Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Bỏ Trường Mà Đi Tác Giả: Chế Lan Viên    
    Sắc nắng dần nghiêm lại, rồi gió nam về dấy bụi mù quấy rối ý xanh cao. Mỗi buổi mai, hoa xoan bừng sáng với mặt trời. Nệm đỏ chăn xanh, ngày dịu ngã mình trưa, đôi tiếng ve nhịp theo im tĩnh. Đến khi không gian thiết tha nhớ đến nắng vàng thì buổi chiều qua rất nặng nề, chắc bởi vừa trôi vừa mơ mộng.
    Ôi! đất trời bỗng nhiên mang hồn một người Do Thái phiêu linh. Mùi muối biển nổi lên đậm đà trong mạch gió tuôn thao, ấy là nồng mặn của Ấn Độ dương gửi đến. Và bụi mù bay ở ngoài kia, cứ xem những vẻ dàn bày ở dưới vòm xanh, hẳn đã từng qua sa mạc Phi châu.
    Nhưng thầm kín hơn hết chỉ có tình ý của hoa xoan. Hãy lắng nghe màu tươi trôi chảy đến sắc buồn, sự già nua mỗi lúc mỗi tăng trong nửa phút giây dịch biến. Chỉ một ngày mai thì hoa xoan đã là hoa cuối chợ đầu đình. Ôi! mi đến giữa bụi đường và mất đi theo cỏ rác! Và những đàn ve nữa, một khi mùa hè đã khuất, người ta liền quét dọn với hoa khô.
    Những tràng học kia, nằm mê trong nắng, thì bởi lẽ gì cũng nhuốm nỗi buồn những người Do Thái phiêu linh? Cửa mi mở rộng, tam cấp trơn tru, ta nghe mi gọi đàn con thơ sạch của mi và bảo:
    - Các con ơi! mùa thu và mùa đông lạnh lẽo đã qua rồi. Những cánh cửa không còn cùng nhau chung kết nỗi buồn, bây giờ đất trời nắng ráo, các con có thể rời ta. Ôi! mái ngói của ta đang rên lên vì những lời kêu gọi trên cao, sao các con dửng dưng với bao nhiêu thúc dục bên ngoài?
    Mùa xuân, khi hoa cỏ giàu sang, phấn hương thịnh mãn, lời mời đưa nào đâu rõ rệt thế này. Và bây giờ nắng nghiêm gió khắc, sự biệt ly lại hiện đến trên đường lót chông gai ngăn bước của chân non.
    Những cậu học sinh, mấy năm nay điệp lẫn với thái bình của bàn của ghế, cũng đã bắt đầu thành những người Do Thái phiêu linh. Tôi thấy các cậu, vào những giờ học, ngồi thừ bên sách vở, mắt mờ đi, huyễn hoặc bởi hạt ngọc vô hình của đôi điểm không gian.
    Vâng, cũng có đôi người mơ đến một cảnh nhà trên núi đồi nào đó, nuôi sống bởi dăm ba mẫu ruộng, một sức trâu hay một sức bò. Đôi người mơ đến sự cầm tù có lương trong một mái sinh nhai nào đó, làm nô lệ tháng ngày cho cái đồng hồ ông chủ, rút bớt không gian hầu yên tĩnh với thời gian. Nhưng rất đông là mơ rời bỏ gia đình, làm thia lia vang bóng cho sự rời bỏ nhà trường. Họ sẽ lấy độ đường dài làm nóng bánh xe lăn (trai trẻ vốn đang thèm sức nóng).
    Do Thái giang hồ, họ không nghĩ rằng ngày kia rồi sẽ trở về nước cũ. Những quả tim thơ dại kia ơi, đã là con chim bồ câu trắng thì không nên ra khỏi chuồng chim. Bùn dơ sẽ làm bẩn hết lòng mi cho đến lúc lòng mi cùng với bùn dơ lẫn kiếp.
    Vậy thì làm sao, khi chiếc xe của một lưu học sinh chở đồ ra khỏi cổng trường, lại không có ác điểu của Edgar Poe đâu đấy để kêu lên lời than đen tối sau này:
    - Và thôi, không có gì nữa hết.
