Miền thượng du Bắc Việt.
Đầu năm 1977.
Trời sắp tết.
Cái lạnh như cắt da, buốt giá đến tận xương tủy. Tôi nằm co quắp trên ổ rơm lót trên sàn đất được đắp thành mô dọc theo hai bên vách trong căn lều vừa được dựng lên làm lán trại cho trại giam Trần Phú, một trong hàng trăm trại giam tù cải tạo rải rác khắp miền thượng du Bắc Việt. Những trại tù này do quân đội Bắc Việt thiết lập vào khoảng giữa năm 1976 nhằm giam giữ những thành phần đa số là sĩ quan thuộc Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà của Miền Nam Việt Nam sau khi Sài Gòn thất thủ. Ngày 30 tháng 4 -1975, Đại Tướng Dương văn Minh, vị Tổng Thống vào giờ phút chót của Miền Nam đã ra lệnh cho toàn thể Quân Đội Miền Nam phải buông súng đầu hàng. Thế là Miền Nam bị bức tử trong đau đớn nghẹn ngào đầy uất hận. Một số những tướng lãnh và sĩ quan cuả Miền Nam đã không tuân lệnh cuả Tổng Thống Dương Văn Minh, họ đã tự kết liễu đời mình hoặc vẫn tiếp tục cầm súng chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Tôi rất xấu hổ và đau buồn vì đã không đủ dũng khí để làm được như họ. Và chính vì vậy , giờ này tôi có mặt ở đây để nhận lãnh những đớn đau ê chề tủi nhục cùng với kiếp sống đọa đầy của điạ ngục trần gian ngay tại trên mảnh đất thân thương, nơi mà tất cả mọi người dân đều hãnh diện với nguồn gốc Lạc Hồng của mình nằm trong hai chữ: Đồng bào.
Mặc dù ổ rơm giữ hơi ấm, nhưng tôi vẫn thấy lạnh, cái lạnh bò dọc theo sương sống từ gáy xuống tận xương cụt nơi hậu môn. Cái lạnh hình như nó biết bò và biết rỉa mồi như loài cá. Nó buốt giá và tê rần khắp tứ chi. Tôi chợt nhớ đến Kim Dung, người viết cuốn truyện Thiên Sơn Đồng Mụ, và đến lúc này tôi thấy mình giống như đang bị cấy Sinh Tử Phù: một làn băng cực lạnh đang chui rúc và len lỏi trong xương sống tôi. Tôi cố nhích lại gần anh bạn nằm bên cạnh và bất chợt hình như người bạn bên cạnh cũng cùng một cảm nghĩ và hành động giống như tôi. Hai đưá đâu lưng vào nhau nhưng co quắp theo hai chiều đối nghịch.
Sau vài phút, thật là hiệu quả. Hình như Sinh Tử Phù đã ngừng phát tác. Tôi thấy lưng ấm dần và cảm thấy như vừa hồi sinh. Nhưng khi vưà hồi sinh thì bản năng sinh tồn trong con người chợt vùng dậy. Cái đói cồn cào nó ào đến bất chợt và dồn dập như triều dâng sóng cuộn làm quặn đau từng khúc ruột mặc dù hai đầu gối đã ép sát vào bụng để chống cơn đói.
Hồi chiều, chúng tôi mỗi người được phát cho một bát cơm và một bát canh rau lang. Bát canh xuông nước muối bên trong lác đác vài ba cọng rau lang. Còn bát cơm thì gọi là cơm theo cách gọi cuả người dân Việt Nam chứ thực ra chỉ có khoảng một trăm lẻ một hạt gạo luộc trộn với cũng một trăm lẻ một hạt bo bo tức là cơm độn năm mươi phần trăm. Nghe cơm độn năm mươi phần trăm thấy có vẻ tạm được nhưng có điều hạt bo bo nó to gấp năm lần hạt gạo. Anh em chúng tôi có người đã nâng niu cái bát cơm đó cất đi trong buổi ăn chiều để dành đến tối trìu mến đặt nó lên trên bụng rồi đưa tay bốc từng hạt bỏ vào miệng và đếm: Một cơm, một bo, hai cơm, hai bo, ba..... Đến con số chót là một trăm lẻ một hạt. Tôi biết anh đếm những con số bo bo rất chính xác, còn những con số hạt cơm thì hình như bạn tôi đã ăn gian bởi lẽ hạt bo bo lúc nấu nó còn nguyên dạng chứ hạt gạo nó đã bị bể ra làm hai làm ba!
Cứ thế, cứ thế và cứ thế; cuộc sống của chúng tôi đều đặn: sáng lên rừng chặt gỗ, nứa, giang…, chiều tối về ăn cơm độn bo bo năm mươi phần trăm!
