Thời gian này tình hình chiên sự có hơi găng nên Tiểu khu Tây Ninh biệt đãi những đơn vị tăng phái hành quân. Phi hành đoàn ăn ngủ tại nhà khách Tòa Hành Chánh Tỉnh, không xa với phòng hành quân; ngoài ra còn được biệt phái hẳn một chiếc xe Jeep có tài xế riêng. Trừ những phi vụ bay đêm bất thường, buổi sáng quý quan lên phi trường Trảng Lớn nắng cháy; không đi uống café thì cũng lả lướt đâu đó. Thỉnh thoảng mấy anh em cũng vào chợ mua ít đồ lặt vặt. Bắt tài xế ngồi giữ xe kẻo giặc gài mìn hay bỏ lựu đạn vào bình xăng, hai anh chàng quan bay lũi vô nhà lồng chợ. Khi xong việc, lúc đi trở ra Thanh mới tâm sự:
- Hồi nãy ngang qua cái tiệm thấy một cô đẹp quá!
Biết Thanh chỉ thấy chớ không phải gặp, Hân cười nói huề vốn:
- Con gái đứa nào không đẹp!
Thanh cãi:
- Nhưng con nhỏ này có duyên lắm!
Nhìn Thanh đang hào hứng, Hân đùa:
- Muốn gì đây?
Thanh mắc cở làm thinh. Hân lại hỏi:
- Mà mày có thích không đã?
Thanh trả lời xụi lơ:
- Thích là một chuyện!
Hân khai nhãn cho anh ta:
- Không mua vé số làm sao mà trúng!
Thanh không nói nhưng nhìn mặt anh ta đần ra và thái độ thành khẩn, Hân biết Thanh đã bị cô bé "có duyên đẹp quá" nào đó đã hớp hồn rồi. Lên xe, Thanh còn lặp lại câu nói lúc nãy:
- Con nhỏ nhìn có duyên lắm!
Hắn vẫn một bài bản cũ:
- Con gái đứa nào không có duyên!
Tưởng yên chuyện, không ngờ tối lại Thanh trằn trọc hoài. Hân nghĩ đến chuyến bay sớm ngày mai, chưa kể những phi vụ khẩn cấp và bất thường, lại bảo:
- Thôi ngủ đi! Mai còn đi hành quân sớm!
Thanh bên kia giường nói vọng sang:
- Không ngủ được.
Hân hỏi gặng:
- Không ngủ được hay ngủ không được?
- Ngủ không được. Không ngủ được hay ngủ không được cũng vậy thôi!
- Khác chớ! Muốn ngủ mà bị ép giấc ngủ không được phải không? Mầy muốn làm rể Tây Ninh à?
Không có tiếng trả lời. Hân nghĩ ai lần đầu tiên mới gặp ý trung nhân cũng vậy thôi. Nhưng trước nay chưa có cuộc tình nào - có chăng trong tiểu thuyết - chỉ gặp mỗi lần chưa nói một lời nào mà đã tương tư đến như thế! Ngủ một giấc không biết bao lâu thức dậy không thấy Thanh đâu, Hân xỏ giầy bước ra ngoài thì Thanh đang ngồi ngay chỗ bồn hoa nhìn trời trăng mây nước. Lẫn trong bóng cây, đầu này góc nọ, vài anh lính súng cầm tay đi tuần tiễu. Không gian lặng như tờ. Thành phố đang ngủ yên. Thỉnh thoảng nghe tiếng đại bác xa xa vọng về. Từ đây nếu ở trên lầu Tòa Hành Chánh Tỉnh, vào những đêm trăng, người có tâm hồn nghệ sỹ có thể sáng tác nhạc hay làm thơ được vì nghe tiếng chim gi tình tứ rù rì nho nhỏ trong các khóm lá! Bóng những tàng cây cổ thụ xuyên qua khung cửa sổ nhảy múa trên nền gạch bông theo từng đợt gió nhẹ. Hình ảnh núi Bà Đen mây giăng giăng ngang lưng chừng hơi mờ mờ xa xa. Và đặc biệt từ đây có thể nhìn sang tới tận cái nhà lồng chợ phía bên kia sông về hướng Tây, nơi có người con gái mặc áo tím hoa cà làm điêu đứng người lính viễn phương. Hân kéo Thanh vào, vỗ về:
- Thôi vô ngủ đi ông con. Lỡ mai bị vertigo thì đi đời hết cả đám! Tao không sao, có chết cũng không ân hận. Nhưng mày chưa hưởng mùi đời mà đi sớm như vậy cũng thiệt đời son trẻ!