    Cái ý tưởng đưa ra đây nếu không buồn cười quá: trước cổng trường, theo tôi, nên xây một cái tam cấp thật cao. Ngày bãi học, chọn một ông thầy già ra đứng đấy. Và mỗi người học sinh đi qua trước mặt, lặng yên để nghe ông ta bảo:
    - Con ơi, con đang bước xuống cuộc đời.
    Cuộc đời không phải là một cái gì lên cao nữa.
    Bây giờ, khi sự biệt ly chỉ còn gang tấc, những cõi lòng đã bao lâu tê lạnh, cùng cất lên những lời kêu gọi đắm say. Đấy là những mùa hè bừng cháy với nắng thiêu, êm đềm với bóng mát. Mỗi giờ chơi, các học sinh từng đoàn, từng tốp, nhưng thường lắm chỉ hai người, dìu nhau đi trên piste của sân trường. Người cúi đầu nhìn bóng vướng theo chân, người ngẩng mặt lên cao chờ nét mây bay qua mắt. Bước đi không bao trùm tiếng nói, lời buông ra hạ thấp xuống như đêm (sự mơ hồ dễ làm hiểu những ý quá xa cách nói).
    Buổi chiều, nếu có bạn thân ở ký túc xá, người ta lưu lại độ nửa giờ, nếu cùng ở ngoài, người ta kéo đến nhà nhau, hay nếu cả hai cùng học trong trường thì những nẻo vắng, những phòng im được nghe hơi họ thở.
    Vì còn một tháng nữa sẽ xa nhau. Một tháng nữa sẽ xa nhau! Tiếng ấy bay theo gió ở ngoài sân, có ai đưa vào lớp học, một đôi người nghe ở cổng trường.
    Khi ngạo mạn như một lời thử thách. Một tháng nữa sẽ xa nhau. Có gì lo và có gì đáng nói. Rồi đây chết cả đi cũng được, cùng gặp nhau trở lại chưa hẳn đã hay gì.
    Khi mềm yếu và chỉ là những cánh tay đưa ra cầu khẩn, những bàn tay rộng mở theo nhịp của lòng.
    - Tình thương của tôi ơi! Còn một tháng nữa sẽ xa nhau, hãy mặn nồng thêm chút nữa.
    - Còn một tháng nữa sẽ xa nhau! Nếu không yêu, xin chớ nói chi sự thật. Cứ lầm nhau trong ảo tưởng hoa sương.
    Còn một tháng nữa sẽ xa nhau! Và thôi, thế là không còn gì nữa hết. Người đi bước xuống cuộc đời. Người ở lại, trên giấy tím viết thư, thay tên người bạn khác. Những cặp tình nhân bắt nhau thề thốt, bắt nhau hẹn hò. Lợi dụng thì giờ ngắn ngủi, họ đòi nhau từng chút yêu thương, để lúc vàng đã vào tay, bỗng nhỏ lệ vì thì giờ ngắn ngủi.
    Còn một tháng nữa sẽ xa nhau! Và bỗng một hôm, một buổi chiều (tại sao cũng cứ buổi chiều?), trường học sẽ nằm mơ thấy cửa mình tự mở, rồi dường như có ai bước nhẹ trên thềm. Và nằm khoèo ở bốn góc trời, các học sinh, trong lúc xa xôi trường nhớ đến người, bỗng thương tiếc cây xanh ngói đỏ.
    Và bỗng một hôm, một buổi chiều (tại sao lại đến buổi chiều?) trường học sẽ nằm mơ thấy cửa mình tự mở, rồi dường như có ai bước nhẹ trên thềm. Và nằm khoèo ở bốn góc trời, các học sinh, trong lúc xa xôi trường nhớ đến người, bỗng thương tiếc cây xanh ngói đỏ.