Vậy mà hồi chiều trên bộ chỉ huy trại tù cho chúng tôi biết là ngày mai trong số ba trăm người tù cải tạo chúng tôi phải cử ra hai mươi bốn người để đi mua bò cho trại vì chỉ còn vài ngày nữa là đến tết âm lịch.
Thế là chúng tôi tha hồ tưởng tượng tới những miếng thịt sẽ được ăn trong ba ngày tết.
Đoàn người chúng tôi được lệnh dừng chân trên bãi đất trống, cạnh quán nước ngã ba đường. Ai nấy đều thở ra khoan khoái như vừa trút được gánh nặng trên vai. Chặng đường kế tiếp còn khoảng chừng mười ba cây số nữa. Phải đi thật sâu vào các bản làng trong núi mới mua được bò rẻ. Hai người cán bộ coi tù nói với anh trưởng toán cho anh em tập trung vào một chỗ vì sợ có người thừa cơ hội bỏ trốn.
Chiều hôm trước chúng tôi đã được báo cho biết để chuẩn bị cử người đi mua bò. Anh em chúng tôi bàn bạc và đề nghị những người tương đối khoẻ để đảm nhận công việc này vì chặng đường khá xa khoảng chừng bốn mươi cây số vừa đi vừa về. Thực ra thì anh em chúng tôi ai cũng muốn đi vì muốn thăm dân cho biết sự tình nhưng nhiều người sợ không kham nổi đoạn đường quá xa và phải vượt qua ngọn đồi Ma thiên lãnh.
Khi mọi người vừa tập trung đầy đủ trên bãi đất trống, anh cán bộ phụ trách đếm đi đếm lại số người; khi thấy đủ số anh ta nói lớn:
- Các anh nghỉ khoảng mười “năm” phút rồi tiếp tục “nên” đường. Anh “lào” có tiền thì tôi cho phép được mua kẹo và “lước” uống.
Nói xong anh ta xà vào quán làm một bát nước chè tươi.
Gọi là quán cho có vẻ sang, chứ thực ra chỉ là một túp lều mỗi chiều khoảng ba mét, bà chủ quán ngồi phe phẩy chiếc quạt đuổi ruồi đang đậu trên mấy chiếc bát sành úp trên mặt chõng tre dùng làm bàn bày hàng. Trên chõng có một chiếc tủ kính nhỏ vuông vức khoảng ba gang tay, bên trong đựng vài bao thuốc lá, mấy gói thuốc lào, một lọ thủy tinh đựng lạc rang, một đĩa sành đã sứt mẻ đựng vài cái kẹo vừng. Bên cạnh tủ kính là một bình rượu trắng khoảng hai lít đã cạn hơn phân nửa. Cạnh đó là hai cái cút rượu bằng thủy tinh cáu bẩn dùng để đo lường.
Trong quán lưa thưa vài người: một nam một nữ trạc tuổi trung niên, một ông già gầy ốm và hai anh cán bộ đi “bảo vệ” chúng tôi. Hai người khách trung niên thỉnh thoảng cứ đảo mắt nhìn chúng tôi rồi thì thầm với nhau những gì chẳng rõ. Có lẽ họ ngạc nhiên và thắc mắc khi lần đầu tiên được thấy tận mắt gương mặt và phong thái của những người Miền Nam mà chính quyền Miền Bắc gán cho cái tên “Bọn Ngụy Quân Ngụy Quyền”. Một vài anh em trong chúng tôi có lẽ cũng ý thức được điều đó nên đã đáp lại những cái liếc nhìn của họ bằng những nụ cười đầy tự tại.
- Thôi, các anh nghỉ đã đủ rồi, chúng ta “nên đường”.
Anh cán bộ ra lệnh và chúng tôi rời khỏi quán để tiếp tục cuộc hành trình vào sâu trong vùng đất mà xưa kia ông cha chúng ta gọi là chốn rừng thiêng nước độc.
Dọc theo hai bên đường, một bên là sườn núi cheo leo, vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Nhìn tiếp qua khe núi, thấp thoáng trong sương mù là khu rừng nứa. Vào khoảng tháng bảy, trên miền mạn ngược họa hoằn lắm nứa mới trổ hoa, nhưng một khi nứa đã trổ hoa, nó báo hiệu ngày tàn của cả một khu rừng nứa và phải mất nhiều năm sau khu rừng mới hồi sinh trở lại. Bình thường, nứa không trổ hoa mà chỉ rụng bớt lá, nhưng khi nứa đã trổ hoa thì chỉ chưa đầy hai tháng cả một khu rừng bạt ngàn sẽ khô héo, mang một mầu vàng nâu của hủy diệt. Bây giờ đã cuối tháng mười hai ta, rừng nứa trông xác sơ tiêu điều đầy hoang vắng và chết chóc.
