Buổi sáng thứ Tư trong tuần mà điện thoại trong phòng làm việc của hắn reo liên tục, vừa hết cú này sang qua cú khác! Trong lúc hắn đang tìm mọi cách để giải quyết trục trặc hệ thống server của một khách hàng “nặng ký” qua điện thoại thì thằng Quản Đốc tới bảo là lên văn phòng gặp hắn sau khi giải quyết xong vấn đề của khách. Hắn giật mình nhưng đang nói chuyện với khách nên gật đầu ra dấu “nhận hiểu” và tiếp tục cuộc điện đàm.
Gác máy điện thoại xong, hắn ôn lại cuộc điện đàm vừa qua để kiểm soát thử mình có nói điều gì vi phạm “guideline” của hãng hay không. Chuyện “lỡ lời, thiếu kiên nhẫn, mất bình tĩnh” với các ông bà nội khách hàng cứng đầu, ta đây, mất lịch sự vẫn không tránh khỏi mặc dù công ty đã có những biện pháp nghiêm cấm nhân viên làm mất lòng khách hàng ở bất kỳ hoàn cảnh nào, khía cạnh nào hoặc hình thức nào. Tất cả các kỹ sư trong Technical Depatment này đều được cấp trên tặng cho những “sản phẩm” làm bằng mủ nhẹ, để “hả giận” nếu gặp nhằm những khách hàng khó ưa, xấc láo. Dù vậy, chuyện các “ngài kỹ sư” đá thùng rác, dộng bàn, dộng vách, hoặc những tiếng kêu trời sau khi “mute” đầu dây điện thoại, rồi vò đầu bứt tóc, than vãn như bọng vẫn xảy ra trong “khu phố” như cơm bữa... Gọi là “khu phố” vì mỗi giám thị trông coi một khu, có khoảng chừng 20 văn phòng lỡ (partition) nằm sát vách nhau. Công ty có “auditting department” để kiểm soát tất cả các cuộc điện đàm của nhân viên với khách hàng. Rất nhiều khi giám thị hoặc quản đốc cũng theo dõi nhân viên dưới quyền tại văn phòng của họ. Việc Giám thị hoặc Quản đốc bỗng nhiên xuất hiện mời lên văn phòng cũng không phải là điều xa lạ gì đối với nhóm kỹ sư trong department này. Bản thân hắn cũng đã vài lần bị sao quả tạ. Nhất là có một lần thằng khách hàng trời đánh gọi hắn là “stupid Chinaman”! Vốn liếng tiếng Mỹ của hắn đâu có tệ nhưng có lẽ nước mắm đã ướp đầu lưỡi hắn cứng cáp hơn nên dù có sửa đổi cách mấy cũng không thể qua mặt những người sành sõi âm giọng ngoại quốc. Ngoài ra, lâu lâu cũng có đồng nghiệp chửi khách hàng thẳng tay, chửi luôn cấp trên xong tự động ra về nghỉ việc. Ôi! Cái thời buổi thị trường Computer cạnh tranh nhau một cách gắt gao; thời buổi mà các công ty điện toán đua nhau đưa “job” ra nước ngoài để có thể cắt giảm chi phí tối thiểu, để có thể hạ thấp giá thành sản phẩm tối đa mong bảo tồn market share, quả thật vô cùng chua cay cả cho chủ lẫn người làm. Ôi! Quả là thời buổi gạo châu củi quế!
