Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mắt Mẹ Tác Giả: Bohumil Hrabal    
    Lúc bé tôi không được đặt tên nhưng lại vô cùng hạnh phúc bởi vì tôi được sống bên mẹ và cậu em trai. Chúng tôi sống trong rừng nhưng thường ra kiếm ăn trên những đồng cỏ và các khu rừng đốn. Chúng tôi thích nhất là được lang thang trên những cánh đồng lúa mỳ. Ở đấy cứ nhìn mẹ tôi là tôi có thể yên tâm rằng mình đang ở một nơi an toàn nhất. Chỉ cần ngẩng đầu lên một chút là mẹ tôi nhìn được cả bốn phía. Căn cứ vào những gợn sóng lúa bất thường trên mặt cánh đồng, mẹ tôi phát hiện ra ngay có mối đe dọa nào đang tới. Nếu có, mẹ tôi chỉ cần kêu lên một tiếng khe khẽ là anh em tôi chạy lại bên mẹ. Cho dù mẹ chạy đi đâu chúng tôi vẫn theo kịp bà.
    Ngày qua ngày, rồi cũng đến lúc mẹ tôi thôi không quan tâm nhiều tới anh em tôi nữa. Mẹ thường tách ra khỏi chúng tôi, bỏ đi đâu đó: Hình như mẹ tôi bỏ đi vì bố tôi. Bố đang đợi ở đâu đó và mẹ tôi ra đi theo tiếng gọi của bố tôi. Bố tôi rất đẹp, có lẽ còn đẹp hơn cả mẹ, bởi vì trên đầu bố còn có cặp sừng sáng bóng như hai cành dương. Bố tôi có vẻ giống tôi, có điều mọi thứ của bố đểu to hơn, dài hơn của tôi. Ngọn lúa mì cao vậy mà chỉ chạm tới cổ bố! Cái cổ, dặc biệt là cái đầu có cặp sừng cành dương ấy cứ nhấp nhô ẩn hiện trong sóng lúa mỳ. Có lẽ cặp sừng ấy làm mẹ tôi mê mẩn.
    Mẹ tôi khao khát bố tôi cũng chẳng khác gì chúng tôi khao khát mẹ.
    Thường thường mỗi lần bỏ đi mẹ tôi đều lên tiếng dặn dò: "Dù có chuyện gì xảy ra cũng cứ nằm nguyên chỗ này, nghe không?"... "Chỗ này" tức là cái ổ mà mẹ tôi chỉ dọn qua loa. Nghe lời mẹ, hai anh em tôi nằm xuống, ép mình vào nhau. Mặt trời dãi nắng xuống lưng chúng tôi. Gió thổi làm lúa mỳ xô dạt trên đầu chúng tôi như sóng biển. Mặc cho đồng lúa xào xạc chúng tôi cứ nằm im phăng phắc để không ai biết, đúng như lời mẹ dặn.
    Nhưng rồi có một hôm mẹ tôi bỏ đi theo cặp sừng mê hồn nọ chưa được bao lâu thì chúng tôi nghe thấy có một tiếng động vang lên khủng khiếp, như có cơn bão đang đến. Đã có nhiều lần bão đến làm mặt trời vụt tắt và chúng tôi lạnh cóng vì mưa rét. Nhưng lần này tiếng động ầm ầm của cơn bão vẫn thế mà mặt trời không bỏ chạy. Mặt trời vẫn ở trên cao chiếu sáng, sưởi ấm cho anh em chúng tôi mà cả hai vẫn run bắn lên. Tiếng động mỗi lúc một gần. Hai anh em tôi quấn lấy nhau, hoảng hốt. Chúng tôi nhớ lời mẹ, nhưng lời dặn dò ấy cũng chẳng giúp chúng tôi bớt sợ. Mẹ vẫn bảo rằng "các con đừng sợ!", nhưng có lẽ mẹ nói thế là để anh em tôi khỏi bỏ đi chơi thôi... Đúng thế rồi ! Trước mắt chúng tôi bỗng hiện ra một bóng đen khổng lồ kèm theo một tiếng động ghê rợn tới mức làm chân tôi nhảy dựng lên và tôi quên hẳn lời mẹ dặn. Em tôi cũng nhảy chồm lên. Đấy là một vật gì đó to như chiếc kho chứa lúa khổng lồ đang lừ lừ tiến lại gần chúng tôi. Loại kho này vẫn hay nuốt lúa mỳ của cánh đồng này vào mùa thu hoạch. Còn bây giờ thì hình như nó đang muốn nuốt cả hai chúng tôi. Tôi nhảy vọt đi và nghe thấy sau lưng tiếng em tôi bật khóc. Nhưng rồi nó cũng chạy kịp theo tôi. Chiếc kho lúa chậm chạp lướt qua chúng tôi để lại phía sau một dải mây màu đen ghê rợn. Cho tới khi cái dải mây đen bốc mùi khen khét đó tan hết, tôi chợt cảm thấy cánh đồng mà mình đang đứng quá ư trống trải. Chiếc kho lúa nọ vẫn còn nằm ở phía xa và vẫn đang nuốt lúa mỳ vào bụng rào rào. Đến lúc này tôi mới nhớ ra là em trai tôi bị thọt. Cái chân mà tôi và mẹ tôi thường ôm ấp mỗi lúc ba mẹ con nằm với nhau thực ra chỉ là một khúc xương được bọc một lớp da móng mảnh. Em tôi mỗi lần cất bước cứ phải kéo lê mẩu chân ấy sau cùng. Lúc này tôi thấy mặt em tôi tái nhợt. Chiếc kho lúa kinh tởm kia đang ở phía xa, nhưng nó đang quay đầu và có vẻ muốn tiến về phía chúng tôi. Đúng vào lúc anh em tôi đang sợ bị nó nuốt vào bụng thì từ biển lúa bao la vang lên tiếng mẹ tôi gọi. Tôi sung sướng chạy lại phía mẹ. Em tôi không chạy được Nó khập khiễng kéo lê đoạn chân thọt. Nhưng rồi tiếng mẹ tôi lại vang lên mạnh mẽ, mạnh tới mức như tạo ra một sợi dây vô hình nào đó kéo tuột em tôi về phía mẹ. Mẹ tôi cúi xuống liếm cái màu đo đỏ đang ứa ra từ chân em tôi. Một lát sau, mẹ thong thả dẫn chúng tôi rời xa cánh đồng lúa mì; tiến vào khu rừng non, nơi có những cành dương sáng bóng như cặp sừng của bố.
    Mẹ tôi đặt chúng tôi nằm xuống bên những lùm cây rậm rạp rồi liếm chân tôi. Khi mẹ tôi ngẩng đầu, một chiếc đầu đẹp nhất thế giới, tôi thấy từ cặp mắt tuyệt trần của mẹ ứa ra từng giọt lệ trong vắt... Một lát sau tôi thấy cái chân của em tôi vẫn nằm im trên cỏ còn em tôi thì tập tễnh bước chỉ bằng ba chân. Thì ra cái mẩu chân ấy đã đứt, nằm lại trên đám cỏ. Mẹ tôi tiếp tục dìu chúng tôi vào khu rừng sâu yên tĩnh.
    Từ ngày đó tôi bắt đầu nhớ rằng em tôi chỉ có ba chân và cánh đồng thì bao giờ cũng là nơi nguy hiểm. Đứng ở chỗ nào người ta cũng có thể nhìn thấy chúng tôi. Chính vì vậy mẹ tôi thường đưa chúng tôi đi ngủ ở bìa rừng, giữa những lùm cây non nhỏ bé chẳng khác gì chúng tôi. Khi chúng tôi gặm cỏ, mẹ tôi thường dùng hông đỡ em tôi. Nó thì cứ ăn, còn bà thì đứng sát vào hông nó, thay cho chiếc chân cụt. Cũng từ hôm đó, chúng tôi không còn chạy nhảy để hít đầy gió tươi vào ngực như xưa nữa, bởi vì mẹ tôi lúc nào cũng phải chờ em tôi. Thiếu một chân, nó đi rất chậm. Vào những đêm lạnh lẽo, những đêm mà càng về khuya càng lạnh, mọi sự vẫn diễn ra như đã từng diễn ra muôn thuở, hai anh em tôi thường quấn lấy mẹ mà hút từ bầu vú của mẹ những ngụm sữa ngọt ngào. Chúng tôi bú no rồi ngủ lịm đi ngon lành trong khi mẹ tôi cứ nằm nghiêng tai nghe ngóng. Liệu có tiếng động lạ nào xuất hiện? Liệu có chiếc kho lúa tham lam nào mò đến ăn lúa mỳ và ăn cả thịt nai không? Cái kho ấy có thể ăn cả chân nai con và nuốt vào bụng tất cả những gì mà nó gặp trên đường.
