà Isoroku vào lúc gần 10 giờ đêm này. Toàn thân Isoroku toát mồ hôi lạnh. Anh đứng khựng lại giữa vườn. Tỉnh rượu rồi, anh chỉ muốn có ngay một lỗ sâu dưới đất để chui xuống trốn mà thôi.
Chừng mười ngày sau, lúc đang làm việc trong thành, Isoroku được trưởng tổ Giữ cung nỏ là Hattori Kurobee gọi lên. Hattori được cấp nguyên một phòng làm việc trong thành.
-"Ta nghe rồi! Ta nghe rồi!". Isoroku vừa bước vào đã nghe Hattori nói giọng cởi mở, rồi cười ha hả sảng khoái. Chắc là ông ta đã nghe kể chuyện anh rượt đuổi cô tớ gái trong đêm tối ấy. Chuyện đó đã thành đầu đề bàn tán đây đó trong thành, Isoroku hiểu là mình bị chế diễu rồi. Anh chỉ liếc nhìn Hattori rồi cúi gầm mặt xuống, nhìn đầu gối mình.
-"Saji này, chuyện đó thì phải gắng mà làm gọn gàng một chút mới được. Gọn gàng một chút! Chứ để cho mọi người trong thành biết cả thì bầy hầy quá đấy".
Hattori có giọng thân mật với anh như thế cũng có lý do. Từ thời 14 tuổi, Isoroku đã đến tập kiếm ở võ đường Nakatsu phái Itto ở xóm gần thành suốt 5 năm. Lúc bấy giờ, Kurobee lớn hơn anh 6 tuổi, là môn sinh cấp cao ở võ đường ấy, còn mang họ cũ là Taguchi. Anh ta hay hành hạ Isoroku trong các buổi tập luyện. Về sau, Kurobee vào làm rể nối dõi nhà Hattori giữ chức trưởng tổ, khi cha vợ chết thì thừa kế mà làm chức ấy. Tính tình hào phóng hợp với thân thể mập mạp, nghe đồn là giỏi cai quản tổ của mình.
Bây giờ, Hattori cũng dùng lối nói với đàn em trong võ đường như thế, tuy thường ngày chẳng phải nhờ quan hệ cũ mà Isoroku được thân cận gì với ông ta. Vẫn chưa hiểu được gọi đến vì chuyện gì, Isoroku lấm lét nhìn khuôn mặt tươi cười ra vẻ thân tình quá đáng của Kurobee.
-"Gọi cậu đến đây cũng chẳng có chuyện gì khác". Kurobee nói. -"Cậu có muốn cưới vợ không?".
Isoroku kinh ngạc, ngẩng mặt lên. Kurobee gật đầu, đổi sang giọng nghiêm trang:
-"Người này mặt mũi cũng thường thôi nhưng tính tình hiền ngoan lắm. Tuổi chừng 26 mà chưa lấy chồng. Sao nào? cậu muốn cưới về không?"
-"......"
-"Không có vợ thì có ngày lại sinh chuyện phóng tay chụp giật đàn bà con gái bên cạnh, như vừa xảy ra đấy, lại thêm xấu hổ mà thôi. Sao nào? Nếu cậu chịu thì ta làm mai mối ngay cho". Kurobee nói, có vẻ thúc giục.
Người ấy tên là Yoshino, con gái ông Jinnai Shosuke trong tổ Giữ cung nỏ, người cha bị bệnh kinh niên phải nằm liệt giường nên cô vì chăm nom cho cha mà trễ chuyện hôn nhân. Nay thì em trai của cô sắp thừa kế nghiệp nhà và cưới vợ về, nên cô có thể nghĩ đến chuyện lấy chồng. Kurobee cho biết như thế.
-"Nhưng mà, con gái lấy chồng lần đầu mà cưới về nhà tôi thì có phần không thích hợp chăng...".
-"Cậu khỏi phải lo. Tình cảnh nhà cậu thì ta đã nói cho người ta rõ rồi. Cha cô ấy là Shosuke vẫn nhớ rõ chuyện cậu trừng trị bọn cướp ngày trước nên cũng mừng lắm đấy".
Chuyện may mắn đến khó tin nổi. Isoroku quyết định nhờ Hattori lo liệu hộ mọi việc. Cả ngày hôm ấy, anh cứ như là người đi trên mây cho đến lúc rời thành ra về.
