Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Gã Tác Giả: Trầm Nguyên Ý Anh    
     Ngày gã vào nhận việc đã gây sự chú ý cho mọi người. Áo sơ- mi màu tro quần đậm hơn một chút. Bộ đồ lẽ ra không nên mặc trong cái ngày đầu quan trọng nầy. Đám con gái dư hơi phòng hành chánh bàn tán xôn xao: “Không lẽ công ty lại nhận thêm bảo vệ? Cái bộ dạng này làm sao là nhân viên phòng kế hoạch được? Chỉ có phòng kế hoạch mới thiếu người. Mà...”. Lời bàn tán xôn xao bị cắt đứt bởi tiếng chuông điện thoại nội bộ gọi từ phòng giám đốc: “Cô Lan đem giúp tôi hai ly cà phê!”. Lại ngạc nhiên. Giám đốc ít khi mời cà phê ai ngay trong phòng làm việc của ông. Phải là người thân hoặc là người quan trọng với công ty mới có “đặc ân” uống cà phê trong phòng giám đốc. Lan mau mắn rót hai ly cà phê đặt lên khay rồi nhanh nhẩu bưng đi. Nhanh vì tò mò. Cửa phòng mở hé, Lan liếc nhanh. Trời! Là gã. Gã đang ngồi trong salon với đống giấy tờ trước mặt. Tự tay giám đốc tiếp cái khay trong tay cô và niềm nở: “Tôi với anh uống chút cà phê rồi mình trao đổi luôn”. Lan lui ra, không tin ở mắt mình. Cô quày quả về phòng:
    - Mấy bồ biết sếp đang tiếp ai không?
    - Ai? Ai?
    - Cái tên cù lần lúc nãy đi ngang tụi mình đó! Coi bộ hắn được sếp trân trọng lắm.
    - Đừng “coi mặt mà bắt hình dong”, biết đâu là “chân nhân bất lộ tướng” đó!
    - Tao không tin cái mặt đó mà ở phòng kế hoạch!
    Nhưng sự thật đã trả lời mọi câu hỏi. Gã đã đi làm. Áo quần vẫn vậy: Sạch sẽ và cũ. Chiếc xe thời Nhà nước mình đem cơm dừa xuất khẩu qua Nhật và đổi về số hàng “nửa sạt” nên được gọi tắt là “cúp cơm dừa” coi vậy mà bền, hàng Trung Quốc bây giờ khó qua. Chiếc xe có lẽ đã được tận dụng hơn thời gian người ta cho phép nên nó cứ “ấm đầu, sổ mũi” hoài. Có bữa, gã phải gởi nó vào một chỗ sửa bên đường rồi cuốc bộ tới cơ quan. Công ty “Á Âu” này là một công ty lớn, lương trả nhân viên rất hậu và dĩ nhiên đòi hỏi hiệu quả công việc. Cách sống cũng theo đồng tiền kiếm được, mọi người thường tổ chức đi ăn vào cuối tuần. Gã không có mặt trong các bữa ăn đó. Ở đó, mọi người phải hùn tiền, có lời xầm xì: “Kiết xác! Không dám hùn một bữa ăn, ai ăn của hắn được!”. Buổi sáng và ăn trưa mọi người thường ăn ở căng-tin của công ty để đảm bảo giờ giấc và sức khỏe nhân viên. Giá bán của căng-tin hơi cao vì tính theo chất lượng thức ăn. Gã đem theo gói xôi hoặc ổ bánh mì vào buổi sáng. Trưa, gã đem thức ăn lên phòng. Không thấy gã bỏ cơm hay thức ăn dư vào thùng. Có người lẹ miệng: “Không lẽ đem về nuôi heo?”. Mọi người che miệng cười.
    Trong những lần họp công ty, thường ăn nhẹ bánh ngọt và trái cây. Có người nhìn thấy gã nhặt nhạnh những thứ còn lại cho vào bọc. Lại một làn sóng nhạo báng: “Lại bần tiện đến như vậy nữa sao? Ở đâu ra cái loại người kỳ quái vậy?”. Gã có vẻ không chú ý đến thái độ mọi người dành cho mình. Gã thường thân mật với ông bảo vệ. Một bữa, phòng khách công ty mất cái đồng hồ treo tường. Đó là loại đồng hồ hơi đắt giá. Ông bảo vệ là người thường xuyên lau dọn phòng khách, ông bị quy trách nhiệm. Gã đưa ông số tiền tương ứng biểu mua cái khác treo lên. Lại có người đặt câu hỏi: “Sao ngày thường keo kiết vậy mà dám bỏ tiền ra, có vấn đề rồi!”. Sau ngày đó, người ta thấy ông bảo vệ thân mật với gã hơn.
    Một lần, công ty phải tiếp một đối tác nước ngoài. Hai phiên dịch lại bận những công tác đột xuất. Giám đốc như ngồi trên lửa. Đây là đối tác quan trọng không thể để “xổng” mất. Cả công ty vẫn có người nói được tiếng Anh nhưng không đủ giỏi để giao dịch trong tình huống khẩn trương này. Gã nói bằng những lời chắc như đinh đóng: “Tôi phiên dịch được, tôi lãnh chuyện này cho”. Dù biết gã nhiều nhưng giám đốc cũng ngạc nhiên vì thận trọng. Đoàn đối tác bước vào công ty. Gã – cái con người đã từng bị mọi người coi thường – đã bước những bước tự tin đến gần giám đốc, tự nhiên tiếp khách bằng những câu tiếng Anh chuẩn xác và thái độ lịch sự đến không ngờ.
    Công ty đã ký được một hợp đồng béo bở nhờ vào khả năng giao tiếp ứng xử trôi chảy của gã. Mọi cái nhìn về gã cũng dịu dàng hơn, nhưng không phải dễ xóa sạch trong một lần mọi định kiến khắt khe về gã. Cuối tháng, trong bữa tiệc mừng công tổ chức tại nhà ăn của công ty, gã được đặc cách thêm phần phiên dịch trong những tình huống cần thiết. Giám đốc mời rượu gã. Có nhiều ánh mắt vẫn còn lộ vẻ khinh khi. Bữa tiệc tràn đầy thức ăn. Người ta ăn nửa bỏ nửa, ai cũng làm ra vẻ ta đây không cần tới miếng ăn. Gã ăn tự nhiên và chừng mực. Cuối buổi, mọi người ra về, gã nán lại, gom một ít thức ăn vào bịch ni - lông. Có hai người nhìn thấy: Chị phục vụ nhìn thấy bằng ánh mắt khó chịu và Tâm Anh, nhân viên phòng kế hoạch. Gã đi như chạy ra nhà xe. Tâm Anh lẽo đẽo theo sau, cô quyết tìm hiểu sự thật. Gã quanh co qua những con hẻm và dừng lại trước một mái lá lụp xụp. Hai đứa nhỏ ăn mặc lôi thôi mặt mày lem luốc chạy ra mừng:
    - Chú gì nè ngoại ơi!
    Một bà lão quờ quạng bước ra. Tâm Anh đã ở sau lưng mà gã chưa hay:
    - Cháu có chút đồ ăn, bà có cơm chưa?
    - Rồi! Thằng Lượm mới nấu.
    Tâm Anh thấy gã lôi bọc thức ăn ra. Hai đứa nhỏ reo lên mừng rỡ:
    - Ngon quá ngoại ơi! Cám ơn cô chú!
    Gã quay lại và nhìn thấy ánh mắt kinh ngạc của cô đồng nghiệp dịu dàng nhất công ty. Ánh mắt như muốn nói: Tôi đã hiểu anh rồi.
    Gã kể về mình khi hai người ngồi ở một quán vắng: Ngày xưa tôi còn cơ cực hơn gia đình lúc nãy. Họ còn có mái nhà che mưa đỡ nắng còn tôi phải sống ở vỉa hè. Tôi không biết quê hương và ba má mình là ai. Tôi lớn lên với một người đi xin mà tôi kêu là nội. Lúc tôi được tám tuổi, nội tôi chết. Chánh quyền khu phố chôn cất nội và đưa tôi vào làng cô nhi. Tôi được đi học và có được ngày hôm nay. Tôi lãnh lương còn phải nhín ra cho mấy em trong trại. Tôi mướn nhà trọ và phải tốn nhiều khoản chi nên không thể xài như các bạn được. Còn gia đình đó chỉ có bà lão mù với hai đứa cháu ngoại. Tôi phải nhặt nhạnh thức ăn dư cho họ. Ai nhìn tôi cách gì cũng được. Tôi phải chia sẻ với những con người bất hạnh như tôi.
    Tâm Anh xoay xoay ly nước trong tay, mắt cô cay xè, cô cố dằn để mình đừng khóc:
    - Còn cái đồng hồ? Sao anh lại bỏ tiền ra?
    - Tôi thấy bác bảo vệ lấy. Có lẽ bác ấy cũng có nỗi khổ riêng. Nếu chỉ vì một cái đồng hồ mà để bác ấy mất việc thì cũng tội lắm.
    Tâm Anh nhìn sâu vào mắt gã. Cô thấy như trước mặt mình không phải là anh chàng khù khờ hay bị người ta coi thường, trêu chọc mà lại thấy cả người anh toát lên một vầng hào quang chấp chới. Cô bỗng thấy gã cười, nụ cười qua làn nước mắt của cô, nụ cười hiếm khi có trên môi gã từ ngày gã bước chân vào công ty nhận việc.
    

Kết Thúc (END)
Trầm Nguyên Ý Anh
» Người Thắp Lửa
» Nỗi Oan
» Hồn Đất
» Chuyến Đò
»
» Hai Con Đường
» Hạnh Phúc Thật Gần
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