    Một thời gian sau tôi thích nhất là nhìn vào mắt mẹ tôi. Tôi ước mong cứ được nhìn như thế suốt đời Nhìn vào mắt mẹ tôi tìm được sự bình yên, tin cậy. Mắt mẹ rất giống mắt em - cái thằng em ba chân tội nghiệp của tôi. Những cặp mắt ấy giống nhau lắm, có điều đôi mắt của mẹ to tới mức mỗi lần nhìn vào tôi có cảm giác như mình đã rơi vào đó, giống như đang tắm trong lạch suối hay trong một chiếc ao rừng. Lúc tôi nhìn vào tôi biết em tôi cũng đang nhìn. Rõ ràng là hai anh em tôi đang cùng tắm trong một mắt. Mẹ tôi có sức mạnh tóm cả hai chúng tôi vào mắt của mình giống như đã uống gọn chúng tôi, cất giấu chúng tôi trong cái cơ thể thơm tho, ấm áp của mình. Mỗi lúc chúng tôi nằm trong lòng mẹ, chúng tôi nghe thấy trái tim mẹ đập chẳng khác gì trái tim chúng tôi. Trái tim ấy thong thả đập. Nhưng chỉ cần thoáng nhìn thấy có gì bất thường là me tôi hít một.vài hơi xem trong gió có mối đe dọa nào không. Khi ấy tim mẹ tôi đập mạnh và tim tôi cũng đập mạnh theo. Khi mẹ giật mình, tôi cũng giật mình. Khi mẹ tôi bình tĩnh trở lại anh em tôi cũng trở lại bình tâm. Tôi lại ngả đầu vào bụng mẹ, nhắm mắt ngủn Khi ấy mẹ liền cuộn mình một cái, khéo léo tới mức khép gọn hai anh em vào lòng. Khi làn da như chiếc chăn lông của mẹ làm tôi nóng nực tôi liền thọc chân ra ngoài, thò đầu dưới cổ mẹ. Ở đó đầu em tôi cũng đã thò ra lúc nào chẳng biết. Hai anh em tôi cùng thở vào cổ mẹ, còn mẹ thì thở vào lưng chúng tôi. Những lúc như thế tôi nghĩ cuộc đời chẳng cần ước ao gì thêm nữa. Tôi chỉ cần được nằm bên mẹ suốt đời, chẳng phải lo nghĩ tới một điều gì. Rõ ràng chúng tôi là những con nai rất... nai, nghĩa là những con nai đẹp nhất trong số những con nai mà tôi từng gặp.
    Một hôm mẹ tôi vô cùng lo sợ vì trong rừng cứ vang lên những tiếng nổ ghê rợn. Chúng tôi bỏ chạy. Tôi thấy một bà mẹ nai khác đang chạy cùng chúng tôi thì đột nhiên dừng chân rồi ngã lăn ra. Từ bụng bà tóe ra một thứ nước màu đỏ, nhuộm kín cả làn da màu nâu rất đẹp. Từ khu rừng sâu, nhiều người mặc áo đồng phục màu xanh chạy túa ra, trong tay lăm lăm những thanh sắt đã từng gây ra sấm sét. Họ chạy đến chỗ bà nai bị ngã. Một người áo xanh rút từ hông ra một vật gì đó sáng loáng. Thế là từ cổ bà ấy vọt ra giòng nước màu đỏ nữa, giống như dòng nước đã chảy ra từ chiếc chân bị gãy của em tôi. Chúng tôi bỏ chạy Mẹ tôi phải dừng lại vì phải đỡ em tôi. Tôi cũng dừng theo. Thật bất hạnh! Một bộ đồ áo xanh đã chặn ngay trước mũi chúng tôi. Em tôi không thể chạy được nữa còn mẹ thì dừng hẳn lại để đỡ cho em tôi khỏi ngã. Một tiếng nổ vang lên. Tôi chết lặng đi vì trông thấy mẹ tôi ngã. Mẹ cố chạy thêm một đoạn nữa rồi lại ngã, rồi lại gượng dậy chạy thêm. Bên hông mẹ, từ lớp da quý giá của mẹ lại vọt ra thứ nước màu đỏ. Mẹ nằm vật nghiêng sang bên. Tôi và em tôi bước tới cùng đưa mũi ngửi mẹ tôi. Chúng tôi gọi mẹ: "Mẹ ơi! Chạy đi nào. Bây giờ đến lượt chúng con đỡ mẹ, chỉ cần mẹ đứng dậy thôi. Hãy đi khỏi nơi này Chúng ta hãy đến khu rừng đốn hoặc thung lũng kia. Đến đó rồi chúng con sẽ chăm sóc mẹ. Chúng ta sẽ sống như mọi ngày. Nếu mẹ đau, chúng con sẽ sưởi ấm cho mẹ, sẽ canh gác thay mẹ. Chỉ vài ngày nữa là chúng con sẽ cất cổ cao như mẹ thôi...". Chúng tôi nói vậy mà mẹ tôi vẫn tái mặt đi và nằm với tư thế rất kỳ cục, chưa từng thấy. Chân mẹ tôi duỗi dài, toàn thân run rẩy. Tôi nghe thấy tim mẹ tôi đập mạnh. Ôi, trái tim đã từng làm tôi thấp thỏm, lúc vui lúc buồn trong những đêm sâu và cả trong những buổi ba mẹ con cùng tựa vào nhau sưởi nắng. Trái tim ấy bây giờ đang đập chậm dần. Chậm và nhẹ như giọt sương rơi từ một cành non. Đôi mắt đẹp của mẹ tôi ứa ra một giọt lệ to tròn, chậm rãi. Đột nhiên mẹ tôi kêu to. Mẹ giục chúng tôi chạy tản đi, mỗi đứa một hướng để thoát khỏi sự rủi ro mà bà đã gặp. Hãy chạy để thoát khỏi những người áo xanh đang tiến lại gần. Nhưng hai anh em tôi chưa kịp chạy theo lời mẹ thì một tiếng nổ lại vang lên. Ngay lập tức em tôi có vẻ như bị vấp hoặc như nhổm mình để chạy. Rõ ràng là em tôi lại gặp một cái gì đó đáng sợ như mẹ tôi rồi! Em tôi ngã vật sang bên, hai chân sau thọc sâu vào đất bùn. Từ mình nó lại tuôn ra thứ nước màu đỏ sẫm...
    Tôi không chạy. Tôi quay sang với mẹ tôi và nhìn vào đôi mắt của mẹ. Đôi mắt ấy lúc này khác hẳn, cứ như không phải mắt mẹ tôi. Chẳng còn đâu nữa cái ánh mắt đã từng sưởi ấm lòng tôi, đã từng đem lại cho tôi niềm tin, sức mạnh! Mẹ tôi nằm đó mà như đã bỏ đi thật xa, chỉ để lại ở đây da thịt của mình. Cái đống da thịt ấy hết duỗi ra rồi lại co lại. Tôi đã bị hất ra khỏi đôi mắt của mẹ tôi rồi!
    Những người áo xanh kéo đến. Họ đặt vào miệng mẹ tôi và em tôi mấy nhánh lá non. Cứ làm như ba chúng tôi đang còn nhởn nhơ giữa đồng cỏ mà nhấm nháp những búp thông xanh vậy! Ngay sau đó những người áo xanh cùng ngả mũ đứng im một lát. Họ nhìn tôi, tỏ vẻ thông cảm và có ý xua tôi chạy đi. Tôi không đi. Đi làm sao được? Đây là mẹ tôi, đây là em trai tôi. Tôi đã sống với mẹ và em từ bé cơ mà! Một cái kho chứa lúa be bé đi đến. Cái kho này thật quái đản, cứ chạy lăng xăng hết chỗ này đến chỗ khác trên đồng, vừa chạy vừa sủa phành phạch. Người ta trói chân mẹ tôi và em tôi. Cái kho lúa đang đứng im bỗng lại lên tiếng sủa phành phạch rồi kéo mẹ và em tôi đi. Cả hai bị kéo mà không đứng dậy được. Tôi ngửi mẹ tôi và phóng nước kiệu bám theo. Những người áo xanh lại xua đuổi tôi. Tôi phải dừng chân, đứng nhìn người ta ném mẹ và em tôi lên một cỗ xe gì đó. Trên xe cũng có rất nhiều bà mẹ nai khác đang nằm đè lên nhau bất động.
    Chiếc xe phóng đi. Những người áo xanh tỏ vẻ hoan hỉ vui sướng. Thật là một niềm vui độc ác! Hoá ra người ta vui vì đã giết được mẹ tôi và em tôi đem về. Tôi lồng lên đuổi theo chiếc xe. Sao bọn người áo xanh này không cho tôi một tiếng nổ vào bụng để tôi được nằm trên xe cùng mẹ và em. Không có mẹ, không có em thì tôi biết dựa vào ai? Không có mẹ thì đêm đêm tôi biết tìm hơi ấm ở đâu? Ai sẽ cho tôi bú từng hơi sữa ngọt? Ai sẽ bảo vệ tôi trước những loài thú răng nanh? Ai sẽ vỗ về tôi trong những đêm mưa bão? Tại sao tôi phải ở lại đồng cỏ, ở lại rừng già khi mà người ta đang dùng xe chở đi mất của tôi đôi mắt đẹp nhất thế giới này? Mẹ tôi bị lấm đất hết rồi? Vậy mà chỉ cách đây một lúc, mẹ tôi lúc nào cũng sạch sẽ, óng ả. Mẹ còn dạy cho chúng tôi biết tắm táp, chải chuốt. Học theo mẹ, anh em tôi cũng từng ngồi hàng giờ chải chuốt bộ lông nhung của mình cho thật mịn.
    Tôi lại chạy theo xe để được chết theo mẹ mình. Đám người trên xe xua tôi trở lại. Tôi phải đứng lại, giương mắt nhìn quanh. Xung quanh tôi chỉ còn bùn lầy. Thế giới này chỉ toàn bùn lầy, bởi vì cặp mắt đẹp nhất của tôi trên đời này từ nay đã vĩnh viễn không còn nữa.