Hân đã hưởng mùi cay đắng cuộc đời rồi, đèo bồng vợ con rất sớm, vì anh thích làm thơ từ hồi mới bước chân vào trung học! Nhưng tác phẩm của anh chỉ được lên bích báo trong lớp hay nếu khá hơn chút nữa thì cũng chỉ đăng trong giai phẩm Xuân của nhà trường. Vì sống trong mơ mộng hão huyền, đáng lý anh phải lù đù như những thi hào thi bá, nhà thơ lớn nhà thơ bé, nhà thơ ba chữ, nhà thơ cách tân, nhà thơ đường luật, nhà thơ cổ phong, nhà thơ cà giựt, nhà thơ triết lý, nhà thơ hình thoi..., nhưng anh lại năng động tài lanh làm mai làm mối cho những anh chàng độc thân!
Tối ngày hôm sau, sau khi đi bay về, ăn uống tắm rửa xong xuôi, Hân mớm ý:
- Mày có muốn đi đâu chơi không?
Thanh mừng như được ôm nàng tiên trong vòng tay cười hớn hở:
- Biết rồi, còn phải hỏi!
Trước khi hành quân, Hân dặn dò cặn kẽ:
- Phải thuộc nằm lòng câu "Thứ nhứt đẹp trai, thứ nhì chai mặt". Mày được cái đẹp trai nhưng phải bình tĩnh và chính xác như lúc cắm đầu xuống bắn rocket vậy. Không được run nghe chưa!
Thanh tiếp thu bài học cấp tốc:
- Nhận năm trên năm, Đại Bàng!
Hân xâm mình dắt Thanh ra giới thiệu đại chiến thuật nhà binh đánh nhanh chiếm mục tiêu thực hiện chính sách tam cùng ở luôn bảo vệ dân! Tôn Tử và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn có sống lại cũng không ngờ đệ tử tiến công thần tốc và lợi hại đến như thế!
Trời đã chạng vạng tối. Phi hành đoàn đi bay đã về đáp gần hết. Mấy ông nhà ở SàiGòn nóng ruột phản ứng:
- Có chuyện gì cứ ra lệnh đại cho rồi.
Nói dại, ngay lúc này nếu giặc cộng phóng một trái hỏa tiễn 122 ly vào sân giữa bốn Phi đoàn thì chắc chắn ngày hôm sau Vùng III Chiến Thuật khỏi cần không yểm luôn! Đơn vị nằm ngay chân cái bồn nước là điểm chuẩn lý tưởng cho pháo. Ngoài ra, trong khu vực này còn có hai Phi đoàn Khu trục cánh quạt 514 và 518, và Phi đoàn F5 522, cũng sẽ cùng chung số phận! Các quan nhốn nháo:
- Tiêu mẹ nó một buổi tối rồi!
Có người an phận:
- Còn phải đợi mấy thằng về trễ!
Có lẽ Phi đoàn trưởng và Ban tham mưu cũng nóng ruột nên không đợi nữa. Vừa tan hàng cố gắng xong, trong đám Đại úy già một số phóng về SàiGòn; số còn lại có nhà ở Biên Hòa hoặc trong cư xá thì về với vợ con, mừng thầm là đã qua một ngày còn sống sót, thời chiến mà! Mấy anh em độc thân còn đứng ngồi lố nhố như chưa quyết định phải làm gì và đi đâu. Họ không hiểu nhiều về Thanh nên không chia sẻ tâm tình. Gặp Hân như bắt được vàng, Thanh than phiền ngay:
- Tao tình nguyện mà nó cũng không cho đi!
