Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Bỏ Nước Ra Đi Tác Giả: Diễm Kiều    
    Bỏ nước ra đi lòng buồn làm chết cả hồn tôi. Xa mái ấm gia đình. Xa giống nòi, tiếng cười bạn bè thân thiết. Những hình ảnh gần gũi nhất trong những ngày qua. Quê hương ơi ! Việt Nam nước tôi, tôi có biết bao nhiêu kỷ niệm êm đềm từ thủa thơ ấu, cũng như lúc trưởng Thành. Người Việt nam chúng ta vốn đã sẵn giầu tình cảm, lìa xa quê hương có mấy ai không đau buồn, nhớ thương, mong đợi và hy vọng có ngày trở về cố hương. Làm sao tôi quên được cuộc hành trình vượt biển đông năm xưa. Thấm thaot1 đã hơn 20 năm, mà tôi cứ tưởng chừng vừa xảy ra hôm qua...
    Ngồi trên chiếc xích lô máy, nhìn qua những xóm nhỏ và con đường quen thuộc, tôi thấy những trụ đèn như chạy theo sau. Hành trang của ba mẹ con tôi chỉ vỏn vẹn có một túi vải nhỏ gồm có thuốc ngừa thai, một ít thuốc cảm, một hũ đường, chanh khô, hai hộp sữa bò và bảy trăm đồng tiền mới. Đêm đó chúng tôi đến ngã tư Bảy Hiền để ngủ qua đêm với gia đình ông sáu. Rồi gặp thêm ba gia đình nhựa ở Long Xuyên trong một căn biệt thự sang trọng.
    Trời vừa rạng đông, mọi thứ tự kẻ trước người sau, gặp nhau trên chuyến xe Rạch Giá. Những ánh mắt nhìn nhau như kẻ xa lạ. Mọi chặng đường công an xét rất gắt gao. Dừng tại Rạch Giá, tôi giữ khoảng cách xa ông Sáu đủ để nghe và thấy. Một cô gái mặc chiếc áo bà ba trắng, quần đen vừa bước xuống xe lôi, đến hỏi ông. Gia đình ông Sáu lên xe, tôi cũng theo ngồi ghế phía sau. Mặt trời vừa rựng ở chân mây. Nhìn những con chim bay mà tưởng chừng chúng bay về Sài Gòn.
    Xe ngừng lại, cô gái bước xuống xe trả tiền. Cô đưa chúng tôi qua những cánh đồng ruộng, rạ khô vàng cháy, như sắp bốc lửa dưới ánh nắng tháng tư. Vào môt căn nhà lá vách đất. Cô gái gọi hai ông bà độ tuổi tứ tuần bằng ba má. Người đàn bà đưa chúng tôi vào căn buồng chật hẹp chỉ đủ ngồi chen chúc, che bên ngoài bằng tấm màn vải. Tôi nghe nhột nhạt trong bụng như kiến bò. Mâm cơm tối được đưa vào, mấy bát cơm gạo đỏ và đĩa khô sặc nướng. Lúc đang ăn, tai tôi nghe rõ từng tiếng nói của mấy người hàng xóm tới chơi. Tôi run. Tim đập mạnh, sợ người ta khám phá mình. Càng lo sợ, tôi càng muốn “pi pi”. Tiếng chó sủa đêm xen lẫn tiếng chó tru, tạo thành một âm thanh nghe ớn lạnh tóc gáy. Tôi cố gắng bò ra sau hè, tè cho nhẹ cái bụng. Những hạt sương rơi lành lạnh làm tôi nổi da gà.
    Gà gáy hiệp nhất, chúng tôi bắt đầu đi xuống ghe. Dẫn đường là ông gánh dầu. Tôi phải băng qua ven rạch, bò qua lộ, lội qua mương. Chân tôi sụp xuống lỗ chân trâu đầy bùn nước. Kinh tâm, táng đởm, làm tim tôi muốn ngừng đập. Như có phép lạ nào giúp đỡ hai con tôi. Chúng chạy nhanh hơn mẹ, để bắp kịp những người đi trước.
