Tiếng láu táu của một trong hai đứa con gái út chưa biết chữ của ông, thường vào giờ này nó đã ngủ lăn lóc nơi gác xép ọp ẹp, tối tăm. Tôi gai người khi cháu giải thích. Tôi thực sự bị sốc. Tôi đã nhìn thấy chiếc kèn harmonica cũ, bạc màu đâu đó một lần nhưng cho là đồ chơi của mấy đứa nhỏ.
Chưa bao giờ tôi nghĩ ông có thể sử dụng một loại nhạc cụ nào. Bản thân ông đi đâu, ở đâu, nghe nhạc cũ mới gì ông cũng nhăn mặt, lắc đầu “không thể tưởng tượng được”, khiến tôi đã lầm ông mù tịt về âm nhạc, vậy mà... Đúng là quái nhân, tôi nhủ thầm trong bụng.
Thật tình tôi đã nghĩ ông mở cassette khi tôi chợt nghe vang trong đêm một giai điệu vui vẻ, trẻ trung. Đêm ở đây rất lạnh, nhà ông lại không có cửa, không chăn mền (với tôi), trên đồi cao vắng vẻ chỉ toàn thông vi vút mấy chục mẫu, rất xa mới có nhà dân mà cũng không nhà nào có điện nên hầu như chỉ nghe tiếng lá mấy cây dại xào xạc nếu có gió.
Đúng ra tôi đã về Sài Gòn vì dự định ở chơi hai ngày thôi nhưng tận mắt thấy cái đói, cái đời sống quá khắc nghiệt không chén đĩa đũa bát, không rất nhiều thứ mà ông duy trì nghe nói từ năm bảy nhăm. (Có nhiều người đã lên cho ông đầy đủ vật dụng, tôi ngày đầu tiên cũng mua ngay xoong nồi... nhưng lúc bức xúc nóng giận là ông đập hết, mà ông thì rất nhiều bức xúc không thể tưởng tượng được). Rồi chuyện nọ chuyện kia đông tây kim cổ, giữa hai thế hệ, bốn giờ sáng chia nhau ly cà phê nhạt nghe ông rút ruột: “Sốt rét đi lấy đót, nhìn núi cao chót vót, mối sầu...lan tới ót”. Cứ thế, tôi với ông như không cần biết là bao nhiêu ngày đêm đã qua đi nữa.
Chiều hôm đó tôi quyết định mai về Sài Gòn. Tâm trí lúc ấy như đang dồn vào bữa ăn chiều, chỉ cơm, với gừng, lót lá gì đó, không có gì khác. Lúc ông nấu, tôi không để ý vì chỉ có duy nhất một cái nồi đậy vung kín mít, chốc chốc ông cẩn thận đẩy củi cho lửa cháy không to không nhỏ. Tôi không phát hiện điều gì đằng sau vẻ bồn chồn, háo hức nơi mấy đứa nhỏ đang cầm trên tay ca, nắp nhựa, ngồi xúm quanh ngọn lửa, chờ. Đến lúc ông mở nắp nồi. Tôi thiếu nước bật ngửa, một mùi thơm ngào ngạt không thể tả, không gì so sánh nổi làm tôi phải nhổm hẳn lên. “Để chú ăn, chú ăn đi...” mọi người như cùng nói nhưng loáng cái tôi đã thấy hết sạch, nhẵn không còn gì trong nồi. Tôi thì trên tay suất ăn đầu tiên vẫn chưa hết.
Đúng là đói lâu ngày mồm miệng dễ sai lạc theo chiều ca tụng, tuy thế, và chắc hẳn chả ai đòi phải công tâm vào mọi lúc, tôi không thể không thú nhận đã nhai chậm từng miếng vừa thầm cám ơn đất trời rộng lượng ưu đãi quá đáng cái thân tôi, đã cho hưởng ngay tại đây món “cơm Tây Tạng” ngon nhất trần đời. Phải có sự tinh tế hiếm có, óc quan sát sắc sảo, hiểu rõ duyên phận của những thức sẽ nấu, như ông, mới có thể qua vài thao tác không cầu kỳ, đúng lúc, chế một món ăn giản đơn thành một tác phẩm nghệ thuật đích thực, cho buổi liên hoan chia tay độc nhất vô nhị.
Tôi nhớ buổi gặp đầu tiên ông đã gây ngay sự chú ý nơi tôi khi ông hỏi đột ngột lúc tôi đang bận rộn, tiếp khách khai trương công ty biểu diễn nghệ thuật dân tộc ở Sài Gòn:
- Xin lỗi, tôi hỏi thật ông, đã bao giờ ông muốn chết chưa?
Thằng cha quái dị không giống ai này ở đâu ra vậy, tôi nghĩ.
- Dạ, có chứ, cháu...
- Cháu mẹ gì, ông cứ coi tôi ngang hàng thôi, nếu gọi mày tao càng được nữa... Rồi ông hỏi tôi câu thứ hai:
- Thật sự có khi nào ông suýt chết đói chưa?
Lần này tôi ngắm ông coi đó có thật là một câu hỏi nghiêm túc hay không.
- Hơn một lần... Thế bác (à) anh lát nữa về bằng gì, chờ em lấy xe chở anh đi uống cà phê chơi...
Nhưng ông đã tự về và gửi cho tôi một ít tư liệu, một số bản photocopy từ các báo, gạch đít đoạn nói về ông, qua đường bưu điện sau đó khoảng một tháng. Tôi nhớ, có mấy dòng trong hồi ký của học giả Nguyễn Hiến Lê đánh giá ông là một trong bốn hiện tượng văn học thập niên 1960 - 1970, một nhận xét của Bửu Ý khá dài: “Ông như con tê giác luôn húc đầu về phía trước, bất kể hoàn cảnh, không tính thiệt hơn, thêm thù bớt bạn... chỉ thong dong ở chốn không người, rừng và biển”, nguyên một trang in lời ông từ những năm 1960: “... Nếu Trường Văn khoa Sài Gòn sau mười năm hay hai mươi năm có thể đào tạo ra một nhà văn đúng nghĩa, thậm chí chỉ một giáo sư thực thụ, thì tôi cam đoan sẽ vui vẻ xin chịu tội... bị chặt đầu...”. Một số bài thơ ông sáng tác thời tôi chưa sinh, trong đó có một bài tôi đọc mà tưởng không khác hồi tôi mới lớn:
Trưa đi xuống phố mua gương
Về soi bản mặt dễ thương của mình
Trần gian nhiều đứa thối ình
Thiết tha ta đứng cười tình với ta.
Một bài khiến tôi tê tái, tiếng lòng rất xa mà như ở ngay đây:
Cố Hương
Canh tàn canh lại tàn canh
Thuyền tôi đã tạt vào ghềnh xót xa
Bơ vơ tìm trở lại nhà
Chiều im lắng dưới canh gà lê thê
À ơi tiếng võng sầu quê
Buồn nghe tóc trắng ru về ban sơ.
Ám ảnh hơn, những câu thơ:
Gửi về đâu một chút tro
Kèn vang lộn mửa tiếng ò í e.
Một ngài Di Lặc xa xôi
Một tâm ảo tưởng tôi ngồi thâu đêm.
Lúc tôi đang nghĩ về ông như thế, chợt tôi nghe vang, bay bổng khúc hoan ca. Không gian đêm yên ả như chỉ tồn tại mỗi nỗi bức xúc chưa gỡ một phần đã như rối thêm là cái mâu thuẫn quá khứ - hiện tại của ông trong đầu tôi, bỗng nhiên, không phải bừng rạng ánh sáng nào, như ai đã đem cả mùa xuân cao nguyên, hết thảy suối, hoa, lan rừng, nương chè bạt ngàn, cà phê chín đỏ... bày một lượt ra trước mắt. Tôi lắng nghe thích thú.
- Nghe được không Dũng?
Ông ở gác xép, tay chống bậc thang gỗ hỏi xuống tôi khi bản nhạc dứt một lúc lâu.
- Nói gì nữa.
Tôi trả lời, hiểu đơn thuần ông vừa đãi tôi bản nhạc do ông sưu tầm hoặc của ai đã cho ông. Một lát, giai điệu bản nhạc quen thuộc của Dương Thiệu Tước cất lên dập dìu, xoắn xuýt. Tôi chú ý nghe hơn, nhưng vẫn nghĩ là nhạc từ cassette phát ra.
- Cha chơi kèn đó chú Dũng.
Tiếng láu táu của một trong hai đứa con gái út chưa biết chữ của ông, thường vào giờ này nó đã ngủ lăn lóc nơi gác xép ọp ẹp, tối tăm. Tôi gai người khi cháu giải thích. Tôi thực sự bị sốc. Tôi đã nhìn thấy chiếc kèn harmonica cũ, bạc màu đâu đó một lần nhưng cho là đồ chơi của mấy đứa nhỏ. Chưa bao giờ tôi nghĩ ông có thể sử dụng một loại nhạc cụ nào. Bản thân ông đi đâu, ở đâu, nghe nhạc cũ mới gì ông cũng nhăn mặt, lắc đầu “không thể tưởng tượng được”, khiến tôi đã lầm ông mù tịt về âm nhạc, vậy mà... Đúng là quái nhân, tôi nhủ thầm trong bụng. Hồi nhỏ tôi đã trúng tuyển vào Nhạc viện Hà Nội, học sáo một thời gian rồi chiến tranh sơ tán gia đình bắt bỏ, tôi biết để thổi kèn, để chơi đúng, chưa nói hay là rất khó. Thế mà ông thổi kèn hoàn hảo, tuyệt hay cả một tác phẩm chỉ bằng chiếc kèn harmonica cũ rích.
Ngày hôm sau tôi thay đổi ý định, chưa về Sài Gòn ngay mà ở lại mấy ngày nữa. Có những khái niệm, giá trị tạo lập từ sách vở, trên giảng đường, rút ra từ truyền thống, lấy trong nhân gian tưởng đã định hình bền vững, làm thành nhân cách tôi nhưng, tất cả đã bị tiếng kèn harmonica trong đêm chặt phăng, đốn hạ, trốc gốc, tan hoang không khác cảnh tượng lâm tặc phá rừng. Phải thay đổi hết thôi, nếu muốn thực sống, cho ra hồn, tôi đã nghĩ. Chỉ có thể ở nơi tận cùng, không dính mắc, như ông “tôi sống tận cùng nỗi sống...” mới có thể kiểm soát hết thảy, tự chủ, để làm rung lên âm thanh thanh thoát đến như thế.
“Chắc chắn là thế đấy. Thông thường thế đấy. Nhưng cũng có thể là thế đấy và thế đấy. Và đôi khi là thế đấy”. Lời tâm huyết của một nhà sinh học thời Liên Xô cũ rất có uy tín trong ngành, đã làm tôi yên tâm ngày trở về.
Người đàn ông thổi kèn harmonica trong truyện ký này, được Đỗ Dũng lấy từ nguyên mẫu là nhà thơ Nguyễn Đức Sơn có bút danh Sao Trên Rừng. Ở miền Nam trước 1975, Nguyễn Đức Sơn đã in 9 tập thơ và tập truyện ngắn Cái chuồng khỉ. Sau 1975, ông về ẩn cư tại Đại Lão Sơn, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Đời sống cơ cực nhưng tiếng kèn của ông rất thanh thoát. Theo Đỗ Dũng, tiếng kèn (hay âm nhạc) có thể giúp hóa giải một tâm hồn “Tôi chỉ có lửa / Và tịch mịch / Trong người”.
Kết Thúc (END) |
|
|