Đêm ấy, sau bữa cơm tối, Isoroku đã gọi cô Sato lại. Đã tưởng cô ấy làm rầm lên như thế thì hẳn là sẽ xin nghỉ việc, thế nhưng chẳng thấy cô nói gì mà vẫn làm việc nhà chăm chỉ như thường. Tuy tất nhiên là mắt cô nhìn Isoroku có chút e dè, và cô gắng tránh không lại gần anh. Thế nên Isoroku nghĩ là nên cho cô biết về tin mừng của mình để cô an lòng.
-"Thật ra thì, ta sắp cưới vợ đấy". Isoroku nói.
Cô Sato ngạc nhiên, hả nửa miệng nhìn Isoroku. Có vẻ cô khó mà tin đó là chuyện thật.
Isoroku cười, cay đắng: -"Cưới vợ thật đấy. Chứ ta một mình, thì...". Trong trí Isoroku thoáng hiện lời bông đùa. Bởi trên đường từ thành về nhà, anh nhớ lại chuyện bất ngờ mà Hattori Kurobee đột ngột đem đến ấy một hồi, trong lòng cảm thấy vui thích quá, nỗi vui ấy giúp cho miệng anh ăn nói trơn tru hơn. -"Ta vẫn còn sức để chạy vòng vòng đuổi theo cô đấy! Có cưới vợ thì cũng có gì lạ đâu, phải không nào?".
-"Thưa vâng". Cô Sato đỏ mặt, nhưng vội chúc mừng anh. Rồi hỏi, mặt có vẻ lo lắng. -"Thế thì em phải nghỉ việc đấy ạ?".
-"Không, cứ làm việc tiếp cũng được". Isoroku lúng túng, nhưng rồi đã thành thực nói ra ngay được, đến chính mình cũng ngạc nhiên sao mà nói trôi chảy được như thế: -"Chuyện hôm trước thì cho ta xin lỗi, vì đã uống rượu say mà đã làm cô phải sợ hãi..."
-"......"
-"Mà cô cũng làm huyên náo quá đấy. Chứ có phải ta định ăn thịt gì cô đâu nào. Ha ha ha!".
-"Xin ông tha tội cho em".
-"Thôi, chuyện đó thì quên đi nhé. Cứ tiếp tục giúp việc nhà như trước thì không còn gì tốt cho ta hơn".
Việc hoà giải với cô Sato có vẻ êm xuôi rồi. Nỗi vui sướng vẫn còn kéo dài sau khi Isoroku đi nằm.
Jinnai Shosuke có chức vụ trong tổ Giữ Cung nỏ, lương bổng cỡ 30 hộc. Cô con gái nhà cỡ ấy, lại trông nom cho cha bị bệnh lâu nay, thì hẳn là giỏi việc nhà lắm. Tưởng tượng hình dáng của một cô gái hiền ngoan, không kiêu kỳ, lòng Isoroku cứ rộn lên mãi niềm hạnh phúc sắp cưới được vợ, là chuyện từ lâu anh đã cầm bằng là không còn có thể làm được. Và anh mừng thầm là mình đã không quá trớn đến lôi cô Sato vào tình trạng gì khó xử. Isoroku không để ý rằng sở dĩ anh nghĩ được như thế là nhờ sắp lấy được vợ, chuyện hôn nhân đã được sắp đặt xong cả rồi. Lúc này, anh chỉ nghĩ là đã tự nhiên mà nổi cơn xuẩn động đêm ấy và thấy sao mà mình đã kỳ quái đến thế.
Xong nghi thức thật đơn giản, cô Yoshino trở thành người nhà Saji. Cưới vợ mới về, Saji Isoroku đi, về từ nhà đến thành với dáng điệu có chút hưng phấn. Thế nhưng, chừng một tháng sau, Isoroku bắt đầu để ý có gì đấy lạ thường.
Đúng như lời Hattori nói, Yoshino có vẻ hiền ngoan lắm. Giọng nói nhỏ nhẹ, đi đứng dịu dàng. Hattori bảo là dung mạo bình thường thôi, nhưng Isoroku thấy mình không xứng đáng với nhan sắc đến thế. Yoshino da trắng, đôi mắt có nét quyến rũ của người đàn bà thành thục. Có vẻ tương đắc với cô tớ gái, nghe hai cô chuyện trò với nhau, Isoroku nghĩ là Yoshino giỏi việc dùng người tớ gái ấy. Lần đầu trông thấy Yoshino, Isoroku đã lo không biết rồi có như người vợ thứ hai mà ghét chuyện phòng the với anh không, thế nhưng điều đó cũng chẳng xảy ra. Yoshino thuận thảo cả trong phòng ngủ, đáp ứng đầy đủ những ước muốn của Isoroku đối với thân thể đàn bà. Anh đã nghĩ Yoshino là người vợ không chê vào đâu được.
