Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài Học Trò » Đứa Trẻ Nhút Nhát Tác Giả: Xuân Quỳnh    
    Ân là một đứa trẻ nhút nhát. Cái gì cũng sợ. Buổi tối, mẹ bảo Ân xuống máy nước rửa mặt mũi chân tay hoặc ra bếp rót nước cho mẹ là Ân ít dám đi. Cứ nghĩ đến những con chuột cống lông bạc phếch vừa leo lên cầu thang vừa ho khù khụ, rồi lại nghĩ đến con mèo đen nhà bà Toàn, đang đi nó quay lại nhìn Ân, mắt nó xanh lè, nó phụt một cái như rắn rồi biến mất, là Ân sợ rùng cả mình. Trong bóng tối biết bao nhiêu cái đáng sợ. Mà chả phải chỉ trong bóng tối, ban ngày cũng còn có cái đáng sợ nữa là! Vì Ân luôn cảm thấy các sự vật đều biết nói mà Ân thì lại nghe được tiếng nói của chúng. Ví như cái mặt nạ kia – khi treo trên tường là lúc nó ngủ, nếu như ai đó đeo vào, lập tức nó thức dậy nhảy múa và còn hò hét nữa. Nghĩ thế lại sợ! Hôm mẹ sai Ân mang cơm cho gà ăn, lúc đó có con gà trống của bác Thêm ở chuồng bên cạnh xông ra, nó đi loanh quanh phía ngoài chuồng gà nhà Ân, cựa nó rất to và vàng, mặt nó đỏ gay gắt, nó trông thấy Ân tới gần bèn gườm gườm nhìn Ân và cục cục ầm ĩ, Ân nghe như nó đuổi Ân: “Đi ra đằng khác… Đi ra đằng khác…”, thế là Ân lại mang bát cơm vào.
    Nếu như Ân nói ra những điều ấy thì chẳng ai tin đâu mà lại còn cười Ân là đằng khác. Mẹ cũng vậy, mẹ thường cho là Ân nhát quá. Mẹ cứ lấy anh Văn ra để làm gương cho Ân: “Đấy, con cứ xem anh Văn, anh ấy có sợ cái gì đâu. Anh ấy chẳng bắt nạt ai nhưng chẳng ai bắt nạt anh ấy được. Năm anh bảy tuổi, bằng con bây giờ, bị một đứa lớn hơn đánh, thế mà anh dám xông vào đánh trả, không thèm khóc một tiếng. Thế mà có hôm con bị thằng Khanh đánh, nó còn bé hơn con một tuổi, con sợ không dám đánh trả, lại còn chạy về khóc với mẹ. Hèn thế!”.
    Nghe mẹ nói, Ân cũng thấy “ưng ức” thế nào ấy. Ân cảm thấy mình không hẳn là hèn nhát như mẹ nói nhưng không làm thế nào cho mẹ hiểu Ân được. Đúng ra thì Ân cũng có sợ nhưng không phải là sợ thằng Khanh khỏe, vì Ân biết rõ là mình lớn và khỏe hơn nó, vậy nên, nếu như Ân đánh lại nó, thấy nó đau, nó khóc thì Ân sợ lắm!
    Một lần, xem vô tuyến, Ân thấy anh Văn của Ân đóng vai một anh thiếu niên bị giặc bắn chết, thế là Ân òa lên khóc. Mẹ dỗ Ân: “Lúc đó anh Văn chết giả vờ thôi. Bây giờ anh Văn đang ngồi cạnh Ân, xem vô tuyến với Ân cơ mà”. Biết vậy nhưng Ân vẫn không sao nguôi được, Ân vẫn thương cái anh thiếu niên trong câu chuyện anh Văn đóng vai kia, anh ấy chết thật rồi!
    Vì cái tính như vậy nên ai cũng hay trêu Ân, có những lần anh Văn còn kể chuyện ma để dọa Ân nữa.
