"Mối tình đầu thật đáng nhớ, tuy mang chút thơ ngây, khờ dại".
Năm tôi học lớp đệ tam, tức lớp 10 sau này, là năm mà tôi thật sự bước vào lứa tuổi mộng mơ thật nhiều, và cái tuổi 16 biết yêu như một nhạc phẩm trứ danh của Phượng Linh: "Khi đã yêu thì mơ mộng nhiều". Từ ngàn xưa đến ngàn sau, chủ đề "Yêu" vẫn là một đề tài muôn thưở làm cho bao con tim say đắm ngất ngây vì men yêu thương, làm tốn hao không biết bao nhiêu bút giấy để ca ngợi tình yêu, là cái đề tài không bao giờ lỗi thời và sẽ không bao giờ phai nhạt trong văn học. Chính vì "Yêu" nên đã sinh ra những nhân tài lỗi lạc từ nghệ thuật đến văn học, từ Beethoven đến Hàn Mặc Tử, từ Âu sang Á, từ cổ chí kim, từ già đến trẻ. Do đó "Yêu" là một quyền đặc miễn bởi thiên nhiên.
Dĩ nhiên khi yêu thì phải có đối tượng. Ðối tượng của tôi ở tuổi 16 là một cô bắc kỳ nho nhỏ, tuổi 15, giọng nói mang nhiều âm hưởng nhẹ nhàng của Hà Nội. Nàng không có mái tóc demi-garcon như nhạc của Phạm Duy mô tả, nhưng thay vào đó là mái tóc xõa bồng bềnh, thoạt trông giống như cô ca sĩ khả ái Thanh Lan lần đầu tiên lên sân khấu. Nàng tên là Mỹ Hạnh. Nhưng thông thường tôi có thói quen chỉ gọi là "Hạnh". Tôi quen nàng khi nàng học thêm lớp toán lý hóa tại trường tư thục Thăng Long vào buổi chiều. Trường Thăng Long nằm ở cuối đường Hồng Thập Tự và gần quảng trường Cộng Hòa có trường đại học Khoa Học và trường trung học Petrus Ký. Tôi mang phù hiệu của trường Petrus Ký, còn nàng là học sinh của trường Nguyễn Bá Tòng trên đường Bùi Thị Xuân. Vì tương đối khá và có khiếu về các môn lượng giác, hình học và đại số nên tôi thường cố vấn cho Hạnh những bài toán hóc búa mà thầy Vũ Bảo Ấu cho bài tập mang về nhà làm. Do vậy tình bạn giữa tôi và Hạnh đã sinh sôi nẩy nở mau chóng qua các bài vở học chung. Chúng tôi rất thân thiết và khắng khít thêm theo thời gian đầu ở Thăng Long. Trong lớp dạy kèm này có khoảng một phần ba là nữ sinh, phần còn lại toàn là dân đầu húi của chúng tôi. Một thiếu nữ bắc kỳ ở tuổi vừa lớn thật là tuyệt vời trong ánh mằt của tôi. Cũng vì vậy mà đóa hoa hồng này là cái mầm cho những sự xung khắc giữa các nam sinh trong lớp học. Cũng vì Hạnh mà tôi và các bạn Petrus Ký đã tả xung hữu đột với nhóm Chu Văn An. Sự ganh đua tên tuổi giữa hai trường trung học lớn của miền nam Việt Nam là Petrus Ký và Chu Văn An có lúc đưa tới sự xung đột toàn diện mà hai ban giám học nhà trường phải báo động, vì bên này đem quân sang vây hãm, lấn át bên kia. Có một dạo báo chí Sài-Gòn đã chạy tít lớn về những sự xô xát này. Học trò nam của hai trường lớn này nhiều khi va chạm chỉ vì Trưng Vương hoặc vì Gia Long. Trong trường hợp cá biệt của lớp học chúng tôi sự va chạm lại do bông hồng của Nguyễn Bá Tòng.
Trong lớp tôi có một nam sinh tên Chương, khôi ngô tuấn tú, học Chu Văn An, rất xuất sắc về hai môn vật lý và hóa học, là những môn do thầy Phạm Huy Ngà phụ trách. Có một hôm sau giờ tan học về, tôi mục kích thấy Hạnh và Chương ngồi lại lớp học chung với nhau ở lầu hai. Những hình ảnh này là những cảnh tượng mà tôi đã không thể chấp nhận khi tim tôi đau nhói vì ganh tị, và cơn nóng giận đại hồng thủy sôi sục trong người tôi dâng lên tức tối. Chính chỗ ngồi của tôi hôm nào mà Chương đã ngang nhiên choán lấy. Hậu quả là ngày hôm sau tôi canh giờ Chương đến trường, tôi đã đổ dồn cơn đại hồng thủy vào Chương, đánh cho Chương một trận đòn trả thù, song song với sự hiệp lực của các bạn Petrus Ký. Chương rất cay cú tôi vụ này. Riêng Hạnh, nàng đã tức giận tôi vì cho rằng tôi đã quá đáng. Hạnh cố tình xa lánh tôi, nàng không muốn gặp gỡ hay liên lạc gì với tôi nữa.
