Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Long Đong Tác Giả: Bạn Hiền    
    Con đường từ Bắc hà ra Củ chi sao hôm nay dài thế, hai đứa đi như chạy trong cái nắng sớm của mùa hè, cái nắng chưa đủ làm cho cát dưới chân nóng ran lên. Có thể nói Bắc hà là trại định cư duy nhất được thiết kế và xây dựng trên một khu cát. Dọc đường một số bạn cùng lớp cũng đang đi về hướng Củ chi, thỉnh thoảng có vài cậu cưỡi xe đạp qua mặt, bóp chuông inh ỏi.
    Khuôn viên trường tiểu học Củ chi hôm nay đông nghẹt với đám trẻ và thân nhân đến nghe kết quả kỳ thi tiểu học năm 1959. Trường tiểu học Củ chi là một trong những trường lớn của quận Hóc môn nên là trung tâm thi tiểu học cho cả vùng. Nguyên và Đĩnh cũng len lỏi được vào tận gần cột cờ để chờ đợi nghe kết quả. Nguyên rất hồi hộp lo lắng vì hôm đi thi cậu bé bị bịnh nặng, nhất là hôm thi hát và học thuộc lòng thầy giám khảo bằng lòng cho Nguyên viết bài hát Hè về và bài học thuộc lòng Nhớ rừng vì Nguyên bị đau cuống họng, không thể nói năng gì được.
    Bài hát Hè về bắt đầu với Trời hồng hồng, sáng trong trong ngàn phượng rung nắng ngoài song … mà Nguyên đã luyện tập rất lâu. Chính bài hát này Nguyên đã được thầy Thanh cho hát giúp vui khi đức Giám mục Simon-Hoà Hiền về thăm xứ Bắc hà vài tuần trước khi thi. Với sự chuẩn bị, tập dượt và đã thực sự được trình diễn thì khi thi chắc chắn là sẽ được điểm cao, vậy mà Nguyên không hát được lúc thi, thật là uổng.
    Còn bài thơ Nhớ rừng nữa, Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ, thuở tunh hoành hống hách những ngày xưa … mà Nguyên cũng đã nghiền ngẫm hoài để cho ngày thi, vậy mà tới ngày thi thì chuyện đã không được như ý muốn. Mẹ Nguyên bảo đùa là “gà nuôi tới ngày đi đấu thì gãy cựa”.
    Ông Hiệu trưởng trường tiểu học Củ chi, đồng thời là Chánh chủ khảo khoá thi cầm một xấp giấy đánh máy sẵn, từ văn phòng đóng kín, bước ra chân cột cờ. Ông nghiêm chỉnh công bố kết quả kỳ thi tiểu học năm 1959. Có lẽ ông phải nói lớn hơn bình thường rất nhiều vì lúc đó trường không có máy phóng thanh.
    Lần lượt ông chánh chủ khảo đọc số ký danh, rồi tên. Trong khi có những cô bé, cậu bé nhảy lên vui mừng khi nghe tên mình thì đó đây cũng có những cô bé, cậu bé im lặng hoặc bật khóc khi số ký danh người kế tiếp lớn hơn số ký danh của mình.
     Ba mươi tám Đào văn Đĩnh
    Đĩnh ôm chầm lấy Nguyên khi nghe tên mình làm Nguyên càng hồi hộp hơn. Tại sao bố mẹ đặt tên cho mình là Nguyên để phải chờ đợi như thế này. Giá bố mẹ đặt tên cho mình là A thì đỡ biết mấy, thế nào tên mình cũng đứng đầu danh sách. Mà biết đâu tên A lại không có trong danh sách ngay từ đầu, chắc phải độn thổ thôi. Nếu nghĩ là rớt thì chọn vần Y tốt hơn, để tên mình được đứng cuối, để nếu mình không có tên có lẽ cũng chẳng ai để ý.