    Anh Văn thì khác hẳn. Anh có thể ra ngoài đêm tối một mình kể cả những đêm mất điện. Anh thích xem đánh nhau và có lần trông thấy người chết anh cũng không sợ. Năm nay anh Văn mười ba tuổi, anh giúp mẹ được nhiều việc: anh mua dầu, đong gạo cho mẹ, xách nước, mua rau cho mẹ. Mẹ sai làm việc gì, anh làm một loáng là xong ngay, làm xong anh đi chơi mải miết tới bữa cơm mới về. Mẹ vẫn khen anh là có tinh thần trách nhiệm trong học tập và trong cả việc nhà. Còn Ân thì mẹ chê là yếu đuối, nhút nhát. Bảy tuổi rồi mà còn sợ cả mèo lẫn gà.
    Hình như mẹ có ý yêu anh Văn hơn, điều đó thì Ân chả dám tỵ, nhưng nếu mẹ cho là anh Văn yêu mẹ hơn thì Ân chẳng chịu. Ân yêu mẹ lắm chứ. Mỗi lần ngồi nhìn mẹ nấu cơm, chải đầu hay vá quần áo là Ân sà vào lòng mẹ, ôm cổ mẹ. Ân muốn nói với mẹ là: “Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm”, nhưng rồi Ân chả dám nói. Ân chỉ nhìn vào mặt mẹ rồi lùa những ngón tay bé nhỏ vào trong tóc mẹ và mỉm cười ngượng nghịu. Mẹ đi đâu một tý, Ân cũng nhớ. Ngay cả lúc mẹ ở nhà Ân cũng nhớ vì lúc đó Ân lại nghĩ đến khi mẹ đi.
    Một buổi trưa đi học về, Ân thấy anh Văn ngồi ăn cơm một mình. Anh Văn bảo mẹ trưa nay không về được, có bác ở cơ quan mẹ đến bảo là mẹ bị đau ruột thừa, sáng nay các bác đã đưa mẹ vào bệnh viện Việt-Đức. Chắc là phải mổ.
    - Anh Văn ơi – Ân run lên – anh đưa em vào thăm mẹ đi.
    - Không được đâu, các bác ấy bảo là thứ năm với chủ nhật mới là ngày thăm kia. Bây giờ Ân ăn cơm đi rồi ở nhà trông nhà, anh ra trường học một tiết rồi anh sẽ xin phép cô giáo cho về sớm với em. Chìa khóa đây, anh đeo chìa khóa vào cổ cho em, em ra khỏi buồng là phải khóa cửa lại nhé.
    Nói rồi anh Văn tất tả xách cặp đi học. Chỉ còn Ân ở nhà một mình, nghĩ miên man vừa lo vừa sợ: “Không hiểu lúc này mẹ đã mổ chưa? Mẹ có đau nhiều không? Khổ thân mẹ quá! Mẹ ở bệnh viện một mình, chịu đau một mình! Ôi, giá như cái đau mà có thể chia ra như kẹo bánh mẹ vẫn chia thì Ân và anh Văn sẽ nhận mỗi người một phần cho mẹ đỡ đau. Hình như mẹ đang mong anh em Ân vào với mẹ. Mẹ gọi Ân. Mẹ ơi, con sẽ tìm cách vào với mẹ đây!”. Ân ra khỏi nhà khóa cửa, rồi lại đeo cái chìa khóa vào cổ. Ra tới đầu phố, Ân đứng ngẩn ngơ không biết đi đường nào. Cuối cùng Ân đánh bạo lại gần bác hàng khóa và nói:
    - Bác ơi, bác chỉ cho cháu đường đi đến bệnh viện Việt-Đức.
    Nói rồi Ân cứ run lên sợ bác ấy mắng. Thế mà bác ấy lại chẳng mắng mà chỉ nhìn Ân có vẻ dò xét rồi hỏi:
    - Cháu đến bệnh viện Việt-Đức làm gì?