Cả mấy tuần lễ thiếu vắng Hạnh, con người tôi héo hon vì rối trí, bấn loạn tinh thần, biếng ăn và mất ngủ. Mẹ tôi nhìn đứa con trai cưng của bà xuống sắc, xanh xao và phờ phạc. Bà rất lo lắng và tra hỏi tôi lý do vì sao. Tôi đã phải nói dối bà là chỉ vì tôi thức khuya học bài vì nhà trường cho bài vở dồn dập làm mãi không hết. Vả lại năm tới lên lớp đệ nhị thi tú tài mà không học bây giờ thì sẽ trễ hết. Thế là bà cụ tin và cho là tôi hiếu học và đã lo quá đỗi. Bà chạy đôn chạy đáo vào tiệm thuốc tây hỏi mua thuốc bổ vitamines, rồi hốt những thang thuốc bắc thập đại bổ và thường xuyên nấu những loại súp hảo hạng để tẩm bổ tôi có sức mà học tiếp. Ðèn phòng ngủ tôi lúc nào cũng để sáng trưng đến đêm khuya, và bài học thì bày biện ngổn ngang chen lẫn với sách vở. Nhưng thực sự thì thời giờ của tôi đã để dành suy tư về Hạnh, để viết thư tình minh oan, và để chiêm ngưỡng bức ảnh mà Hạnh đã cho tôi. Tôi gửi thư đi cho Hạnh, thư gửi đi mà chẳng thấy cánh nhạn hồi âm. Bạn bè tôi đến nhà thăm cho biết dạo này Hạnh và Chương càng thân hơn, họ đi ciné với nhau nữa. Những tin tức "sét đánh" dồn dập như thế chỉ mang đến cho tôi những thất vọng, những buồn khổ thêm vì cô bắc kỳ nho nhỏ đã không còn đóai hoài gì đến tôi nữa. Tôi đã bỏ học, bỏ trường Thăng Long hơn một tháng trời mà chỉ lang thang, giết thì giờ trong Thảo Cầm Viên Sở Thú hay trong công viên Tao Ðàn, thay vì ở nhà thì mẹ tôi biết. Tôi không mảy may muốn vào lớp học để chứng kiến những cảnh ngộ ngang trái, chướng mắt mình vì Hạnh đã gây ra cho tôi. Tuy vậy những hình ảnh của Hạnh vẫn là một hấp lực vô biên ám ảnh trong tâm trí của tôi.
Rồi một hôm thầy giám thị trường Petrus Ký nhắn cha tôi vào gặp ông ở trường. Thầy với cha tôi vốn là những hội viên chính trong hội Ðồng Hương Tây Ninh nên họ có những mối thâm tình với nhau. Thầy cho cha tôi biết là sức học của tôi đã sút giảm lạ thường. Ông nêu ra vấn đề là nếu không sửa đổi lại có thể tôi bị ở lại lớp. Mà sang năm thì tôi phải thi tú tài phần một, sau đó lớp đệ nhất thi phần hai và rồi thi tuyển vào các đại học nữa. Ðoạn đường còn dài đăng đẳng. Cha tôi rất ưu tư và ông hạch hỏi tôi đủ điều vì ông sợ tôi rong chơi với bạn bè và lười biếng bỏ học ngang. Thầy giám thị cho cha tôi biết là tôi vẫn hiện diện đầy đủ các giờ học, nhưng các thầy cô thì phê bình tôi là sao lãng việc học hành, bỏ bài nộp thường xuyên, và vào lớp học thì tâm trí gởi ở một phương trời nào đó, cái mà các thầy cô gọi là "hay lo ra", không tập trung, chú ý đến bài vở. Tôi phải vào trường học bù vào những ngày cuối tuần. Trường Petrus Ký vốn có truyền thống rất khó khăn, gắt gao về việc học hành, kỷ luật nhà trường rất nghiêm minh, khắt khe đối với những phần tử lười học. Do đó mà sỉ số đỗ đạt tú tài của trường năm nào cũng có thành tích rất cao và sáng chói.
Trong khi cha tôi thường la rầy tôi, ông giảng "moral" ngày đêm về tầm quan trọng của việc học hành đối với tương lai của tôi thì ngược lại mẹ tôi vốn là một bậc hiền mẫu lo lắng sức khỏe cho con, bà khuyên cha tôi hãy nhẹ tay với tôi. Bà viện dẫn lý do tôi bị xanh xao, sa sút là vì thức khuya nên mất hồng huyết cầu, đuối sức là vì học nhiều quá nên sức khỏe kém, nên ảnh hưởng đến tình trạng học hành nói chung. Bà còn khuyên nhủ cha tôi hãy để tôi từ từ khôi phục lại sức khỏe trong khi bà lo lắng bồi bổ cho tôi. Trong những giờ phút lâm nguy như vậy, những bức thư tình viết rồi mà chưa gởi đi thì dược dấu kín kỹ lưỡng. Cha tôi mà biết dược những lá thư tình ngây ngô của tôi như đứa con thất tình vì gái và hay lo ra, biếng học như dưới đây chắc là tôi sẽ bị trừng phạt đích đáng:
"Hạnh ơi,
Hôm nay tan trường Petrus Ký về, Tâm không đi đường Hồng Thập Tự ngang qua trường Thăng Long nữa chỉ vì sợ thấy bóng dáng của Hạnh ngồi với người nào đó ở lầu hai. Tâm có ý định bỏ trường luôn và bây giờ thì bài vở của thầy Ấu và thầy Ngà nhiều lắm rồi phải không? Hạnh biết không, tấm hình duy nhất mà Hạnh cho Tâm chụp trước cửa nhà thờ Huyện Sĩ vẫn được Tâm giữ lấy trang trọng, nó ngự trị ngay trang đầu của quyển sách đại số mà thầy Ấu dạy? Lý ra Nguyễn Bá Tòng gần với Petrus Ký hơn là Chu Văn An, nhưng Hạnh đã quyết định chọn một con đường chông gai hơn và đi xa hơn. Lá thơ này gởi Hạnh có thể nó sẽ không làm Hạnh thay đổi ý kiến. Nhưng Tâm vẫn mong Hạnh sẽ suy nghĩ lại đi và một lúc nào đó... có thể làm Hạnh thay đổi. Rất mong như vậy. Tâm"
Hạnh vẫn im lìm không trả lới thư tôi. Những ngày cuối tuần tiếp tục buồn bã và đầy thất vọng. Tôi thấy mình cô đơn, rồi cuộn mình trong chăn, lẩn trốn trong phòng riêng, thỉnh thoảng nhìn lại sách toán có bức hình của Hạnh. Ðây là những giờ phút tôi đã thật sự tương tư và để trọn ý nghĩ tuyệt đối mộng mơ, lưu luyến và nhớ nhung về Hạnh, cô bắc kỳ nho nhỏ đã làm cuộc đời tôi khổ sở. Tôi nhìn hình nàng, nhìn mãi mà không chán, Hạnh có gương mặt bầu bĩnh và hai chiếc răng khểnh xinh xinh. Những giờ phút thiêng liêng này chỉ có tôi và cô bắc kỳ nho nhỏ mà thôi.
Một hôm tan học, tôi đạp xe từ Petrus Ký về ngang qua nhà thờ Huyện Sĩ trên đường Phạm Ngũ Lão, tôi bỗng tự dưng đổi hướng quẹo vào đường Bùi Thị Xuân thay vì đi thẳng luôn về nhà như mọi lần. Tình cờ tôi thấy Hạnh tan học ra, tay ôm sách trước ngực và đang đi trên vỉa hè. Lòng tôi xao xuyến vô cùng đạp xe lang thang theo sau. Tôi tìm cách gợi chuyện. Hạnh vẫn không nhìn tôi, và không trả lời những câu hỏi thăm của tôi. Tôi tiếp tục kiên nhẫn hỏi han tiếp và khai khẩu nàng. Tôi nhìn đôi mắt Hạnh bỗng long lanh, rơm rớm nước mắt và hình như sắp khóc. Tim tôi đập mạnh, tôi vội vàng xin lỗi vì tôi tưởng những lời hỏi han vô tình của mình đã làm nàng phật ý và xúc phạm đến nàng, và làm cho nàng buồn.