Thế nhưng, anh bắt đầu để ý có gì đấy bất bình thường cũng từ chuyện chăn gối này. Khi nào anh đòi hỏi thì Yoshino cũng thuận thảo trao phó. Nhưng quả đúng nghĩa của chữ trao phó trong hành vi tình dục, bởi cô giao thân thể mặc cho anh muốn làm gì thì làm, thế thôi. Riết rồi anh cảm thấy như đang ôm ấp gỗ đá, chẳng có gì thú vị cả.
Nghĩ như thế có lẽ vì mình là kẻ ham mê sắc dục chăng? Isoroku tự vấn. Anh gặp phải người đàn bà như thế này là lần đầu tiên. Xong hành vi với người vợ không hề tỏ vẻ sôi nổi, anh cảm thấy mệt nhọc như đã chạy đường trường. Anh ngạc nhiên sao thân thể đàn bà mà mình đã khao khát đến nỗi sinh chuyện vồ vập cô Sato đến mức ấy mà lại vô vị đến thế này.
Cuối cùng, Isoroku đi đến kết luận rằng có lẽ từ đáy lòng, Yoshino có tình cảm ghét bỏ gì anh đây chăng. Nghĩ như thế, anh dần dần nhận ra trong thái độ của người đàn bà có vẻ ngoan hiền này có sự lạnh nhạt dị thường. Yoshino là người đàn bà ít khi cười.
Không biết từ lúc nào, chuyện chăn gối vợ chồng bắt đầu thưa dần, rồi hai người ở phòng riêng. Chỉ ba tháng sau ngày cưới đã ra tình trạng như thế. Và từ đó, Yoshino thường kiếm cớ về thăm nhà, có hôm tới khuya mới trở lại, có hôm ở lại qua đêm nữa.
Thế này thì chắc chẳng được bao lâu. Isoroku nghĩ thầm. Có vẻ người vợ thứ tư này rồi cũng có ngày bỏ đi thôi. Nghĩ thế, anh không khỏi buồn cho mình là kẻ không gặp may trong chuyện lấy vợ.
Mang tâm trạng nặng nề như thế, một buổi chiều nọ, anh nghe Yoshinari Manjiro gọi anh lúc ở trong thành, sắp sửa ra về. -"Tôi là Yoshinari ở tổ Kế toán đây". Trước vẻ mặt nghi ngại của Isoroku, Manjiro tự giới thiệu rồi nói với giọng thân mật như đã quen nhau từ lâu: -"Về chung nhé. Có chút chuyện muốn nói đây".
Isoroku liếc nhìn anh ta. Đã thấy mặt đâu đó rồi, nhưng chưa nói chuyện bao giờ. Anh ta tuổi chừng chưa tới 30, trông mặt có vẻ khinh bạc.
-"Chuyện gì thế?"
-"À, cứ đi cùng thì biết ngay ấy mà". Mặc kệ Isoroku nhìn có vẻ ngần ngừ, Manjiro cứ sấn bước đi trước. Chẳng làm sao hơn, Isoroku đành bước theo. Ra đến phố ngoài, Manjiro cũng cứ xăm xăm bước đi, chẳng có vẻ gì là định nói chuyện với anh. Tuy vậy, thỉnh thoảng cũng quay lại nhìn xem Isoroku có đi theo không. Hết kiên nhẫn nổi, Isoroku bước tới ngang với anh ta và nói:
-"Chuyện gì, xin nói ra cho".
-"Khoan, để sang tới bên kia đã". Manjiro nói, vẫn giữ thái độ lấp lửng.
Manjiro đưa đường Isoroku vào một quán nhậu nhỏ ở xóm ăn chơi Somekawa. Có vẻ Manjiro là khách quen nên đi xuyên tuốt ngang bếp mà bảo: -"Ông chủ ơi, cho phòng trong cùng đi". Trong góc quán có căn phòng nhỏ, Manjiro đường hoàng bước vào phòng ấy xong, quay lại bảo Isoroku bước lên theo. Không bao lâu, chẳng cần gọi mà lão chủ quán đã đem rượu và các món khai vị đến.
