Có một anh, chung quanh nhà thì những thầy đồ, thầy lang, thầy địa lý, thầy phù thủy, thầy bói, thầy số ở nhiều lắm; mà anh ta thì dốt nát chẳng làm được thầy gì cả. Vả lại vợ nó cứ nhiếc móc, cho nên cu cậu tức mình, cũng nhất định đi làm thầy.
Đi đến trưa, qua một hàng cơm. Mụ hàng chào:
- Mời bác vào sơi rượu.
Anh ta trừng mắt, bẻ rằng:
- Ai là bác nhà chị?
- Mời ông vào sơi cơm vậy.
- Ai là ông nhà chị?
- Nào ai biết ông là gì mà mời chứ?
- Mời là thầy.
- Thế thì mời thầy vào sơi cơm.
Anh ta vào. Nhà hàng dọn cơm rượu tử tế. Thầy ngất ngưởng ngồi đánh chén.
Bà hàng nghi hoặc, chẳng biết là thầy gì, mới lại gần hỏi rằng:
- Thưa thầy, thầy là thầy gì, cho tôi biết? Hoặc có việc gì nhờ đến thầy chăng?
- Tôi là thầy bùa, chữa được bách bệnh.
Ngay lúc đó, có một anh, vợ ở nhà phải bệnh thổ tả, hốt hoảng chạy đến xin gừng.
Bà hàng mới trỏ, bảo rằng:
- Phúc bẩy mươi đời nhà bác! Đây có ông thầy bùa cao tay lắm, chữa được bách bệnh. Đó, ông ấy ngồi đó. Lại mà xin dấu cho bác gái uống.
Anh kia đến gần, khúm núm thưa rằng:
- Lạy thầy, nhà con phải chứng thổ tả nguy lắm. Xin thầy làm phúc cứu cho.
- Được, không khó gì. Đi lấy giấy bút đem lại đây.
Anh kia vội vàng đi kiếm, mang lại, Thầy mới lấy một tờ giấy, vẽ năm con chó xồm, mõm vạt ống dầu, rồi đưa cho mà dặn rằng:
- Đem về giơ cái bùa này lên cho người có bệnh trông thấy, rồi đốt thả vào trong bát nước lã, cho uống thì khỏi ngay.
Anh kia xin vâng, lập tức mang bùa về, cứ theo như lời thầy đã dặn, đem đốt cho vợ uống. Thế nào mà người vợ khỏi ngay!
Tang tảng sáng anh ta đến hàng cơm đón ngay thầy về nhà, thết đãi rất hậu.
Tiếng đồn vang cả trong làng.
Hôm sau, thầy đương ngồi uống rượu, bỗng có một người chạy đến xin bùa cho vợ. Thầy hỏi:
- Chị ấy làm sao?
- Thưa lạy thầy, nhà con trở dạ từ hôm qua đến giờ mà chưa đẻ được, xin thầy làm phúc cứu cho.
- Ừ được chẳng khó gì, đừng lo. Bỏ bút giấy đây.
Vẽ ngay ba cái bị, chín cái quai, mười hai con mắt, đưa cho mà bảo rằng:
- Anh mang cái bùa này về, giơ lên cho chị ấy nhìn, rồi đem đốt mà hòa với nước lã cho uống, thì đẻ ngay. Anh kia vội vàng đem bùa về, cứ thế mà đốt cho vợ uống. Vợ uống khỏi miệng, đẻ liền!.
Thôi! từ bấy giờ hai nhà tranh nhau đón thầy, thết đãi, cơm gà cá gỏi thậm tử tế.
Cách mấy ngày, thầy đòi về; hai nhà lễ tiễn cực hậu. Một nhà có thằng con trai mười lăm tuổi, năn nỉ xin đi theo thầy. Thầy ưng. Bố mẹ nó mới xuất tiền lưng gạo bị, cho con đi theo, ăn học.
Được hơn một năm, thằng bé ấy xin phép về chơi nhà. Bố mẹ mừng rỡ, hỏi con học hành thế nào. Con thưa rằng:
- Chắc hẳn thầy mẹ ở không được bằng lòng thầy, cho nên thầy chẳng dạy bảo gì suốt cả. Cả ngày chỉ bắt đun nước, quét nhà mà thôi.
Bố mẹ lấy làm buồn, bàn với nhau hay là thế thực. Người bố lập tức bắt lợn, đong gạo, mua chè lá thân hành đem con đến tận nhà thầy, làm lễ nhập môn lại, năn nỉ thưa rằng:
- Lạy thầy, xin thầy làm phúc cho cháu ăn mày thầy, để về sau cháu được nên thân người, thì chúng tôi không bao giờ dám quên ơn.
Thầy nói:
- Nghề tôi chẳng khó gì mà phải học, chỉ xem ý cũng biết được.
Bố thằng bé tưởng thầy không chịu truyền phép cho, cứ van lạy mãi. Thầy nín không được, phải nói thực rằng:
- Khốn nạn! Nghề tôi có khó gì đâu mà phải học? Trông ý là đủ biết! Này, như người tháo dạ, thì vẽ lũ chó cho nó vào nó dọn sạch ở trong ấy đi, thì còn đâu mà là ỉa nữa? Còn như đàn bà khó đẻ, thì vẽ ông Ba Bị cho ông ấy vào doạ nạt đứa bé; đứa bé sợ, phải thòi ra. Thế thôi, chứ có gì đâu!...