Nhưng không phải vậy. Cái quyết định tình cờ quẹo vào đường Bùi Thị Xuân lúc nãy là một quyết định khôn ngoan và đầy may mắn. Ðây là sự may mắn trong những sự may mắn nhất và vô cùng, vô cùng có lý. Như nhà văn Duyên Anh thường bảo trong sách vở của ông là: "Mèo mù vớ cá rán". Nàng đã thật sự khóc và tâm sự với tôi là Chương đã không còn lui tới với nàng nữa. Chương đã có cô bạn mới học Trưng Vương, và từ đó Hạnh cảm thấy cô đơn muốn gặp tôi trở lại, nhưng tôi đã nghỉ học ở Thăng Long. Tôi cười thầm trong bụng và nhớ thêm hai câu nói dí dỏm của nhà văn Duyên Anh là: "Lù khù có con cừu độ mạng" hay "Trời đãi những kẻ khù khờ". Thật sự là vậy.
Trong lúc mải mê chuyện trò thì trước mặt chúng tôi là cửa chính của giáo đường Huyện Sĩ, Hạnh hỏi tôi muốn theo nàng vào nhà thờ cầu xin Chúa không. Tôi bảo nàng tôi là người ngoại đạo. Hạnh nhìn gương mặt xanh xao, hốc hác đến độ tội nghiệp của tôi, nàng trấn an và bảo tôi theo nàng vào cầu xin với Chúa. Tôi đi theo nàng hướng về phía trước bục giảng. Ðây là giáo đường Thiên Chúa mà lần đầu tiên tôi vào một nhà thờ lớn như vậy, khung cảnh trang nghiêm và có lối kiến trúc tây phương cổ kính. Tôi cảm thấy có một cái gì thiêng liêng đang len lỏi, xâm nhập vào tâm hồn của mình. Hạnh cúi quỳ xuống ở hàng ghế thứ hai bên phải. Ngó xung quanh khung cảnh thiêng liêng này chỉ có hai đứa chúng tôi. Tôi bắt chước Hạnh quỳ xuống bên cạnh nàng. Trong bầu không khí trang nghiêm và yên lặng, nàng nhắm mắt cầu xin những điều gì tôi không được rõ. Phần tôi thì chỉ nhìn quanh quẩn, dáo dác vì sự hiếu kỳ nhiều hơn. Cuối cùng nàng làm dấu thánh giá và tôi thoảng nghe hai tiếng "Amen". Sau đó hai đứa tôi bước ra ngoài khuuôn viên nhà thờ, vừa đi bộ tôi vừa hỏi Hạnh là nàng đã cầu xin những gì. Nàng cười một cách bí mật và rồi lại bật mí là nàng đã cầu nguyện ba điều là:
1) Xin Chúa cho tôi được bình yên và khỏe mạnh, hết bệnh.
2) Xin Chúa cho tình bạn chúng tôi trở lại như xưa.
3) Xin Chúa cho hai đứa chúng tôi sẽ học thật giỏi để thi đỗ hai kỳ tú tài.
Ðiều cầu xin Chúa quả thật là một phép lạ nhiệm màu, huyền diệu, và điều này đã đem tâm hồn tôi bừng tỉnh sống lại hăng hái hơn, lên tinh thần thêm khi nhìn về những ngày phía trước mặt. Ngày hôm sau tôi trở lại trường Thăng Long. Bạn bè trong lớp hỏi thăm lý do vì sao tôi đã vắng mặt khá lâu rồi. Tôi ngượng ngùng nại cớ giải bày vì đau ốm, và hôm nay đã khỏe lại nên trở lại lớp học. Quả thật tôi đã bị một chứng bệnh nan y về tâm lý mà cha mẹ tôi đã không thể chữa cho tôi bằng thuốc vitamines hay thuốc bắc và những chén súp bồi bổ, mà toa thuốc huyền diệu đó phải được Hạnh ra toa để chóng phục hồi lại nguồn sinh lực cho tôi. Cái bệnh của tôi là căn bệnh trầm kha mà thi sĩ Nguyễn Bính đã chẩn mạch không sai tí nào qua những lời thơ vô cùng thấm thía của ông đối với những cây si ở giáo đường Huyện Sĩ như tôi:
"Nắng mưa là bệnh của trời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng."
Chính nhờ vào liều thuốc bổ huyền diệu của Mỹ Hạnh cho tôi từ cái bầu không khí trang nghiêm của giáo đường Huyện Sĩ mà những năm sau đó cả hai đứa chúng tôi đã thi đỗ cả hai kỳ thi tú tài rất vinh dự mà điểm số của cả hai được ưu hạng. Những dòng ghi nhận này để cám ơn cô bắc kỳ nho nhỏ Mỹ Hạnh đã là một phần trong khối trí nhớ tuyệt vời của tôi vì những lời cầu xin nhiệm màu ở giáo đường Huyện Sĩ khi xưa. Amen!
Kết Thúc (END) |
|
|