Mỗi tuổi là một tuổi mới toanh. Tuổi nào cũng có trang phục riêng của nó. Không phải do từ bên ngoài sắp đặt mà như do tự bên trong khơi mở, bảo ban. Có cái tuổi người ta thích mặc áo chẽn hở rún, như muốn rao lên: rún đây, rún đây; chưa đủ, người ta còn viết thêm dòng chữ Love me, Kiss me… thì có cái tuổi người ta thay chiếc áo dài phong phanh “ba phần gió thổi một phần mây” [1] bằng chiếc áo dài nằng nặng hơn, nhạt nhoà hơn, đằm thắm hơn, sâu lắng hơn. Chính ở cái tuổi chông chênh đó của người phụ nữ, cái tuổi có những cột mốc thì thầm, tuổi chuyển mùa như lá trên cành, từ cái bồng bột sôi nổi, sang cái mềm nhã, dịu dàng, giản dị mà sang trọng, người ta đã nhìn ngắm vào bên trong mình hơn là nhìn người qua phố, và người ta đã góp phần làm cho cuộc sống thăng hoa. Một người 40 tuổi có vẻ già dặn hơn 20, nhưng với người 60, thì 40 hãy cứ còn là nhỏ xíu, cũng như người 80 nhìn về 60. Cho nên nói mỗi tuổi là một tuổi mới toanh, mỗi trang là của một thời đó vậy.
Nhưng sao lại cứ phải có trang phục áo dài rồi trang phục làm việc, công sở, rồi trang phục dạ hội. Làm như không thể nào có cái áo dài cho cả công sở và cả dạ hội hay sao. Cái áo dài của người phụ nữ Việt Nam tự dưng bị đưa vào "truyền thống", trở thành một thứ đồ cổ hay sao. Tại sao cứ phải vái đầm xẻ dọc xẻ ngang cho công sở và các kiểu bày biện nọ kia cho dạ hội. Cái áo dài không đủ trăm phương ngàn kế để biến tấu tuyệt vời hay sao. Nhìn những trang phục công sở dạ hội sao thấy không khác các phụ nữ các nước. Thời trang không dừng lại ở nếp lụa là, nhung gấm – thời trang… và còn hơn thế nữa – là cái khoẻ khoắn, cái hồn hậu nhu mì, cái đằm thắm dịu dàng, cái chín chắn tinh hoa của trí tuệ ở đằng sau kia, ở bên trong kia. Ở cái tuổi chín muồi đó, người ta không chỉ biết quan tâm đến mình mà quan tâm đến những xung quanh, những tại sao, ai đó, ở đâu, lúc nào…, nghĩa là đến phần hồn kia, người ta biết tìm cái trội hơn những phù phiếm tàn phai…
Nhà hát Bến Thành đêm chung kết "Thời trang tuổi 40", khán phòng chật ních những chồng, những con, những bạn bè em cháu… Họ đến và thật dễ thương, vỗ tay từng chập, cổ vũ cho… vợ mình, mẹ mình, chị mình, em mình, bà ngoại mình… ; còn những "thí sinh" kia thì vẫy vẫy – không để làm dáng với Ban giám khảo, với khán giả mà với người nhà của mình đang ngồi ở một góc nào đó đã biết trước. Sài Gòn đột nhiên ướp một chút thu. Trời như hơi ướt, nằng nặng, một chút gió dịu dàng làm cho người đi trên phố bỗng yểu điệu ra, ấy là nhờ cơn áp thấp nhiệt đới rót qua giữa tháng 10 còn nắng nóng. Sài Gòn không có mùa thu nên thu Sài Gòn mới dễ thương làm sao.
Chắc vì thế mà đêm vui trang phục của một thời đã có thể tự hào về một mùa thu mà "lá không vàng lá không rụng lá lại thêm xanh" của những người tuổi mới 40.
Chú thích:
[1] Khi nhắc đến chiếc áo dài phong phanh…, BS Ngọc nói vui là: "ba phần gió thổi một phần mây", phỏng theo câu thơ "Hai phần gió thổi, một phần mây" của Nguyên Sa trong bài Tương tư. Xin trích:
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?
Kết Thúc (END) |
|
|