Vừa vượt qua khu rừng nứa, bỗng nhiên trời tối sầm hẳn lại. Trước mặt chúng tôi là vách núi dựng đứng bao phủ bởi những thân cây cổ thụ cao vời vợi, chằng chịt những sợi dây leo và cây tầm gửi. Dưới chân triền núi là một con suối nhỏ uốn mình lượn quanh những thửa ruộng chỉ lớn hơn sân đá banh một chút. Thấp thoáng đâu đó vài căn nhà sàn của người Tày. Chúng tôi biết là sắp đi vào vùng đất của huyền thoại đầy sơn lam chướng khí. Vậy mà chúng tôi không hề mang tâm trạng sợ hãi. Điều này hình như cũng dễ hiểu: “Cột vào mà đánh, khen thay chịu đòn”. Cả một đất nước thân thương đẹp đẽ như vậy mà chúng tôi không giữ nổi để đến nỗi nước mất nhà tan vậy thì thân xác này, thân phận này còn gì để mà sợ sơn lam chướng khí nữa.
Đó chỉ là ý nghĩ chợt thoáng qua chứ thực tế thì chúng tôi đang đều bước trên con đường yêu thương nhưng đầy xa lạ. Trước mắt chúng tôi còn cả một đoạn đường dài đằng đẵng.
Mặc dù đường xa mỏi mệt nhưng anh em chúng tôi vẫn bước chân đều. Nếu có ai đó để ý quan sát sẽ thấy một điều nghịch lý. Đáng lẽ những bước chân của người tù phải mang vẻ “đọa đầy” vậy mà sao những bước chân của chúng tôi đôi lúc lại có dáng vẻ “bon chen”. Đố ai hiểu được. Thế mà chúng tôi lại chẳng hề để ý đến điều đó bởi vì chúng tôi đã tự động chia làm hai nhóm, nhóm đầu có Phạm Hải được vây quanh bởi mười hai, mười ba người, nhóm sau có Nguyễn Viết Kinh dẫn theo khoảng mười người: Kinh và Phạm Hải đang kể truyện Kim Dung! Anh em trong mỗi nhóm đôi lúc phải chen nhau để được đi gần bên người kể truyện. Thỉnh thoảng trong lúc hứng chí, Phạm Hải nhập vai Quách Tĩnh dơ tay đánh ra một đòn Giáng Long Thập Bát Chưởng hoặc Kinh đưa hai tay về phía trước để biểu diễn thế Hàm Mô Công của Âu Dương Phong. Mọi người theo dõi một cách say mê và hai anh cán bộ cũng cũng chẳng thèm để ý đến điều đó. Thế là đoạn đường xa xăm diệu vợi đã ngắn dần giống như chúng tôi đang đi đôi hia bảy dậm.
Khi mặt trời đứng bóng, chúng tôi bắt đầu đi vào con đường ngoằn ngoèo uốn lượn sát chân vách núi. Phạm Hải, người kể truyện Kim Dung lên tiếng:
- Kể từ giờ, chúng ta bắt đầu tiến vào con đường “sạn đạo” vì vậy Hoàng Dung và Quách Tĩnh xin hẹn các bạn vào ngày mai.
Anh hẹn ngày mai là đúng, vì con đường hẹp dần và lên dốc. Đoàn người phải đi hàng một. Dẫn đầu là một người Tày có gương mặt khá sáng sủa, anh ta nói tiếng Kinh khá sõi. Anh bước đi những bước rất nhẹ nhàng thanh thoát không hề thấy mệt, vậy mà chúng tôi cảm thấy như muốn hụt hơi.
Cứ như vậy, đoàn người tiến sâu vào khu rừng. Bỗng đâu tiếng chim “Bắt cô trói cột” vang dội làm chúng tôi giật mình và ngẩn người ra. Không hiểu tại sao âm thanh phát ra của loài chim này lại rõ ràng và sắc nét đến thế. Đúng là âm “bắt cô trói cột” hệt như tiếng người phát ra.
Đi chừng bốn mươi phút nữa, chúng tôi đến một bãi đất trống bằng phẳng nằm bên cạnh thác nước đổ xuống một con suối lượn quanh triền núi. Ngay giữa bãi đất là một căn nhà sàn ba gian và một chuồng lợn nằm phía sau. Gọi là lợn chứ thực ra loại lợn của người Tày chỉ bằng con chó nhỏ của người Kinh mà trong Nam chúng ta gọi là heo mọi.
Chúng tôi được lệnh nghỉ và sẽ ngủ đêm ở đây. Hai anh cán bộ bàn chuyện mua bò với người chủ. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi nhìn quanh khu nhà sàn rồi đảo mắt hướng về phía khu rừng trước mặt nhưng chẳng thấy bóng dáng một con bò nào cả, mà chuồng bò cũng chẳng thấy đâu. Thế mà bọn họ bảo chúng tôi là đi mua bò! Mà bò ở đâu? Chúng tôi thắc mắc nhưng cũng chẳng muốn tìm hiểu thêm. Nghỉ mệt cái đã. Hai anh cán bộ tiếp tục uống trà, hút thuốc lào và bàn bạc với chủ nhà về chuyện tiền nong.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau, lúc mặt trời sắp lặn, một anh cán bộ tiến lại chỗ chúng tôi ngồi và nói:
- Các anh chọn sáu người khoẻ mạnh đi theo tôi, còn các anh khác ở nhà chờ khi nào có lệnh gọi sẽ ra rừng khiêng thịt về.
Tôi và năm người bạn nữa đứng dậy đi theo anh cán bộ và ông chủ nhà người Tày.
Ra khỏi nhà, chúng tôi băng qua cây cầu nhỏ làm bằng thân cây khá lớn đường kính khoảng một người ôm, bắc ngang qua con suối. Sang đến bên kia chúng tôi mới thấy có một con đường mòn bị những lùm cây che phủ mà đứng bên kia suối không hề thấy.
Tám người chúng tôi vưà đi vưà khom mình né tránh những cành cây chĩa ngang cản đường. Đi tiếp khoảng mười phút nữa thì tới một bãi đất trống. Tôi nhìn quanh khu đất rộng khoảng hơn hai trăm mét vuông. Khu đất không hề có lấy một cọng cỏ. Bao quanh khu đất là những thân cây to lớn cành lá xum xuê. Mảnh đất màu vàng nâu xám xịt bị cày xới nát bấy nhưng không sâu. Tôi thắc mắc không hiểu chuyện gì đã xảy ra ở đây. Chúng tôi đưa ánh mắt nhìn ông chủ nhà người Tày. Ông ta ngoái đầu nhìn chúng tôi và mỉm cười rồi đưa tay trái gỡ cái mõ đeo bên hông, tay phải rút chiếc dùi gỗ dắt bên cạp quần và gõ vào cái mõ một tràng dài rồi hô to về phía cánh rừng trước mặt:
- Muối! Muối! Muối! Muối!
Tiếng mõ và tiếng hô vừa dứt, khoảng mười giây đồng hồ sau, cả một khu rừng phía trước mặt bỗng nổi lên tiếng ầm ầm rung chuyển giống như cơn động đất. Từ trong rừng phóng ra cả một đàn bò khoảng chừng bốn chục con lớn nhỏ đủ mầu sắc: vàng, nâu, đen, đốm. Chúng nhào tới bãi đất trống và bất thần ngừng lại trước mặt người Tày khoảng hơn một thước. Người Tày với tay ra sau lưng lấy chiếc túi vải, ông ta thò tay vào trong túi nắm một vốc muối vung ra phía trước mặt. Thế là đàn bò nhào tới chen lấn nhau cúi đầu liếm muối. Chúng chen lấn dẫm đạp hỗn loạn, mũi thở phì phì. Nhìn cảnh tranh giành muối của đàn bò tôi thấy lòng mình chùng hẳn lại và thấu hiểu được thế nào là ma túy!
Người Tày ở đây nói riêng, và người Thượng nói chung, họ đã nghĩ ra cách nuôi bò mà không tốn kém gì đáng kể. Họ chỉ cần có một cặp bò giống, thoạt đầu là gia súc, sau đó cứ thả rông vào rừng rồi chiều chiều đem muối ra gọi họp đàn. Chỉ cần một cặp bò lúc đầu, sau đó chúng tự sinh sôi nẩy nở trở thành đàn bò rừng, nhưng đàn bò đó cứ mỗi chiều lại trở về bãi tập trung để được “ban thuốc”.
Giữa cảnh ồn ào náo nhiệt của đàn bò, anh cán bộ và người Tày chụm đầu nói gì với nhau rồi người Tày chỉ tay về phía một con bò lớn trong đám bò đang cúi đầu liếm muối. Anh cán bộ bước tới dí sát mũi súng AK vào đầu con bò đó. Con bò vẫn tiếp tục say mê liếm muối chẳng thèm để ý đến mũi súng kê sát trên đầu. Mặc kệ! Nó vