Nhẽ ra, phải, nhẽ ra, chúng tôi phải là đôi bạn chí thân. Tôi là Chí, hắn là Thân, hai cái tên do bố mẹ đặt cho theo ý riêng, mà có lúc tưởng như tạo hóa sắp đặt.
Thân ở ngõ trên, tôi ở ngõ dưới. Thân bằng tuổi tôi, học dưới tôi một lớp, còi cọc hơn tôi, chơi với nhau từ thời con nít, bảy tám tuổi gì đó, có lần suýt nữa đã đồng sinh đồng tử với nhau. Tôi vẫn nhớ như in cái lần ấy. Chúng tôi chưa biết bơi, mặc dầu đã cho chuồn chuồn chúa cắn rốn dăm bảy lần.
Lần ấy chúng tôi rủ nhau ra tắm ao cuối ngõ. Khoảng hai ba giờ chiều, xung quanh vắng tanh không một bóng người. Ao nông, lội ra tận giữa ao, nước chỉ đến ngực. Chúng tôi dắt tay nhau, nhích dần từng bước nhỏ, tiến về phía bờ bên kia chẳng hiểu để làm gì, hơn nữa bờ bên kia là một vạt đất hoang, cây cối um tùm, đầy rắn rết, ít khi có người sang. Nhích dần, nhích dần, nếu nước sâu thêm đến cổ, sẽ dắt tay nhau quay lại. Nhưng đáy ao vẫn bằng phẳng, nước vẫn không quá ngực. Được hai phần ba ao, bỗng tí ủm, cả hai nhào xuống thùng đấu, rời nhau ra.
Sau này, mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn không hiểu tại sao chìm nghỉm dưới nước sâu tôi lại làm được cái điều kỳ lạ là quờ quạng dưới đáy rồi lần ra bờ thùng đấu, còn tay kia không quên khua khoắng kéo được cánh tay Thân, cùng leo lên. Âu cũng là cái số không chết bởi xung quanh nào có bóng ai để biết mà ra cứu. Bản năng sống, hay còn phải trả nợ đời, hay tạo hóa muốn ban tặng chúng tôi một kỷ niệm khó quên, chỉ biết rất mừng, tuy bị uống nước ao khá nhiều. Nhưng rất lạ là cả tôi và Thân sau đó chẳng bao giờ nhắc lại với nhau chuyện cũ, và cũng chẳng bao giờ tắm lội cùng nhau nữa. Rồi thì tôi cũng biết bơi, chỉ mấy tháng sau thôi, đứa biết bơi dạy đứa chưa biết bơi, lúc đầu bơi úp mặt, rồi bơi ngửa, rồi bơi được thật sự tuy chỉ dăm bảy mét. Còn Thân, vì không cùng tắm lội, có biết bơi không, tôi không biết và cũng chẳng bao giờ hỏi.
Tuy vậy, thỉnh thoảng vẫn chơi với nhau. Đêm, đốt đèn rủ nhau đi bắt dế chọi. Dế của tôi bao giờ cũng thua. Rồi chơi bi, chơi đáo. Cũng vẫn thua. Tôi nhớ một lần chơi đáo ngay ngoài ngõ nhà tôi, tôi thua khá nhiều. Chiều đã tắt nắng, anh Lân, người giúp việc của nhà tôi gọi tôi về ăn cơm. Mẹ tôi đã mất, cha tôi có việc buôn bán phải đi vắng mấy hôm, nhà chỉ có mỗi hai anh em, anh phải chăm nom, cơm nước cho tôi. Tôi không về, bảo chơi thêm mấy ván để gỡ. Nhưng càng gỡ càng thua. Anh sốt ruột lại ra gọi tôi. Tôi vẫn không chịu về. Mỗi khi đi vắng, cha tôi thường cho tôi một ít tiền. Thua gần nhẵn túi, mất tới hơn một hào, một hào là mười xu, mà thời đó một xu mua quả trứng vịt. Trời lại sắp tối rồi, thấy thế, anh Lân bảo:
- Để tao chơi hộ nó.