Dò đi dò lại không thấy có vấn đề gì rong những cuộc điện đàm từ sáng tới giờ, hắn yên tâm logged out, đứng lên đi về phía văn phòng. Vừa đi vừa suy nghĩ lung tung. Không biết có chuyện gì đây, không lẽ được báo tin nghỉ việc?!? Không thể thế được mặc dù công ty đang dần dần sa thải nhân viên! Không thể có chuyện sa thải hắn trong lúc department còn quá nhiều đồng nghiệp “non tay ấn”, nhiều nhân viên có tiếng lười biếng, hoặc có thành tích “con rùa”! Hắn nghĩ là hắn sẽ phải là nhóm người ra đi cuối cùng của department nếu việc cắt giảm nhất định phải xảy ra. Hắn tự tin lắm vì ngoài tài giải quyết vấn đề cho khách hàng nhanh chóng, giải quyết nhiều vụ khó khăn mà nhóm kỹ sư “tiền tuyến” đầu hàng. Hắn lại có thâm niên công vụ nữa, đã từng được nhiều tưởng thưởng từ cấp trên với thành tích siêng năng - không bao giờ từ chối làm giờ phụ trội, làm cuối tuần; tình nguyện làm ngày lễ hoặc có ai yêu cầu làm thế - Hơn thế nữa, hắn đã từng được tuyên dương là “nhân viên xuất sắc của tuần, của tháng” - mặc dù cũng có vài lần bị giám thị bắt gặp quả tang hắn đang ngồi miệt mài viết email riêng tư mà không bị khiển trách. Trên tất cả những điều như đã kể, hắn còn hơn đồng nghiệp về tính tình vui vẻ lẫn chuyên môn. Luôn sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp khi họ gặp khó khăn dealing với khách hàng! Hắn đã có trong tay những chứng chỉ đòi hỏi trong ngành nghề; đặc biệt nhất, hắn đã lấy xong bằng MCSE (Microsoft Certified System Engineer) tháng rồi, sau hơn một năm dài miệt mài vừa học vừa ngủ gục sau giờ tan sở. Hắn hãnh diện lắm vì hắn là một trong số bảy người có bằng cấp này trong cả technical support department hơn hai trăm mạng. Trời ơi, thi xong bảy cái test khác nhau của cấp bằng này là cả một cố gắng phi thường cho một người vừa làm toàn thời gian, vừa đi học chứ phải dễ dầu gì đâu. Cả tháng nay hắn vẫn trông chừng bao giờ được tăng lương mặc dù có sự cắt giảm nhân viên đang xảy ra! Chỉ cách năm bảy năm trước, ai có được bằng MCSE cũng được bảo đảm số lương tối thiểu là sáu chục xấp. Dù bây giờ có phổ thông đi nữa, giá trị của nó cũng còn là niềm hãnh diện và phúc lợi cho người sở đắc trong lãnh vực điện toán. Hắn tự trấn an “không thể nào đâu” khi bước vào văn phòng Quản đốc.
Trong văn phòng đã có thằng Giám thị khu vực của hắn ngồi đó. Quản đốc lịch sự mời hắn ngồi đối diện với thằng Giám thị, xong tự đứng lên đóng cửa văn phòng. Dù việc đóng cửa văn phòng bao giờ cũng xảy ra để giữ riêng tư cho cuộc thảo luận, nhưng bỗng nhiên làm hắn hồi hộp lạ thường, nhất là không khí nghiêm trọng trong văn phòng lúc này. Hắn ngước mắt nhìn gương mặt của thằng Giám thị rồi hướng về phía người Quản đốc! Trong đầu hắn bỗng nhiên mất cả tự tin “không thể như thế được!” Anh chàng Quản đốc là một người Mỹ trắng khoảng 40 tuổi, bình thường nói năng nhã nhặn, lịch sư, tính tình phóng khoáng và vui vẻ. Từ lúc anh chàng về làm Quản đốc department này đến nay, cũng đã hơn bốn năm rồi, dường như hắn chưa bao giờ thấy anh chàng nghiêm nghị như hôm nay. Lòng hắn xao xuyến khi nghe anh chàng hỏi:
- Anh nghĩ là chúng ta sẽ nói chuyện gì hôm nay?
- Chắc chắn không phải tôi có vấn đề gì với khách hàng phải không?
- Cứ đoán đại thử (take a rough guess)!
- Tôi được tăng lương?
- Không! - anh chàng Quản Đốc tránh ánh mắt hắn.
- Các anh đừng nói với tôi là tôi sắp phải ký giấy nghỉ việc đó nha!
- Thật là điều không may mắn, nhưng đó là sự thật! – anh chàng Quản đốc nghiêm nghị.
Hắn mở to mắt như không nghe, không tin điều hắn vừa nghe:
- Tôi hy vọng các anh không đùa dai với tôi đấy chứ?
- Rất tiếc! – anh chàng nói giọng đưa đám - Chúng tôi cũng ngạc nhiên như anh!
- Tại sao? – hắn cao giọng như muốn gào lên.
- Lệnh của cấp trên và không có giải thích!
- Là Quản đốc, là Giám thị các anh hẳn phải biết họ cho nhân viên nghỉ việc dựa trên căn bản nào chứ?
- Chúng tôi ao ước có được câu trả lời thỏa đáng cho anh! Nhưng tôi biết chắc một điều anh cũng biết là department này sẽ dần dà đóng cửa. Việc chúng ta đang làm sẽ là việc của một công ty bên Ấn Độ mà anh đã giúp huấn luyện cho họ từ mấy tháng qua.
