Cuối giờ, vị giáo sư đi xuống hàng ghế sinh viên, giọng không phải để giảng bài: Tôi có một cuộc chơi, trò nào muốn chơi thì ghi tên.
Cuộc chơi của thầy dạy môn Tự động hoá là "khám" sức khoẻ của máy bằng cách "nghe" tiếng máy chạy.
Thật hấp dẫn.
Với lũ trò quỷ sứ tuổi chưa đủ mười chín, nghe đến "chơi" đã muốn nhảy vào, lúc đầu người thầy già có được một danh sách tên trò phiến âm dài dằng dặc.
Nhưng rồi đám học trò dần dần bỏ thầy lại cùng với cuộc "chơi" ù đầu, mờ mắt sau nhũng buổi học đã kéo dài đến tám chín tiếng đồng hồ.
Thầy có vẻ không vui. Ông buồn rầu nói với chúng tôi: "Nghe" máy khó lắm các em ạ.
Chúng tôi đã trả xong bài thi cuối cùng của thời sinh viên.
Chúng tôi đến từ biệt thầy giữa lúc ông đang mải mê "nghe " máy...
Chúng tôi về nước. Thời điểm đó ngành tự động hoá chưa được quan tâm, thế là đành phân tán, mỗi người một nghề trái tay, nhưng các bạn tôi ít nhiều đều "dính" đến máy.
Riêng tôi "phiêu bạt" sang một nghề khác hẳn: Nghề viết... Tôi cũng chẳng hiểu sao...
Người ta thường nói đó là số phận.
Tôi cũng đành biết thế. Vì tôi chưa gặp mặt số phận một lần nào để có thể nhận diện được nó.
Là học trò thầy nên tôi dám chắc thầy đã không bằng lòng khi biết tôi bỏ nghề, cái nghề mà thầy đã dầy công dìu dắt chúng tôi. Có lẽ thầy cho là tôi đang theo một nghề quá mơ hồ, quá dễ dàng so với bộ môn khoa học chính xác mà tôi đã yêu và đã được dạy dỗ.
Tôi đã phụ công thầy.
Sau lá thư tôi báo với thầy tôi đã chuyển sang nghề viết, thầy không trả lời thư tôi nữa...
Quá trình tập "nghe" máy đã giúp tôi rất nhiều trong nghiệp viết. Sự tập trung tinh thần và giác quan cao độ khi "nghe" máy đã tạo cho tôi một thói quen rất cần thiết trong khi lắng nghe cỗ máy tâm hồn con người.
Và có lẽ thầy cũng khó ngờ rằng chính thời gian gần máy đã đóng góp rất nhiều cho việc ra đời những truyện mini của tôi.
Và cũng không hiểu sao tôi cứ nghĩ là mình vẫn đang tiếp tục cuộc "chơi" của thầy...
Tôi đã nghe, lắng nghe rất nhiều. Càng ngày, qua nhiều thất bại, tôi càng hiểu ra rằng việc "nghe" người còn khó khăn hơn "nghe" máy hàng nghìn vạn lần.
Máy cũng có thể nhiễu nhưng chúng thật thà và không biết nói dối.
Rồi tôi bắt đầu tập nghe "âm thanh", thứ "âm thanh" mà tự vị quen gọi là sự im lặng.
Một cỗ máy im lặng là một cỗ máy chết.
Nhưng âm thanh im lặng của con người hình như nhiều khi còn "sống động", còn "nói" được nhiều hơn lời nói.
Đã mấy lần trong cuộc đời người mẹ nói được thành lời tình mẫu tử đại dương mênh mông của mình?
Có bao nhiêu cặp tình nhân đến lúc xuôi tay vẫn chỉ nói yêu nhau bằng lời mắt?
Và sự khinh bỉ tột cùng nhiều khi cũng chỉ có thể nói bằng âm thanh của lặng im...
Sau nhiều năm không nhận được tin thầy, tôi bỗng thấy cần phải viết thư cho người thầy già năm xưa.
Thầy còn sống hay đã mất?
Thầy còn ở địa chỉ cũ?
Tôi không cần biết.
Tôi chỉ biết cần phải viết cho thầy.
Rồi tôi nhận được một bức thư vẫn với nét chữ quen thuộc nhưng như run rẩy hơn, xót xa hơn: "Thầy cảm ơn em vẫn nghĩ đến thầy. Em đã giúp thầy hiểu thêm nhiều điều. Thầy rất tâm đắc với nhận xét của em: Thật ra không có sự im lặng. Chỉ có những âm thanh ở những tần số đặc biệt mà do những điều kiện hạn chế nhất định mình không "nghe" thấy được. Đó là bi kịch của con người... "
Gần đây tôi mới biết thầy hiện sống cô độc sau cuộc chia tay với người vợ mấy chục năm im lặng sống bên người chồng chỉ biết đến giảng đường và phòng thí nghiệm.
Không hiểu có phải vì thầy đã không "bắt" được tần số âm thanh im lặng của người đàn bà ấy????
Kết Thúc (END) |
|
|