Từ khoảng những năm cuối của thập kỷ tám mươi thuộc thế kỷ trước, lác đác, đây đó, thấy người ta lại nói đến chữ Nhẫn. Cho đến đầu thế kỷ này, chữ đó đột nhiên được dùng rộ lên. Trong các gia đình, nó nằm ở bài giáo huấn của cha với các con; trong giao lưu xã hội, trên quan hệ bằng hữu, tri âm, nó là chữ đầu lưỡi. Điều đó đã diễn ra trên nhiều cung bậc, trong những trạng thái từ nghiêm trang cho đến bình dân khề khà, trà dư tửu hậu. Chữ này, nhiều khi, đã trở thành một thứ thời ngôn, một thứ bệ móng tỳ vịn để không ít người lý biện, chứng tỏ với bằng hữu, với xã hội rằng ta là kẻ đã trải đời, đầy mình kinh nghiệm và luôn biết mình phải làm gì. Những người lịch lãm, thấu hiểu chẳng bao giờ làm như thế.
Lại thấy, bây giờ, không hiểu sao, người ta lại quan tâm đến thư pháp, người ta quay trở lại cái thú - vẫn được coi là tao nhã - là treo tranh chữ trong nhà, đặc biệt trong những phòng khách. Về việc này, giới kinh doanh nhậy bén đã kịp thời nhận ra cơ hội của mình và, lập tức, tràn ngập trong các cửa hiệu có liên quan đến vật dụng trang trí nội thất là các bức tranh chữ lồng kính rực rỡ, đủ kiểu, đủ cỡ: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh... Tâm và Nhẫn. Người ta mua về trưng chúng lên tường, ngắm chúng, chơi chúng, ngẫm về chúng và thầm cầu mong cho gia đình mình sẽ được dồi dào phúc-lộc-thọ-khang-ninh. Điều này hoàn toàn bình thường và tự nhiên. Bởi năm chữ đó là tổng kết của đại chúng về tiêu chuẩn hạnh phúc cho con người.
Lẽ thường, thiếu cái gì thì ao ước cái đó. Đi lễ chùa, phần đông, đều cầu xin phúc-lộc-thọ-khang-ninh; thảng hoặc mới có người xin đức nhẫn. Hỏi mấy người viết sớ ở cổng các đền chùa, họ bảo: Hầu như chưa gặp ai xin chữ tâm cho chính mình. Có thể, ai cũng yên trí rằng mình là người tốt, luôn sống bằng cái tâm; rằng họ nói nhiều đến cái tâm chẳng qua là thấy buồn cho thiên hạ ngày nay sống quá vô tình và thủ phạm của cái sự này đích thị là lề lối kinh tế thị trường vậy.
Thế thì Nhẫn là gì? Tại sao nói đến nó thì nhiều mà xin lại ít? Phải chăng, cái đó, vốn đã sẵn có và dư thừa trong con người ta?
Về nghĩa của chữ Nhẫn, Từ điển Tiếng Việt, ấn hành năm 2004, của Viện Ngôn ngữ học chua rằng: Nhịn, dằn lòng xuống. Và ví dụ minh hoạ kèm theo là: Nếu không nhẫn thì sinh chuyện to. A ! Vậy, nhẫn là một thái độ cần có để tránh những điều rủi ro nào đó từ thực tiễn khách quan; rằng có một sức ép bất ưng, trái lẽ thường và bất khả kháng đang đè nén xuống đương sự. Và có thể thấy: Nhẫn là một trạng thái hoàn toàn thiếu hồn nhiên, phải vận dụng lý trí để chấp nhận hoàn cảnh, nhằm bảo toàn và duy trì một tâm thế nào đó.
- o O o -
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, ở giai đoạn cuối của các triều đại, chữ nhẫn luôn được các nhà nước khuyến khích. Lúc ấy, nhẫn tức là biết mà không làm, thấy đạo lý suy vi mà ngoảnh mặt làm ngơ. Điều này, như một liều thuốc bổ, kéo dài tuổi thọ cho một triều đại suy tàn, làm hài lòng hệ thống cai trị miệng luôn nói lời “dân vi quý” mà chính sách đưa ra chỉ nhằm nhiễu nhương, vơ vét tài lực của quốc dân vốn đã suy kiệt vì phiền hà và áp chế.
Biết mà không làm, thấy đạo lý suy vi mà ngoảnh mặt làm ngơ là làm sao? Thời ấy, các sỹ phu - một bộ phận ưu tú của xã hội - cho rằng họ đang sống trong thời “kẻ tiểu nhân đang thịnh dần, đấng quân tử lui mà tránh nó” [1], đó là thời của quẻ Độn. Kẻ thức thời nên thuận theo mà hành xử vậy. Thế thì, trong lịch sử, Cao Bá Quát, Trương Công Định, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thái Học, Trần Phú … là những người thuộc loại nào đây? Có một điều hiển nhiên là: Bất cứ pho sách quý nào thành tựu được cũng đều dựa trên nền tảng của những con chữ bình thường và giản dị.
- o O o -
Những người cách mạng thì ngược lại, họ chưa bao giờ chấp nhận chữ Nhẫn. Họ đã rất có lý khi cho rằng Nhẫn là một tâm thế hoàn toàn tiêu cực, thủ tiêu đấu tranh; rằng vận động là cái gốc để thế giới tồn tại và phát triển; ổn định chỉ là trạng thái tạm thời; vận động là thuộc tính của tự nhiên; không ngừng đấu tranh là cách để đạt được sự liên tục tiến bộ. Chính vì nhận thức sâu sắc đạo lý ấy, tháng 4 năm 1921, trong tạp chí La Revue Communiste No 14, Nguyễn Ái Quốc đã thấy rõ và viết: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông dương đang giấu một cái gì sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ thúc đẩy cho thời cơ ấy mau đến”.
“Không có cái gì có thể ở mãi” [2], sau thời “Độn” sẽ đến thời Đại Tráng.
Chú thích
[1] Kinh Dịch - Quẻ Độn - Bản dịch của Ngô Tất Tố.
[2] Kinh dịch và hệ nhị phân – Hoàng Tuấn.
Kết Thúc (END) |
|
|