    - Mẹ cháu bị đau ruột thừa, phải mổ ở đấy.
    - Thế ở nhà không có ai là người lớn dẫn cháu vào thăm mẹ cháu à?
    - Không. Bố cháu thì đi bộ đội ở xa, anh cháu vừa mới đi học.
    - Từ đây đến đó gần thôi: qua hai ngã tư rồi rẽ trái một chút là tới. Nơi khu nhà có cái cổng to, nhiều người mặc áo khoác trắng ra vào… Nhưng cháu bé thế thì nhớ đường sao được.
    - Nhớ được, bác nói thế là cháu nhớ rồi đấy: “Nơi khu nhà có cái cổng to… đi qua hai ngã tư rẽ trái…” – Ân lẩm nhẩm học cho thuộc và vội vã đi ngay.
    Bác thợ khóa nhìn theo cái vai bé nhỏ của Ân khuất sau góc cây sấu, bỗng bác động lòng thương xót:
    - Cháu ơi! – Bác xách hòm khóa chạy theo Ân – Để bác đưa cháu đi một quãng.
    Bác đưa Ân đi qua hai ngã tư và dặn:
    - Bây giờ cháu cứ theo bên trái này mà đi, một lát nữa là tới bệnh viện. Cháu đi nhé! – Nói rồi bác xách hòm khóa trở lại ngồi chỗ cũ của bác.
    Ân men theo vỉa hè đi được một lúc lâu thì thấy khu nhà có cái cổng to và nhiều người mặc áo trắng ra vào giống như lời bác thợ khóa tả. Nhưng cái cổng ở bên kia đường, mà đường thì đông rối rít những xe đạp, ô-tô, Ân không làm sao mà qua được. Đứng một lát thì thấy có mấy cô cũng sắp qua đường, Ân lẳng lặng đi gần các cô, chờ lúc các cô sang thì đi cùng. “Đi đông người chắc ô-tô nó không dám chẹt” – Ân nghĩ vậy và cuối cùng cũng đã sang được cổng bệnh viện.
    Cổng bệnh viện người ra vào tấp nập, người lành cõng người ốm, người không đau dìu người đau. Có người chân bó bột to tướng, có người không hiểu bệnh gì mà sưng méo cả mặt. Trông khiếp quá!...
    Không hiểu mẹ lúc này ở đâu? Làm sao mà vào gặp mẹ bây giờ? Ân đứng nhìn qua song sắt cổng rất lâu mà chẳng dám vào.
    Một chú đeo băng đỏ, chắc là chú thường trực, ra mở đóng cửa mấy lần vẫn thấy Ân ở đấy, chú quát:
    - Thằng bé này, ra chỗ khác mà chơi, đứng đây làm gì cho vướng chỗ ra vào của người ta.
    Ân lảng ra một chút rồi lại đến bám song sắt nhìn vào.
    - Đã bảo đi ra chỗ khác mà lại… Có đi không? – Chú dọa – Tao cho vào đồn công an bây giờ…
    Nghe chú nói vậy, Ân khóc òa lên:
    - Chú ơi, cháu có làm gì đâu mà chú cho cháu vào công an.
    - Thế luẩn quẩn ở đây làm gì?
    - Chú ơi, mẹ cháu – Nói tới đây Ân nghẹn lại – Mẹ cháu ở trong này.
    - Mẹ cháu làm ở trong này chứ gì? – Chú dịu giọng – Thôi cứ về đi, hết giờ làm việc thì mẹ cháu về. À, thế cháu là con ai?
    - Cháu là con mẹ Thanh, mẹ cháu không làm ở đây đâu. Ban sáng các bác đưa mẹ cháu vào đây. Mẹ cháu phải mổ bụng vì đau ruột thừa. Các bác ấy bảo thế.
