Năm 1977, ở Mỹ mới được hai năm, nhà thơ Cao Tần, trong bài “Chốn tạm dung”, đã lo: “Tiếng Việt trong ta ngày mỗi héo”. Tôi xa Việt Nam đã gần 20 năm, gấp mười thời gian của ông lúc ấy, có lo kể cũng phải. Bởi vậy, để ngăn chận sự “tàn héo” và rơi rụng của tiếng Việt, lâu lâu tôi lại lẩm nhẩm, một mình, ôn lại số lượng từ vựng đã biết. Mỗi lần tập trung vào một đề tài khác nhau. Mới đây nhất, đề tài tôi chọn, một cách khá tình cờ, là bảng từ vựng liên quan đến các bộ phận trên cơ thể. Đầu... tóc... ót... gáy... trán... màng tang... lông mày... mắt... Đến đó, bỗng dưng tôi khựng lại. Tôi đâm hoang mang không biết khoảng giữa hai con mắt, ngay phía trên sống mũi, có tên gọi là gì? Hai chữ "nhân trung" thoáng qua đầu nhưng ngay tức khắc tôi biết là không phải: "nhân trung" nằm dưới mũi, ngay chính giữa môi trên. Loay hoay mãi vẫn không nhớ ra. Bí. Từ vị trí ấy, tôi nhìn nhích ra hai bên, ngờ ngợ thấy cách gọi lông mày và lông mi quen thuộc hình như có vấn đề gì đó không ổn. Ai cũng biết lông mày nằm trên, còn lông mi thì nằm dưới, ngay ở mí mắt trên. Chúng khác nhau. Nhưng nguyên thuỷ, "mi" trong trong chữ Hán chỉ có nghĩa là "mày" trong tiếng Việt: "tu mi" có nghĩa là râu mày. Về phương diện ngữ nghĩa, "mi" và "mày" chỉ là một, tuy nhiên, trên thực tế, lông mi lại đồng nghĩa với lông nheo chứ không phải với lông mày. Lạ.
Nằm giữa con mắt, ngay chính giữa lòng đen là con ngươi. "Ngươi" là gì? Là người. Con ngươi thật ra là con người. Ý nghĩa ấy bây giờ vẫn còn thấy rõ trong các từ: dể ngươi, hổ ngươi... và trong các cách nói: các ngươi hay nhà ngươi. Chợt nhớ trong chữ Hán, người ta gọi con ngươi là đồng tử, mà đồng tử lại còn có nghĩa là đứa bé.[1] Lại nhớ trong tiếng Anh, con ngươi là pupil mà pupil lại có nghĩa là học trò. Rồi trong tiếng Pháp: con ngươi là pupille mà pupille lại có nghĩa là đứa trẻ mồ côi hay là con nuôi. Nghe nói ở vô số ngôn ngữ khác trên thế giới cũng có hiện tượng tương tự. Danh từ chỉ con ngươi cũng đồng thời mang ý nghĩa khác là học trò, là đứa bé hay là con người nói chung. Tại sao có sự trùng hợp lạ lùng như thế?[2]
Sự trùng hợp không dừng lại ở đó. Nó đi xa hơn, trong quan niệm về thân thể. Trong rất nhiều ngôn ngữ, người ta xem thân thể như một cái bình chứa đựng những cảm xúc và tư tưởng. Tả một người phụ nữ đang yêu hay đang giận, trong tiếng Anh người ta thường nói: She is filled with love / anger. Đối với người Trung Hoa, thân thể con người được xem như một cái bình chứa khí. Giận thì là nộ khí; vui là hỉ khí. Bình thường khí nằm phục trong người. Ai làm chủ được khí thì nét mặt và dáng người lúc nào cũng tươi tỉnh, thanh nhàn, bình yên. Người không nén được khí để cơn giận bốc lên thì mặt đỏ gấc, tóc dựng đứng cả lên, còn mắt thì long lên sòng sọc; cả thân thể trông giống như một bình ga sắp nổ bùng.
Trong tiếng Việt, chúng ta cũng có thể nhận ra những quan niệm tương tự. Yêu, thương, hay hờn, giận, chúng ta đều để bụng, tức là, nói cách khác, xem cái bụng như một kho chứa. Khi sự giận dữ lên đến cực điểm, nó có thể làm cho cái kho chứa ấy căng lên, nứt ra, do đó, chúng ta hay có những cách nói như: “giận tràn hông”, “giận cành hông”, “giận ứ gan”, “giận tím mật”, “giận bể bụng”. Có khi cảm giác giận dữ trào lên trên, tạo ra những cách nói như: “tức lòi họng”, “tức hộc gạch”, “tức hộc máu”, “tức ói máu”, “tức trào máu” hay “tức trào máu họng”.
Nhưng hay nhất là chữ "tức mình". Các cuốn từ điển tiếng Việt đều giải thích chữ "tức" là ở trạng thái có vật chứa đựng bên trong bị dồn nén quá chặt đến mức gần như không thể chịu đựng nổi. Chẳng hạn, chúng ta hay nói: tức nước vỡ bờ; ăn no quá bụng tức anh ách; tức lòng súng, súng nổ / đau lòng gỗ, gỗ kêu vang... Chữ "tức mình" cũng tương tự. Mình là thân thể. Tức mình là cảm giác giận dữ, giống như một luồng khí bị nén chặt, làm cho cả cơ thể như căng ra, tưởng như có thể nổ bùng, tạo cảm giác rất khó chịu. Cảm giác khó chịu ấy cụ thể đến độ người ta có thể ví von, "tức như bị bò đá" hay "tức muốn lòi con ngươi".
