“Bảng đỏ, sao vàng"
Có một đảng viên chuyên hoạt động bí mật ở Sài Gòn trước năm 1975, được quần chúng lao động tin yêu, che chở. Sau ngày giải phóng, đảng viên nọ trở thành một lãnh đạo cấp cao. Ông ta không còn phải lẩn quất trong khu nhà ổ chuột của dân nghèo nữa, mà được ở trong toà biệt thự nguy nga của một “đại gia” đã di tản. Ông còn được cấp xe hơi bóng lộn và có hẳn tài xế riêng. Bà con lối xóm thấy ông mỗi ngày một đổi thay. Người đảng viên gần dân và cần dân năm xưa đã biến thành một “ông lớn” thực thụ.
Cho tới một hôm, giữa bữa cơm chiều thịnh soạn, bé gái út 8 tuổi rụt rè hỏi ông:
"Ba nè, sao tụi bạn con toàn kêu ba là ông ‘Bảng đỏ, sao vàng’? Con hỏi, tụi nó chỉ nhe răng cười. Con từng nghe mấy chú trong hẻm cũng kêu ba như thế. Vậy là sao hả ba?"
Đang mải gặm đùi gà, ông bố đáp cho qua chuyện:
"Con không thấy các trụ sở cơ quan cách mạng đều treo bảng sơn đỏ, chữ vàng đó sao? Bà con kêu vậy, ý muốn nói ba là người cách mạng..."
Nhưng đến đêm, nằm vắt tay lên trán, ông đảng viên lâu năm nọ bỗng giật mình. Thì ra bốn chữ “Bảng đỏ, sao vàng” nói lái theo giọng Sài Gòn có nghĩa là... “Bỏ Đảng, sang giàu”.