    Nghe Ân kể, mọi người xung quanh xúm lại hỏi han và khen ngợi Ân:
    - Tội nghiệp thằng bé nó thương mẹ nó quá!
    - Nó bé thế mà đã biết một mình vào thăm mẹ. Thằng bé bạo thật!
    Mỗi người nói một câu với chú thường trực, thế là cuối cùng chú đã bằng lòng cho Ân vào.
    - Cháu đi vào cái nhà dài một tầng trông sang cái nhà cao kia rồi hỏi. Chắc là mẹ cháu nằm ở đấy. Cháu hỏi mấy cô mặc áo trắng kia, phải nói rõ là mẹ cháu tên gì, vào đây lúc nào và mổ bệnh gì nhé.
    Ân mừng quá, hấp tấp đi lại phía mấy cô mặc áo khoác trắng, nhưng Ân cứ đứng luẩn quẩn ở đây chẳng dám hỏi gì. Ân nghe thấy các cô nói với nhau:
    - Đưa vào viện muộn quá nên bị viêm cả một vùng phúc mạc. Chắc là khó sống nổi.
    - Thì cũng cố gắng chữa chạy cho đến cùng.
    - Tội nghiệp chị ấy cũng còn trẻ và có sức lực…
    Thôi chết rồi! Có phải đấy chính là mẹ không, mẹ ơi! Đã có lần Ân nghe ai nói bệnh ruột thừa rất nguy hiểm, có thể chết người đấy. Trời ơi, nếu như mẹ chết có nghĩa là mãi mãi mẹ không về nữa. Ân có chờ, có khóc bao nhiêu, mẹ cũng chẳng về. Cái áo mẹ khâu cho Ân, Ân vẫn mặc đây. Chai nước mẹ rót đầy ở nhà ban sáng, Ân chưa kịp uống. Thế mà chẳng lẽ mẹ lại chết! Mẹ sẽ nằm dưới đất như ông ngoại ấy. Ở đấy tối và lạnh lắm!
    - Mẹ ơi! – Ân bỗng bật lên tiếng kêu và khóc nức nở.
    Mấy cô mặc áo trắng ngạc nhiên quay lại nhìn Ân.
    - Ơ thằng bé này! Sao lại vào đây mà khóc? Cháu lạc mẹ cháu à?
    - Không! Cháu sợ mẹ cháu chết!
    - Làm sao mà chết?
    - Các cô vừa nói đấy thôi. Mẹ cháu đau ruột, mẹ cháu phải mổ bụng.
    - Ở đây từ sáng đến giờ rất nhiều người phải mổ bụng. Thế mẹ cháu tên gì?
    - Mẹ cháu tên là Thanh. Mới vào đây ban sáng.
    - À, cô biết rồi – Một cô vui vẻ nói – Mẹ cháu làm ở công ty may mặc chứ gì? (Ân gật đầu). Thế không sao đâu. Mẹ cháu đã mổ xong, đang nằm ở trong kia kìa. Để cô dẫn cháu vào.
    Mấy cô mặc áo khoác trắng dẫn Ân vào, vừa đi vừa hỏi chuyện rối rít. Ai cũng khen Ân là ngoan và bạo.
    Mẹ Ân nằm yên phăng phắc trên một cái giường có đệm trắng ở cuối phòng. Ở đây cái gì cũng màu trắng cả. Ân cảm thấy cái màu trắng ấy bảo là: “Phải im lặng”. Ân nhẹ nhàng ngồi bên cạnh mẹ. Ai đã trói chân tay mẹ vào thành giường. Trông thương quá đi mất. Biết Ân thắc mắc, mấy bác giường bên nói cho Ân hiểu là vì mẹ vừa mổ xong nên phải trói vậy. Nếu để cựa quậy thì ảnh hưởng đến vết mổ.