     Một trăm mười bảy Nguyễn Công Nguyên
    Nguyên chợt thấy tim mình đập nhanh hơn, ôm lấy Đĩnh, cậu bé nói
    - Tao cũng đỗ rồi, thôi chúng mình về.
    Đĩnh chưa muốn về, rủ Nguyên ở lại cho đến khi ông chánh chủ khảo đọc đến tên cuối cùng.
    Từ ngày về Việt Nam, vào học trường trung tiểu học Minh Tân, Nguyên chỉ chơi thân với Đĩnh. Đĩnh hơn Nguyên đến 3 tuổi nhưng tình bạn giữa hai người vẫn thắm thiết, mặc dù đôi lúc Đĩnh cho Nguyên là trẻ con. Nhà Đĩnh có một tiệm vải rất lớn ở Bắc hà và thuộc gia đình có máu mặt của trại định cư này. Nhà Nguyên thì nghèo, khi mẹ con Nguyên về Việt Nam vì không có nhà để ở nên mẹ Nguyên thu xếp ở chung với một người chị họ của bà. Ngay từ ngày đầu tiên Nguyên vào trường Minh Tân, Nguyên đã được Đĩnh giúp đỡ tận tình từ cái bút tới cuốn vở Đĩnh cho mượn mà không bao giờ đòi; khi Nguyên trả Đĩnh chỉ bảo “cứ để đấy”. Phần vì nhớ ơn Đĩnh, phần vì Nguyên cũng chẳng muốn chơi với ai nên cuối cùng Nguyên chỉ có Đĩnh là người bạn thân ở Bắc hà.
    Hai đứa dẫn nhau về, lúc về có đông bạn bè cùng lớp và có cả thầy Thanh nữa. Thầy không ngồi trên xe đạp mà dẫn bộ xe cùng với đám học trò. Những câu chuyện vui được chuyền nhau nổ ran đã làm cho quãng đường về như ngắn lại. Thầy Thanh rất vui vì năm đó 34 trong số 47 học trò của thầy đỗ tiểu học.
    Khi về đến nhà Đĩnh, Đĩnh bảo Nguyên vào chơi đã nhưng Nguyên nhất định về. Nguyên phải đi vào rừng cao su để báo cho mẹ biết tin vui này chứ. Mẹ Nguyên đang cạo mủ cao su, thấy con đến bà biết ngay là có chuyện vui, bà khoe con với mấy người cùng làm việc rồi xin về sớm, bà không quên nhặt những nhánh cây dưới đường về làm củi. Lần nào cũng vậy hễ có việc làm trong rừng là thế nào bà cũng mang về một ít củi, có khi cả một gánh, đủ dùng cho việc nấu nướng vài ngày.
    Đầu năm học 59-60, Nguyên vào lớp đệ thất ở Minh Tân. Học phí đang từ năm chục tăng lên trăm mốt là một sự lo lắng lớn của mẹ Nguyên. Bố Nguyên viết thư về nói việc làm của ông bi đát hơn và có ý định về Việt Nam làm mẹ Nguyên càng lo lắng vì trước đây, do không tìm ra việc ở Việt Nam bố Nguyên mới phải bỏ xứ ra đi. Bà biết khi các con lớn lên, muốn cho các con học đàng hoàng phải tốn kém, ở Bắc hà này chẳng có công việc gì mà làm, làm phu cạo mủ cũng chỉ có muà, ăn lương công nhật; nên bà quyết định mang các con ra Saigon, hy vọng thế nào thì cũng dễ xoay sở hơn.
    Nguyên có ba người em nhưng chỉ còn hai. Ngày xưa khi mới chỉ có mình Nguyên, hễ bố Nguyên đổi đi đâu là mẹ mang Nguyên theo đó, đời lính. Bố Nguyên đi lính cho Pháp vì không có con đường nào khác. Là nông dân trong một vùng xôi đậu, vùng mà người ta nói “ngày mông-siơ, đêm đồng chí”, ông không bị Việt Minh hỏi thăm thì cũng bị Pháp bắt lên huyện có khi hàng tuần. Trước ngày chấm dứt cuộc chiến, đơn vị của ông tan rã, ông trở về quê và bị chính quyền bắt như một người đào ngũ. Khi đất nước chia đôi, chính quyền mới coi ông như kẻ thù vì đã đi lính cho Pháp nên ông đã quyết định mang gia đình vào Nam. Gia đình Nguyên là một trong những gia đình cuối cùng từ Bắc vào Nam năm 1955.
    Sau thời gian nhận viện trợ lúc đầu, và sau khi xây dựng xong trường Minh Tân, do không tìm ra việc gì khác, bố Nguyên quyết định đi xứ khác làm ăn và mang gia đình sang Vientiane. Sau một thời gian ngắn, cả gia đình chuyển đi Luang Prabang rồi Xieng Khoang. Nguyên phải chạy trường như chạy chợ, thậm chí có chỗ không có lấy một trường học, do đó bố mẹ Nguyên thấy cần phải cho các con về lại Việt Nam, về lại chỗ mà gia đình đã đến định cư lúc ban đầu.
    Ngày rời Bắc hà Nguyên cũng chẳng nói với Đĩnh vì cậu bé đâu có biết những quyết định của mẹ. Năm tuần lễ sau Đĩnh lên Saigon và cùng với người chị lớn ghé thăm Nguyên. Lúc đó Nguyên chưa đi học lại, Đĩnh bảo Nguyên về lại Bắc hà ở nhà Đĩnh bố mẹ Đĩnh sẽ lo cho, nhưng mẹ Nguyên nói chuyện đó không dễ dàng như Đĩnh nghĩ và gởi lời cám ơn gia đình Đĩnh.
    Ngày đầu tiên vào Phạm Ngũ Lão, một trường trung học vỏn vẹn có 8 lớp từ đệ thất tới đệ tứ, Nguyên cảm thấy thật xa lạ. Điều làm cho Nguyên lạ hơn là các thầy cô dạy đều bao môn. Minh Tân là một trường xa Saigon trên dưới 40 cây số mà còn có thầy (không có cô nào cả) dạy riêng từng môn. Hầu như tất cả thầy dạy ở Minh Tân đều đến từ Saigon, do cha Du gọi về dạy. Cha Du là người rất khéo léo, ngay cả ngôi trường khang trang với hàng chữ “Minh Đức Tân Dân” trạm nổi trên cổng cũng do cha xin một tờ báo ở Paris xây tặng.
    Học ở Phạm Ngũ Lão chưa được 2 tháng thì trường đóng cửa vì ông thư ký trường, sau khi thu tiền học đã mang tiền bỏ đi Nha Trang. Nguyên phải chuyển sang Lê Bảo Tịnh. Sở dĩ mẹ Nguyên cho Nguyên học Phạm Ngũ Lão lúc đầu vì lớp đệ thất ở đó có 110 đồng một tháng trong khi bên Lê Bảo Tịnh đến 130 đồng một tháng. Trường Lê Bảo Tịnh lớn hơn trường Phạm Ngũ Lão rất nhiều, đây là một trường tôn giáo, các nghi thức công giáo không xa lạ với Nguyên vì cậu bé là dân đạo gốc và đã từng theo học một số trường đạo từ nhỏ.
    Không tìm được việc làm chắc chắn, một lần nữa mẹ Nguyên lại quyết định mang con đi Xóm mới nơi bà có một người dì đang sinh sống. Gia đình bà dì làm nghề trồng rau, mẹ Nguyên mua luôn những luống rau tới ngày thu hoạch rồi bó thành từng bó, mang bỏ mối các chợ, từ Bà Chiểu tới Phú Nhuận. Công việc bỏ mối này tuy phải thức khuya dậy sớm và cũng đủ sống nhưng vẫn không chắc chắn. Nguyên được cho vào trường Dũng lạc, đây là lớp đệ Thất thứ tư trong niên khóa. Tổng cộng cậu bé mới chỉ học chừng năm tháng và ngày hè đã sắp tới, không biết năm tới nhà trường có cho lên lớp hay không.