    Một người nhớ đến một buổi sáng mùa xuân qua từ lâu. Anh chàng đang ngồi học, bỗng nghe có tiếng lính kéo nhau đi tập ngoài đường. Vội vàng mở cửa nhìn ra. Và mắt anh ngưng lại bên hè, một đàn bướm đậu. Năm con, mười con, không dễ thường nhiều hơn thế nữa - một ngày lễ bướm chen nhau trên một chỗ đất bằng. Anh chàng lén thầy giáo, viên giấy quăng ra, nhưng hơn mười bận đều đi sai cả. Giờ chơi, ra đuổi, anh chàng sát mũi vào chỗ đất, để rồi ngạc nhiên không thấy một mùi hương ngát nào hết cả, quên đi rằng mình chẳng phải là loài có cặp cánh vàng. Anh đặt lên đấy một tờ giấy trắng, và đàn bướm không tìm ra chỗ cũ. Bây giờ nằm không, anh ví von một cách khá rẻ tiền:
    - Cái gì đã làm mất dấu trường tôi? Hay ai đã bỏ lên đó một tờ giấy trắng?
    Một người nhớ đến một buổi chiều (hình như vương lại từ mùa hạ). Bấy giờ là sau buổi học, anh bơm xe sửa soạn ra về. Bỗng dừng tay lại, từ laboratoire gần đấy vang ra giọng bổng trầm của một chiếc harmonica lẫn theo tiếng hát. Rồi động khung cửa trên cao, hai khuôn mặt đẹp, ngập ngừng giữa lá cây xanh. Lời ca và khúc hát dìu nhau đi trong mơ màng. Soir de Rafles, J ai deux amours... toàn những điệu đã xưa, giờ đây hồ dễ không một ai nhớ đến. Phút giây chiều ảo não của âm thanh đã đưa anh về những ngày tháng xa mờ: chiếc hôn yêu lúc mới vào trường - một cuộc hòa nhạc năm đệ nhất niên - một người hay đi mà hát dưới bóng thông... những kỷ niệm đứng buồn trong sương của trời dĩ vãng.
    Mỗi người giữ một hình ảnh riêng, và đó là cái trường của họ. Riêng tây như một linh hồn.
    Tất cả lòng thương, tôi đem ra thương hại lấy tôi. Vì một tháng nữa đây, tôi bỏ trường mà đi. Bỏ trường mà đi! Bỏ trường mà đi! Ô hay! không một ai kêu mà bỗng nghe như vang dội!
    Ô hay! không một ai kêu mà bỗng nghe như vang dội!
    Cảnh trường đẹp đẽ của ta ơi! Ngày mai ta sẽ bị lùa ra - dù muốn hay không - ở giữa chỗ ô uế của cuộc đời. Ngồi vào bữa tiệc đời, dễ gì vui với đôi cái vỏ dưa. Thường lắm là - như lời của nhà thi sĩ Pháp - người ta làm những hình ma để khách đồng bàn đánh rơi chén đũa.
    Người ta không thể, nụ cười ánh ở trên môi, nói dễ dàng như buổi xưa kia ngồi bên cửa sổ: "Hạnh phúc nào có khó gì. Chỉ cần nhận biết màu xanh của da trời và sắc hồng của cành đào đang hé nở."
    Kể ra thì trời cũng xanh luôn đấy chứ, và nếu chịu khó đi vào miền Nam, hoa đào hồng ở đó nở quanh năm! Nhưng hỡi ôi! Sắc màu làm sao đi đến con ngươi, mắt người ta bây giờ không còn trong sáng nữa.
    Các em rất gần gũi của ta ơi! Hãy giơ tay lên để tôi xem đến bao nhiêu thì sự cách xa làm các em lẫn với sắc trời. Những lời hò hẹn khó khăn lắm mới quấn gót chân đi, và khi về đến cổng nhà, bao nhiêu trẻ thơ của các em, tôi sợ e gia đình cướp mất.