Bên cạnh những điểm trùng hợp như thế, ngôn ngữ nào cũng có vô số những đặc thù riêng. Chỉ lẩm nhẩm những từ chỉ các bộ phận trên khuôn mặt, tôi đã nhận ra ngay một số điều thú vị:
Thứ nhất, như một số người đã đề cập,[3] số lượng từ bắt đầu bằng phụ âm M khá nhiều: mặt, mắt, mày, mi, mí, mũi, miệng, mồm, môi, mép, má, màng (tang)... Hình như trên khuôn mặt, trong các bộ phận chính và nổi bên ngoài, chỉ có chữ trán, cằm và râu là không bắt đầu bằng phụ âm M. Tại sao có hiện tượng lạ lùng như thế? Nó có quan hệ gì đến hiện tượng hầu hết các từ chỉ mẹ đều bắt đầu bằng phụ âm M: mẹ, má, me, mợ, mẫu, mère, maman, mother, mom, momma, mommy, mum, mummy, v.v...? Có lẽ có. Lý do được nhiều người nêu ra: Trong các phụ âm, phụ âm M là dễ nói nhất. Chỉ cần mở miệng khi luồng hơi từ trong cổ bật ra là chúng ta có ngay phụ âm M. Nó khác với việc phát âm các phụ âm khác, như B, C (K), D, Đ, G, K, KH, L, N, NG..., những phụ âm đòi hỏi chúng ta phải dùng môi hoặc răng hoặc lưỡi để chận luồng hơi lại, đâu đó. Chính vì dễ phát âm như thế cho nên loài người đã có khuynh hướng gọi ngay cái người sinh đẻ ra mình, chăm sóc và âu yếm mình bằng một chữ bắt đầu bằng M. Và, tôi đoán, chính người mẹ ấy, khi dạy chúng ta nói năng, cũng đã dạy ta cách gọi tên những từ ngữ dễ nhất và những sự vật gần gũi và quen thuộc nhất. Chúng ta hãy nhớ lại xem, thuở còn nhỏ, những bài học đầu tiên về ngôn ngữ của chúng ta là gì? Hầu như ở mọi người, những bài học ấy khá giống nhau. Đầu tiên là mẹ hay là ba. Sau đó là các bộ phận trên khuôn mặt. Mẹ sẽ chỉ cho ta con mắt và dạy: mắt; chỉ lỗ mũi và dạy: mũi. Cứ thế, chúng ta mở rộng dần kho từ vựng của mình bắt đầu từ những từ chỉ các bộ phận trên khuôn mặt. Có lẽ các bà mẹ Việt Nam, bằng trực giác nhạy bén của mình, đã khám phá ra sự dễ dàng trong việc phát âm của phụ âm M, do đó, ngay từ thuở xa xưa, đã bắt đầu các tên gọi chỉ các bộ phận trên khuôn mặt bằng cái phụ âm dễ nhất đó. Nhờ thế, ngày nay chúng ta có những mặt, những mắt, mày, mi, mí, mũi, miệng, mồm, mép, môi, má và màng tang. Tất cả đều bắt đầu bằng phụ âm M. Có lẽ thế. Có lẽ: đây chỉ là một giả thuyết mà thôi.
Thứ hai, chúng ta cũng cần lưu ý là số lượng động từ liên quan đến con mắt khá nhiều: nhìn, ngó, ngắm, nhắm, trông, thấy, rình, xem, coi. Chưa hết. Còn nom, dòm, nhòm. Rồi lườm, gườm. Cũng chưa hết. Với con mắt, chúng ta còn trợn, còn trừng, còn háy, còn nháy, còn nheo, còn nguýt, còn quắc, còn liếc xéo, liếc dọc, liếc ngang, rồi đưa mắt, ghé mắt, híp mắt, quáng mắt, hoa mắt, v.v... Chúng ta thử so sánh với những động từ liên quan đến lỗ tai, lỗ mũi hay ngay cả cái miệng, chúng ta có thể thấy ngay sự giàu có lạ lùng trong các động tác liên quan đến con mắt. Ngẫu nhiên chăng? Chắc không phải. Không chừng nó lại liên quan đến nền văn hoá "liếc mắt" của chúng ta.