    Dân quê đêm đêm thường đi cắm câu, đặt bẫy. Mỗi lần nhìn thấy ánh đèn dầu thấp thoáng xa xa là tôi chui nhanh vào bụi rậm. Bất kể kiến bu nhột hay rắn hổ mang cắn đưa tôi về chầu Diêm Vương. Có lúc phải ráng căn răng chịu đau vì gặp gai nhọn đâm xuyên qua da thịt. Cũng có lần chui nằm vào đống rơm khô, thò đầu ra, nhìn trên trời có muôn ngàn vì sao và thấy rõ chị Hằng.
    Có một đứa bé sáu tháng cứ khóc hoài. Mồi lần khóc là có người phát hiện. Chủ ghe phải lo lót vàng để được yên. Tội nghiệp biết mấy ! Đứa bé nhiều lần tưởng đã chết ngộp vì cha mẹ nó dùng khăn để bịt chặt miệng nó không cho phát ra tiếng khóc. Trọn một ngày chúng tôi phải nằm dưới mương sâu. Không sao chịu nổi cái nắmg quái ác, thấy rát đau trên mặt. Tôi chịu đói, chịu khát, chịu đau đớn, nhức nhối với mấy ổ kiến vàng. Chúng tôi không dám ở trên bờ nữa, lội ven rạch, chạy dài những hàng dừa nước xanh để lẩn trốn, thỉnh thoảng hàng dừa bị gió lay làm tôi muốn nín thở. Trời chưa tối nhưng bóng cây hai bên bờ đổ ập xuống dòng sông, nên có vẻ như tối. Bỗng một chim li ti đen, như bị động xao xác bay qua đầu tôi.
    Xa xa những chiếc thúng đen đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Sông Hậu Giang như một giòng nước chết. Ngồi trên thúng chèo ra đến ghe. Mọi người lên được trên ghe, gian nan cũng lắm mà đoạn trường cũng nhiều. Chiếc ghe một máy bị trở quá nhiều nên chạy ì ạch. Bình minh không nắng ở xứ nhiệt đới cho tôi cảm giác buồn vu vơ chợt Len lén vào hồn của kẻ ra đi nhưng đang đầy theo sóng. Bỗng nghe tiếng súng đùng đùng đâu đây...Gặp tàu đánh cá quốc doanh bắt lại, khám xét tứ tung. Tịch thâu hải bàn và ống nhòm. Rồi họ bỏ ra một cái thùng nhựa, bảo chúng tôi tự nguyện ai còn gì dấu cất nên bỏ hết vào thì được tha cho đi.
    Sau đó mưa bão đánh dồn dập hai thân ghe. Có những nhát như chém vào khoảng không, làm cho ghe lắc lư, trồi lên ngụp xuống như nhảy sóng. Thuyền nhân như hạt bụi trong cuồng phong. Tiếng nguyện cầu, kinh Chúa cũng như kinh Phật liên tục vang lên từ đó.
    Mới có hai ngày đường mà lương thực khô gần hết. Nước uống chỉ đủ nhỏ giọt từng muỗng cà phê. Đến được hải phận quốc tế, thấy tàu qua lại chúng tôi dùng áo trắng hay đốt đuốc sáng lên làm hiệu. Cùng la to S.O.S, nhưng họ đành lòng ngoảnh mặt làm ngơ bỏ chạy luôn ! Trên nét mặt những thuyền nhân đầy vẻ ưu tư lần nét buồn vẩn vơ theo chiếc ghe định mệnh qua sóng nọ biển kia, tưởng chừng như vô tận.
    Tổng cộng tám lần ghe bị hải tặc tấn công. Mỗi lần gặp là mỗi lần phải leo trèo qua tàu chúng để bị khám xét. Mấy ai còn lành lặn, bầm chân, trầy da, rướm máu...là chuyện không đáng kể. Chân một cậu bị ép chặt giữa hai vành tàu, gãy xương, phải xé vạt áo lại băng bó lại vết thương, vẫn không được tha. Dễ mấy ai mà không sống đi chết lại với những bộ mặt ác quỷ, người cầm búa, kẻ cầm súng, tên cầm dao to tiếng vào chiếc ghe nhỏ bé mong manh của đoàn người đói khát đi tìm tự do.
    Có lần gặp tên hai tên hải tặc xé toạc áo của hai chị em gái tưởi khoảng 18, đôi mươi. Hai tay của mỗi tên xục xạo thân thể các cô một cách thô bỉ, chúng cười nhe răng trông giã man, ghê tởm làm sao. Rồi kéo lôi xềnh xệnh hai chị em với những dòng nước mắt lả chả. Đàn bà, con gái trên ghe đều chắp tay cúi lạy. Mạng sống con người chỉ còn biết buông trôi theo dòng. Ra đi âm thầm. Mà chết cũng lặng lẽ. Đã có hàng trăn ngàn người việt Nam chấp nhận cái chết, vùi chôn vực sâu. Biển Đông là nghĩa địa, nơi an nghỉ cuối cùng của thuyền nhân kém may mắn.
    Có một lần hải tặc xách bổng con trai tôi lên, chân cháu chỏi lia lịa mà khóc không ra tiếng, hắn định quăng cháu xuống biển. Tôi chạy tới ôm chầm lấy hắn khóc rống lên, la thật to: “ Con tôi! Con tôi !” Hắn quăng trở lại sàn nghe cái bịch. Tôi ôm chầm lấy con mà khóc như chưa bao giờ được khóc. Dù bị hành hạ nhưng nếu ở lại Việt Nam, con sẽ trách mẹ suốt đời. Nghĩ vậy tôi tự tìm lấy sự yên ổn trong tâm hồn.
    Lần cướp biển thứ tám, không còn gì nữa để chúng vơ vét. Chúng bèn đục gỡ máy tàu. Mạng sống con người như chỉ là mành treo chuông. Chiếc ghe chỉ còn trôi dạt theo chiều gió biển đẩy đưa. Bỗng tôi nghe có tiếng con gọi: "Mẹ ơi ! Có ông già râu dài kéo chiếc ghe đi”. Tiếp theo là một tiếng “rầm!”. Chiếc ghe tròng trành suýt lật ngang. Mọi người nhốn nháo. Nhìn thấy trước mũi ghe là một hòn đảo nhỏ. Mọi người dìu nhau lên tảng đá lớn. Suốt đêm ai nấy đều run lập cập, nhìn lại chiếc ghe từ từ chìm xuống, như biết mình đã làm tròn phận sự.
    Bình minh vừa ló dạng, có người khám phá bên trên là đất liền. Chúng tôi may mắn gặp được đôi vợ chống trẻ người Thái Lan đang hưởng tuần trăng mật. Họ nấu cho một nồi cháo lớn với một chai nước mắm hiệu con mực. Nhờ chút cháo, hai con tôi từ từ tỉnh lại. Cậu người Thái đưa chúng tôi đến chính quyền địa phương làm nhiều chuyến bằng chiếc ca nô. Chính quyền địa phương lấy những chiếc xe dùng chở heo đưa chúng tôi đến trại tị nạn Cong –Sa Mui. Chung quanh trại này được rào bằng dây kẽm gai. Cảnh sát Thái rất ác độc, đánh đập thuyền nhân đến u đầu, chảy máu... mỗi khi khám xét, bắt bẻ là làm vệ sinh trại không sạch. Chúng tôi ăn cơm gạo sâu mọt, hôi mốc với khô mục. Mỗi khi tắm giặt chờ mọi người đi ngủ hết mới dám thoát y. Trại này có rất nhiều muỗi. Đêm ngủ mà để tay chân lộ ra vành mùng, muỗi đeo đến cắn cổ tay như đeo xâu chuỗi đen.