- Thì ra là vậy! Nhưng sao tôi lại là người đi sớm?
- Anh biết mà! Lương bỗng của mỗi người chúng ta bằng lương của năm, bảy ngườy kỹ sư bên Ấn Độ làm cùng công việc!
- Tôi thật sự không tin là tôi bị nghĩ việc vì lương cao. Các anh biết đó, tôi đã hoàn tất văn bằng MCSE mà vẫn chưa được tăng lương tương xứng!
- Nếu anh được giữ lại chắc là người ta phải trả lương tương xứng. Tôi chỉ đoán vậy thôi nha, và nên giữ điều đối thoại này tại văn phòng này.
- Tôi hiểu rồi!!! Department này trước sau gì cũng đóng cửa và người ta không muốn có thay đổi gì trong ngắn hạn?
- Không ý kiến!
Vừa nói, chàng Quản đốc vừa đưa ra xấp hồ sơ và chỉ cho hắn ký vào những nơi cần ký. Hắn ngỡ ngàng như người đi trong mộng, e dè cầm bút mà trong đầu vẫn tự hỏi tại sao. Vừa ký giấy vừa hỏi cả hai tên những câu hỏi không ai có câu trả lời. Liệu hắn có bị đối xử bất công, hay bị kỳ thị chủng tộc hay bị phân biệt tuổi tác gì không? Hắn chỉ là một trong hai người kỹ sư Việt Nam trong department này, mà anh bạn kia đã bị cho nghỉ cả tháng rồi. Sau cùng, cả hai ông xếp bắt tay và chúc hắn may mắn. Cho hắn biết là hắn từ từ dọn văn phòng, hắn vẫn được trả lương cho đến thứ Sáu. Chiều thứ Sáu, trước khi ra về, giao chìa khóa văn phòng và công việc cho Giám thị. Và còn nói thòng một câu:
- Nếu anh tin rằng anh bị đối xử không công bằng thì cứ liên lạc với sở lao động!
Điều phải đến đã đến!
Ai cũng biết chuyện gì tới sẽ tới, nhưng thường “những sự tới” hay xuất hiện bất thình lình, rất đột ngột làm người ta hụt hẫng, chới với, bàng hoàng và không biết phản ứng ra sao hết! Bước chân ra khỏi văn phòng, hắn đã thấy có vài cặp mắt nhìn hắn như dò hỏi. Hắn thản nhiên bảo đồng nghiệp là việc gì chúng ta lo sợ xảy ra thường xảy ra rất mau, thế thôi! Về lại văn phòng, hắn gieo mình xuống ghế, đầu óc nặng trĩu những u hoài. Một vài người bạn sát bên qua thăm hỏi và chia buồn với hắn. Hắn trực nhớ lại những tiếng xầm xì, thương hại cũng có, phiền trách chê bai cũng có của một số đồng nghiệp về một đồng nghiệp khác bị nghỉ việc vào đầu tuần (anh ta ký giấy nghỉ việc rồi về văn phòng đập phá sau khi khóc lóc là mới mua nhà, mua xe... bị an ninh của hãng còng tay dẫn đi), hắn quyết định chọn thái độ phớt lờ, nói cười tự nhiên dù trong lòng là những tơ vương trăm mối. Không trăm mối sao được khi kỹ nghệ điện toán càng ngày càng sa thải nhân viên, khi những kỹ sư trẻ ra trường rất khó khăn để tìm được một công việc trong ngành nghề này, nhất là hardware; nếu có được thuê mướn cũng chỉ được đồng lương không tương xứng! Không trăm mối sao được khi ngành hardware điện toán được các hãng xưởng đua nhau đem ra nước ngoài! Dù có MCSE, nhưng bao nhiêu kinh nghiệm của hắn đều thuộc hardware! Không bi quan sao được khi tuổi đời đã quá giới hạn để cạnh tranh công việc với sinh viên mới ra trường với số lương tối thiểu; hoặc can đảm nào để “làm lại từ đầu”! Nghĩ tới bốn chữ này tự nhiên hắn rùng mình! Từ ngày qua Mỹ tới nay, 28 năm có dư, hắn đã phải năm lần bảy lượt “làm lại từ đầu”!? Khi còn trẻ người ta không ngại lắm, nhưng ở Mỹ, qua tuổi bốn mươi rất khó bon chen, huống hồ chi… Dù không một hãng xưởng nào đặt điều kiện tuổi tác khi thuê mướn nhân viên (nghiêm cấm là đằng khác. Ở Mỹ, luật sư nhiều tương đương với kỹ sư, bác sĩ.... ở một đất nước mà hở ra một chút là có thưa có kiện, dễ đáo tụng tiền đình), nhưng luật bất thành văn ai ai cũng hiểu, cũng áp dụng. Kinh nghiệm này hắn học được qua các khóa Quản Trị sơ cấp và Trung cấp của hệ thống nhà hàng hamburger Wendy’s International khi làm supervisor rồi manager cho một nhà hàng ở miền Bắc California. Cũng như trong các khóa Quản trị nhân viên, khi làm International Sale and Marketing Assistant Director cho hãng Schwan’s Asian Foods.