Thân không đồng ý. Anh trợn mắt:
- Mày định ăn non à?
Anh chơi hộ. Và chơi gian. Khi dùng xu cái đánh xu con lên khỏi vạch tít, anh quét tay hất xu con lên, bách phát bách trúng.
- Ê, chơi quét tay à?
Anh ngửa bàn tay dí tận mắt nó:
- Đây, mày xem, có lấm đất không?
Được ba ván, gỡ được ba xu, nhìn vẻ mặt Thân, vừa ấm ức vừa cam chịu, tôi bỗng thấy áy náy, liền bảo anh:
- Thôi, không chơi nữa, em đói lắm rồi.
Lúc ăn, tôi bảo anh:
- Anh đã chơi gian, lại còn bắt nạt nó.
Anh cười:
- Không thế, ôi hết cơm à?
Năm chín tuổi, tôi thi đỗ bằng sơ học yếu lược, cái bằng giữa cấp tiểu học, to gần cỡ giấy A3 bây giờ, phải có nó mới được thi lên lớp nhì, và cũng phải có nó mấy ông phó lý (chạc tuổi bố tôi, ngồi thi cùng phòng với tôi) mới đủ điều kiện chạy chân lý trưởng, cũng là năm Thân thôi học. Chẳng hiểu có phải tại bị lưu ban hay không, nhưng Thân bảo tôi:
- Bố tớ bảo, sĩ, nông, công, thương, nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ.
Thân thôi học, tạm thời ở bậc nhì, nhưng rồi có ngày lên bậc nhất. Còn tôi cứ biết việc là phải đi học, trốn học, lười học là ăn đòn, chứ đâu nghĩ nổi sâu xa đến chuyện nhất nhì.
Chúng tôi vẫn chơi với nhau, dĩ nhiên ít hơn trước, không phải do Thân thôi học, vì trước đó khác lớp, lại ngõ trên, ngõ dưới, có bao giờ rủ nhau đi học đâu, mà vì tôi đã có những bạn mới, cả ở làng khác đến học, cho nhau mượn sách mượn truyện, và tôi bỗng sinh ham đọc truyện, linh tinh đủ loại, sách hồng, trinh thám, dã sử... Thân hỏi tôi học hành thế nào, có khá không, tôi bảo cũng khá, thằng Tỵ Vẩn con ông Cai Khiếu và Tỵ Tiến con ông Thơ Tiến, ngồi hai bên vẫn phải coi bài của tôi. Tỵ Vẩn xui tôi che bài đừng cho Tỵ Tiến coi, sẽ cho tôi chiếc sáo nhỏ xíu bằng gỗ vẫn đeo vào chân chim bồ câu ngày hội thả chim, để tôi gắn vào diều. Còn Tỵ Tiến lại hứa cho tôi bức tranh Quan Công cầm long đao, nếu tôi che bài với Tỵ Vẩn. Nghe kể, Thân bảo:
- Mỗi Quan Công thôi thì chán chết, nhà tớ có hẳn bức Đào viên kết nghĩa có đủ bộ ba Quan Công, Lưu Bị, Trương Phi.
Tôi bỗng nghĩ đến chuyện tôi và Thân cũng đã từng sống chết có nhau dưới chiếc thùng đấu, biết đâu chả trở thành kết nghĩa đào viên, liền gạ luôn:
- Đổi cho tớ đi.
- Đổi lấy gì?
Tôi nghĩ một lúc rồi bảo:
- Năm cái dĩa nhỏ, được không?
- Dĩa là cái gì?
- Như cái đinh ba ấy, để ăn bánh ngọt, trái cây, khỏi phải cầm bẩn tay.