Hai anh ngồi trên bậc thềm nhìn qua con đường sang khu cư xá sỹ quan độc thân Bình Nam lợp tôle fibro xi măng. Đã nghe tiếng nhái kêu than từ vũng lầy đầy cỏ dại giữa hai dãy nhà. Qua một con đường nữa từ cổng Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật Tiếp Vận dẫn ra Bộ Tư Lệnh là tới cư xá Nguyễn Thống dành cho gia đình sỹ quan, có hàng cây trứng cá ở cổng ra vào, ngay thư quán Thùy Dương của Hân đã lên đèn. Hân như không để ý câu nói của Thanh:
- Sao ngồi đây chưa chịu về?
Trong khi kiên nhẫn nghe Thanh vắn tắt tường trình kết quả buổi họp, Hân cảm nhận giặc đang mở cuộc tấn công toàn khắp miền Nam, nhất là vùng biên giới. Hân an ủi "Thôi để kỳ sau" rồi cười nói thêm:
- Muốn chết thì để từ từ đâu có muộn. Có gì mà gấp!
Thanh phản ứng như sừng sộ:
- Chết? Mầy tưởng ở đây pháo kích không chết à?
Hân cười trừ. Một lát Thanh nói như than:
- Có nhiều thằng không muốn mà cứ bắt người ta đi!
Hân từ tốn:
- Thì phải luân phiên để thằng nào cũng ít nhất đối diện với cái chết một lần, và qua đó rút tỉa kinh nghiệm chiến trường! Mày có kinh nghiệm chiến trường thì đàn em mới phục. Nó có phục, mày mới làm việc được!
Biết mà Hân vẫn hỏi:
- Ăn cơm chưa?
- Ăn gì mà ăn? Ngán cơm quá. Quán Cây Trứng cá đi!
Leo lên chiếc xe Lambretta trắng của Thanh, Hân nói:
- Muốn gì cũng phải từ từ. Phi đoàn đâu phải của riêng tao hay của mày!
Hân bình tĩnh giảng giải:
- Phải để người ta làm việc chớ! Chừng nào làm xếp mầy mới thông cảm cái khó xử của người chỉ huy!
Thanh ân hận:
- Đành rằng như vậy rồi, nhưng nhiều khi nổi nóng nói tầm bậy!
Chưa kịp thay quần áo , hai anh phóng một mạch đến Biên Hùng. Như thường lệ, không cần kêu không cần gọi, tự nhiên cô gái bưng ra hai tô hủ tiếu đặc biệt theo sở thích của hai anh chàng, còn thêm café đá cũng đặc biệt ít đường. Ăn xong đứng dậy đi, tự nhiên như người Hà Nội. Về trấn nhậm cái đất xứ bưởi Biên Hòa bữa trước bữa sau, không cần ai quảng cáo, ắt người ta biết đến cái quán hủ tiếu này. Cả đơn vị không ai biết tên thật của nó là gì, chỉ gọi là Quán Cây Trứng Cá. Buổi chiều nắng gắt cỡ nào cũng không ảnh hưởng nhờ những tàng cây trứng cá che hết mấy cái bàn ngoài sân hướng Tây. Thực khách vừa thưởng thức món ăn vừa nhâm nhi chút rượu vừa nhìn sang phía bên kia Ty Cảnh Sát. Thời buổi chiến tranh, Việt Cộng hay chơi cái màn khủng bố, vào quán này người ta có được cái cảm giác an toàn hơn những nơi khác. Nhờ vậy mà bà chủ ăn nên làm ra, chẳng mấy chốc mà lên nhà lầu. Nếu không vậy thì bà đâu có mấy căn phố vừa cho mướn vừa để các cháu từ quê ra trọ học. Anh Võ Thành Thanh trưởng thành từ vùng đất hiền hòa và trù phú miền Đông này chỉ cách thủ đô SàiGòn chưa tới hai mươi cây số đường chim bay. Sau khi xong tiểu học từ cái trường quê ở quận Công Thanh, anh thi đậu vào Ngô Quyền, xuống Biên Hòa ở với bà cô luôn cho tới khi đi lính. Rồi sau khi ra trường cũng về phục vụ tại đây. Không ai rảnh tìm hiểu lý do tại sao anh lại kết thân với Hân. Hân ngoi lên từ ruộng đồng miền Tây chất phác, chưa đến tuổi nhi lập đã đuùm đề mấy lửa, luân phiên đi biệt phái các nơi cũng được mà hành quân ở đơn vị cũng không sao. Cứ nước chảy lục bình trôi, tới tua là đi. Đi biệt phái thì lảnh lương sớm. Lo gì! Trời sinh voi sinh cỏ mà! Còn Thanh đã nộp đơn làm rể Tây Ninh rồi chẳng lẽ không lo tiến hành thủ tục! Mong gặp em gái hậu phương từng ngày từng giờ từng phút từng giây đến đổi đêm không ăn ngày không ngủ! Hân bàn với ông Phi Đội Trưởng:
- Kệ! Anh cho nó đi đi!
Thiếu tá Sơn còn run:
- Tao sợ mấy thằng khác tụi nó phân bì!
Hân khẳng định:
- Phân bì cái gì không biết! Bộ anh cho nó biệt phái Biệt Khu Thủ Đô hoài à? Đi đến chỗ chết chớ bộ ăn cái giải gì sao? Đứa nào thắc mắc để tôi giải tỏa cho. Anh đừng lo.
Anh Sơn tiếp:
- Đành vậy rồi! Tao biết nó còn cu-ki nên gan dạ và làm việc được; còn mấy thằng kia càng lớn càng lạnh cẳng! Chiến trường bây giờ cần mấy thằng như nó!
Hân bơm thêm:
- Tội nghiệp! Từng tuổi đó mà còn xách xe không chạy vòng vòng hoài. Bây giờ có cơ hội ngàn năm một thuở, cho nó một phát súng ân huệ đi. Có chết nó cũng được mãn nguyện!
Từ một hai tuần trước Thanh đã bắt đầu ghi danh làm rể Tây Ninh rồi, Nhưng Hân bi thảm hóa để gợi lòng thương hại của anh Phi Đội Trưởng:
- Vừa rồi tôi làm mai cho nó. Nhưng con trai mới lớn, anh biết, nó còn nhát đèn lắm. Để tôi tác hợp đôi trẻ cho tụi nó yên bề gia thất cho rồi!
Khi từ giã, Hân hình như có chút ray rứt:
- Ờ! Bắt nó đi chỗ chết hoài lỡ có bề gì không biết phải làm sao!
Anh Sơn ráng thêm một câu:
- Cha mẹ nó già, nó là con một mà không chịu xuống đất giùm cái! Cứ tình nguyện vào chỗ chết hoài!
- o O o -
Mười năm sau khi đứt phim, thân tàn ma dại sống sót trở về, anh Hân đón xe đò theo Quốc lộ số 1 trở lại thành phố Tây Ninh, ghé thăm cái tiệm có người con gái mặc áo hoa cà lần đầu tiên đã làm đắm say người bạn. Bước vào chính cái tiệm ngày xưa nhưng Hân cứ nghi ngờ không phải vì nó vắng vẻ quá. Lúc anh Hân đang lớ ngớ chưa kịp chào hỏi thì một ông già trông hơn trăm tuổi lên tiếng như từ cõi xa xăm:
- Em muốn hỏi ai?
Anh Hân dè dặt:
- Thưa Bác! Cho cháu chị Tám và chị Mai còn ở đây không?
Ông già nhìn anh Hân ốm tong teo vàng vọt hơi lâu:
- Em quen với mấy đứa nó à?
Tiếp theo là giọng nói đứt quãng:
- Con Tám... chết... rồi!
Lúc trước định hỏi thăm gia đình, nghe nói người cha đã qua đời, anh Hân không ngờ ông già là nhạc phụ của anh Thanh:
- Thưa bác! Cháu là bạn của chồng chị Mai.
Ông già cảm động nhìn trân trối rồi thân mật nắm tay anh Hân, giọng rung rung:
- Mày là bạn của thằng Thanh đây sao, em?
Bác vẫn chưa hết xúc động. Hai dòng lệ từ từ lăn theo hai bên sóng mũi chảy xuống trũng sâu đôi má hóp:
- Mày đây, còn thằng Thanh đâu, con?