Hắn muốn gọi điện thoại cho vợ để thông báo tin buồn, nhưng nghĩ đi nghĩ lại là không nên làm nàng phiền muộn trong lòng đang khi làm việc. Hắn ngồi thừ người suy nghĩ hết chuyện nọ đến chuyện kia, đầy những âu lo, và bấp bênh trước phiền mắt! Không âu lo sao được khi cả hai đứa con lớn đang học đại học, đứa nhỏ đang ở cấp trung học! Không âu lo sao được khi hai vợ chồng đều phải đi làm tất bật mỗi ngày để thanh thỏa cuộc sống vật chất với hàng trăm thứ nợ, để con cái khỏi phải vay mượn tiền học, tránh được cho con những số nợ khổng lồ sau khi ra trường. Thế mà bây giờ chỉ còn lại một người! Liệu với số tiền dành dụm lâu nay và số bồi hoàn nghỉ việc sẽ chống đỡ được bao lâu. Đời sống của hắn chắc chắn sẽ vô cùng xáo trộn. Nhưng trên tất cả, câu hỏi vẫn lởn vởn trong đầu “rồi mình sẽ làm gì, đời sống sẽ ra sao”?! Hắn không đủ tự tin là sẽ dễ tìm được việc làm trong ngành nghề này. Càng suy nghĩ càng tức và tiếc. Khổ công chăm chỉ sách đèn cả năm trời, vừa thi đậu đã thành vô dụng! Nếu biết thế, tội gì!
Nếu biết thế, tội gì! Hắn bỗng bật cười! Dường như câu này rất ư thân thuộc, nhất là ngày bỏ nước ra đi! Khi bỏ nước ra đi để lại một người nguyện ước trăm năm mà hắn vẫn trân quý, yêu mến, giữ gìn sau bao nhiêu tháng năm thân thiết. Nếu biết là sẽ chạy thục mạng thì đêm trước đó hắn đã bỏ sở chạy ra Saigon đón nàng cùng đi. Khi bỏ nước ra đi, trong nhà băng hắn để dành hơn nửa triệu bạc. Hắn đã phải giới hạn chi tiêu tối đa, dè sẻng từng đồng để dự định với nàng một đám cưới cho rỡ ràng với bạn bè hai bên! Chưa kể “nếu biết thế” đã rất nhiều lần đến với hắn trong những thăng trầm cuộc sống tha hương!
Hắn bước ra khỏi văn phòng tính đi lấy café. Hắn vẫn uống café cả ngày đó mà, nhất là sau những cú phone hóc búa! Đồng hồ đã chỉ 3giờ chiều, hắn sực nhớ là hắn đã bỏ cơm trưa mà không thấy đói. Hắn tự hỏi “mình ở lại làm gì, mình đã là free man rồi mà, đâu có ai bắt buộc mình phải tiếp tục làm việc khi đã được thông báo cho nghỉ việc!” Hắn thu xếp rời văn phòng sau khi chào thằng giám thị.