    Rồi một ngày xe bus chuyển thuyền nhân đến trại tị nạn Songkla. Đến nơi nhưng chưa được vào ngay. Chúng tôi phải ngủ qua đêm trên sạp gỗ chợ Thái ngay bờ biển. Nhìn biển gần, tôi nhớ biển xa. Chiều tàn trên bờ biển lờ trôi. Chim bay về chân núi xa với mà cứ tưởng bay về quê hương tôi. Nghe những làn sóng vỗ vào bờ rì rào âm vang như điệu nhạc buồn ! “ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ !”. Sau khi làm xong tất cả mọi thủ tục giấy tờ, chúng tôi được gọi lên nhập trại.
    Tôi tình nguyện làm trong nhà bếp của “Children Center”do cha Joe đảm trách. Trung tâm này gồm có một trăm bốn mươi ba trẻ em. Đa số là mồ côi, cha mẹ chết trên đường vượt biển. Tôi nấu cơm bằng bếp than cho từng ấy cháu ăn, món ăn thay đổi mỗi ngày. Rồi rửa chén, dọn dẹp linh tinh. Làm vệ sinh sạch sẽ trong nhà bếp. Tình yêu trẻ trong hoàn cảnh đau thương này giúp tôi làm việc không biết mệt mỏi mà vui.
    Sau bốn tháng được chuyển trại đi Bangkok để khám sức khoẻ. Tôi không phải là người sanh ở đảo, cuộc đời lại trôi nổi từ đảo này sang đảo khác. Songkla, Panat Nikhom, Ga Lang II (Indonesia)...Những dãy ba-rắc cất thứ tự bên nhau, phần trên để ngủ, phía dưới làm nhà bếp, bàn ăn, họp bàn chuyện trò cho đỡ nhớ nhà. Ngoài giờ học tiếng Anh tôi tình nguyện làm ở bệnh xá, giúp đỡ bệnh nhân. Cuối tuần thướng rủ nhau hai ba gia đình đi cắm trại ven bờ biển. Tuy không có món ngon vật lạ, tôi cũng biết chế biến những đồ hộp được lãnh thành món ăn hợp khẩu. Đó là niềm hạnh phúc của tôi.
    Tình đồng hương biết yêu thương lẫn nhau, chia xẻ từng bó rau muống chính tay cuốc đất trồng. Trống trọt tưới nước. Biếu nhau những con cá tươi bé nhỏ vừa mới bắt được. Tổ chức tiệc nhỏ để tiễn đưa những ai có tên định cư ở các nước tự do. Tại sân tầu để chuyển người sang phi trường Singapore, tiễn người đi chưa bao giò buồn thế, kẻ ở người đi lưu luyến, vui buồn lẫn lộn.
    Mỗi kỷ niệm là một bức ảnh, làm thành một quyển “Album”, lưu lại tất cả sinh hoạt của tôi trên khắp nẻo đướng tị nạn. Mà ngày nay bạn Việt cũng như bạn Mỹ được xem qua, ai cũng đều nói giống như người “tourist”, không giống dân tị nạn tí nào.
    Vận nước tôi rủi mất tự do, những cũng may cho nước tôi trong thế kỷ thứ hai mươi mốt này có thêm biết bao nhân tài làm vẻ vang dân tộc. Nhờ trời thương ba đứa con tôi cũng đã tốt nghiệp, với một mảnh bằng MD,PhD, và hai cháu đã có bằng MD, đều tốt nghiệp Đại Học Harvard.
    Tôi tin tưởng hầu hết nhân tài sẽ trở về cố hương, góp phần xây dựng lại một nước Việt Nam tự do, dân chủ, và phú cường.
    

Kết Thúc (END)
Diễm Kiều
» Bỏ Nước Ra Đi
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết
» Xác Ngọc Lam