Khoảng chừng nửa tháng sau khi miền Nam đổi chủ, ủy ban quân quản ra lời kêu gọi sĩ quan, đảng phái, và công chức chính quyền cũ đi cải tạo. Hân không trình diện nhưng hai anh vẫn phải gặp nhau trong tù. Anh Hân dán cặp mắt vào bác Hai trông dáng mệt mỏi như chết chưa chôn:
- Lúc ấy con ở trại hai còn anh Thanh ở trại ba, thỉnh thoảng mới gặp nhau.
Bác Hai ngó ra ngoài cửa khi chị Mai và đứa cháu ngoại bước vào nhà. Anh Hân đứng dậy để chị Mai nhìn người quen. Chị ngờ ngợ trong vài giây rồi không giữ ý tứ chạy lại ôm anh Hân òa lên khóc:
- Chắc anh Thanh chết rồi hả anh Hân?
Không làm Từ Hải, anh Hân cũng chết đứng:
- Chị Thanh! Chị hãy bình tĩnh!
Chị Mai, đã mảnh khảnh giờ ròm thêm, kể lể:
- Lúc ảnh ở Suối Máu tôi có thăm... rồi biệt tích luôn!
Anh Hân khổ tâm:
- Tôi cũng có gặp ảnh. Sau đó biến chế lại mỗi đứa một nơi. Đi vòng vo rồi cuối cùng cũng gặp lại ở Hàm Tân. Có người bạn cho biết ảnh chuyển đi Z30C.
Lợi dụng đêm mưa gió cúp điện, anh Thanh cùng một người bạn tù nữa, Thiếu úy Long-Biệt Động Quân, trổ nóc tôn nhà cầu trốn trại. Anh Long vượt khỏi rồi; anh Thanh mới vừa qua khỏi hàng rào, vừa lúc đèn điện có lại, chúng bắn anh trọng thương. Qua khe hở, những người tù biết anh Thanh bị đổ ruột và hai cái chân muốn lìa khỏi thân thể. Chúng lôi xển anh vào bỏ giữa sân trại không cho y tá săn sóc, làm đại yến thiết đãi cho lũ chuột đói quanh năm. Người có kinh nghiệm tác chiến biết anh Thanh bị AK47 bắn rất gần từ sau trổ ra trước. Chưa kịp đến sáng thì anh vĩnh viễn ra đi. Lúc anh Hân và một người bạn tù nữa làm thủ tục chung sự thì thân thể anh... chỉ còn chừng phân nửa! Thi hài anh Thanh bó chiếc chiếu đệm cột tòn teng trên cây đòn khiêng với hai người bạn được hai công an hộ tống ra khu mả tù. Anh Hân chuẩn bị tâm lý cho chị Mai:
- Có khi nào ảnh trốn trại rồi vượt biên luôn không?
Chị Mai khẳng định:
- Tôi không tin là ảnh còn sống. Đã nhiều lần báo mộng. Ảnh linh lắm anh à!
Chị lại thêm:
-... Vả lại, nếu vượt biên còn sống thì thế nào ảnh cũng gởi thơ về. Nhiều người tưởng mất tích mà liên lạc lại được với gia đình. Anh Phương con bác Ngạng đã lên bàn thờ ngồi mười năm rồi đó!
Hân buột miệng:
- Ngạng nào? Phải bác Ngô Văn Ngạng nấu rượu không?
- Tôi không biết họ nhưng đúng rồi, bác Ngạng ở Tân Ba đó!
Chị Mai trở lại câu chuyện:
- Hơn nữa, tôi đâu có lỗi lầm gì với ảnh và cả với gia đình bên chồng!
Anh Hân nói tiếp:
- Trong tù cũng như sau khi ra trại, tôi cứ hỏi thăm anh Thanh hoài mà lạ thật, không anh em nào gặp!
Chợt nhớ ra, chị Mai bảo đứa con gái:
- Chào bác Hân đi con. Bác là bạn thân cùng Phi đoàn với ba con đó!
