Ông rất quý con sáo. Nó đã xuất hiện ở nhà ông gần ba năm rồi. Một đối tác làm ăn đã tặng ông nhân dịp ông khánh thành nhà mới. Những ngày đầu con sáo lạ nhà, lạ chủ không chịu ăn uống gì cả, anh bạn đối tác phải đến ở nhà ông hàng tuần để hướng dẫn ông cách cho sáo ăn và làm quen với nó...
Cơn tai biến bất ngờ làm ông đổ quị không tài nào gượng dậy được. Đã hơn nửa tháng nay ông rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mơ. Cũng có những lúc ông cảm thấy tỉnh táo. Ông muốn nói với vợ con những ý nghĩ chợt đến trong đầu nhưng cổ họng ứ cứng, ông phát hoảng thật sự khi phát hiện ra mình không còn nói được nữa...
- Nhà có khách! Nhà có khách!...
Con sáo chợt kêu lên lảnh lót. Ông đang mơ màng bỗng giật thột, hai tay quờ quạng nhưng mắt vẫn nhắm nghiền, từ hai khóe mắt, hai giọt nước màu nâu đặc quánh chầm chậm lăn xuống gối.
Ông nghe rõ tiếng nói chuyện của vợ ông với ai đó. Người ta đến thăm ông. Ông biết vậy vì nghe được tiếng "Hỏi thăm sức khỏe bác trai". Rồi tiếng vợ ông "Cám ơn các cô chú...". Khi nghe tiếng con sáo "Chào khách! Chào khách!...", ông biết là họ đã ra về...
Ông rất quý con sáo. Nó đã xuất hiện ở nhà ông gần ba năm rồi. Một đối tác làm ăn đã tặng ông nhân dịp ông khánh thành nhà mới. Những ngày đầu con sáo lạ nhà, lạ chủ không chịu ăn uống gì cả, anh bạn đối tác phải đến ở nhà ông hàng tuần để hướng dẫn ông cách cho sáo ăn và làm quen với nó. Sẵn đà, anh ta còn bày cho ông cách dạy cho sáo nói theo người nữa.
Được cái con sáo rất khôn. Dường như nó biết rằng nó phải thích nghi với "hoàn cảnh mới" của mình thôi, không còn cách nào khác.
Ông say sưa dạy cho con sáo nói tiếng người. Từ những từ đơn giản như "chào bố; chào mẹ; chào anh; ăn cơm..." rồi đến những câu phức tạp hơn như: "Chào khách; nhà có khách; a thích quá; a vui quá".
Con sáo học rất nhanh và ông cảm thấy vui lắm. Mỗi khi ông đi làm về nghe tiếng hót của nó là bao nhiêu mệt nhọc, bực bõ tan biến hết. Những lúc cao hứng ông còn huýt sáo những bản nhạc vui nhộn. Con sáo cũng bắt chước theo ông nhưng nó chỉ hót được vài câu ngắn. Ông gật gù: "Mày giỏi lắm! Bố sẽ thưởng nhé!...".
Ở cơ quan, ông giữ vai trò lãnh đạo. Tuy đơn vị không có nhiều người nhưng để giữ cho các mối quan hệ đều hài hòa êm thấm cũng không phải dễ.
Với kinh nghiệm của mình, ông luôn tỏ ra là người biết lắng nghe, nhất là đối với những người có thâm niên công tác, những người có cá tính, làm được việc nhưng ngang tàng... Mỗi khi có "khúc mắc", họ nổi quạu thế nào, ông cũng chỉ cười làm hòa, khó mà giận ông được.
Tuy nhiên, trong số mấy chục cán bộ dưới quyền, ông cũng chọn được vài người tâm phúc, trong đó có Thường. Dù Thường kém ông gần chục tuổi nhưng hai người rất hợp nhau. Họ không giấu nhau điều gì. Dù công to việc nhỏ, lúc nào họ cũng có nhau. Họ thương quý nhau chẳng khác anh em ruột thịt. Thường đặc biệt quý trọng ông, coi ông như người anh lớn của mình, mọi việc Thường đều hỏi ý kiến ông.
Có lần Thường tâm sự với ông về một người bạn đã xúc phạm Thường vì một hành động bột phát nhưng không cố ý. Thường bực lắm, nói phải "trả đũa" mới được. Ông đã chân tình khuyên Thường không nên làm vậy. "Chú hãy đối xử với bạn bằng sự chân tình của mình, như vậy bạn sẽ nể phục chú và chú sẽ thoải mái vì giữ được tình bạn...". Để nhấn mạnh cho Thường hiểu tâm huyết của mình, ông dặn từng tiếng:
- Theo anh, bạn bè nên chân tình với nhau. Đối với anh, hai chữ tình người là cao hơn tất cả, giải quyết được tất cả mọi ân oán trên đời, chỉ có hai chữ tình người thôi, chú hiểu không?...
"Tình người! Tình người!" - Con sáo bỗng hót theo ông, như reo vui. Thường cũng xúc động buột miệng:
- Đúng, chỉ có hai chữ tình người!
"Tình người!" - Con sáo lại hót theo.
Ông thấy vui quá, liền nói với con sáo "Giỏi lắm! Rồi bố sẽ dạy mày nói hai chữ tình người nhá...".
Thế là từ hôm đó, hễ cứ nhìn thấy Thường là con sáo lại hót hai chữ “"Tình người! Tình người!". Nghe thấy nó hót vậy, ông biết là Thường đến và cảm thấy ấm áp trong lòng.
Có một đối tác mới muốn hợp tác. Sau khi thăm dò kỹ thấy được, ông ủy quyền cho Thường đến gặp đối tác thảo luận và ký hợp đồng luôn. Ông bảo cứ yên tâm, có gì anh vẫn là người chịu trách nhiệm, chú khỏi lo.
Thế rồi xảy ra chuyện, bên đối tác lợi dụng sơ hở trong bản hợp đồng đã lật lọng kiện lại Thường, yêu cầu đưa ra pháp luật. Thường loay hoay tháo gỡ không được nên đến cầu cứu ông. Hai anh em nói chuyện với nhau, không ngờ vợ ông ở nhà trong nghe thấy hết.
Thường vừa ra khỏi cổng, vợ ông vội rít lên:
- Mặc chú ấy! Ông đừng có mà dính vào. Chú ấy ký thì chú ấy phải chịu chứ!
- Nhưng mà tôi ủy quyền cho nó, tôi cũng phải có trách nhiệm chứ?
- Vứt quách cái trách nhiệm của ông đi! Ông mà dính vào làm xấu mặt vợ con thì đừng có trách. Ông thử nghĩ xem vợ con hơn hay là bạn bè hơn? Sĩ diện cho lắm vào, chẳng ai người ta khen đâu, chỉ khổ vợ con thôi!...
Đêm đó ông không ngủ được. Hễ cứ nhắm mắt lại là bên tai ông lại vang lên những lời rỉa rói của vợ.
Vợ con... Bè bạn...
Thôi thì đành buông xuôi vậy... Thường ơi! Chú hãy hiểu cho anh!...
Thường bị kỷ luật và buộc thôi việc vì vụ đó. Ông bối rối khi đặt bút ký vào tờ quyết định kỷ luật Thường.
Thường rất buồn nhưng anh không oán trách ông. Anh lặng lẽ rời khỏi cơ quan.
Từ bữa đó, hai người không gặp nhau. Cũng có vài lần ông gọi điện hỏi thăm: "Chú dạo này thế nào? Có khỏe không?", và nhận được tiếng trả lời nhát gừng: "Cám ơn anh, em bình thường...".
Một sự cố lại đến với ông.
Lần này ông không thể trốn tránh trách nhiệm được nữa. Mấy kẻ cơ hội được dịp tố cáo ông đủ các thứ tội. Họ quy kết cho ông tội tham lam, hèn nhát, không dám nhận trách nhiệm về mình... trong nhiều vụ, có cả vụ của Thường nữa. Suy cho cùng, họ nói cũng có phần đúng. Ông cay đắng nhận ra sự đơn độc của mình. Ông lại nghĩ đến Thường nhưng không dám gọi cho anh. Về nhà ông câm lặng chịu đựng một mình. Ông biết có nói ra với bà thì cũng chỉ nhận được những lời trì triết cay độc mà thôi...
Hôm đó ở cơ quan về, ông kêu mệt lên giường nằm, không ăn tối...
Ông lên cơn sốt, cảm giác cái đầu muốn vỡ tung ra... Rồi ông lịm đi...
Khi vợ ông phát hiện ra lay gọi thì ông không còn biết gì nữa. Bà hốt hoảng gọi ông, gọi mãi mà ông không trả lời. Miệng ông méo xệch và giật giật liên hồi...
Bác sĩ kết luận ông bị tai biến nặng. Khả năng phục hồi là rất khó.
Để ông nằm ở bệnh viện được hơn một tuần, bệnh tình của ông vẫn không có gì tiến triển mà tình trạng có vẻ càng xấu đi; bà quyết định đưa ông về nhà. "Dù có bề gì thì ông cũng được sống thêm với vợ con những ngày cuối cùng..." - Bà nghĩ vậy.
Bà xin nghỉ phép để chăm sóc ông. Từng ngày, từng giờ cứ chậm chạp trôi đi. Bà lặng lẽ ngồi bên giường lắng nghe từng hơi thở của ông. Con sáo ngoài hiên cũng buồn thiu không hót ríu ran như khi ông còn khỏe. Họa hoằn lắm nó mới kêu "nhà có khách, có khách" khi có vài người quen tới thăm ông. Chỉ là vài người quen cũ thôi, còn mấy người thuộc "cánh hẩu" của ông ở cơ quan, từ hôm ông đổ bệnh, tuyệt nhiên không lai vãng. Bà chợt hiểu ra tất cả. Phải chăng đó là kết cục của ông? Và đó chính là nguyên nhân khiến ông qụy ngã?
Sáng nay bà thấy ông lạ lắm, có vẻ khỏe hơn mọi ngày, hai tay cứ múa may, miệng mấp máy như muốn nói điều gì mà không nói được. Ngoài hiên con sáo lại kêu: "Buồn quá! buồn quá!". Bà vội la nó: "Biết rồi, im đi!". Con sáo bị la nên tiu nghỉu chúc cái mỏ xuống đứng im trong lồng, bà biết nó thương ông chủ lắm...
Bà lại nhìn ông. Vẻ thắc thỏm của ông khiến bà càng thêm đau lòng. "Ước gì ông nói được những điều ông nghĩ lúc này để tôi hiểu ông đang muốn gì...". Bà thầm nghĩ và mệt mỏi nhắm mắt lại.
Hai chữ “Tình người! Tình người!" - Con sáo kêu lên mừng rỡ.
Bà choàng tỉnh.
Thường xuất hiện trước cửa. Vẻ mặt buồn buồn nói với con sáo:
- Mày nhớ dai quá nhỉ?
Còn ông, con sáo đã đánh thức ông. Tiếng nó rành rẽ một cách kỳ lạ, khiến ông muốn buột miệng nói theo nó hai chữ “tình người!". Nhưng không thể được nữa rồi. Trong đầu ông vang lên một tiếng nói: "Sáo ơi! Tao đã dạy đời, dạy mày nói hai chữ tình người. Nhưng giờ đây tao muốn học lại hai chữ đó mà sao khó quá, sáo ơi!...".
Kết Thúc (END) |
|
|