Năm 1979, sau gần bốn năm định cư tại Mỹ, quan sát cách thức giao thiệp giữa phái nam và phái nữ của Mỹ, nhà văn Võ Phiến chợt nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của đôi mắt trong đời sống tình cảm của người Việt: phương thức bộc lộ tình cảm chủ yếu của chúng ta là qua đôi mắt. Trong thơ văn, hình ảnh đôi mắt xuất hiện khá nhiều. Gã thanh niên mới lớn trong thơ Huy Cận ngày xưa bắt đầu bước vào thế giới tình yêu bằng... đôi mắt: "Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư". Mấy chục năm sau, đứa học trò trong thơ Nguyên Sa cũng không khác mấy: "Chân díu bước và mắt nhìn vương vướng / Nàng đến gần, tôi chỉ dám quay đi". Thuộc thế hệ cố, tổ của gã thanh niên và đứa học trò ấy, Thuý Kiều và Kim Trọng cũng từng "đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu"; Thuý Kiều và Từ Hải cũng từng "hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa"; hai người tình già trong thơ Phan Khôi cũng từng "liếc đưa nhau đi rồi, con mắt còn có đuôi." Những cái liếc mắt như thế rõ ràng đã có một lịch sử lâu đời trong nền văn học và văn hoá của chúng ta. Võ Phiến đẩy nhận xét của ông đi sâu hơn, cho liếc là "vuốt và hôn bằng thị giác." Nó không phải là biểu thị của tình yêu mà là chính tình yêu.[4]
Vượt ra ngoài quan hệ nam nữ, chúng ta cũng có thể xem đôi mắt và cả nụ cười nữa, cái nụ cười từng bị Nguyễn Văn Vĩnh lên án gắt gao trong mấy thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, là những thứ ngôn ngữ quen thuộc của người Việt Nam. Có thể nói trong văn hoá Việt Nam, nghệ thuật ngôn ngữ đóng một vai trò chính yếu; nhưng trong nghệ thuật ngôn ngữ của người Việt Nam, phần quan trọng nhất lại nằm ở ngoài... lời, trong đó, một phần đáng kể thuộc về thứ chúng ta gọi là ngôn ngữ thân thể (body language). Chúng ta thường dùng nụ cười hay cái liếc mắt để thay cho một lời chào, một tiếng cám ơn hay một câu xin lỗi. Từ cách nhìn của người Tây phương, chúng ta có thể xem cách ứng xử như thế là bất lịch sự. Tuy nhiên, dù sao, đó cũng là một nét văn hoá. Gốc rễ sâu xa không chừng là từ kinh nghiệm bị lệ thuộc cả hàng ngàn năm của người Việt: để giảm thiểu nguy cơ bị tai hoạ, người ta phải giảm thiểu tối đa việc sử dụng ngôn ngữ: "lời nói đọi máu".
Thứ ba, liên quan đến các từ chỉ các bộ phận trên cơ thể, từ lâu, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận ra đặc điểm này: nhìn chung, các bộ phận bên ngoài phần lớn đều là từ thuần Việt:[5] tóc, tai, trán, miệng, cằm, vai, ngực, ức, bụng, v.v...; trong khi đó, các bộ phận bên trong lại thường là các từ Hán Việt: tuỷ, não, tâm, can, mật, tiểu trường, đại trường, v.v...
Nói chung là thế. Tuy nhiên, ở từng vùng cụ thể, sự phân bố cũng như tỉ lệ và chức năng giữa hai lớp từ vựng ấy khác hẳn nhau.
Ví dụ ở vùng mặt, không khó để nhận ra, thứ nhất, số lượng từ Hán Việt tương đối ít; thứ hai, phần lớn gắn liền với khoa tướng số: thái dương, lưỡng quyền và nhân trung. Tả khuôn mặt một cô gái đang yêu, chúng ta dùng chữ gò má: "gò má đỏ au..."; nhưng khi muốn nhấn mạnh đến tính khí hay số mệnh của cô gái ấy, chúng ta lại dùng chữ "lưỡng quyền", chủ yếu tập trung vào một đặc điểm chính: cao hay thấp.
Ở tứ chi cũng thế. Từ Hán Việt chỉ xuất hiện với khoa tướng số: gò Mộc Tinh, gò Thổ Tinh, gò Thái Dương… rồi Tâm đạo, Sinh đạo, Trí đạo, v.v… Còn lại, toàn bộ đều là các từ thuần Việt. Này nhé: cánh tay, bắp tay, khuỷu tay, cùi chỏ, cổ tay, cườm tay, nắm tay, bàn tay, mu bàn tay, lòng bàn tay, chỉ tay, ngón tay, đốt ngón tay, lóng tay, móng tay, phao tay, dấu tay, v.v… Dưới chân thì: cẳng, giò, đùi, vế, đầu gối, ống quyển, bụng chân, cổ chân, bàn chân, gót chân, lòng bàn chân, gan bàn chân, ngón chân, v.v… Không có từ Hán Việt nào cả.
Ở phần ngực, ngược lại, hầu hết các từ bên trong lại là từ Hán Việt: tim (tâm), phổi (phế), mạch, động mạch, tĩnh mạch, tâm thất, tâm bì, v.v... Tất cả các thuật ngữ gốc Hán Việt này đều gắn liền với khoa giải phẫu học. Điều này chứng tỏ có lẽ khi tiếp xúc với người Trung Hoa, ngành giải phẫu học và cùng với nó, trình độ khoa học của người Việt Nam tương đối thấp. Vì thấp hơn nên chúng ta chưa có tên gọi các bộ phận bên trong lồng ngực của con người. Và vì chưa có cho nên chúng ta mới phải vay mượn từ chữ Hán. Điều này không những đúng đối với phần ngực mà còn đúng cả với hầu hết các bộ phận khác trong cơ thể. Sọ là từ thuần Việt nhưng cái phía bên trong sọ là tuỷ thì lại là từ Hán Việt. Da là từ thuần Việt nhưng gân, do chữ cân mà ra, lại là từ Hán Việt. Thịt là từ thuần Việt nhưng bộ phận nhỏ của thịt là cơ, cơ bắp thì lại là từ Hán Việt.
Ở vùng hạ bộ hay âm bộ, tức bộ phận sinh dục, ngược lại, vừa có tên gọi bằng chữ thuần Việt vừa có tên gọi bằng chữ Hán Việt.[6] Trong phần lớn các trường hợp, đặc biệt hai từ chính chỉ bộ phận sinh dục của nam và nữ, người ta có khuynh hướng dùng từ Hán Việt: những chữ như dương vật, ngọc hành, và âm hộ đều có âm hưởng thanh tao hơn chữ cu, cặc, buồi, lồn,[7] đồ[8] và đách.[9] Nguyên tắc lựa chọn ở đây chủ yếu là nguyên tắc “đạo đức” hoặc ít nhất, lịch sự: tránh cảm giác sỗ sàng, thô tục, thậm chí, thô bỉ. Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ giới hạn trong vài từ chính mà thôi. Trên thực tế, chữ “cửa mình” hay “dạ con” không hề gợi cảm giác tục tĩu hơn chữ “âm đạo”[10] hay “tử cung”. Trong cả văn viết lẫn văn nói, trừ một số trường hợp thật tế nhị, người ta thường dùng “hòn dái” thay cho “tinh hoàn” hay “âm hành”, “đì” hay “bìu dái” thay cho “âm nang” hay “hạ nang”, “hột le”, “mồng đóc” hay “ghe”[11] thay cho “âm hạch” hay “âm vật”, v.v... Hơn nữa, hình như người Việt Nam thường ở trong trạng thái phân vân: họ vừa muốn tránh cảm giác thô tục trong từ thuần Việt lại vừa muốn tránh cảm giác quá nghiêm túc trong từ Hán Việt bằng cách sử dụng các tiếng lóng: bòi, chim, bướm, hĩm, húm, lá đa, cái “tỉnh tình tinh”,[12] của quý, đồ nghề, v.v... Có điều, những sự phân vân như thế thường chỉ xuất hiện trong giới có học. Riêng giới lao động thì thường sử dụng các từ thuần Việt một cách thoải mái hơn, do đó, chúng ta có các từ ghép để chỉ một số vật thể hoặc vật dụng quen thuộc như: cặc bần (rễ cây bần, thường đâm ngược lên khỏi mặt đất), cặc khỉ (cốm thèo lèo làm bằng bột chiên trong dầu), cặc vịt (vật dùng khui rượu, “corkscrew”), cặc bò (thứ roi làm bằng dương vật bò phơi khô), lồn mèo (cái đầu hồi, nơi hai mái nhà giáp nhau), lồn trâu (cổ áo bà ba rộng mà thon), lồn xa (miếng gỗ xẻ một đầu dùng làm nơi gác con quay kéo vải), lồn lá tre (thứ lồn xa hẹp bề ngang), lồn lá vông (thứ lồn xa hình bầu), v.v...[13]
Nếu ở vùng ngực, hầu hết các bộ phận bên trong đều là từ Hán Việt và nếu ở vùng hạ bộ và âm bộ, hầu hết các bộ phận đều có tên gọi vừa bằng chữ thuần Việt vừa bằng chữ Hán Việt thì trong vùng bụng, số lượng các bộ phận có tên gọi thuần Việt và các bộ phận có tên gọi Hán Việt xem như ngang bằng nhau. Thuần Việt thì có ruột, cật, bầu dục, ruột già, ruột non, lá lách, lá mía, bong bóng, dạ con, bọng đái, v.v... Hán Việt thì có thận, mật, gan, trường (hay tràng), tì, tuỵ, bàng quang, v.v... Giữa hai lớp từ thuần Việt và từ Hán Việt trong vùng bụng, lớp từ thuần Việt rõ ràng là có mức độ phổ biến cao hơn hẳn. Trừ các từ mật và gan không có từ tiếng Việt tương đương để thay thế, hầu hết các từ khác đều có từ tiếng Việt tương đương và trong những trường hợp ấy, từ thuần Việt bao giờ cũng thông dụng hơn.[14] Chẳng hạn giữa chữ ruột và chữ trường. Trong ngôn ngữ hằng ngày, người Việt vẫn thường dùng và thích dùng chữ ruột hơn là chữ trường. Ngay chữ đoạn trường, vốn gắn liền với Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, gần đây cũng có khuynh hướng bị chữ đứt ruột thay thế. Khi nói một nỗi đau đứt ruột hay một tiếng kêu đứt ruột, chúng ta có cảm giác là đỡ sáo cũ hơn là nói một nỗi đau đoạn trường hoặc một tiếng kêu đoạn trường. Chữ trường, khi đứng một mình, chỉ xuất hiện trong các món ăn, chủ yếu là món nhậu, như dồi trường, chẳng hạn. Riêng chữ “thận”, gốc chữ Hán, chỉ phổ biến khi nói về thân thể con người từ khía cạnh y học; vượt ra ngoài khía cạnh y học, người ta hay dùng chữ “quả cật” thuần Việt: “no cơm ấm cật” hay “chung lưng đấu cật”. Khi nói về loài vật, chữ “thận” ấy hầu như hoàn toàn bị lép vế trước chữ “quả cật” và một chữ thuần Việt khác: “quả bầu dục”.
Nếu ưu thế áp đảo của lớp từ Hán Việt ở vùng ngực tiết lộ về trình độ giải phẫu học và khoa học của người Việt và nếu việc thịnh hành của lớp từ Hán Việt ở vùng hạ bộ cho thấy ý thức luân lý của người Việt thì mức độ phổ biến của lớp từ thuần Việt ở vùng bụng lại mang nhiều ý nghĩa về văn hoá. Nói một cách tóm tắt, trong văn hoá Việt Nam, vùng bụng có một tầm quan trọng rất đặc biệt.
Tầm quan trọng ấy có thể được nhìn thấy rõ nhất ở cách dùng các ẩn dụ. Nếu trong tiếng Anh hay trong chữ Hán, chữ trái tim, chữ heart hay chữ tâm được mở rộng thành một cái gì chính, nằm giữa, như chữ heartland là khu vực chính, nằm giữa và quan trọng nhất trong một vùng nào đó, được dịch ra chữ Hán là khu trung tâm, thì trong tiếng Việt, để biểu thị một ý niệm tương tự, người ta lại dùng chữ lỗ rốn, một bộ phận của bụng. Bởi vậy, chúng ta hay có những cách nói như cái rốn của thành phố, cái rốn của một nước, và rộng hơn nữa, cái rốn của vũ trụ.
Cũng liên quan đến khía cạnh ẩn dụ, chúng ta biết trong phần lớn các ngôn ngữ khác, từ tiếng Hoa đến tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, v.v..., người ta đều dùng hình ảnh trái tim để làm biểu tượng cho tâm hồn, cho tư tưởng và cho tình cảm. Tình yêu ở trong trái tim; niềm vui và nỗi buồn cũng ở cả trong trái tim. Sự chung thuỷ người ta để trong tim, tất cả những bí mật cũng đều được chôn kín trong trái tim. Trong tiếng Việt thì ngược lại. Với chúng ta, trung tâm của tư tưởng và tình cảm là phần bụng, bao gồm bụng và bộ phận chính trong bụng là lòng. Lòng, nguyên là từ gốc Mường, có nghĩa là ruột. Dạ cũng là ruột. Do đó, bốn chữ bụng, lòng, dạ và ruột xem như đồng nghĩa với nhau. Người khác nghĩ thầm trong đầu, chúng ta thì nghĩ thầm trong bụng. Trong các ngôn ngữ khác, một người thông minh là một kẻ có đầu óc nhạy bén, còn trong tiếng Việt, đó là một kẻ sáng dạ. Tình yêu cũng như vui buồn hờn giận người khác giấu trong trái tim, còn chúng ta thì để bụng. Yêu nhau, chúng ta nói là "phải lòng nhau". Giận nhau, chúng ta nói là "mất lòng nhau". Một người tốt, trong tiếng Anh là kẻ có trái tim tốt, a kindhearted person, trong tiếng Việt, là kẻ tốt bụng. Nhớ cái gì, đối với người nói tiếng Anh, là ấn sâu cái đó vào trong tim, là learn by heart, đối với người Trung Hoa, là làm cho nhập tâm, nhập vào trái tim, còn đối với người Việt Nam, là nhồi vào trong bụng, là nhớ thuộc lòng. Chính vì thế, khi đi thi, để kiểm tra lại kiến thức của mình, Tú Xương đã không sờ vào trong đầu hay sờ vào trái tim mà là sờ vào bụng: “Tiễn chân cô mất ba đồng lẻ / Sờ bụng thầy không một chữ gì.” Cuối cùng, thi hỏng; thay vì than như người nói tiếng Anh là “tan nát cả trái tim”, là heart-broken, Tú Xương lại thấy đau trong bụng: “Bụng buồn còn biết nói năng chi / Đệ nhất buồn là cái hỏng thi.”
Ưu thế của chữ bụng và chữ lòng so với chữ tâm hay trái tim thể hiện rõ nhất có lẽ trong cuốn Truyện Kiều của Nguyễn Du. Một chủ đề quan trọng của cuốn truyện thơ lỗi lạc ấy là nhằm đề cao cái tâm, đề cao tấm lòng của con người. Thế nhưng trong 3254 câu thơ của Truyện Kiều, chữ tâm lại xuất hiện một cách hoạ hoằn. Chỉ có hai lần, trong hai câu thơ khác nhau. Một lần là "chữ tâm càng dập càng nồng" và một lần khác là "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Là hết. Trong khi đó thì Nguyễn Du dùng chữ "dạ" đến 6 lần, từ "Tình càng thấm thía, dạ càng ngẩn ngơ" đến "Mấy lời ký chú đinh ninh / Ghi lòng để dạ, cất mình ra đi." Ngay câu nói phân bua về việc ghen tuông của Hoạn Thư, "Rằng tôi chút phận đàn bà" cũng có một số bản ghi là "Rằng tôi chút dạ đàn bà". Ngoài chữ "dạ", trong Truyện Kiều còn có 12 chữ "ruột" được dùng để chỉ tính tình và cảm xúc, chẳng hạn, "Tai nghe ruột rối bời bời" hay "Tơ tình đứt ruột, lửa phiền cháy gan". Nhưng trong Truyện Kiều, xuất hiện nhiều nhất là chữ "lòng". Nó xuất hiện đến 165 lần khác nhau. Nào là "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng", nào là "lòng đâu sẵn mối thương tâm", nào là "Đã lòng hiển hiện cho xem / Tạ lòng, nàng lại nối thêm vài lời", v.v...[15]