    Thế là tôi chỉ còn trơ trọi một mình với những đêm dài nối tiếp nhau tối tăm và lạnh lẽo. Tôi phải tự cào bới lá rừng để làm một chiếc ổ và mò mẫm kiếm ăn, tự tìm đường ra khe suối uống nước. Không có mẹ, tôi trở thành đứa trẻ đói khát, lang thang, rất khổ sở khi những cơn mưa rừng ập xuống. Tôi thường tìm về nơi ở cũ, lên tiếng tộ từng hồi rồi lắng tai nghe. Chẳng có tiếng ai đáp lại, ngoài tiếng gió xạc xào. Vậy là tôi đã trở thành đứa trẻ mồ côi. Tôi nghĩ rằng mình có thể chịu đựng được mọi sự, chẳng cần ăn, chẳng cần uống, miễn là có mẹ tôi bên cạnh đưa mắt nhìn tôi. Đã đến tuổi thiếu niên rồi mà tôi vẫn chỉ là một gã nai mồ côi gầy gò, nhút nhát, thỉnh thoảng lại run bắn lên vì những cơn giông gió bất thường.
    Nhưng rồi một hôm tôi thấy có một người kéo xe vào rừng, chở trên xe rất nhiều cây thông non. Người này có đôi mắt rất đẹp. Tôi lững thững bước lại gần xem người này đào hố chôn gốc cây xuống đất. Tôi mong người ấy nhìn tôi. Chần chừ một lát, tôi lấy hết can đảm bước lại gần chiếc xe hơn. Người trồng cây nghe tiếng động, quay sang nhìn tôi. Tôi muốn bỏ chạy nhưng chân tôi không co lên nổi. Tôi run bắn lên và đoán là sẽ có một tiếng nổ chuẩn bị vang lên. Nhưng người trồng cây chỉ nhìn tôi, thậm chí cứ nhìn sâu vào mắt tôi. Thật không ngờ, đôi mắt người này rất giống mắt mẹ tôi -đôi mắt tràn đầy sự dịu dàng, thương mến. Người đàn bà trồng cây ấy đột nhiên lên tiếng kêu, cái tiếng kêu nghe cũng rất giống tiếng mẹ tôi mỗi khi mẹ định liếm da tôi. Tôi bước lại trước mặt người đàn bà, bốn chân run run. Tôi biết đây là lúc mình tự quyết định số phận của mình.
    Người đàn bà trồng cây lên tiếng thì thầm, chẳng biết nói gì đó với tôi. Tôi chỉ thấy mắt bà vừa to vừa sáng, vừa ấm áp, chẳng khác gì mắt mẹ tôi. Đôi mắt trong trẻo ấy thu gọn hình bóng tôi. Tôi biết ngay là bà yêu tôi. Bà cúi xuống rút trong túi ra một mẩu bánh mỳ. Tôi nằm xuống nhưng vẫn giữ một khoảng cách với bà. Trong lòng tôi vẫn thấp thỏm cái ý định bỏ chạy. Tôi không chạy là vì đôi mắt bà níu tôi ở lại. Tuy vậy toàn thân tôi vẫn rung lên từng đợt. Ngay lúc đó người đàn bà bước tới, đưa mẩu bánh mỳ gần lại. Tôi đưa mõm ngậm lấy miếng bánh và nhai. Tôi nhai vì miếng bánh đó có mùi thơm dễ chịu, dường như đó là hương thơm của đôi mắt nọ. Bà đưa tay vuốt ve tôi. Tôi lim dim mắt rồi tựa mình vào bàn tay bà. Bàn tay bà thật ấm áp và cũng tràn trề sức mạnh chẳng kém gì vành môi mẹ tôi ngày nào. Tôi thích bà cứ vuốt vuốt cổ tôi mãi thế. Bà vỗ vỗ vào má tôi mấy cái rồi bảo: "Lêsan! Tao sẽ gọi mày là Lêsan. Lêsan ơi!". Bà gọi cái tên ấy mấy lần, bằng cái giọng trìu mến và tràn trề hương thơm giống như hương bàn tay bà. Bà và tôi cùng nhìn vào mắt nhau. Bà biết tôi là con nai mồ côi, không mẹ. Bà mỉm cười. Tôi khoan khoái cào cào hai vó trước.