Con đường dài cả tiếng đồng hồ với tốc độ trung bình 70 dặm một giờ đã đưa hắn đi về mỗi ngày hai bận, ròng rã hơn 5 năm qua, hôm nay xe cộ dường như thưa thớt! Thói quen nghe nhạc trên đường cũng trở thành ồn ào khó chịu. Hắn tắt máy, mở toang các cửa sổ cho gió lộng ào ạt vào xe. Dù là tháng cuối cùng của mùa xuân ở Houston, Texas nhưng khí hậu đã có vẻ oi nồng như đầu hạ, không như ở vùng “Thung Lũng Hoa Vàng” phía bắc, hoặc Orange County phía nam của California - những nơi mà hắn đã từng ở qua. Hắn cố không nghĩ tới chuyện không vui hôm nay, nhưng không thể nào đẩy lui những ưu tư đang dày xéo trong tâm thức được! Không biết gia đình hắn sẽ phản ứng ra sao! Nhất là gương mặt sầu não của “con gái rượu” - nó vẫn gọi nó là daddy’s girl. Nhớ lần thất nghiệp trước, con bé mới có 14 tuổi mà đã cảm nhận được nỗi vui niềm buồn của bố nó. Nó cứ quấn quít một bên, khi nào gặp hắn ở nhà, sau giờ về học mỗi ngày. Nó cứ nói: “ bố đừng buồn nghe bố, bố sẽ tìm được việc sớm mà”. Hoặc: “con sẽ không đòi học lái xe khi con 16 tuổi, con sẽ không đòi mua xe mới, con sẽ học giỏi, sẽ rất ngoan, sẽ không đi học đại học xa nhà...” Mới đó mà nó đã học năm thứ ba rồi, vẫn như ngày còn bé, vẫn là con gái rượu, vẫn loanh quanh chuyện trò với bố những vui buồn hàng ngày, đã giữ lời hứa chỉ học lái xe để đi học đại học trong thành phố, đã không vòi mua xe mới khi ra trường “top ten”. Hắn thật sự không sợ vợ hắn buồn mà chỉ lo con gái!!!
Hắn lắc đầu thật mạnh, cố xua đuổi hình ảnh không vui làm tay lái chao đảo. Chiếc xe lạng qua bên trái một chút, tiếng bóp kèn cùng với tiếng va chạm đụng xe... Hắn điếng người, tìm cách tấp nhanh vào lề phải cùng lúc với chiếc xe kia. Người tài xế là một anh trung niên da màu, mặt mày giận dữ, dùng tiếng Đức xả láng với hắn khi hắn vừa bước xuống xe. Thấy tài xế không việc gì hắn thật hú vía, ngỏ lời xin lỗi! Hắn nói là hắn có bảo hiểm, đề nghị trao đổi chi tiết không cần chờ cảnh sát nhưng tên tài xế không chịu, nhất định gọi cảnh sát. Trong khi anh chàng gọi cảnh sát, hắn có dịp quan sát cả hai xe. Ở cửa sau bên trái của xe hắn đã như chiếc bánh tráng nhúng nước trong khi đầu bên phải xe anh chàng cũng bể hết đèn và móp thật sâu. Cả hai xe đều là xe Nhật Bản! (người miền nam nước Mỹ rất chuộng xe Nhật Bản trong khi dân miền bắc bao giờ cũng rất bảo thủ, 90% người dân chỉ mua xe Mỹ).
Nỗi bực bội càng thêm bực bội khi nắng chiều vẫn còn rọi xuống chang chang. Đứng ngoài nắng chờ cảnh sát tới biên phạt quả là không thể không phiền! Mãi tới gần tiếng đồng hồ sau mới lãnh xong cái giấy phạt về tội bất cẩn (reckless driving). Càng phiền não hơn khi sực nhớ là xe mình chỉ có bảo hiểm một chiều! (khi có tai nạn mà mình là người có lỗi thì hãng bảo hiểm chỉ đền cho người ta). Chao ôi nào là đóng tiền phạt, tiền sửa xe, bảo hiểm sẽ tăng giá... và sự bất an của gia đình trong những ngày tháng tới!!!
Đang ngủ ngon giấc thì con bé vào gọi dậy ăn cơm tối. Nhìn đồng hồ thấy đã 8g. Trên bàn ăn có đông đủ mọi người, nhất là thằng con trai lớn rất ít gặp. Rất ít gặp vì nó đi chơi với bạn bè nhiều hơn ở nhà. Học bao nhiêu năm rồi mà vẫn chưa tới đâu, trong khi bạn bè trang lứa của nó đã xong đại học, đứa học thêm, nhiều đứa đã đi làm! Ít gặp vì khi nào gặp cũng bị hắn la rầy nên tránh mặt! Đang muốn hỏi chuyện nó nhưng thấy tia nhìn khác lạ của vợ khiến hắn chợt nghĩ lại thân phận mình! Hắn im lặng ngồi xuống, cảm nhận như có điều bất thường.
Xong bữa cơm, đang khi mấy mẹ con dọn bàn, thằng con lớn mời mọi người ngồi lại vì nó có chuyện muốn nói. Hắn ngạc nhiên lắm, không biết chuyện gì mà trông nó nghiêm trang chưa từng thấy. Trực nghĩ tới vẻ mặt nghiêm trang của thằng Quản đốc hôm nay ở sở, hắn nhột nhạt trong lòng, ngồi yên lặng. Hắn đã tính khi mẹ con dọn bàn xong thì hằn sẽ nói về chuyện hôm nay, chưa kịp lên tiếng thì thằng con đã làm hắn lên ruột:
- Thưa Ba Mẹ, con xin lỗi đã làm phiền lòng Ba Mẹ từ mấy năm nay, con không thể nào chú tâm vào sách vở được! Những điều con sắp nói ra đây, hy vọng không làm Ba Mẹ và các em thất vọng. Con đã suy nghĩ nhiều về đề nghị của Ba Mẹ năm trước là nếu con không thể học được thì nên đi vào quân ngũ một thời gian! Lúc đầu con rất buồn lòng Ba Mẹ, nhưng càng ngày con càng thấy là con không còn lối thoát nào hơn! Con đã lén Ba Mẹ nộp đơn vào quân đội, muốn làm pilot như Ba hồi xưa nhưng họ nói con cao quá (6 feet 5), vì thế con làm đơn xin gia nhập Bộ Binh từ nhiều tháng nay. Con đã hoàn tất việc khám sức khỏe và xong phần điều tra lý lịch cá nhân. Hôm nay con nhận được giấy báo trình diện nhập ngũ. Con phải đi ngày thứ Bảy tới này. Con sẽ đi về ngành thẩm vấn điều tra Quân đội. Đó là tất cả những gì con muốn nói hôm nay. Một lần nữa con xin lỗi Ba Mẹ đã không học hành thành đạt như Ba Mẹ mong ước!
Thằng con nói một hơi, nửa Việt nửa Mỹ, nhưng mạch lạc, rõ ràng. Mẹ nó với nét mặt âu lo và phảng phất buồn, hỏi chương trình huấn luyện ra sao, ở đâu? Nó cho biết là 3 tháng huấn nhục (boot camp) và căn bản quân sự ở Fort Sil, Oklahoma; 4 tháng tiếp học ngành chuyên môn ở Fort Huachuca, Arizona; xong sẽ về trường Sinh Ngữ Quân Đội ở Monterey, California để học tiếng Trung Hoa 2 năm. Sau đó sẽ được bổ nhiệm đi Châu Á!
Hắn ngồi yên lặng từ đầu tới cuối, lòng đắm chìm trong những buồn vui lẫn lộn, mắt ngó thằng con chăm chăm. Vui vì cuối cùng nó đã thấy được những lỗi lầm và có thể tự quyết định điều đúng đắn. Nhưng buồn ơi thấy con như chim chưa đủ lông cánh đã bay vội vào giông bão cuộc đời! Mặc dù cả năm qua ít thấy mặt nó ở nhà nhưng dù sao nó cũng còn đi đi về về, chỉ ham chơi hơn sách vở chứ không có rượu chè hút xách gì cả. Hắn thấy như có chút hụt hẫng, mất mát!
- Anh nghĩ sao mà không nói với con một lời như vậy? – Mẹ nó hỏi.
Không hiểu sao hắn lại trả lời cụt nghủn:
- Thì dù gì nó cũng đã tự quyết định rồi mà!
- Ba không giận con chứ? – thằng con e dè phân trần - Con chỉ muốn surprise Ba Mẹ và các em thôi chứ không cố tình dấu diếm Ba Mẹ đâu!
Mẹ nó vội đỡ lời:
- Thì mấy năm trước anh đã không khuyến khích nó đi Quân Đội là gì?!
- Ba không có gì để nói, chỉ muốn mọi sự tốt lành cho con! Ba không giận con nhưng thấy không được vui trong lòng, cảm thấy có cái gì mất mát!
Nói xong hắn đứng dậy rút vào phòng đọc sách. Không muốn nói gì thêm trong lúc này khi thấy mặt mấy mẹ con buồn dàu dàu và không khí khá buồn tẻ! Một ngày thôi! Một ngày ngắn ngủi mà có bao nhiêu là điều oan trái xảy ra! Dù sự nhập ngũ của con trai lớn không hẳn là sự mất mát nhưng sao cảm giác cứ bùi ngùi! Dù sự mất việc không là một điều mới mẻ trong tình trạng kinh tế chung hiện nay, nhưng kéo theo tai nạn đụng xe quả nhiên là một đại họa trong lúc này! Nếu người ta hay ví “Sông có khúc, người có lúc” thì đây quả là một khúc khuỷu nguy hiểm của dòng sông, là một trong những lúc khó khăn nhất trong đời tỵ nạn của hắn vậy!
Kết Thúc (END) |
|
|