Trong màn đêm u tối, lạnh lẽo dọc bờ biển không một bóng người, xuất hiện hình dáng của một thân hình khá lực lưỡng với chòm râu dài với dáng đi có vẻ mệt nhoài, buồn chán của kẻ nghiện rượu. Lão ngư dân với độ tuổi chừng bốn mươi đến năm nay này đã về hưu quân sự lâu rồi, giờ đến những người con của lão. Bước hết nổi, lão ngồi bệt xuống mặt cát phẳng, êm dịu. Nhìn ra biển, một màu đen sâu thẳm, lác đác vài ánh đèn của một số chiếc thuyền ra khơi vào ban đêm. Gió bây giờ thổi mạnh lắm, đã mạnh còn mang theo hơi lạnh của khoảng thời gian giáp đông. Trên tay, lão ngư dân cầm một chai rượu gần cạn. Lâu lâu, cứ thể mà lão nốc từng ngụm rượu nên cả người lão nóng ran, khác xa với không gian giá lạnh bên ngoài. Và trong lòng lão cũng vậy, nó sùng sục một ngọn lửa đang cháy bỏng trong trái tim, một nỗi nhớ, một nỗi lưu luyến về những ai đó…
Ngày xưa, lão có một người vợ rất xinh đẹp, lúc đầu, cả hai đều làm nghề ngư dân, sau chính quyền kêu gọi nên đã vào quân đội tham gia kháng chiến. Vợ lão thì làm ở đơn vị quân y, còn lão thì làm nhiệm vụ ở tiền tuyến. Sau một thời gian, gia đình lão ngư dân được nghỉ phép về nhà, và thật bất ngờ thay, người vợ sanh cho lão đến hai người con sinh đôi. Thế là gia đình lão được nghỉ ở nhà để chăm sóc, nuôi dạy chúng. Sau đó, vợ lão còn sinh cho lão thêm bốn đứa con, tổng cộng cả thảy là sáu đứa, sáu đứa đều là con trai. Thời gian cứ thế thấm thoát trôi đi, cả sáu người con trai đều đã lớn và đi nghĩa vụ quân sự. Hai vợ chồng thì đã đứng tuổi nên chẳng còn được tham gia quân đội nữa. Trong lúc chia tay với những đứa con, người vợ đã khóc đến đỏ cả hai con mắt trông thật tội nghiệp, lão thì chỉ biết buồn buồn, không nói gì. Và rồi sau đó, hai vợ chồng già lại tiếp tục làm nghề ngư dân, kiếm sống qua ngày. Cuộc sống tuy cực khổ nhưng hạnh phúc ấy cứ tiếp diễn đến một ngày có thư gửi từ chiến trường về báo rằng tất cả sáu người con của lão đều đã hi sinh. Vừa nghe được cái tin sét đánh ấy, vợ lão đã bị ngất nhưng lão đâu biết rằng cơn ngất ấy là do bị tăng huyết áp đột ngột và đã cướp đi sinh mạng của bà từ đấy. Thế là mất hết, lão chẳng còn biết trời đất là gì nữa. Hàng xóm láng giềng đều nhìn lão với một ánh mắt thông cảm, thương xót. Có nhiều người đã qua nhà lão để an ủi nhưng lão đều phủi tay đuổi về. Biết lão chẳng có họ hàng xa, nhiều gia đình ngư dân gần đấy đã gom góp được một số tiền tặng lão. Lão nhận và để đấy, chẳng ai biết lão sẽ làm gì.
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, râu lão giờ đã dài xuống vì không được cạo trong nhiều năm, tóc lão cũng dài và bạc trắng, khuôn mặt thì nhăn nhúm lại, một phần vì đau khổ, buồn bã, một phần vì tuổi tác, lão chỉ còn giữ lại cái vẻ lực lưỡng năm nào mà thôi. Bây giờ, không vợ, không con, không họ hàng, lão chỉ còn biết sống một mình kiếm sống qua ngày. Buổi sáng, lão đi lên “tảng đá lớn” – khu vực vừa cao, vừa dốc, vừa nguy hiểm nên không ai tới – vác thêm chiếc cần câu dài thật dài, một xô nước biển và một mớ mồi câu để câu cá vì lão giờ không còn đủ sức để ra khơi nữa. Lão cứ thế ngồi câu cá từ sáng đến tối. Về nhà, lão đem tất cả số cá câu được đi ướp muối để dành cho sáng hôm sau luộc hoặc nướng để làm thức ăn cho cả ngày hôm sau. Thoạt đầu nghe thì thấy cuộc sống an nhàn thiệt, chẳng phải suy nghĩ, chẳng phải lo âu gì hết, cứ thế mà tiếp tục sống. Nhưng thật ra, sống như thế lợi thì ít mà hại thì nhiều. Số cá mà lão câu được đâu phải do lão sắp đặt trước mà là do ông trời sắp đặt cho lão ấy chứ. Vì thế có hôm câu được nhiều cá thì đem số cá dư ra ngoài chợ bán mua gạo. Nếu ít thì ăn ít, thậm chí có ngày lão chẳng câu được con nào nên cả ngày hôm sau lão phải nhịn đói. Quả thật vất vả!
Ngoài cả buổi đi câu cá như thế, hàng đêm, lão còn giành hàng giờ của mình để tâm sự với biển. “Sống gần biển quả thật hạnh phúc biết bao!”, lão quan niệm như thế vì trên bãi biển vắng người, lão có thể nói, có thể hét thật lớn, có thể tâm sự với biển những suy nghĩ của mình mà không sợ ai nghe thấy cả. Gió thổi mạnh mà mềm mại như muốn xoa dịu nỗi đau của lão, lão cảm nhận được như thế. Tiếng sóng biển rì rào như một bản nhạc hòa tấu du dương bất tận đưa lão đến những giấc mơ hay những quá khứ tươi đẹp, có khi đến những thiên đàng mà lão từng mơ đến. Biển thật tốt biết bao, làm bạn với biển là cả một niềm vinh dự lớn đối với lão. Có đôi lúc biển nổi sóng to giữa đêm kèm theo gió rất mạnh và mưa lớn, lão tưởng chừng như mình hoặc ai đó đã làm gì đấy làm biển tức giận, khi ấy lão sợ lắm, chỉ biết nhốt mình trong nhà. Nhưng sau cơn mưa, sóng lặng, biển êm, và cũng vào buổi tối, lão lại ngồi đấy, trên bãi cát mịn và cùng tâm sự với biển. Nhưng lão không bao giờ đi gặp biển một mình cả, lão còn mang theo chai rượu, những chai rượu mà lão sử dụng từ ngày này qua ngày khác, hết chai này lại mua chai khác, lão sử dụng tiền quyên góp của người dân để làm việc đấy. Có rượu vào, một cảm giác tê dại, đê mê, sảng khoái, cả người lão nóng lên thật mê hồn. Rượu như một chất xúc tác để lão có một tâm trạng sảng khoái hơn để trò chuyện với biển. Đôi khi, nhờ rượu mà lão còn thấy được hình bóng của vợ và các con mình xuất hiện trên biển, đang vẫy chào và mỉm cười với lão. Khi ấy, lão thật sự hạnh phúc. Nhưng gió đã thổi và kéo lão ra trạng thái nửa thực nửa mê ấy. Cuộc đời câu cá và tình bạn giữa lão với biển vẫn còn tiếp tục còn mãi.
Nhưng cũng vì hành động khác thường ấy của lão đã thêu dệt lên hàng chục câu chuyện ma khác nhau xung quanh ngôi nhà và khu vực lão đang ở. Vì ban đêm, mỗi lần người dân trong vùng đi ngang qua khu vực lão ở, họ đều thấy nhà lão sáng nên tưởng lão đang ở bên trong nhưng lại còn thấy một bóng đen cứ mập mờ mập mờ ngay bờ biển sau nhà, từ đó mọi người cứ tưởng đó là ma, và cũng đồng nghĩa với việc lão bị nghi ngờ là bị ma ám. Mọi người đều xa lánh lão, chẳng ai muốn đến gần lão và nhất là nơi ở của lão vì cũng sợ bị ma nhà lão ám.
Lúc đầu, khi biết được mọi người nghĩ thế về mình, lão tự cười một mình mà ra nước mắt, sau đó lại xuất hiện một nỗi buồn man mác. Nhưng đã là bạn của biển một thời gian dài thì mãi mãi vẫn là bạn, không thể tách rời được. Và đêm nay cũng vậy. Sau khi ngổi bệt xuống cát, tu từng ngụm rượu vào cổ họng, lão ngâm vài câu thơ rồi cũng lại tâm tình cùng biển. Nhưng mọi ngày, sau khi tâm sự xong, lão thường về nhà ngủ, hôm nay lại khác. Bởi vì gió biển mát lạnh một cách lạ kì kèm theo bản nhạc du dương khác thường của sóng, lão không thể nào về nhà mà nằm ngủ tại bờ biển. Sáng hôm sau, người dân làng chài tụ tập đông đúc bên chỗ lão nằm và bàn tán xì xầm. “Trời ơi, vậy là tối hôm qua cái hồn ma đó đã dẫn ổng tới đây rồi đó hả, ghê quá!”, “Đã bảo rồi mà, thế nào cũng có ngày này, linh hồn mỗi lúc một rùng rợn!”, “Chắc đây là hồn của mẹ con lão dẫn lão ra đây nhảy múa rồi ngủ quên luôn ở đây chứ gì!”,… Bỗng nhiên, lão mở mắt ra. “Ối ối! Kẻ bị ma ám tỉnh giấc rồi kìa, chạy thôi!”, “Á! Chạy mau bà con”, mọi người tá hỏa chạy túa ra khắp nơi, lão ngồi dậy, chẳng biết gì hết. Tin đồn lan rộng mỗi lúc một nhanh, càng lan càng mãnh liệt vì còn được thêu dệt nên nhiều tình tiết rùng rợn khác làm người người ai nấy đều khiếp sợ. Đến tai của trưởng làng, sự việc này được thêm khắc đến nỗi giống như có khoa học chứng minh là đúng vậy. Vốn là một người không ưa chuyện ma quỷ mà lại rất thương dân, một phần vì câu chuyện này được thêu khắc, cải biên lại quá thực tế nên trưởng làng đã quyết định đuổi lão ngư dân ra khỏi làng và cho lão một miếng đất ở một nơi ở mới xa thật xa. Đến ngày ông trưởng làng cùng mọi người đến nhà lão để đuổi lão đi thì chỉ thấy một căn nhà nhỏ trống hoắc, chỉ còn những vật dụng linh tinh mà không thấy lão đâu cả. Mọi người hùa nhau chạy xuống bờ biển tìm kiếm nhưng cũng chẳng thấy đâu. Lão đã biến mất thật rồi. Đến bây giờ, trưởng làng cùng người dân mới thật sự sợ hãi và vội vã đốt căn nhà của lão ngư dân, ngôi nhà đã từng được cho rằng bị ma ám. Cũng từ ngày hôm đó, mọi người không thấy bóng ma lởn vởn ở bờ trên bờ biển vào mỗi tối nữa. Nhưng chuyện lão biến mất vẫn còn là một bí ẩn không thể giải thích và nó đã trở thành một câu chuyện ma nổi tiếng của làng chài ven biển này.
Đến năm 1975, khi đất nước được giải phóng, tôi cùng các chiến sĩ về lại quê hương, làng chài quen thuộc ngày nào và lại được nghe kể truyện về ông lão ngư dân ấy. Nghe kể xong, tôi bán tín bán nghi, không biết thật giả ra sao nhưng tôi tin rằng chuyện lão biến mất là có thật chứ còn lão bị ma ám là chuyện hoang đường, vô khoa học, có lẽ do hiểu lầm. Cho đến một ngày nọ, tôi nghe tin rằng có người phát hiện xác của lão ngư dân năm xưa trên một ngọn đồi nhỏ các làng chừng vài cây số. Tôi thầm mừng cho lão vì có lẽ oan khuất của lão đã được giải thì phát hiện bên cạnh lão có một bức di chúc viết rằng: “Gia đình tôi có hai anh em sinh đôi, tôi có một người vợ và sáu đứa con sinh sống ở đây đã lâu lắm rồi, còn đứa em của tôi cùng vợ nó đã bị chết ở chiến trường Việt Bắc đã lâu lắm rồi. Hiện giờ tôi có một gia tài lớn mà không có ai để trao lại nên xin giao hết cho trại trẻ mồ côi địa phương. Nơi cất giấu nó ở…”. Tôi đọc xong di chúc cùng ông trưởng làng, cả hai cùng đứng lặng người, nhìn nhau, mồ hôi toát ra. Và bí ẩn về lão ngư dân vẫn chưa kết thúc…
Kết Thúc (END) |
|
|