    Bà cầm lấy càng xe, nói: "Lêsan này, tao về nhà đây. Mai tao lại đến, nghe không!" Bà kéo chiếc ra đi. Tôi lén đi theo, cách xa một đoạn và thấy bà trở về một ngôi nhà trong rừng. Ngôi nhà chất đầy sừng - những cặp sừng giống như của bố tôi. Tôi cho rằng đây là ngôi nhà nai, ngôi nhà giành cho những con nai giống như mẹ tôi và anh em tôi. Sáng hôm sau, nhớ lời bà, tôi đến chỗ trồng cây hôm trước chờ bà. Bà mừng rỡ gọi: "Lesan" rồi lại rút bánh mỳ đưa cho tôi. Tôi ăn luôn mẩu bánh thơm lừng và liếm bàn tay bà. Bà hiểu ý tôi nên vuốt ve tôi nhiều hơn.
    Từ hôm đó ngày nào tôi cũng quanh quẩn bên bà. Thỉnh thoảng tôi hứng chí đùng đùng bỏ chạy một lúc rồi lại lao sầm sầm trở về bên bà. Bà thì lúi húi trồng cây, còn tôi thì đứng thơ thẩn xem bà làm việc. Bà đã trở thành bà mẹ mới của tôi.
    Thế rồi một hôm khi tôi tiễn bà về tận cổng thì thấy có cậu bé trong cổng bước ra. Lúc tôi đang lim dim mắt thì cảm thấy có bàn tay ai là lạ đang vỗ vỗ vào cổ tôi. Tôi mở mắt và thấy cậu bé đang ôm cổ tôi mà vuốt ve. Cậu bé này cũng chỉ cao bằng tôi. Nếu tính từ mặt đất trở lên thì mắt cậu ta cũng cao ngang mắt tôi. Cậu cứ xoắn xuýt bên tôi làm tôi cũng bạo dạn ngả đầu vào mặt cậu. Đôi mắt cậu, miệng cậu cũng gần kề mặt tôi giống như anh em tôi đùa với nhau ngày nào. Tôi đánh bạo liếm vào má cậu bé. Cậu cười một nụ cười mê hồn tới mức làm tôi nghĩ rằng từ nay tôi không chỉ có mẹ mà còn có cả người anh em của mình nữa. Tôi liếm tay rồi liếm cả vành tai cậu bé. "Lêsan! Lêsan?": Tôi nghe cậu gọi và cảm thấy mình hạnh phúc chẳng kém ngày xưa.
    *
    Buổi tối trong rừng khá lạnh. Chờ cho ngôi nhà gác rừng của mẹ tôi lên đèn, tôi lặng lẽ bước đến gần cửa sổ. Nhìn vào trong, tôi thấy cậu bé đang cúi xuống mặt bàn, bên cạnh là người đàn ông mặc áo sơ mi trắng. Mẹ tôi đang ngồi bên bàn đọc sách. Tôi mở cổng rồi co chân trước đập cửa. Người đàn ông trong nhà lên tiếng: "Muộn thế này mà có người còn đến nhà. Ma xui quỷ khiến hay sao đây?". Mẹ tôi bảo: "Có thể là Lêsan đấy" Bà mở cửa và thấy tôi đang đứng sừng sững nhìn bà. Bà vuốt ve tôi rồi đưa tay ra hiệu hỏi: "Tao dã dặn rồi cơ mà. Nhớ tao dặn gì không?" Người đàn ông liền phẩy tay bảo: "Lêsan! Nếu đã vào nhà rồi thì ngồi xuống đi!". Tôi bước vào góc nhà. ở đó khá ấm nên tôi lựa mình nằm xuống cho làn da của mình thoát hơi ẩm. Từ góc phòng tôi quan sát xung quanh. Trước mắt tôi có một chiếc thùng gỗ nho nhỏ có những hình ảnh chuyển động liên tục. Đó là hình những người cưỡi ngựa trên khu rừng trống. Họ vừa thúc ngựa vừa phát ra những tiếng nổ. Sau đó là cảnh người ta chạy trong bão tuyết. Họ cứ bắn nhau mãi và liên tục ngã xuống đất. Nhìn cảnh đó tôi rất sợ. Không khéo họ bắn cả tôi cũng nên. Điều ấy có thể lắm. Bởi vì họ còn bắn cả đồng loại thì cớ gì mà không thể bắn tôi? Tôi sợ, nhưng khi tôi nhìn sang cậu bé, tôi thấy cậu vẫn sống, người đàn ông mặc áo sơ mi trắng vẫn sống. Bà mẹ mới của mới cũng vậy: vẫn sống, vẫn ngồi xem bắn nhau mà tỏ ra bình thản. Ngay lúc đó cậu bé đứng dậy ôm lấy tôi thì thào vào tai: "Đừng sợ! Lêsan, chẳng ai bắn mày đâu, hiểu không?". Nhưng tôi chẳng hiểu gì cả, chỉ cảm thấy vô cùng yên tâm. Cái cơn bão tuyết trong thùng gỗ kia cũng ấm áp như cái chỗ đang nằm bên lò sưởi mà thôi. Người mẹ mới của tôi nằm trên giường đang đưa tay vuốt ve người đàn ông áo trắng. Ông ta cũng vuốt tay mẹ tôi. Tôi nghĩ: nếu mẹ tôi đã âu yếm người nào, người đó hẳn phải là người tốt, và tất nhiên là cũng tốt như tôi. Tôi đứng dậy rùng rùng làn da đùi một lát rồi bước lại gần chiếc giường, đặt đầu vào chiếc áo trắng, lim dim mắt. "Lêsan! Mày đến thăm tao phải không?" - Người đàn ông nói rồi vuốt cổ tôi Ngay lúc ấy tôi thấy có hơi ấm của bàn tay khác. Hóa ra cậu bé đã bước tới, ngả mình vào tôi, nói nhỏ: "Lêsan! Mày chỉ ở với tao thôi nhé?. Bà mẹ mới của tôi cũng bước lại, kéo đầu tôi vào ngực và nhìn tôi. Bà cứ nhìn mãi cho tới khi tôi chảy nước mắt mới thôi.