    Mẹ đắp chăn tận cổ. Có một cái bình treo ròng ống nước trắng buộc vào cổ tay mẹ. Mặt mẹ tái nhợt, mắt mẹ nhắm nghiền – Chả giống như mẹ mọi khi. Nếu như không có vết sẹo ở thái dương chắc Ân khó có thể nhận ra được mẹ.
    - Mẹ ơi, mẹ ơi! Con đây! – Ân gọi dồn dập.
    - Ấy, cháu khẽ chứ cho mẹ cháu ngủ – Bác giường bên nói.
    - Ở nhà mẹ cháu tỉnh ngủ lắm kia mà, sao bây giờ cháu gọi mãi mẹ cháu chẳng tỉnh?
    - À là vì người ta mổ cho mẹ cháu, người ta phải tiêm thuốc mê. Bây giờ chưa hết thuốc đâu. Mai mẹ cháu mới tỉnh hẳn kia.
    Vừa lúc đó thì anh Văn chạy ùa vào:
    - Ân ơi, làm sao em lại vào đây được? Anh tìm Ân mãi, sao em lại ở đây? Mẹ đâu rồi, mẹ đâu rồi? – Văn hỏi tới tấp làm Ân không sao kịp trả lời.
    Ân hỏi lại Văn:
    - Thế làm sao anh lại cũng vào đây được?
    - À, có bác ở cơ quan mẹ, bác dẫn anh vào. – Văn chỉ tay ra một người đang ở phía cửa đi vào.
    - Hôm nay bác ở lại đây trông mẹ cháu. – Bác chợt nhìn thấy Ân – A thằng Ân đấy phải không? Ai đưa cháu vào đây?
    - Cháu vào một mình.
    - Ồ, cháu tôi giỏi quá! Ở thăm mẹ một chút rồi các cháu về đi. Mai các cháu lại vào. Bác sẽ đứng đón ở cổng.
    - Bác không phải đón đâu. – Ân nói quả quyết – Cháu vào lấy được. Cháu đã quen chú thường trực rồi. Cháu sẽ dẫn anh Văn vào.
    - A, em Ân bây giờ bạo quá! – Văn vui vẻ khen em – Mọi khi em hay sợ lắm kia mà?
    - Mẹ ốm thì em chẳng sợ. Với lại nghĩ mẹ phải nằm một mình, đau một mình, thế là em đi tới đây được.
    Hai anh em ra về. Cái bóng bé nhỏ
     của Ân lanh chanh đi trước như có ý muốn dẫn đường cho anh. Sáng mai Ân và anh Văn sẽ vào thăm mẹ sớm. Khi mẹ tỉnh dậy là mẹ thấy hai anh em ở bên cạnh rồi. Ân sẽ kể cho mẹ nghe những chuyện ngày hôm nay Ân đã đi thăm mẹ như thế nào, và mẹ sẽ nói: “Ôi các con tôi! Cái thằng Ân bé bỏng của mẹ giờ đã không nhút nhát nữa rồi!”.

Kết Thúc (END)
Xuân Quỳnh
» Mùa Hoa Doi
» Gió Lào Cát Trắng
» Người Làm Đồ Chơi
» Quà Tặng Chú Hề
» Hoa Tường Vi
» Thuyền và Biển
» Hoa Cỏ May
» Hoa Mận Trắng
» Dẫu Em Biết Chắc Rằng Anh Trở Lại
» Thơ Tình Cuối Mùa Thu
» Mẹ Của Chúng Ta
» Có Một Thời Như Thế
» Sóng
» Những Bông Hoa Đầu Tiên Ra Đảo
» Bao Giờ Ngâu Nở Hoa
» Đứa Trẻ Nhút Nhát
» Ông Nội Và Ông Ngoại
» Mẹ Và Con
» Bạn Lộc
» Bàn Tay Em
» Bến Tàu Trong Thành Phố
» Thầy Giáo Dạy Vẽ
» Người Cô Của Bé Hương
» Hát Ru Chồng Những Đêm Khó Ngủ
» Thâng Bêm