    Nghề nông ở Việt Nam nói chung tuỳ thuộc vào thời tiết rất nhiều, tuy hai mùa thuận mưa thuận nắng nhưng người làm vườn, làm ruộng cũng không thể giàu được ngọai trừ những đại điền chủ. Những buổi tối thức khuya bó rau và những buổi sáng sớm mang rau ra chợ cũng không đủ xoay sở cho cuộc sống gia đình, nhất là Nguyên cần phải có chỗ học nhất định. Mẹ Nguyên nghĩ mãi không ra kế, cuối cùng phải nhờ đến em ruột mình để gửi con và trước muà hè năm đó Nguyên khăn gói quả mướp với đúng nghĩa của nó, ngồi sau xe mobillete của ông Đức từ Xóm mới về Ngã năm Bình Hoà.
    Ông Đức là em ruột của mẹ Nguyên, nhỏ hơn mẹ Nguyên 4 tuổi. Mẹ Nguyên rất thương em và ngược lại ông Đức cũng rất thương chị. Ngày xưa mặc dù sinh sống ở Hà nội ông bà ngọai của Nguyên chỉ cho con trai đi học, mẹ Nguyên chỉ được đi học với em hai năm đầu, chủ yếu là đi trông nom em. Những năm sau dù nhà không đến nỗi nào do ông ngọai Nguyên làm y tá ở bệnh viện Bạch mai, nhưng vẫn không cho con gái đi học. Tới lúc con cái khôn lớn ông đã quyết định rời Hà nội về quê xây nhà tậu ruộng và giữ gìn mồ mả tổ tiên. Ông Đức nối nghiệp cha, làm y tá ở bệnh viện Nguyễn Văn Học.
    Chỉ còn ít tuần là nghỉ hè nên ông Đức bảo Nguyên ở nhà lấy sách vở ra ôn, năm tới xin vào lớp đệ Lục trường Đạt đức. Một hôm đi làm về ông Đức gọi Nguyên bảo:
    - Chuẩn bị áo quần sách vở để ngày mai đi học.
    Nguyên chưa biết tại sao ông Đức lại có quyết định cho Nguyên đi học vào lúc nghỉ hè này. Hôm sau, ông Đức đi làm trễ, dẫn Nguyên đến trường Canh tân trên đường Phan Văn Trị để học luyện thi vào đệ thất trường công. Đúng là lớp dạy luyện thi, trong 6 tuần ở Canh tân, Nguyên đã học cách trình bày bài, cách giải bài và được cho giải những bài mẫu của các kỳ thi trước đó. Lối dạy thật hiệu quả và cũng có thể do may mắn, năm đó Canh tân tự hào là có nhiều học sinh đỗ hạng cao vào các trường trung học Saigon – Gia định. Trong cái may và cái tự hào của Canh tân, Nguyên cũng được tham dự một phần vì cậu bé đã đậu vào trường công.
    Hôm đi thi về, bài luận văn thì không kể, đề bài hỏi “thú đọc sách và coi xi-nê thì chọn thú nào” là bài tủ của Canh tân nhưng bài toán thì được đưa ra tranh cãi khá nhiều. Không biết các thầy cô ở Canh tân thấy thế nào nhưng có một ông thầy ở Đà nẵng về nghỉ hè, sau khi xem bài nháp của Nguyên đã cho rằng bài làm của Nguyên không được đúng lắm. Ông Đức thở dài khi nghe tin ấy và bảo Nguyên:
    - Thôi, nghỉ vài tuần nữa rồi xin vào Đạt đức.
    Nguyên buồn một chút vì thấy sự thất bại của mình, nhưng cậu bé quên ngay và nghĩ đến năm học tới đây phải đạp xe đạp theo cô Dung đến trường Đạt đức học. Cô Dung có họ hàng rất gần với mợ của Nguyên, có lẽ cô học trễ mấy năm vì lúc đó cô còn đang học đệ Tứ. Cô Dung rất có cảm tình với Nguyên, có thể cái ngoan ngoãn và vẻ chịu đựng của Nguyên làm cho cô thương hại và quan tâm săn sóc như một đứa em nhỏ.
    Sau cơn mưa buổi chiều, đường còn ướt sũng, Nguyên đi bộ từ nhà đến trường Hồ Ngọc Cẩn coi kết quả, nghe nói kết qủa đã treo từ ngày hôm qua và ông Đức vì không tin tưởng nên chẳng thèm nhắc cháu đi coi. Nhìn thấy tên mình trên tờ giấy đánh máy, dán trong một khung gỗ có phủ lưới sắt như lưới chuồng gà, Nguyên rất mừng. Hơn một năm trước đây khi đi nghe kết quả thi tiểu học, Nguyên thấy có vẻ quan trọng hơn, có lẽ do sự chuyển cấp của quá trình học tập. Nguyên đâu có biết rằng đậu và không đậu vào trường trung học công nó có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời của một người.
    Nguyên về đến nhà thì ông Đức chưa đi làm về, Nguyên thưa với mợ nhưng bà Đức có vẻ không tin cho lắm và bảo đợi cậu về chở đi coi lại. Khi ông Đức vừa về đến nhà, Nguyên đã nhanh nhẩu nói ngay:
    - Cháu đỗ vào trường công rồi.
    - Sao cháu biết? Ông Đức hỏi,
    - Cháu mới đi xem chiều nay.
    Bà Đức bảo với chồng là cháu về có thưa chuyện và bà bảo đợi cậu về chở đi coi lại.
    Ông Đức bảo Nguyên lên xe đi coi lại kết quả, ông nói có lẽ Nguyên “trông gà hoá cuốc” nhưng Nguyên khẳng định với cậu là đúng tên, đúng tất cả. Hai cậu cháu dựng xe rồi đến khung bảng kết quả, Nguyên chỉ ngay cho ông Đức trang có tên mình, ông Đức xem xong nhưng vẫn chưa tin, ông dò lại một lần nữa rồi nói:
    - Chắc mẹ cháu mừng lắm, vì còn được học bổng nữa đấy.
    Được học bổng? Nguyên không mường tượng ra nó như thế nào nhưng chắc nó đem đến cho Nguyên một cái gì đó mà ông Đức nói là mẹ sẽ rất mừng. Để trang trải việc ăn học cho con, mẹ Nguyên hàng tháng gửi đến em mình một số tiền, Nguyên không biết là bao nhiêu nhưng nếu học trường tư mẹ Nguyên sẽ phải lo lắng nhiều hơn vì không muốn làm phiền em mình nhất là em dâu mình.
    Về đến nhà, trong lúc thay đồ chuẩn bị cơm chiều, ông Đức nói với vợ:
    - Mai dẫn cháu đi may đồng phục cho nó, nó đã đậu và còn được học bổng nữa đấy, chắc mẹ nó mừng lắm.
    Bà Đức cũng mừng cho cháu. Bà có mấy đứa con còn nhỏ đang học tiểu học, bà mong các con bà cũng đều thi đỗ vào trường công và được học bổng hết thì tương lai của chúng và của gia đình sẽ sáng sủa hơn.

Kết Thúc (END)
Bạn Hiền
» Lối Đi Của Nắng
» Ánh
» Xáo Trộn
» Một Lần Về
» Liên
» Long Đong
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Quà Giáng Sinh
» Người Dưng Làm Má
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Bầu Trời Của Người Cha
» Đời Khổ