    Thời gian trôi qua. Trời hết tuyết và bắt đầu đổ mưa. Mẹ tôi vẫn vào rừng nhưng không phải để trồng cây mà để chặt cây. Bà đi ủng, kéo xe vào rừng, cưa các gốc cây rồi chất lên xe chở về. Chỉ vài tiếng sau đã có người đến mua thông. Sau khi xem xét, thấy thông đẹp, một người đàn ông lấy bút ra viết vào mấy chiếc phiếu be bé, tốp người mua đưa tiền rồi chở hết thông đi. Vài hôm sau tôi lại đến bên cửa sổ ngôi nhà gác rừng nhìn vào. Tôi thấy cậu bé đang ngồi cạnh bàn. Tôi muốn cậu ra ngoài trời chơi với tôi. Cậu nhìn ra, vẫy tay chào rồi chạy ra bảo: Hôm lấy chúng ta sẽ trang hoàng cây thông". Tôi không hiểu cậu nói gì. Cậu liền chọn một cây thông đẹp nhất trong đống cây mà cha mẹ mới chở về, đặt nó vào giữa phòng, mở chiếc hộp to ra và lấy những vật sáng lóng lánh đủ màu treo vào các nhánh thông. "Đây là pháo hoa này, đây là nến này, hiểu không?". Cậu bé bảo tôi rồi thắp một vài cây nến. Trên trời cao mây rất đen nhưng không khí phía dưới mặt đất thì thật tuyệt vời. Tôi đứng xem và vô cùng thán phục cậu bé. Cậu lấy mấy cành cây bọc bạc ra và giới thiệu với tôi: "Đây là tóc tiên nữ, biết không? Đêm mai là đêm Giêsu ra đời. Những cỗ xe trượt tuyết sẽ bay trên bầu trời. Các bác nông dân sẽ thắng đàn nai bạc vào xe. Chúng sẽ chở Chúa đi... hiểu không?". Cậu bé nói và quấn vào cổ tôi một dải lụa đỏ có đính mấy chiếc chuông bạc bé tí xíu. Cây thông sáng lóng lánh vì những chiếc chuông thủy tinh và kẹo sô cô la bọc giấy bạc, giấy vàng. Tôi cũng được nếm một thỏi sô cô la. Một lát sau cậu bé kê ghế đứng lên, mắc vào ngọn thông một ngôi sao to, sáng chói. Cậu còn chạy ra ngoài kho thực phẩm chọn những quả táo thật tròn rồi treo chi chít vào cành thông.