    Riêng tôi về trong một cái thành hẻo lánh quạnh hiu. Bỗng một sáng nào, tôi thấy nhớ cảnh trường đã cùng các em rời bỏ. Một chiếc vé tàu, mấy xu xe kéo, và này đây tôi ở giữa cảnh xưa. Nhưng lạnh lùng, vắng vẻ biết bao nhiêu! Người ta chú ý đến giày mũ của tôi hơn tấm lòng tôi mang đến đó. Người bạn thân yêu nhất có lẽ chỉ khác mọi người ở chỗ cái riết tay hơi chặt mà thôi!
    Nhưng nếu sự tình cờ nào lại lùa chúng ta trở về đấy cả, sự tiếc thương vẫn không thôi cào cấu lòng người. Lạc đi trong bốn phương trời, chúng ta đã học được những tiếng nói dị kỳ, cái máy móc của cuộc đời làm sự ràng rịt chúng ta sai mạch lạc. Ai nhớ chi người! Ai thương chi cảnh! Lòng ta mơ chỉ là mơ một tuổi đã qua rồi.
    Nhưng tôi tưởng buồn bã hơn hết chỉ có cảnh sau này:
    Một ngày kia, cột cho mụ vợ, người ta sẽ đóng tôi vào ẩm mục của gia đình. Chiều nào nhắc ghế ra sân, tôi ngồi nhìn mây bay gió thổi. Trời cao tột mấy từng trời, núi xa xanh không hiểu nghĩ suy gì bỗng thâm màu lại. Và cũng chẳng hiểu vì sao, thiết tha không gian lại làm tôi nhớ đến nhà trường. Vài giọt lệ rơi châu trên mí mắt. Vợ tôi ra gọi vào ăn cơm tối, thấy nước mắt tôi, người sẽ nghĩ làm sao? Ai đến trả lời cho tôi rằng tôi nhớ cái trường lúc đó.
    Một đứa con nữa ra đời, một cái quả để còng đầu tôi xuống tuổi già của tâm hồn cũng như của thể chất. Và chẳng may trưa nào đó, một trong những người thường biết cánh tay tôi lạc vào bình yên ẩm thấp của gia đình tôi. Một bữa cơm ngon, một chiếc mùng dọn sạch, thau nước sau khi họ thức dậy, bạc vài đồng để tiễn họ đi xa.
    Và khi người phái bộ của dĩ vãng đi rồi, tôi sẽ kêu con tôi để bảo:
    - Đó là một người bạn thân, xưa kia thầy ở nhà trường.
    Bạn thân mà thôi. Chữ bạn yêu, đã lâu, lâu rồi, người già không dùng đến nữa.
     Ôi! Bỏ trường mà đi! Bỏ lòng mà đi! Hỡi những học sinh, khi ra khỏi trường, nhớ vứt trả sách vở cho những tên cu-li canh cửa. Không phải lo mai sau nhớ lại, nhưng sợ rằng góp nhặt bao nhiêu vẫn chẳng gợi nên vết tích gì. Cũng đừng hiểu lầm để thở than khi lưu luyến cổng trường: "Kỷ niệm sẽ bị chôn sâu trong trí nhớ."
    Không! không! xác chết thường hay lấy lại được hồn. Hãy nói rằng: "Kỷ niệm đã đem nhau ra khỏi cửa hồn, và cuộc đời gian xảo lấy bạc vàng để đánh lận của ta bao nhiêu hương và sắc."
    
     Ôi! Ngoài kia, nắng cao muôn trượng, gầy gầy trời xanh mở giữa cô liêu. Cây trong sân rẽ lá cho gió thổi một nguồn tươi. Tiếng chim sẻ rơi thành muôn vàn chấm nắng... Chỉ một chốc nữa thì giờ chơi, các học sinh sẽ đi qua trên những lớp sỏi mòn, và sân trường lại phủ thêm một lần kỷ niệm.
    

Kết Thúc (END)
Chế Lan Viên
» Sen Huế
» Tiếng Hát Con Tàu
» Cành Đào Nguyễn Huệ
» Hoa Đào Nở Sớm
» Trên Đường Về
» Chia
» Từ Thế Chi Ca
» Bỏ Trường Mà Đi
» Mồ Không
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