Nói rồi, tôi về ngay lấy dĩa cho Thân xem. Chả là cha tôi đã lấy vợ kế. Trước bà buôn cốc, tách, ấm trà, thìa dĩa... ở thị xã Ninh Bình. Hàng tồn, bà mang theo về xếp đầy tủ chè nhà tôi. Loại dĩa nhỏ có tới mấy chục chiếc cắm đầy hai bên chiếc cốc trong tủ. Thân mân mê mấy chiếc dĩa, nhìn tôi, phân vân, rồi gật đầu đồng ý. Tôi chờ mấy tuần, rồi mấy tháng sau vẫn chẳng thấy Thân đem tranh lại. Tôi nghĩ, hay là nó nói hươu nói vượn, hoặc thấy ở nhà ai đó, chứ thật ra không có. Tôi chẳng đòi lại dĩa, nhà tôi còn khối, còn nó cũng lờ đi như không hề có chuyện gì. Giá nó nói với tôi một câu, bịa ra cũng được, bố nó không cho đổi, sẽ trả lại dĩa, rồi không trả cũng có sao đâu. Tôi với nó, đã khi nào to tiếng với nhau mà ngại.
Nhưng từ đó, chúng tôi ít chơi với nhau hơn, mà có chuyện gì để nói, bi, đáo, dế chọi, tôi không chơi nữa, vì đã lớn hơn. Chúng tôi như đã ở hai miền khác nhau. Tôi lo chuyện học hành thi cử, vui chơi đã có cắm trại, học hát, diễn kịch, nghe thầy giáo kể chuyện Ác-xen Luy Panh vào giờ giải trí thứ bảy hằng tuần, còn Thân lo nhất nông nhì sĩ theo định hướng của bố, ông Mười Bí, Mười là tên tục của ông, còn Bí là tên của chị cả Thân.
Rồi tôi thi đỗ vào trung học, ra Hà Nội học. Đang học năm thứ nhất thì ngày 9.3.1945 Nhật đảo chính Pháp. Tôi đã mười bốn tuổi, đã từng đọc những sách loại như Vợ ba Đề Thám, Chuyện Cô Giang..., cha tôi trước đó thường đọc thơ Phan Bội Châu cho tôi nghe nên lúc này, trong lòng tôi bỗng nổi lên cái gì đó, khuấy động tôi, là cái gì, tôi cũng không rõ nữa, có thể chỉ như chuyện "chuồn chuồn cắn rốn", nhưng lòng ham muốn biết bơi là có thực.
Hết năm học, về quê nghỉ hè, phong trào Việt Minh gần như công khai ở làng tôi. Những đêm trăng sáng, các đội tự vệ rình rịch đi tập quân sự ở mấy bãi tha ma sau làng. Báo Cứu Quốc bằng giấy giang màu xanh nhạt dán công khai ngay đầu ngõ nhà tôi. Tôi muốn làm một việc gì đó. Giá ai đó tìm đến tôi. Không ngờ tìm đến tôi lại là Thân. Thân rủ tôi ra chỗ bụi tre vắng cuối ngõ, ngay bờ ao chúng tôi suýt chết đuối ấy, đưa bài Tiến quân ca cho tôi chép, rồi dạy tôi hát: "Đoàn, quân Việt Minh đi, chung lòng cứu quốc...", Đoàn, ngắt hẳn ra chứ không liền Đoàn quân Việt Nam như bây giờ. Thân còn nói, cờ của Việt Minh màu đỏ sao vàng năm cánh, năm cánh là sĩ, nông, công, binh, thương. Tôi hỏi:
- Ai phổ biến cho cậu?
Thân hơi mỉm cười, vẻ bí mật:
- Người của đoàn thể.
Chỉ có thế, chả có gì thêm nữa. Rồi một hôm Việt Minh làng tôi tổ chức đoàn biểu tình sang Phú Ninh (Ninh Hiệp bây giờ) chống Nhật thu thóc, tôi đánh liều vác con dao dài chuôi sừng, lưỡi chạm hoa văn hai mặt, của cha tôi đi theo mà không thấy có Thân. Rồi tối 17/9/1945 trước tổng khởi nghĩa hai ngày, Việt Minh làng tôi tổ chức biểu tình thị uy, cướp chính quyền, tôi cũng đi theo hô đến khản cổ "Đả đảo", "Muôn năm", vòng đi vòng lại suốt các đường chính trong làng, quá khuya mới giải tán, cũng không thấy Thân. Tôi hơi lạ, nhưng không hỏi, rồi nghĩ bụng hay là Thân bị bố cấm.
Hết hè, tôi lại ra Hà Nội học tiếp.
Tháng 12 năm 1946, tôi cắp sách đến trường, cho tới khi sân trường Chu Văn An (nay là trụ sở Bộ Tư pháp ở đường Trần Phú) vắng tanh, chỉ còn thấy mỗi thầy Phong (tầu) và thầy Thái (cò). Hai thầy vẫy tay bảo tôi về mà đi tản cư. Tôi không về quê, lòng những muốn ở lại tham gia kháng chiến. Tôi đã sang tuổi mười tám, đang lớn như thổi. Cha tôi sai người ra gọi tôi về. Tôi về người không, không mang theo quần áo, sách vở gì, định bụng xin cha tôi ít tiền rồi lại ra. Nhưng hôm sau giặc chiếm Gia Lâm, tắc đường. Bốn hôm sau, toàn quốc kháng chiến. Gia đình tôi đi tản cư. Tôi không đi, vừa để trông nhà, trong nhà còn nhiều đồ đạc, hàng hóa chưa thuê chuyển đi được, vừa để tham gia việc gì đó với dân quân, gác đêm chẳng hạn. Một hôm, Thân dò xuống nhà tôi rủ tôi chơi bài xì. Ở nhà một mình, cũng buồn, sách vở để hết ở Hà Nội chẳng có gì xem, dân quân thì chưa đủ tuổi, tôi nhận chơi và lại thua, thua đau. Mất hơn hai chục đồng, gần hết số tiền cha tôi để lại cho tôi tiêu và mua thức ăn hằng ngày. Đây là lần gặp nhau cuối cùng trước khi gặp lại gần chục năm sau.
Hơn nửa tháng sau, xảy ra trận mồng ba tháng ba âm lịch đầu năm 1947 mà dân làng tôi đã đặt vè: "Mồng ba tháng ba, thịt gà trôi nước, biết thế này cúng trước hôm qua...".
Trận tấn công đầu tiên khốc liệt, có cả hai chiếc máy bay Sprit-fire uy hiếp và súng cối, đại bác hiệp đồng. Mười hai du kích hy sinh, mấy dân thường bị giết. Riêng xóm tôi, giặc không vào nổi, nhưng bị trả đũa một trận cối và đại bác dữ dội trước khi rút. Khi đã yên, tôi ra chỗ cổng xóm, nơi tôi đã cùng dân quân gác đêm, nơi giặc không vào nổi và còn vớ được mảnh xương hàm có nguyên răng bị bắn vỡ và bỏ lại. Tôi còn thăm một số cổng khác nữa, vẫn không thấy Thân đâu, chắc đã theo gia đình đi tản cư.
Sau trận ấy, cha tôi về bắt tôi đi học tiếp, vì ngoài vùng tự do kháng chiến, một số trường trung học đã mở. Năm 1950, đang học dở bán tú tài, kháng chiến bước sang giai đoạn chuẩn bị tổng phản công, học sinh chuyên khoa chúng tôi, người thì ghi tên vào lục quân khóa 6, người thì đi công tác, tôi cũng đi công tác thanh niên và năm sau chuyển sang ngành sư phạm, dạy học tận Hà Giang.
Cuối năm 1956, lúc tôi đã tốt nghiệp đại học và đang dạy tại một trường cấp ba, em gái tôi đến mời về dự lễ cưới của nó tại thành phố Nam Định. Lúc đó nó là công nhân nhà máy dệt. Nó bảo tôi:
- Anh sẽ gặp anh Thân đấy. Anh ấy là chấp hành công đoàn ở chỗ em.
Thì ra năm 50, lúc tôi đi công tác thanh niên, cũng là lúc Thân vào làm công nhân dệt vải quân nhu ở Quyên, Thái Nguyên, không "nhất nông nhì sĩ" nữa, mà đã đứng vào hàng ngũ giai cấp tiên phong.
Hôm cưới em gái tôi, gặp nhau, Thân cười, vẫn cái cười dè dặt, phân bua như khi xưa chơi bài với nhau, rồi hỏi tôi:
- Chí đã người của đoàn thể chưa?
Thật ra, chưa bao giờ tôi thấy Thân có cái cười thoải mái, hết lòng, hết cỡ, vô tư, nhưng cái cười sáo mòn, nhàm chán và câu hỏi lạc lõng ấy vẫn làm tôi sững người và trả lời cộc lốc:
- Không!
Rồi hết. Tôi cứ ngỡ phải ôm chầm lấy nhau, đấm thùm thụp vào lưng nhau, nhắc lại thời "chuồn chuồn cắn rốn", nhắc lại cái thùng đấu, Tiến quân ca, rồi hỏi nhau gần mười năm qua sống ở những đâu, công tác gì, vợ con thế nào rồi... Ai ngờ lại bẽ bàng đến thế.
Lại hai nhăm năm nữa mới lại gặp nhau, khi đã về hưu cả. Thân sau lên quản đốc phân xưởng, rồi được đi học chính trị ở Hà Nội, được giữ lại trường làm phó phòng hành chính, về hưu với mức lương cán sự năm. Thân về làng ở. Tôi vẫn ở ngoài thành phố, năm vài ba lần về thăm làng, và cha tôi đã mất, anh em mỗi người về hưu ở một tỉnh, chẳng còn ai. Lần nào về chơi cũng ghé thăm Quắc, cũng cùng tuổi, ở ngay cạnh nhà tôi và lần nào cũng gặp Thân đang ngồi chắn cạ ở đấy. Họ thanh minh, cò con thôi, được thua nhiều nhất chỉ mấy chục nghìn, chỉ là giải trí. Thân, đầu nhỏ như chiếc gáo dừa, lơ phơ mấy sợi tóc bạc, mắt thường đỏ ngầu, thường chỉ liếc nhìn tôi, rồi lại cắm mắt xuống những quân bài.
Một lần, mọi người vừa chơi xong, giữ tôi ngồi lại nói chuyện. Vài người hỏi chuyện viết văn dịch sách của tôi, có kiếm được không. Tôi bảo cũng mất ngủ lắm, nhưng lương hưu đủ ăn, nên cũng để dành được ít tiền mua được mấy chục mét vuông đất trong ngõ hẹp, làm được ngôi nhà nhỏ đủ ở, không phải ở nhờ người quen nữa. Một người khen tôi ngày xưa học giỏi. Tôi thanh minh:
- Chẳng qua nhà tôi có điều kiện hơn, không phải vất vả như các ông, chứ ở điều kiện như tôi, có khi các ông giỏi bằng mấy.
Chả hiểu sao tự dưng Thân hứng lên, hồn nhiên khoe:
- Ông cụ nhà tôi thông minh lắm nhé, thuộc làu từ đầu đến cuối truyện Kiều.
Chẳng hiểu ông Mười Bí có thuộc làu ba nghìn hai trăm năm tư câu Kiều thật hay không, nhưng nghe Thân khoe, tôi bỗng nhớ một hôm cháu nội tôi, được mẹ đèo, vừa chân ướt chân ráo về đến nhà đã vội khoe:
- Ông ơi, hôm nay Minh đến trường sớm nhất!
Rồi lại nhớ tiếp lâu lắm rồi, nhân nói về chuyện học, tự nhiên cha tôi phì cười kể:
- Ngày xưa ông Mười Bí học chữ nho cụ Hương Tráng, dốt quá bị cụ đánh luôn. Ông ấy tức, bắt một con châu chấu bỏ vào bao diêm, rồi hờ khóc "Ối Hương Tráng ơi là Hương Tráng ơi", không thèm học nữa.
Và bây giờ con ông đang khoe ông thông minh, chỉ thiếu nước ca ngợi ông sáng suốt "...hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ".
Nhẽ ra... Không, chúng tôi khác nhau nhiều quá. Những kỷ niệm xưa có lẽ chỉ là kỷ niệm của riêng tôi, Thân không có kỷ niệm. Nhưng cũng chỉ là kỷ niệm của một thời "chuồn chuồn cắn rốn".
Kết Thúc (END) |
|
|