    Mọi sự đang vui vẻ thì ông bố cậu bé bước vào. Ông mặc bộ lễ phục màu xanh có đính cúc vàng. Mắt ông lúc này cũng vàng như chiếc cúc. Vào phòng, ông giận dữ trút chiếc áo khoác khỏi người, vứt xuống đất, trên người chỉ còn chiếc sơ mi trắng. Bà mẹ nuôi của tôi vội chạy ra, vò các ngón tay bối rối hỏi: "Có chuyện gì vậy?". Người đàn ông đấm tay xuống bàn. Tôi sợ quá chạy vội vào góc phòng. Ông chủ nhà quát: "Tôi vừa ở trường học về. Cô có biết thằng nhóc của ta nói với cô giáo gì không? Cô giáo bảo nó mang vở bài tập lên cho cô. Thế mà nó bảo: "Con cú mèo ơi, thích thì xuống mà lấy!". Bà mẹ kêu lên: "Chẳng qua là vì nó cứ sống ở đây thui thủi một mình, nghịch bẩn suốt ngày, mà thấy cái gì cũng tròn mắt lên. Nhưng chẳng hề chi, nó dần dần sẽ ngoan thôi". Ông chủ dậm chân bành bạch quanh cây thông, la hét: "Không chờ nó ngoan được! Phải đánh đòn, phải trừng trị. Đùa nghịch với Lêsan như thế quá đủ rồi, trượt xe như thế quá đủ rồi. Nó phải quỳ xuống hứa không.được láo nữa!". "Bố yêu của con - Cậu bé lên tiếng - Con không muốn nói với cô giáo như thế. Đó là do cái cổ con nó cứ ngứa ngứa rồi nói ra thế thôi. Không phải tại con". Ông chủ quát: "Quỳ xuống, mày phải đến xin lỗi cô giáo ngay!" "Con không xin", "Mày phải xin", "Không xin", "Phải xin", "Không xin", "Vậy là mày dở trò đầu bò đầu bướu với tao rồi. Mọi chuyện do con Lêsan mà ra. Vậy thì Lêsan phải xéo khỏi nhà này". Cậu bé chạy lại ôm cổ tôi, van xin: "Bố ơi, bố làm gì cũng được nhưng đừng đuổi Lêsan". Người đàn ông quát to hơn: "Lêsan phải ra khỏi đây để sống cùng đồng loại của nó, để nó kết bạn với hươu nai. Đi ngay!". Nghe người đàn ông quát, tôi vội bỏ chạy, đầu va vào cả cửa sổ, phóng mình ra ngoài trời tuyết. Tôi chạy xuyên thẳng tới khu rừng đốn. Trong lúc chạy; tôi chợt trông thấy có nhiều đàn thỏ chạy ngược chiều với tôi dáng điệu rất hoảng hốt. Nhưng mải suy nghĩ, tôi không nhận ra dấu hiệu của tai họa đang tới. Tôi nghĩ: từ nay tôi sẽ không bao giờ được cùng cậu bé trang hoàng cây thông nữa, từ nay sẽ không có ai ôm cổ tôi nữa. Đến bao giờ tôi mới được đứng canh gác những cây thông non giúp mẹ, bao giờ tôi mới được nhìn thấy đôi mắt mê hồn của bà? Lũ thỏ vẫn nối đuôi nhau chạy ngược hướng tôi chạy. Chúng chạy nhanh tới mức hai chân trước như bị dính vào mang tai. Khi tôi dừng chân suy xét tình thế thì đã thấy trước mặt mình là những người đàn ông mặc áo xanh đính cúc vàng. Mắt của họ cũng vàng như có lửa. Tay người nào cũng có chiếc gậy gieo chết chóc. Thoắt một cái tôi đã bị đám người vây quanh. Tôi vừa phóng mình chạy trốn đã thấy đau nhói ở bụng. Đau đến xoắn ruột, nhưng tôi vẫn cố sức chạy. Chạy một lúc tôi đã trông thấy ngôi nhà gác rừng quen thuộc. Bà mẹ nuôi của tôi trong nhà chạy ra, kêu to: "Lêsan, Lêsan!". Tôi ngã vật xuống. Hóa ra vết thương của tôi cũng nằm ở bụng giống như mẹ tôi và em tôi ngày trước. Tôi co chân bước nhưng không thấy cơ thể chuyển động. Tôi đạp mạnh vào mặt đất nhưng thân thể cứ trơ trơ bất động. Tôi thở hổn hển như đang phải mang trên lưng hàng trăm sọt bánh mỳ hoặc như đang phải kéo cỗ xe trượt chất đầy cây cối của toàn bộ rừng già. Thế rồi tôi nâng được một chân lên cao nhưng lại chợt cảm thấy mình không cần thở nữa...
    Tôi nằm ngoẹo đầu trên tuyết và nhìn thấy mẹ nuôi tôi đang chạy băng băng qua cánh đồng. Mẹ cứ gọi: Lêsan, Lêsan! Khi chạy đến chỗ tôi nằm, bà khuỵu chân xuống, xiết chặt hai bàn tay, quát vào mặt những người đàn ông áo xanh: "Các ông làm gì thế này? Đây là Lêsan của tôi!". Một người mắt vàng lên tiếng đáp: "Nó chỉ là con nai trong buổi săn Nôen vui vẻ thôi mà".
    Mẹ tôi cúi xuống nhìn vào mắt tôi. Tôi thấy trên đầu mình hiện ra đôi mắt tuyệt trần của mẹ tôi, đôi mắt trong xanh in bóng cả thế giới này...
    Mẹ của tôi ơi? Người ở đâu rồi?
    

Kết Thúc (END)
Bohumil Hrabal
» Chiếc Đàn Đựng Thỏ
» Mắt Mẹ
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết