Thằng Đưc nói nhỏ vào tai tôi: "Chút nữa, giờ ra chơi, mày đưa hộ bức thư của tao cho Hằng nhé". "Hằng nào?". Tôi làm bộ ngờ nghệch hỏi. "Con Hằng lớp E đó!". "Hằng đen ấy à? Thế mày trả công tao cái gì?". Hắn hấp háy mắt: "Thì cứ xong việc đã". Nói xong hắn lủi mất. Con Hằng thì tôi thừa biết, nó đen nhèm, tóc lại hoe vàng, dân biển có khác. Vậy mà chẳng hiểu sao thằng Đức lại kết cô ả? Thằng Đức học không giỏi nhưng có tài thi phú văn chương. Nó làm thơ thì hay tuyệt, đến thầy dạy văn cũng phải công nhận, còn lũ con gái thì chép thơ của nó đầy sổ tay. Tôi cũng chép ít bài và cố tập làm thi sĩ nhưng chịu chẳng thế nào rặn ra nổi nửa câu thơ. Thằng Đức thường bảo: "Phải có sự rung cảm mới làm thơ được". Chắc là giờ đây nó đang "rung cảm" con Hằng.
- o O o -
Giờ ra chơi, tôi tìm con Hằng đen để trao thư của thằng Đức. Ả trố mắt nhìn tôi: "Tui không quen biết ông Đức nào hết, không nhận". Tôi ngần tò te, không lẽ lại đem về! Mà đem về thì còn ra cái thể thống cống rãnh gì nữa. "Đức thi sĩ lớp F ấy". "Tui đã bảo tui không biết cái ông thi sĩ, thi khỉ nào cả". "Bà xạo...". Tôi nhìn thẳng vào mắt con Hằng, xem nó nói dối hay nói thật. Có lẽ nó nói thật vì ánh mắt có vẻ cương quyết lắm. Tôi thở dài, tình huống trớ trêu này tôi không lường trước được. "Người ta thưởng bao nhiêu để làm chim xanh?". Tự nhiên con Hằng đổi giọng khiêu khích. Tôi ngớ người, cô ả này tìm cách mạnh mẽ, chẳng phải lại yểu điệu thục nữ. Hay là thằng Đức kết cái tính sư tử Hà Đông của ả? Nghĩ đến đây tôi phì cười. "Ông cười cái gì?". Con Hằng đen quắc mắt. "Tôi cười chàng thi sĩ lớp tôi đã rung cảm nhầm đối tượng". Con Hằng nghiêm mặt lại, quả thật nó tuy hơi đen nhưng nom cũng dễ thương. "Tui không đùa!". Rồi nó quay lưng đi thẳng.
- o O o -
Tôi thất thểu về, mang bộ mặt đưa đám trình bày lại "hoàn cảnh" với thằng Đức. Hắn thộn mặt ra một chặp rồi mới nói: "Thua keo này ta bày keo khác, lo gì?". Hôm sau, hắn lại đưa tôi một bức thư khác bảo đưa tới con Hằng. Bất đắc dĩ, tôi lại phải làm chim xanh cho hắn. Lần này con Hằng đen cũng không nhận. Rồi lần thứ ba, thứ tư... đến lần thứ bảy thì tôi không còn đủ kiên nhẫn để giải thích với con Hằng, và con Hằng cũng chẳng đủ kiên nhẫn để nghe tôi nói. Tôi đứng đực ra, lá thư của thằng Đức cứ mân mê trên tay, chẳng biết nên đưa cho con Hằng hay lại nhét vào túi đem về như những lần trước. Thấy vẻ mặt tội nghiệp của tôi, con Hằng dịu giọng: "Tui khuyên ông đừng làm cái chuyện dã tràng xe cát". "Nhưng tôi lỡ nhận thù lao của người ta rồi". Tôi giả vờ. "Thù lao gì?", con Hằng nheo mắt ra chiều khi dễ. "Hai dĩa gỏi đu đủ". "A! Thứ này tui cũng khoái lắm. Mà các ông thường ăn ở quán nào?". "Quán bà tư béo". "Đấy là quán ruột của tui". Không ngờ câu chuyện chuyển hướng sang chiều thuần lợi, phấn khởi, tôi tới luôn: "Hằng mà nhận thư, thằng Đức hứa thưởng tôi năm dĩa, tôi sẽ nhường Hằng ba dĩa". "Xì, ông tưởng tôi ham ăn lắm hả?". Nói thế, nhưng tôi thấy thái độ của con Hằng đã khác, không như lần trước. "Thôi được, tui thấy ông đàng hoàng, tui nhận bức thư này. Nhưng mà vì ông chứ không phải vì cái tên thi khỉ dở hơi nọ".
- o O o -
Tôi đem tin khải hoàn về. Thằng Đức mừng quá, mặt nó tráng bệch ra vì xúc động. Chờ cho cơn "cảm khái" của nó ngôi ngoai, tôi mới bảo: "Bây giờ tính sao cái chuyện gói đu đủ kia?". "Chuyện nhỏ". Rồi nó nhét vào túi tôi ít ngàn. Chiều đó, sau giờ học phụ đạo, tôi qua lớp E rủ con Hằng đi ăn gỏi. Dĩ nhiên nó chẳng chối từ (tôi đã nói trước rồi mà, con Hằng chẳng phải loại yểu điệu thục nữ). Khi đi, nó còn kèm "trẻ em" - hai ả sư tử khác. Sự tính toán của con Hằng buộc tôi cũng phải... toan tính. Ăn mới hết một dĩa, tôi vờ vịt: "Hôm nay sao gỏi tệ quá, không thèm ăn nữa". Ba ả sư tử nhìn nhau, rồi con Hằng dõng dạc: "Nhưng tui phải làm đúng ba đĩa mới đủ đô". Hai ả sư tử kia cũng đồng thanh "So am I". Nhìn ba ả ăn ngon lành, tôi cứ lo ngay ngáy. Hầu bao của tôi chỉ đủ trả cho sáu dĩa là cùng. Đằng này "phát sinh" tới mười dĩa mà không chừng ăn gỏi xong các ả lại "sáng kiến" ra đòi uống nước mía tráng miệng thì tôi chỉ còn có nước gởi lại xe đạp cho bà Tư béo. Quả nhiên, vừa ăn xong gỏi con Hằng đã kêu thêm bốn ly nước mía. Mồ hôi tôi bắt đầu túa ra mặc dù tôi ngồi ngay chổ quạt điện. "Ông trúng gió à?". "Đâu có...". "Sao mặt ông xanh lè?". Có lẽ, mặt tôi xanh thật. Tôi ngồi im, không dám ngọ nguậy, chưa bao giờ tôi thấy nước mía nhạt như hôm nay. "Tính tiền cho tụi con, cô Tư". Con Hằng lại dõng dạc. Chẳng đặng đựng, tôi đứng dậy: "Để tôi...". "Thôi đi ông chim xanh, tui biết ông chẳng đủ tiền, bữa nay tui bao, bữa khác đến lượt ông".
- o O o -
Tôi thuật lại chuyện cho thằng Đức nghe, hắn có vẻ lo lắng: "Lỡ đâm lao rồi, phải leo theo, đúng không mày?". Tôi gãi đầu: "Đúng vậy, nhưng mà tao lỗ tiền ăn sáng". Thằng Đức cười như mếu. Vì bạn bè, tôi lại cần mẫn làm chim xanh cho chàng thi sĩ tội nghiệp , lại thường xuyên đi ăn gỏi với ba ả tố nga kia. Thật ra, đến giai đoạn này, tôi mơ hồ cảm thấy tôi có cái gì khang khác. Trong mắt tôi, con Hằng có duyên và ăn nói dễ thương hơn, hình như nó không còn đen mấy. Thậm chí tôi còn nằm mơ thấy con Hằng... Đến một hôm, sau khi trao thư của thằng Đức, con Hằng nhìn tôi bằng ánh mắt rất lạ, giọng nó chùng xuống: "Ông giáp à, tôi cứ mong những lá thư này không phải của tên Đức nào đó". Tôi sững sờ chưa kịp phản ứng thì con Hằng đã vụt đi. Lời của Hằng, ngu đến mấy tôi cũng phải hiểu. Và tôi cũng phải nói cho thằng Đức hiểu. Tội nghiệp, thằng Đức nghệch mặt ra, chẳng biết nó nghĩ gì.
Kết Thúc (END) |
|
|