Số lượng các từ chỉ các bộ phận trên cơ thể đã nhiều, người Việt Nam lại ghép các từ ấy lại để thành các từ mới: đã có bụng, ruột, lòng, dạ và gan, chúng ta lại có các từ ghép: bụng dạ, lòng dạ, ruột gan; đã có mặt, mũi và mày, chúng ta lại có các từ ghép: mặt mày và mặt mũi; đã có tay và chân, chúng ta lại có chân tay và tay chân, v.v... Lượng từ vựng chỉ các bộ phận trên cơ thể, do đó, tăng vọt. Và cấu trúc ý nghĩa của chúng cũng khá đa dạng. Có khi từ ghép được hình thành chỉ cốt cho thuận miệng. Nói “tóc tai”, nhưng thật ra, chỉ có “tóc” là quan trọng; còn “tai” chỉ là từ đệm. Có khi chúng hình thành như một sự tổng hợp: râu ria là râu và ria nói chung. Nhưng trong phần lớn các trường hợp, ý nghĩa của các từ ghép đều vượt ra ngoài và vượt lên trên ý nghĩa của hai từ tố gốc. “Chân tay” là chân và tay nói chung, nhưng “chân tay” và “tay chân” thì không phải chỉ có tay và chân mà còn có... người: những kẻ thuộc hạ để sai khiến. Cũng vậy, “tai mắt” là thuộc hạ, nhưng chỉ giới hạn trong công tác rình rập, theo dõi, góp nhặt tin tức. “Vai vế” thành ra địa vị; “máu mặt” thành ra thế lực: Có thể có những người tuy không có “vai vế” gì trong chính quyền nhưng lại là người có “máu mặt” trong địa phương. Ngoài mối quan hệ gần xa với nghĩa gốc (bụng/ruột/gan), cả ba chữ bụng dạ, lòng dạ và ruột gan đều có những hướng phát triển riêng: trong khi chữ lòng dạ thiên về tính tình, thường mang chút màu sắc tiêu cực (“lòng dạ con người” hay “lòng dạ đàn bà”); chữ bụng dạ thiên về nhận thức (“Bận làm việc túi bụi, còn bụng dạ nào mà nói chuyện thơ văn!”); còn ruột gan thì lại thiên hẳn về khía cạnh tình cảm. Tâm tình tương đắc với nhau, người ta không phơi bày lòng dạ hay bụng dạ mà là phơi bày ruột gan cho nhau xem. Nói đến “ruột gan” là nói đến những gì sâu kín nhất, tha thiết nhất, chân thành nhất.
Mặt mày và mặt mũi đều có nghĩa là diện mạo; nhưng khác với “mặt mày”, chữ “mặt mũi” còn có nghĩa là thể diện, đặc biệt thường được dùng khi thể diện đã bị sứt mẻ khá nhiều và người ta không muốn nó bị tiêu huỷ hoàn toàn: “Sau khi bị án tù bị tội ăn trộm gà, ông ấy không còn mặt mũi nào mà về làng nữa.”
Cũng có yếu tố “máu” nhưng máu thịt lại khác với máu mủ hay ruột thịt. “Máu thịt” có ý nghĩa vừa hẹp hơn lại vừa rộng hơn các chữ kia. Hẹp hơn bởi vì nếu chỉ quan hệ thân tộc thì “máu mủ” và “ruột thịt” có thể chỉ cả quan hệ hàng ngang, giữa anh em, và rộng hơn, giữa họ hàng với nhau. Còn “máu thịt” thì chỉ giới hạn trong phạm vi hàng dọc, chỉ quan hệ giữa cha mẹ và con cái, với ý nghĩa xem con cái như là chính máu thịt của cha mẹ. Chữ “máu thịt” không mở rộng tới quan hệ họ hàng. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, chữ “máu thịt” lại có ý nghĩa rất rộng, không chỉ giới hạn trong quan hệ giữa người với người. Quan hệ máu thịt là thứ quan hệ gắn bó đến mức cực kỳ sâu sắc, không dễ gì phai nhạt được. Chúng ta có thể nói đến quan hệ máu thịt giữa mình với quê hương, với tiếng mẹ đẻ, hay với các tác phẩm do mình nắn nót viết ra.
Cả ba chữ miệng lưỡi, mồm miệng và mồm mép đều chỉ khả năng ăn nói, nhưng có lẽ chỉ có chữ miệng lưỡi là có ý nghĩa hoàn toàn tích cực: người miệng lưỡi là người vừa có tài diễn đạt vừa có khiếu biện luận. Ðó là kẻ không dễ gì bị lấn áp. Trong khi đó, hai chữ mồm miệng hay mồm mép hầu như chỉ tập trung vào khả năng ăn nói chứ không liên hệ gì đến khả năng biện luận. Người mồm miệng hay mồm mép có thể chỉ là người đa ngôn, người lém lỉnh chứ chưa chắc đã là người lý sự, thông minh hay uyên bác. Bởi vậy, chúng thường gắn liền với ý chê bai.
Gốc rễ của phần lớn các khác biệt giữa các chữ ngỡ như đồng nghĩa vừa nêu chủ yếu nằm ngay trong sắc thái ngữ nghĩa của các từ tố gốc. Ðã đành mồm cũng là miệng, nhưng người Việt Nam nào lại chả biết sắc thái biểu cảm của chữ mồm thường nghiêng về khía cạnh tiêu cực. Khen người yêu, người ta chỉ có thể nói: “Miệng em đẹp” chứ không ai lại nói: “Mồm em đẹp”. Không chừng vì “mồm” gần với “mõm” nên âm hao có phần kém thanh tao. Chửi nhau, để cho nặng lời, người ta không dùng chữ miệng mà dùng chữ mồm: cách nói “Vả vào mồm” bao giờ cũng dữ dằn hơn cách nói “Vả vào miệng”. Muốn cho dữ dằn hơn nữa, người ta thế chữ “mồm” bằng chữ “mõm” hay chữ “mỏ”: “Ðánh cho dập mõm”, “đánh cho phù mỏ” hay ‘đánh cho bể mồm...” là những cách nói rất thường nghe trong các cuộc đấu khẩu ở Việt Nam.
Như vậy, trước và trong quá trình chuyển nghĩa của các từ ghép, từng từ tố chỉ các bộ phận trên cơ thể cũng được chuyển nghĩa. Nhờ sự chuyển nghĩa này, các từ chỉ các bộ phận trên cơ thể trở thành những từ có sức “sinh sản” rất cao: từ thân thể con người, chúng được dùng để chỉ nhiều sự vật, hiện tượng hay đặc điểm khác nhau trong xã hội. Trong sự chuyển nghĩa ấy, thân thể con người tự nhiên trở thành trung tâm, thành trục quy chiếu để từ đó người ta định danh những sự vật khác hay những mối quan hệ giữa người và người, giữa người và vật. Mũi con người có hình thù khá nhọn và là phần nhô ra phía trước ư? Vậy thì, những gì có đầu nhọn và nhô ra sẽ được gọi là “mũi”, từ đó, chúng ta không những có mũi dao, mũi kéo... mà còn có mũi thuyền, thậm chí, mũi Cà Mau và mũi tiến quân, v.v... Ðầu con người có hình khối cầu, ở trên cùng, có chức năng suy nghĩ và điều khiển toàn thân thể ư? Vậy thì, chúng ta có, từ sự tương đồng về hình dạng: đầu gối, đầu đạn, đầu đập..; từ sự tương đồng về vị trí: đầu núi, đầu hồi, đầu xứ, đầu danh sách...; từ sự tương đồng về chức năng: đầu mục, đầu nậu, đầu sỏ, đầu têu, đầu trò, rồi đứng đầu, cầm đầu, dẫn đầu, đương đầu, đối đầu, v.v... Cổ cũng thế. Nó thon, nhỏ, nối liền đầu và thân ư? Vậy thì, chúng ta có: cổ chai, cổ lọ, cổ chày.... Nó có chức năng giữ cái đầu mà cái đầu được xem là biểu tượng của trí tuệ ư? Vậy thì nó sẽ trở thành biểu tượng của ý chí và quyền lực, từ đó, chúng ta có: cứng cổ, cưỡi cổ, lôi cổ, siết cổ hay một cổ hai tròng, v.v.. Tay người có chức năng nắm giữ ư? Vậy thì tay trở thành từ chỉ sở hữu: tay trắng và tay không. Tay có chức năng hành động ư? Vậy thì nó trở thành từ chỉ sự thực hiện: ra tay, xuống tay, khéo tay, hoa tay, mát tay, non tay, nặng tay, nhẹ tay, nhúng tay, tay nghề, tay ngang... Tay là bộ phận phục thuộc ư? Vậy thì chúng ta có: tay chân, tay sai, tay trong hay tay ngoài, v.v...
Ở chữ “mặt”, chúng ta cũng có thể nhận thấy quá trình chuyển nghĩa ở đó con người là một cái trục như thế. Trên thân thể con người, mặt là bộ phận phía trước và bên ngoài, từ đó, nảy sinh ra các chữ: mặt bàn, mặt nước, mặt đất, rồi xa hơn nữa, mặt trăng, mặt trời. Khái niệm “phía trước” và “bên ngoài” gắn liền với không gian, từ đó, dẫn đến khái niệm mặt trước, mặt sau, cuối cùng, được trừu tượng hoá thành một khía cạnh hay một phương diện của vấn đề: mặt tích cực và mặt tiêu cực; mặt tình cảm và mặt pháp lý, v.v... Nhưng “mặt” còn một hướng chuyển nghĩa khác, quan trọng hơn, chỉ tình cảm, tư tưởng, thái độ cũng như danh dự của con người, từ đó, chúng ta có: đẹp mặt và xấu mặt, ê mặt và nể mặt, trở mặt và chừa mặt, nóng mặt và mát mặt, v.v...
Rất gần với chữ mặt là chữ mắt. Chữ mặt và chữ mắt có nhiều kết hợp giống nhau nhưng ý nghĩa thì khác hẳn nhau. “Ra mắt” khác với “ra mặt”: cả hai đều hàm ý một sự xuất hiện hay bộc lộ công khai, nhưng trong “ra mặt” có cái gì liên quan đến thái độ: khinh ra mặt, ghét ra mặt, chống đối ra mặt, v.v... “Ðẹp mắt” khác với “đẹp mặt”: trong khi “đẹp mắt” giới hạn trong phạm trù thẩm mỹ; “đẹp mặt” gắn liền với phạm trù danh dự. “Nóng mặt” là cảm giác bất bình khi cá nhân bị xúc phạm, trong khi “nóng mắt” là cảm giác bất bình khi chứng kiến một điều gì không vừa ý, dù điều đó không dính líu gì đến quyền lợi cá nhân mình cả.
Ở trên, chúng ta bắt gặp một số từ ghép có cấu trúc ngược, theo kiểu chữ Hán, ở đó từ tố mang ý nghĩa chính đứng sau: “đẹp mắt” thay vì “mắt đẹp”; “nóng mặt” thay vì “mặt nóng”, v.v... Có điều, như nhiều nhà ngôn ngữ học đã nhắc: trong cấu trúc thuận, danh từ có ý nghĩa cụ thể; trong cấu trúc ngược, danh từ trở thành trừu tượng, chỉ một phẩm chất hay một đặc điểm thay vì một vật nào đó. “Mát tay” khác với “tay mát”. “Tay mát” bao giờ cũng có nghĩa cụ thể, chỉ một bàn tay nào đó mát dịu; còn “mát tay” lại chỉ những thầy thuốc giỏi, chữa bệnh mau lành. Tương tự như vậy, chúng ta có các cặp: mặt đẹp / đẹp mặt; bụng xấu / xấu bụng; bụng tốt / tốt bụng; miệng thối / thối miệng; đầu to / to đầu; gan to / to gan; v.v...
Và v.v...
Nhưng... mà thôi. Chuyện ngôn ngữ học biết bao giờ cho xong. Cứ thong thả, mai mốt lại tiếp.
Ghi Chú:
[1]Hai chữ “đồng tử” này có thể được viết giống nhau; tuy nhiên khi dùng theo nghĩa con ngươi, chữ “đồng” thường được thêm bộ “mục” phía trước.
[2]Các nhà ngôn ngữ học thường giải thích sở dĩ người ta gọi “con ngươi” như thế là căn cứ vào cái hình ảnh được phản ánh trong mắt. Tuy nhiên, dù vậy, cũng không ai giải thích được là: tại sao ở rất nhiều ngôn ngữ khác nhau, người ta đều đồng loạt dùng cái hình ảnh được phản ánh trong mắt để đặt tên cho “con ngươi”?
[3]Ví dụ, trong cuốn Tiếng Việt tuyệt vời: âm M trong tiếng Việt của Nguyễn Cung Thông do tác giả tự xuất bản tại Melbourne vào năm 1998.
[4]Võ Phiến (1979), Lại Thư Gửi Bạn, California: Người Việt, tr. 37-44.
[5]Không có ý định đi sâu vào khía cạnh từ nguyên học, trong bài viết này, tôi tạm xem là từ thuần Việt cả những từ gốc Nam Á.
[6]Hình như các từ “tinh dịch” hay “tinh trùng”... đều không có từ thuần Việt tương đương.
[7]Bài viết này bàn chuyện ngôn ngữ, do đó, tôi tự phép mình, như những người làm từ điển, viết thẳng một số chữ bị xem là tục, thay vì chỉ viết tắt chữ đầu, ví dụ: c., b. hay l. (Tôi đoán, không ít người, nhất là những người miền Nam, chưa chắc đã biết chữ “b.” là dạng viết tắt của chữ gì; chưa chắc đã nhớ câu ca dao: “Chồng người đi ngược về xuôi / Chồng em ngồi bếp để buồi ăn tro”.)
[8]“Ðồ” nghĩa là âm hộ, sau này ít dùng. Câu đối: “Miệng nhà quan có gan có thép / Ðồ kẻ khó vừa nhọ vừa thâm”. Tục ngữ: “Mẹ để đồ thì mát / Con để đồ vừa phát vừa đánh”.
[9]“Ðách” hay còn gọi là “đếch” vốn là từ chỉ âm hộ của phụ nữ, sau, biến nghĩa thành từ phủ định: “Ðếch sợ” hay “sợ cái đách".
[10]Thật ra, tương đương với chữ “cửa mình” là “âm hộ”; còn từ thuần Việt tương đương với từ “âm đạo” là gì, thú thực, tôi cũng không biết.
[11]Trong Từ Ðiển Từ và Ngữ Việt Nam (nxb Thành phố HCM, 2000), Nguyễn Lân giải thích: “Ghe có tên chữ là âm hạch”. Tôi hỏi một số bạn bè gốc miền Nam và miền Trung, không ai biết từ “ghe” này; ngược lại, từ “mồng đóc” lại không thấy xuất hiện trong các cuốn từ điển miền Bắc.
[12]Như trong câu ca dao “Người xinh cái bóng cũng xinh / Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn”.
[13]Các chữ này đều có trong Việt Nam Tự Ðiển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ, nhưng phần lớn lại không có trong Từ Ðiển Tiếng Việt xuất bản ở Hà Nội trước cũng như sau năm 1975, như của Văn Tân, Hoàng Phê hay Nguyễn Lân.
[14]Dù chưa chắc đã chính xác hơn. Ví dụ, liên quan đến ruột, trong tiếng Việt chỉ có hai chữ chính: ruột non và ruột già (có thể kể thêm chữ ruột thừa, nếu muốn), trong khi trong từ Hán Việt, sự phân chia chi li hơn: tiểu trường, đại trường, trực tràng và tá tràng.
[15]Các con số thống kê này ấy từ cuốn Từ điển Truyện Kiều do Ðào Duy Anh biên soạn, Phan Ngọc hiệu đính (1987), Hà Nội: nhà xuất bản Khoa học Xã hội.
Kết Thúc (END) |
|
|