Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Nguyễn Hiến Lê, Một Tấm Gương Kiên Nhẫn Tác Giả: Đỗ Hồng Ngọc    
    Tháng 12 năm nay là lần giỗ thứ tư ngày ông mất (1912- 1984), ông Nguyễn Hiến Lê sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, học trường Yên Phụ rồi trường Bưởi, tốt nghiệp Công chánh, khăn gói vào Nam ở lứa tuổi 22-23, và được bổ vào làm việc ở Sở thuỷ lợi Nam Việt, rồi sống tại miềm Nam cho tới ngày mất để lại một sự nghiệp trước tác, biên khảo, dịch thuật đồ sộ với khoảng 120 tác phẩm có giá trị cho hậu thế.
    Công việc ở Sở thuỷ lợi của ông lúc đó thực nhàn nhã: đo đạt mực nước sông để làm kế hoạch thuỷ lợi. Nhờ vậy trong nhiểu năm, ông lênh đênh trên các sông rạch miền Nam từ Châu Đốc đến Long Xuyên, Rạch Giá, rồi từ Sóc Trăng, Sa Đéc đến Bạc Liêu, Cần Thơ… ông yêu mến và thuộc lòng cả những câu hò trên sông nước miền Nam và được sống những đêm trăng sáng vằng vặc của quê hương mà ông cho là còn đẹp hơn những đêm trăng mờ ảo ở Hàng Châu của các thi nhân đời Đường.
    Gần đây, nhà xuất bản Long an đã cho in lại tập Gương Kiên nhẫn trong tủ sách Gương danh nhân của ông là một việc đáng mừng. Đọc Gương Kiên nhẫn, tôi thấy đời ông quả thực cũng là một tấm gương kiên nhẫn cho thanh niên. Thật vậy, có thể nói đời ông gồm trong hai chữ: Học và Viết. Ông học để viết và viết để học. Sống giản dị, nghiêm cẩn, ẩn dật, ông âm thầm làm việc trong suốt 40 năm cho đến ngày mất. Không bài bạc, rượu chè, không ham "nhảy đầm” như đa số thanh niên thời đó, ông gần như chỉ có một thú vui duy nhất: đọc sách và tự học thêm. Điều đáng quý là ông đem sở học ra để giúp đời với 120 tác phẩm trong mọi lãnh vực – đặt biệt trong lãnh vực giáo dục thanh niên – như chúng ta đã biết.
    Hai môn tự học quan trọng của ông là Hán tự và Anh ngữ. Nhờ Hán tự và Anh ngữ, ông có chìa khoá để mở rộng cánh cửa kiến thức, tiếp xúc cả hai nền học thuật: Cổ học Trung Hoa và Khoa học kỹ thuật Tây phương. Thấm nhuần nho học, giữ được tinh thần nho học, lại có tinh thần khoa học, chuộng tính hiệu quả, năng suất như ông thì thật là hiếm. "Nho học" dễ thủ cựu mà "khoa học" dễ rơi vào thực dụng. Ông giữ được cái trung dung, làm được cái gạch nối giữa cựu học và tân học. Thế hệ trước ông bơ vơ và kêu lên "Cái học ngày nay đã lỡ rồi!" hoặc mai mỉa "Vứt bút long đi vác bút chì!" (Tú Xương). Ông thì sử dụng được cả bút lông lẫn bút chì, mà còn mài sắc cả hai. Cổ văn Trung Quốc, Đại cương triết học Trung Quốc, Chiến quốc sách, Sử ký Tư Mã Thiên… đến Nhà giáo họ Khổng, Tô Đông Pha, Mạnh Tử… rồi Hiệu năng, Tổ chức công việc theo khoa học, Tự học để thành công, Kim chỉ nam của học sinh, Tương lai trong tay ta v.v… là những minh chứng.
    Cách tự học của ông cũng lạ: Hán tự chỉ cần học để nhớ mặt chữ, không cần học đọc – vì không cần để nói mà chỉ để nghiên cứu. Ông nói học như vậy, 6 tháng đã đọc được Tam Quốc Chí nguyên bản không khó. Anh ngữ thì ông chủ trương "muốn hiểu rõ một ngoại ngữ thì phải dịch". Dịch sao cho không thấy dấu vết dịch, dịch sao cho không thấy phản ý tác giả mà người đọc không ngờ là sách dịch là được!
    Còn viết, ngay từ hồi còn lênh đênh trên sông nước miền Nam, ông viết hồi ký, nhựt ký để tự luyện văn. Đi đâu ông cũng ghi lại cảnh tình, phong tục tạp quán, từ đó, có Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, Đế Thiên Đế Thích, Trên con đường thiên lý… Khi ông học một khoá hàm thụ ở Pháp về tổ chức học, ông thấy đa số người mình thường mơ mộng hơn thực tế, làm việc thường tuỳ hứng hơn là có kế hoạch, ông viết hàng loạt những cuốn Tổ chức công việc theo khoa học, Tổ chức công việc làm ăn, Kim chỉ nam cho học sinh v.v… Ông chủ trương một tủ sách loại "Học làm người" như tủ sách La Bibliothèque de l’Honnête Homme của Bỉ, Culture Humaine của Pháp, Self-improvement của Anh Mỹ để giúp thanh niên tự rèn luyện, bổ sung cho cái học của nhà trường. Vì theo ông, nhà trường chỉ dạy cho ta cách học, còn mỗi người thì phải tự học suốt đời và học là để hành và hành là để học. Ông viết cũng là để tự học tốt hơn. Muốn viết thì phải đọc, phải nghiên cứu và nhờ đó hiểu sâu hơn. Ông làm việc đều đều mỗi ngày với một nghị lực phi thường, bền bỉ có giờ giấc nhứt định. Ngày đọc sách 5-6 giờ, viết 5-6 giờ. Cứ ngồi vào bàn viết đúng giờ, không cần đợi hứng. “Viết khoảng nữa trang thì hứng đến”. Nhờ vậy, mỗi năm trung bình ông viết 3 cuốn sách, trong 40 năm được 120 tác phẫm, có cuốn hàng ngàn trang, có cuốn hàng trăm trang. Ông viết tự nhiên, thành thực, bình dị, không cần hoa mỹ. Về danh nhân, ông chọn những nhà có tâm hồn cao đẹp, có công với nhân loại để giới thiệu cho thanh niên. Đặt biệt, ông yêu tiếng Việt: ngoài Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, Tìm hiểu văm phạm, ông còn viết lúc về già Tôi tập viết tiếng Việt, Để tôi đọc lại, nhằm giúp các bạn trẻ tránh những sai lầm trong lúc viết.
    Yêu tiếng mẹ thì yêu quê hương. Năm 1973, khi tôi gởi cho ông một bài thơ – Đi cho đở nhớ - viết về nổi ước mơ được đi lại trên con tàu thống nhất Bắc Nam, ông trả lời: "Tôi cũng thèm đi quá. Mong cho mau tới ngày hoà bình để được đi thăm lại quê hương, để được uống nước dừa Tam Quan, ăn cam xã Đoài, nhãn Hưng Yên, hồng Bạch Hạc, cốm làng Vồng… Ông luôn nhớ đất Bắc: cảnh núi Tản hùng vĩ, cảnh ngã ba Bạch Hạc mênh mông vào mùa nước lớn, cảnh đồng ruộng văng vẳng tiếng sáo diều và thoang thoảng hương lúa, cảnh chợ quê lèo tèo mấy gian cột tre mái rạ với những quán chè tươi…
    Dĩ nhiên, đó là quê hương trong trí nhớ. Năm 1979, ông được mời dự Hội nghị khoa học toàn quốc về vấn đề Giữ gìn sự trong sáng trong tiếng Việt ở Hà Nội, nhưng lần đó ông bệnh không đi được, rồi không có dịp đi nữa.
    Ông thường về Long Xuyên, quê hương thứ hai của ông, bùi ngùi nghe lại câu hò ngày xưa:
    "... chèo vô Núi Sập lựa con cá khô sặt cho thiệt ngon,
    lựa trái xoài cho thiệt giòn,
    đem ra Long Xuyên lựa gạo cho thiệt trắng, thiệt thơm,
    em về em dọn một bữa cơm
    để cho người quân tử
    hò ơ... để cho người quân tử ăn còn nhớ quê..." [1]
    Với tấm lòng như vậy, dễ hiểu tại sao mặc dù ông có điều kiện để đi xa – vợ con ông ở Pháp từ nhiều năm – nhưng ông chọn ở quê nhà, chết ở quê nhà (ngày 22/12/1984), và được hoả thiêu tại Thủ Đức. Ông Nguyễn Hiến Lê là một tấm gương kiên nhẫn, đáng quý.
    Chú thích:
    [1] Nguyên văn trong “Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê" như thế này:
    "Chèo vô Núi Sập lựa con khô cá sặt cho thiệt ngon, lựa trái xoài cho thiệt dòn, đem ra Long Xuyên lựa gạo cho thiệt trắng, thiệt thơm.
    Em về em dọn một bữa cơm, để người quân tử, hò ơ... để người quân tử ăn còn nhớ quê..."
    

Kết Thúc (END)
Đỗ Hồng Ngọc
» Cậu Tôi, Ông Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư
» Real Romantic!
» Kể Thơ Trên Xe Lửa
» Một Và Kỷ Niệm Về Bác Sĩ Nguyễn Khắc Viện
» Chiều Chiều Dắt Ra Bờ Sông …
» Nghe GS. Trần Văn Khê Kể Chuyện… Tình
» "Sài Gòn Đẹp Lắm…"
» Mối Tình Chung Thuỷ, Nhân Hậu
» Con Tinh Yêu Thương…
» Đời Thường Giáo Sư Trần Văn Khê…
» Cứu Lấy… Cầu Khỉ!
» Võ Hồng Vào Tuổi 80
» Tản Mạn Paris
» Nguyễn Hiến Lê, Một Tấm Gương Kiên Nhẫn
» Chuyện Kể Về Một Bài Thơ…
» Những Người Trẻ Lạ Lùng
» Sách Và Người
» Trang Của Một Thời…
» Làm Mới Thơ
» Nhớ Tiếng Thu Giữa Boston
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