Dù ngày cúng đầy tháng cháu Nga trên nhà ông bà nội ở Công Thanh, với nhiều người bạn cùng đơn vị có lên dự. Anh Hân cũng không ngờ cháu có nét duyên dáng dễ thương như mẹ. Nhưng qua cái khuôn đúc made in Võ Văn Thanh thì không sai chạy vào đâu được. Ba mươi năm sau lỡ cháu có lưu lạc ở đâu, người cùng đơn vị với anh Thanh cũng đều nhận ra ngay. Nó sinh đúng cái ngày định mệnh mà sinh nhật thứ hai của nó chưa kịp tổ chức đã phải bỏ của chạy lấy người. Hân hỏi trống không:
- Ủa! Còn thằng em đâu?
Chị Thanh nhớ lại ngày bi thảm:
- Năm đó chị Tám ẵm thằng Hùng đi về quê thăm bà ngoại bị giựt mìn. Chết hết rồi!
- Xin lỗi chị! Tôi vô tình gợi lại niềm đau. Anh Thanh có kể mà tôi quên lửng đi!
Nói đến thằng Hùng thì chị Mai lại nhớ tới con Loan mũn mĩm sinh sau nó mấy tháng. Ngày sinh nhật thằng Hoan, tụi nó còn bò dưới đất chơi với nhau.
- Hồi nãy giờ tôi quên mất! Chị Hân và mấy đứa nhỏ ra sao?
Anh Hân như không nghe câu hỏi của chị Mai đến khi chị lập lại một lần nữa. Anh dằn lòng không kể bà xã bị xâm phạm tiết hạnh rồi vứt xác trong rừng:
- Nhà tôi và cháu Loan cũng bị chết bất đắc kỳ tử trong chuyến thăm nuôi rồi chị à!
Chị Mai nước mắt ràn rụa như chính người thân của mình bị tai nạn:
- Trời ơi là trời! Cái quân bất nhơn! Trời đâu sao không giết nó cho rồi!
Bác Hai tiếp nhận lời trách của chị Mai:
-Trời đâu mà trời, con! Có trời thì thằng Xích-Ta-Lin, thằng Mao Trạch Đông đã không có đất sống trên thế gian này!
Bác Hai đi kháng chiến chống Pháp từ thời Việt Minh. Dần dần nhiều người biết mặt trái cứ nghĩ đặt quyền lợi tổ quốc lên, xong rồi hẳn hay.
- Cái quân tàn ác bất nhơn không kể gì hết! Ở với nó mấy chục năm, tao còn lạ gì!
Hòa bình lập lại, bác Hai trở về với cảnh nhà tan cửa nát. Vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, bác gái và anh con trai đã không kịp đón bác theo đoàn quân chiến thắng trở về! Khuôn mặt bác méo mó tiếc nuối và thất vọng:
- Tao kẹt trong đó ra không được, cũng không có cách gì liên lạc được với gia đình. Còn ở ngoài này... tụi bây đánh đấm cái gì như gãi ngứa!
Anh Hân thở dài:
- Có đánh hoài cũng vô ích. Đánh không cho thắng làm sao mà đánh được, bác.
Bác Hai nhớ chuyện trong khu:
- Tụi nó nói toàn chuyện phong thần không!
Anh Hân hậm hực:
- Cả hai thằng lớn cộng với khối Đông Âu yểm trợ nó; Mỹ tốn hao và mệt mỏi quá muốn rút và cúp hết viện trợ thì lấy gì mà đánh, bảo không thua!
Về nhà, anh Hân viết cho chị Mai một bức thư:
"Chị Thanh thân,
Từ ngày thăm gia đình chị ở Tây Ninh về, lòng tôi cứ ray rứt mãi về một điều tôi xem như một món nợ!
Sau khi suy nghĩ thật kỹ tôi mới dám viết bức thư này cho chị. Mong rằng chị đọc với cõi lòng bình tĩnh. Bây giờ thì mọi chuyện đều thành dĩ vãng, muốn níu ngược thời gian cũng không được, cho nên hãy hướng về tương lai là hơn. Quả thật tôi còn giấu chị một điều mà tôi nghĩ chị đã biết hay ít nhất cũng đã cảm nhận! Nhiều người trong số anh em bạn bè mình đã ra đi không cách này thì cách khác. Thời gian chỉ mười năm mà có nhiều biến cố tôi nghĩ như chiều dài thế kỷ; lại nghĩ như mới ngày hôm qua hay hôm kia đây vì những hình ảnh và kỷ niệm còn hiện rõ ràng từng nét.
Cuộc chiến qua rồi, người thua cuộc không ai khác hơn là đồng bào ruột thịt của mình, đặc biệt là người lính và thân nhân của họ. Người ra đi thì coi như đã đền xong nợ nước, nhưng người còn lại phải cắn răng chịu đựng với hoàn cảnh trái ngang, cố bám víu vào niềm hy vọng cho ngày mai tươi sáng hơn. Không nói thì chị cũng biết anh Thanh và tôi tuy không cùng nguồn gốc xuất thân nhưng là bạn sống chết với nhau từ khi anh Thanh ra trường về Biên Hòa. Đặc biệt đối với tình yêu của anh chị, tôi cũng có dự phần từ những ngày đầu, và tôi rất hân hạnh được anh chị xem là người bạn thân của gia đình. Tôi còn thằng con trai duy nhất lớn hơn con cháu Nga ba tuổi, đang học chớ cũng chưa thành đạt gì. Tôi gà trống nuôi con nên chưa chắc giáo dục cháu theo đúng hoài bão của mình, nhưng thiển nghĩ ít nhất cũng không đến nỗi tệ!
Nếu chị không chê cháu mồ côi, thì tôi đề nghị mình bắt chước người xưa hứa hôn cho hai cháu. Vài năm sau khi hai đứa nó đủ tuổi và nếu thích nhau thì mình tác hợp. Nếu chị đồng ý, thỉnh thoảng tôi sẽ đưa cháu lên Tây Ninh chơi để tụi nó quen biết với nhau (nhưng đừng đề cập chuyện mình hứa, e chúng nó mất tự nhiên).
Nghĩ đến ngày hai đứa tụi nó nên duyên, tôi mừng như đó là chuyện thật! Noi gương bác Thanh của nó, hy vọng mọi chuyện suôn sẻ, thằng con tôi lại tiếp tục làm rể Tây Ninh.
Chắc chắn anh Thanh sẽ vui lòng nơi chín suối và tôi cũng sẽ trả được món nợ ân tình giữa hai gia đình thân nhau như ruột thịt. Chúc chị sống hạnh phúc và vui vẻ với gia đình. Gởi lời thăm bác Hai và cháu Nga.
Thân,..."
Khoảng một tháng sau, dắt theo thằng Hoan, anh Hân trở lại Tây Ninh. Chị Mai bảo cháu Nga:
- Con dắt anh Hoan đi chơi cho biết Tòa Thánh Tây Ninh đi.
Con Nga lẹ làng dắt thằng anh đi Long Hoa. Nó vô tư:
- Rồi ảnh sẽ muốn ở đây luôn cho má coi!
Ba người lớn nhìn theo hai đứa nhỏ, lòng tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Chị Mai nhìn anh Hân:
- Bây giờ tụi nó còn dạn hơn lứa tuổi mình hồi xưa!
Bác Hai không đồng ý:
- Tụi nó còn vô tư chớ chưa nghĩ gì đâu!
Anh Hân nhận định:
- Bây giờ thì sớm quá. Ít năm nữa mới chín muồi!
Anh Hân quay sang chị Mai nhắc chuyện cũ:
- Hồi đó anh Thanh được vậy không?
Chị Mai mắc cở:
- Được vậy cũng mừng! Ảnh nhát lắm!
- Có nhát đèn, chị mới bắt cóc được! Con trai ba mươi tuổi chưa có lửa nào mà! Chị hên lắm đó!
Anh Hân mở cái bịch lớn gói giấy dầu cột hai ba lần dây nhợ ra. Qua hai lớp bao xi-măng, tới lớp ni-lông. Sau tấm giấy ni-lông, hiện ra tấm hình Đại úy Thanh mặc áo bay đen đội ca-lô xanh trong cái khung gỗ đánh vẹc-ni:
- Trong số hình bên nội cháu ở dưới quê còn lưu giữ, tôi tuyển lựa tấm ngon lành nhất đó. Tặng cho chị và cháu Nga để thờ.
Chị Mai rưng rưng nhận lấy. Hai hàng lệ lại rơi xuống khuôn mặt người thiếu phụ chờ chồng trong tuyệt vọng. Ít nhất chị đã biết anh không về nữa. Anh Hân nhìn chị Mai do dự:
- Không biết tôi nói cái này có phải phép không? Chị còn trẻ. Nếu chị quyết định ở vậy nuôi con thì quả là tiết hạnh khả phong! Còn nếu chị bước thêm bước nữa thì nên suy nghĩ chín chắn. Nhưng nếu chị cần một lời cố vấn, thì tôi có thể nói như vầy: Đàn ông không khác nhau mấy đâu! Hơn nữa đàn ông bây giờ... Anh Hân bỏ lửng câu nói. Chị Mai nhìn anh Hân trân trối chia sẻ và cám ơn sự cảm thông. Anh Hân tiếp:
- Đàn ông bây giờ chẳng ra làm sao cả! Tôi chưa thấy một người nào lý tưởng như anh Thanh!
- Cám ơn anh! Tôi hiểu ý anh nói.
- Cái gì cũng một thời như con gái hay tuổi học trò. Tiếc là ở thế hệ mình, cái thời đó như bông hoa chưa nở trọn đã thui chột!
- Tôi còn trẻ chưa chắc ở vậy thờ chồng nuôi con suốt đời!
- Dĩ nhiên thời bây giờ chớ đâu phải năm mươi năm trước, nếu chị bước thêm bước nữa, gia đình và xã hội không ai chê trách chị! Hồi ở trong tù tôi đã bảo bà xã nếu sau ba năm mà tôi không về thì nhà tôi có quyền tự quyết định cuộc đời mà tôi sẽ không hề trách.
- Tội nghiệp chị Hân vắn số! Đầu tắt mặt tối lo cho chồng cho con mà cũng không kịp nhìn thấy anh về! Tôi chứng kiến và va chạm nhiều nên hiểu được hoàn cảnh của đa số phụ nữ mình có chồng cải tạo!
- Lúc tôi đi ở tù, vợ con ở nhà đâu còn lãnh lương nữa!
Chị Mai cười xen vào:
- Nó chưa giết là may. Còn đòi lãnh lương!
Nỗi đau đè nặng tâm hồn anh Hân:
- Nhà tôi một nách hai đứa con nít, không nhà không cửa, lại không một đồng dính túi. Nghề gì cũng làm nuôi con. Có khi ở đợ cho người ta nữa! Khi nhà tôi và con cháu Loan chết bất đắc kỳ tử, một người cùng quân chủng mà tôi không quen biết cám cảnh mang thằng lớn về nuôi. Bây giờ nó mười lăm tuổi rồi đó.
Anh Hân lập lại đề nghị lúc trước:
- Nếu gia đình chị và cháu Nga không chê, tôi gả nó cho con gái chị đó!
Bác Hai vui vẻ nói vô:
- Ờ! Được à! Ý kiến hay!
Chị Mai từ khi nhận bức thư đã bằng lòng:
- Tôi nhất trí liền! Hai gia đình thân nhau như ruột thịt mà!
Bác Hai nhìn chị Mai rồi quay sang anh Hân gợi ý:
- Còn mày! Cũng tính luôn cho rồi!
Anh Hân trả lời:
- Cám ơn bác nghĩ đến con! Nhưng con còn nhiều chuyện khác để làm.
Sau một lúc ngập ngừng, anh Hân quả quyết:
- Vả lại, con bị bất lực không còn ham hố chuyện vợ chồng nữa!
Bác Hai thắc mắc:
Tướng tá mày còn ngon quá mà!
- Trong tù, sau khi vượt ngục thất bại, con bị tụi nó đánh chết lên chết xuống. Bây giờ gãy cột sống chẳng nên cơm cháo gì! Hai bác cháu thằng Hoan làm rể Tây Ninh cũng đủ rồi, bác Hai!
Kết Thúc (END) |
|
|