-"Uống một chén đi đã nào". Manjiro mời, tự tay rót rượu cho Isoroku, rồi cùng uống cạn một chén. -"Tôi vì thấy chuyện không phải nên bất bình lắm". Manjiro vừa nói, vừa cho món khai vị là gỏi bạch tuộc vào miệng.
Isoroku không sao có hứng để nhậu trong lúc này nên chỉ yên lặng nhìn anh ta đang lộ vẻ tức giận vì chuyện gì đấy chỉ mình anh ta biết.
-"Xin thứ lỗi, nhưng dạo này quan hệ vợ chồng anh ra sao?". Manjiro hỏi.
Isoroku đặt chén rượu xuống, nhìn anh ta đăm đăm.
-"A, xin đừng giận, anh Saji à. Chuyện tôi muốn nói là chuyện này đây mà".
-"Nếu là chuyện như thế thì chẳng cần phải nghe. Tôi về đây". Isoroku định đứng dậy, nhưng Manjiro đã nhanh tay chận đầu gối anh, giữ lại.
-"Không, quan hệ vợ chồng anh không thể nào êm thấm được. Lý do như thế nào, là chuyện tôi định nói với anh đây. Anh chịu khó nghe thì tốt cho anh hơn...".
-"......"
-"Cô vợ của anh đấy, thật ra chính là thiếp của Hattori Kurobee, từ trước rồi, mà bây giờ vẫn còn như thế. Hẳn là anh không biết chuyện ấy".
Isoroku ngồi lại. Anh muốn cười lớn mà bảo rằng: đừng nói xàm!, nhưng sao mặt anh sượng sùng quá.
Manjiro cho anh biết rằng quan hệ chùng lén ấy giữa Hattori và Yoshino, con gái ông Jinnai, đã có từ 6, 7 năm nay rồi. Hattori đã giấu Yoshino ở một nhà khác trong xóm Kitsune, nhưng bị bà vợ đánh hơi biết được, sinh chuyện náo động một hồi rồi. Kurobee ở rể để nối dõi nhà Hattori, nên đối với vợ thì không ngóc đầu lên nổi. Vì thế, đã phải tạ tội với vợ và hứa sẽ cho Yoshino đi lấy chồng cho yên chuyện.
-"Do đó, Hattori mới bấm bụng mà gán cô ấy cho anh đấy. Thế nhưng, thực tâm thì Hattori không muốn bỏ cô Yoshino, tuy bây giờ là vợ anh rồi, nên vẫn tiếp tục tư thông với cô ta, chờ đến lúc thuận tiện thì sẽ kéo về lại. Dạo gần đây, hai người lại hẹn hò với nhau như trước rồi đấy. Nếu anh cho là tôi bịa chuyện thì cứ đến quán trà này mà dò xét xem". Manjiro nói tên một quán trà ở xóm Mugiya. -"Thông thường thì xen vào chuyện tư tình của người khác chẳng phải là điều hay ho gì, thế nhưng thấy anh là chồng cô ấy mà không biết chuyện gian dối của họ nên tôi bất bình lắm".
-"Xin khỏi phải thương hại cho tôi". Isoroku nói. Nỗi ngạc nhiên đã dịu xuống trong lòng anh. Có thể nói ra cả tên quán trà là chỗ hẹn hò bí mật đó nữa thì chắc hẳn lời Manjiro nói là sự thật rồi. -"Thế có phải chỉ có một mình anh biết chuyện này hay không?".
Manjiro nhìn Isoroku, nhếch mép cười, rồi đưa chén rượu lên miệng.
-"Nếu là một mình tôi biết, có phải anh định chém tôi chết để bịt miệng đấy không? Bởi thế nên mấy ông kiếm sĩ là đáng sợ lắm... Nhưng rủi là ngoài tôi ra, còn có rất nhiều người đã biết chuyện này. Họ bảo tôi đừng nói với Isoroku, à quên, với ngài Saji. Thế nhưng, tính tôi thấy chuyện bất bình như thế thì không thể im miệng được. Nên tôi mới cho anh biết, tùy ý anh định liệu việc giải quyết như thế nào. Nếu anh có ý định chém người có ý tốt với anh như thế này thì không đúng đâu".
Quán trà được nêu tên ra ấy, thật ra là một quán nhậu nhỏ tên là quán Usagi. Isoroku đứng nấp bên trong cổng quán.
Xóm Mugiya này ngày xưa đã là một xóm ăn chơi phồn thịnh, nhưng gần đây đã bị xóm yên hoa mới là Somekawa cướp mất khách, nên đến tối trông vẫn vắng vẻ. Dù vậy, cho đến khoảng 8 giờ tối thì cũng có vài chiếc kiệu đưa khách đến, và con đường trước quán Usagi cũng có bóng dáng người ta qua lại. Nhưng quá 8 giờ tối, thì chung quanh đó chỉ còn nghe tiếng nước sông róc rách chảy phía bên kia con đường trước mặt quán mà thôi.
Có lẽ chúng sắp ra rồi. Isoroku nghĩ thầm lúc đang đứng nép trong bóng cây. Lúc nãy, anh đã xác nhận được Hattori đang ở trong quán ấy với một người đàn bà. Anh đang chờ họ bước ra, tuy chưa quyết định được sẽ xử trí như thế nào.
Anh không còn lưu luyến gì Yoshino nữa. Cũng chẳng muốn đôi co gì với đôi gian phu dâm phụ ấy. Nếu họ khắng khít với nhau đến thế thì anh ly hôn giúp họ cũng chẳng sao cả. Thế nhưng chuyện này đã bị những người khác trong thành biết rồi. Có lẽ anh chỉ ly hôn bây giờ thì càng hổ thẹn chồng chất thêm lên. Anh đã bị lừa gạt thành trò cười cho thiên hạ rồi, nhưng cũng chẳng nên để họ chê cười thêm nữa. Anh chợt nghĩ: hay là chém chết cả hai? Đã có chứng cớ lẫn người chứng rồi, thì chém chết cũng được đấy.
Trong lúc Isoroku còn đang phân vân thì phía trước cửa quán Usagi đèn sáng lên thêm rồi có người bước ra. Trong tiếng chào đưa náo nhiệt nổi bật lên tiếng cười hào sảng của Hattori. Hai người bước đi trên đường xuyên giữa đám cây trồng, ra đường lớn. Isoroku nhìn theo, bàn tay anh nắm chặt rịn mồ hôi. Chờ cho họ ra khỏi cổng, Isoroku mới rời chỗ nấp trong bóng cây. Vầng trăng muộn nhô cao, chiếu sáng mặt nước của dòng sông nhỏ chảy bên đường. Isoroku thấy trên đường lớn, dáng cặp trai gái sánh vai đi xa dần. Yoshino bước đi, tựa người sát vào thân thể to lớn của Hattori.
Đồ dâm phụ! Isoroku không khỏi cảm thấy nỗi giận dữ nổi cộm lên trong lòng anh. Không chỉ Hattori và Yoshino, mà cả người nhà Jinnai đã biết chuyện như thế mà vẫn nghe theo Hattori, ngậm miệng gán Yoshino cho anh. Cả bọn cùng âm mưu lừa gạt, khinh thị anh, vì cho rằng ai chứ Saji Isoroku thì chắc chắn là nhào đến mà đớp mồi câu này rồi. Nhưng để rồi coi, anh sẽ dạy cho chúng biết đem người ta ra làm trò đùa thì sẽ chuốc lấy hậu quả như thế nào.
Isoroku bật đốc kiếm ra sẵn, rồi bước theo họ, êm như lướt đi trên đất. Anh đã nghe được tiếng Yoshino nói:
-"Lần tới thì lúc nào em được gặp lại?"
-"Không nên gặp nhau nhiều như thế". Giọng Yoshino có vẻ nũng nịu Isoroku chưa hề nghe lần nào ở nhà, còn giọng Hattori thì nghe nặng nhọc quá. -"Thiên hạ nhìn vào đấy. Dù gì đi nữa, em cũng đã là vợ của Saji rồi. Không như ngày trước được đâu".
-"Xin đừng nhắc đến ông ấy". Giọng Yoshino trở nên hằn học. -"Chỉ nghĩ đến thôi là đã buồn nôn rồi".
-"Đừng có nói dại dột thế! Saji Isoroku xấu trai, nhưng có tình nồng hậu với đàn bà lắm. Dần dần ta nghĩ hay là cứ để em làm vợ Saji mãi như thế mà tốt cho em hơn đấy".
-"Anh đã chán em rồi đấy à?". Isoroku thấy Yoshino ngước mặt quay nhìn Hattori.
Hattori xua bàn tay to lớn mà nói: -"Không phải thế. Ta đâu có muốn rời bỏ em, chỉ muốn nói rằng không thể cứ như thế này mãi được đâu".
Có vẻ Hattori bối rối không biết nên xử trí Yoshino như thế nào. Hai người nói nhỏ lại, giọng Yoshino đẫm nước mắt kiểu nhân tình cãi lẫy nhau.
Ra khỏi xóm nhà một đỗi, Isoroku từ phía sau gọi với tới. Hai người quay đầu lại, rồi kinh ngạc đến như hoá đá.
-"Nào, giải quyết thế nào đây, thưa ngài trưởng tổ". Isoroku nói, chân hơi xoạc ra, cánh tay buông thõng. Hattori vẫn chưa hoàn hồn, không thốt ra được lời nào. -"Chuyện phi nghĩa này, nhiều người đã biết rồi. Ta có chém cả hai người đi nữa, cũng chẳng ai cản đâu, họ còn khen ngợi nữa kia".
-"Thế thì chém đi". Yoshino chợt thét lên. Cô chỉ tay về phía Isoroku, tay kia nắm lấy tay áo Hattori mà lắc, miệng tiếp tục thét: -"Chém phứt người này đi".
Giọng Isoroku trầm xuống, hung hiểm: -"Phái Imaeda có kiếm pháp bí truyền gọi là Sấm chớp đây. Thử chống đỡ xem nào".
Hattori lùi lại, đưa tay ngăn. -"Khoan đã, chuyện này có lý do mà".
-"Ta không muốn nghe lý do gì cả. Tuốt kiếm ra!"
-"Isoroku à, để ta kiếm vợ khác cho. Lần này không lừa dối gì cả đâu". Hattori năn nỉ.
Isoroku cười cay đắng. Anh chợt thấy lòng nguội lạnh lại. Quả thật tên này chẳng phải là kẻ đáng để mình chém.
Đúng lúc anh nghĩ như thế, thình lình thân thể to lớn của Hattori chuyển động thật nhanh. Hét lên một tiếng vang động, Hattori nhào tới chém một đường kiếm mãnh liệt vào thân người Isoroku. Nhưng anh né tránh được, rồi tức khắc, thân người Isoroku phóng tới như trợt đi trên đất, tràn qua giữa Kurobee và Yoshino. Thanh kiếm của anh toả ra hai vệt chớp sáng giữa không trung, rồi chui vào vỏ kiếm.
Yoshino ngã xuống bất tỉnh. Kurobee đứng sững như trời trồng. Chỏm tóc trên đầu Kurobee và búi tóc của Yoshino đều bị cắt bay xuống đất.
-"Yoshino không về nữa đâu". Isoroku chỉ nói thế thôi.
Cô Sato gật đầu rồi im lặng đứng dậy bước vào bếp.
Mình lại càng ra vẻ là tên đàn ông bị bỏ rơi về chuyện duyên phận với đàn bà! Cô nào đến với mình thì cũng chỉ mang tai hoạ đến mà thôi. Isoroku tự diễu mình như thế. Có lẽ đàn ông xấu trai cũng bị tai hoạ đàn bà chứ không sao! Nghĩ lại, người vợ đầu tiên sao mà hiền dịu thế! Anh nghĩ thế, nhưng chỉ còn nhớ lại được vẻ hiền dịu thôi, còn khuôn mặt cô ấy thì đã nhạt nhoà mất rồi. Nỗi cô độc đè nặng lên vai, anh gục đầu xuống.
-"Tội nghiệp cho ông chủ quá!".
Mang trà đến cho anh xong, cô Sato ngồi nhẹ xuống sau lưng anh mà thốt ra như thế. Hẳn là cô thấy Isoroku gục đầu xuống thì nghĩ là anh đang đau khổ vì người vợ thứ tư vừa bỏ đi.
Hương son phấn của Sato thoang thoảng dịu dàng. Isoroku nghĩ thầm: ngay đây có một người phụ nữ tỏ lòng thương xót cho số phận hẩm hiu của mình. Nhưng nếu mình không dằn lòng được mà làm chuyện sờm sỡ như lần trước thì chắc là Sato sẽ lại làm huyên náo lên như chim vỡ tổ.
Anh tự dặn mình phải cẩn thận lắm mới được.
Chú thích:
[1] Edo: trung tâm cai trị của Phủ Chúa Tokugawa, bây giờ là Tokyo.
[2] Hộc: Koku, đơn vị đo lường, khi dùng để tính bổng lộc hàng năm của võ sĩ thì khoảng 150 kí gạo.
[3] Gia lão: Karo, cấp quan cao nhất, giúp Lãnh Chúa cai trị phiên trấn.
Kết Thúc (END) |
|
|