- Tôi là mẹ của cô dâu.
Bản nhạc mừng hôn lễ đang rộn ràng, nếu bà muốn có thay đổi gì thì rất có thể là chúng tôi không kịp trở tay.
- Dạ - Tôi mỉm cười - Có chuyện gì vậy ạ?
Người đàn bà đặt tay lên ngực:
- Cô làm ơn nói dàn nhạc thay người giùm.
Công việc lễ tân cho tôi khả năng đoán biết khách hàng muốn gì khi họ chưa nói ra và hiểu ngay được cái điều họ đang tìm cách diễn đạt. Nhưng lúc này, tôi không thể hiểu ra người đàn bà này nói gì.
- Dạ... Cụ thể là bà muốn thay ai ạ?
- Cái cậu thọt chân ôm cây ghi ta điện.
Tôi “dạ” và đi nhanh lên lầu, khéo léo trẹo chân một cái rồi kêu lên “úi da” chứng tỏ cho người đàn bà thấy sự nhiệt tình của tôi trước yêu cầu của bà. Sau cú trẹo chân này, và sự khiếu nại của bà là lầm lẫn, thì coi như tôi ghi được điểm A trong ca trực này.
Bà đi theo tôi, tà áo dài gấm cuốn trong tiếng đế giày lốp cốp cố bước nhanh:
- Đám cưới là chuyện cả đời người ta, ai cũng muốn tròn trịa phải không cô.
- Dạ đúng rồi. Dọn cái chén bị mẻ tí xíu cũng không được nữa là.
- Cô hiểu ý tôi rồi đó - Giọng bực bội chuyển qua hồ hởi - Chẳng phải tôi khó khăn gì đâu. Có thờ mới thiêng, có kiêng mới lành phải không cô.
- Dạ có lẽ ai đó trong khách dự tiệc muốn vừa hát vừa tự tay đàn thôi. Xin bà yên tâm.
Sự quả quyết của tôi đã trấn an được bà, bà đi chậm lại chứ không như chạy cho kịp tôi nữa. Lên tới nơi, tôi nhìn về sân khấu. Một cô gái tươi cười trong điệu nhạc vui. Vậy là người thọt chân đã hát xong và đã...
Một khuôn mặt lạ đang đứng cạnh Hưng. Trên tay chàng trai là cây ghi ta điện đúng như người đàn bà nói. Ống quần màu xanh đen bên chân phải lùng thùng nhúc nhích phụ họa theo chân trái đang nhịp theo điệu nhạc một cách hào hứng. Những ngón tay dài như múa trên phím đàn và cái cười rộng miệng khiến tôi nghĩ nếu không vì cái chân thì chàng trai này đã ôm eo cô gái mà nhảy mới thỏa lòng. Miệng cười của chàng trai toát lên niềm vui chinh phục và dâng tặng.
- Cô thấy chưa? - Giọng người đàn bà vang lên ngay sau gáy tôi.
- Dạ...
Ra hiệu cho Hưng cần gặp gấp, chớp nhoáng trong đầu tôi những phương cách để đôi bề được trọn vẹn, làm sao để kéo chàng trai này rời khỏi sân khấu mà không bị tắt ngấm nụ cười hào hứng trên môi.
Người đàn bà chìa cổ tay đeo đồng hồ ra hiệu. Tôi nhìn đồng hồ trên tay mình. Chỉ còn năm phút.
Hưng đến bên tôi:
- Chuyện gì vậy Tuyết?
- Anh chàng ôm cây ghi ta điện...
Hưng cười toét miệng ngắt lời tôi:
- Lọt vô mắt xanh của trưởng phòng lễ tân rồi hả? Vậy là...
Tôi cắn môi nói nhanh:
- Người nhà cô dâu chú rể không...
Một tràng tiếng nổ của hai chùm bong bóng khổng lồ treo ở phía cầu thang, cô dâu chú rể xuất hiện trong tiếng nhạc rộn rã tưng bừng chào đón.
Cái đồng hồ của người chủ hôn chạy nhanh hơn đồng hồ của tôi bốn phút.
* * * * *
Hưng và tôi bị gọi lên phòng giám đốc trên tầng sáu. Hưng bị nhắc nhở vì tội làm từ thiện không đúng cách còn tôi thì vì trách nhiệm liên đới. Lẽ ra chỉ dừng lại đó nhưng tại Hưng hùng hồn “Không phải từ thiện đâu thưa sếp. Tôi mời Thuận đến vì năng lực thật sự”. Sếp lạnh lẽo “Năng lực thật sự của cậu để đâu mà không nhớ tiêu chí đầu tiên của một nhân viên khách sạn là ngoại hình?”. Hưng ngang ngạnh “Thưa, chơi nhạc thì ngoại hình xếp sau tài năng”. Tôi níu áo Hưng lại nhưng không kịp, sếp nổi trận lôi đình “Nếu sự có mặt của bạn cậu mà đủ tài làm cho khách hàng kéo đến nhiều hơn thì tôi mời làm giám đốc luôn”.
Ra khỏi phòng sếp, Hưng và tôi nhìn nhau rồi nhìn xuống lòng đường chấp chới màu sắc.
Hưng hích vai tôi:
- Đừng có nhảy xuống rồi công an phân tích nguyên nhân là tại mình nghe.
Câu nói như một lời xin lỗi. Tôi cười:
- Mình chỉ tính chuyện nhảy xuống khi nào Hưng tỏ tình với mình rồi đi với cô khác thôi.
- Làm ơn lập lại đi.
- Anh chàng đó ở đâu ra vậy?
- Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Dìu Dắt.
- Làm gì ở đó?
- Thuận sống nhờ ở đó từ nhỏ. Bây giờ học được nghề nhạc rồi, người lớn rồi - Hưng thốt hai từ “người lớn” bằng giọng bông lơn - Người lớn mong muốn được làm việc. Chính đáng quá phải không? Kéo Thuận đến chơi nhạc cho đám cưới là mong có một cơ hội nào đó. Ai ngờ...
Tôi nhớ hình ảnh Thuận nồng nhiệt trên sân khấu.
- Hưng dạy Thuận chơi đàn à?
- Ban đầu là mình dạy chơi chơi để Thuận sinh hoạt với mấy em ở Dìu Dắt cho vui. Sau nhận ra Thuận có năng khiếu nên mình khuyên Thuận đi học. Vừa tốt nghiệp hè năm ngoái.
- Từ hè năm ngoái tới nay Thuận làm ở đâu?
- Mình nhường lại Thuận dạy vài mối con nhà khá giả. Nhưng dạy vậy thu nhập không ổn định vì môn năng khiếu này ít có em theo được lâu dài. Mình có lương cố định của cơ quan nên kiếm thêm kiểu đó được chứ Thuận thì bấp bênh lắm. Lại thêm từ nhà này đến nhà kia phải có phương tiện đi lại mà Thuận thì không. Định xin sếp cho phép căn phòng tập thể của mình làm chỗ dạy nhạc đứng tên mình mà người dạy là Thuận. Nhưng vậy là hết hy vọng rồi.
- Tại Hưng làm sếp cáu.
- Ừ, tại mình. Mình không biết cách thuyết phục người khác dù mình đúng.
- Lại là mình đúng! - Tôi lắc đầu.
Hưng cười:
- Ngu nữa rồi. Thôi, chỉ giáo giùm đi.
- Sếp không phải là cánh cửa duy nhất.
- Tuyết cùng gõ những cánh cửa khác với bọn mình nghe!
* * * * *
Tôi gõ được bốn cánh cửa của những doanh nhân hay đặt tịêc ở công ty. Vậy là Thuận có thêm bốn cô cậu học trò nhí. Tuyệt nhất là có một chủ nhà đồng ý cho Thuận sử dụng phòng học của con mình làm chỗ dạy các bé, Thuận không phải đi lại nhiều. Lớp học nhạc mở ra được hai tuần thì nhà hàng xóm nghe tiếng đàn cũng xin cho con mình qua học cho vui.
Hưng trêu chọc là với cái đà này thì biết đâu đất nước lại chẳng có thêm một nhạc sĩ của thiếu nhi vốn là mảng mà ai cũng nói quá thiếu. Biết vì sao quá thiếu không? Vì khó. Chứ sao. Đâu phải ai cũng giữ được niềm tin yêu trong trẻo để đồng điệu được với các bé. Hả, doanh nhân thì tiếc gì tiền mà không mời nhạc sĩ thành danh, chẳng qua họ cần tìm đúng người cần cho đứa con yêu quý, ai là người đáng tin cậy để họ yên tâm giao phó tâm hồn trong veo của bé, ai là người xứng đáng viết lên đó những nốt đầu tiên...
* * * * *
Những giấc mơ đẹp quá thường tan nhanh.
Khó khăn bắt đầu lập lại. Mùa thi, các em đồng loạt xin nghỉ để lo ôn tập văn hóa.
Một việc làm ổn định cho người mong muốn được tự nuôi thân chứ không ăn bám lòng từ thiện! Vắng khách, Hưng và tôi chuyện phiếm, viết dòng chữ này ra giấy và vo viên bỏ vào mũ cùng với những viên trống không khác. Nào, bốc thăm may mắn cho Thuận đi. Không ai dám mở viên giấy của mình ra cả. Hình ảnh Thuận tự tin nhoẻn cười trên sân khấu hôm nào như một điều hư ảo.
- Hay hai đứa mình cưới nhau rồi rủ Thuận về mở quán cà phê nhạc sống... - Hưng kề mặt tới sát mặt tôi.
Tôi trừng mắt giơ tay lên. Hưng lùi lại, cười, bỏ chạy hút vào thang máy.
* * * * *
Bà Hồng nhờ tôi gọi giùm taxi đưa tới Trường Đại học Tây Nguyên.
Trong lúc đợi taxi đến, bà đứng ở quầy của tôi nhìn bâng quơ. Tôi hỏi cho có chuyện:
- Cô có con học ở đó?
- Không. Cô đi tìm vài sinh viên y khoa năm cuối để mời về cơ quan của cô làm việc.
Chuyện lạ. Tôi kinh ngạc. Bà giải thích:
- Cơ quan cô vừa xa xôi vừa phức tạp. Người ta không thích về đó.
- Xa xôi là ở đâu ạ?
- Bình Phước.
Tôi nhớ đã từng được khách trọ đến từ nơi này tặng cho hộp hạt điều.
- Cơ quan của cô có cần nhạc công không?
- Rất cần cho những hoạt động văn hóa văn nghệ. Cháu có người bạn nào chơi đàn hay và nhiệt tình giới thiệu cho cô một hai người đi.
Tôi nín thở:
- Bị thọt chân được không cô?
- Càng tốt.
Tôi gọi Hưng xuống gấp để chứng kiến phút giây thần thoại này. Và tôi cũng sợ mình nghe nhầm nữa. Phải có ai đó bình tĩnh hơn tôi mới được.
Thang máy nhấp nháy nút đỏ. Hưng vừa đi ra vừa nhìn tôi dò hỏi.
Bà Hồng sôi nổi:
- Cô là Giám đốc trại Giáo dục lao động Phú Nghĩa, trại viên toàn là những chàng trai cô gái còn trẻ măng. Một người tật nguyền mà hăng hái làm việc sẽ là tấm gương sống động thuyết phục nhất.
Taxi dừng lại trước cổng, bà lấy ra tấm danh thiếp đặt lên quầy:
- Cháu nói bạn liên lạc với cô nhé.
Chiếc taxi lướt đi, tôi đẩy tấm danh thiếp về phía Hưng:
- Lần này là phải khao thật lớn.
- Hai đứa mình góp chung tiền khao nghe? - Hưng quàng qua vai tôi.
Lại lợi dụng tình thế rồi. Tôi giơ cao tay lên. Hưng đưa mặt ra. Tay tôi lơ lửng dừng giữa khoảng không. Rồi chẳng hiểu sao tôi nhắm mắt lại.
* * * * *
Hưng chở tôi đến chỗ trọ của Thuận. Mở cửa phòng là một người khác. Bà chủ nhà lắc đầu:
- Cậu Thuận còn nợ tôi hai tháng tiền. Thấy tật nguyền tôi cũng thương nhưng sao mà thương hoài được.
Hưng phóng xe hú họa đến Dìu Dắt. Qua khung cửa sổ, tôi nhìn thấy Thuận đang ôm đàn ngồi trên cái giường ở góc phòng. Ba dãy song song, mỗi dãy hai mươi cái, ngắn và hẹp, giường dành cho các em. Tôi hình dung Thuận nằm cong người trong đêm tối.
Quanh Thuận là những em bé mù đang lắng nghe Thuận hát về một dòng sông dửng dưng cuốn trôi tất cả mọi thứ mà dòng chảy lạnh lùng của nó đi qua. Tiếng hát buồn thê thiết. Tiếng hát trái ngược với tất cả những gì bấy lâu tôi nhìn thấy nơi Thuận. Tiếng hát khiến tôi nhận ra Thuận đã cố gắng thế nào để có thể nhoẻn cười. Tiếng hát buồn đến nỗi tôi sợ hãi ôm chặt lấy Hưng, sợ một nỗi... Lỡ mình không có gì để tin...
Tôi muốn gõ cửa nhưng Hưng giữ tay tôi lại:
- Hãy để Thuận trút hết nỗi buồn rồi bắt đầu chương mới.
Kết Thúc (END) |
|
|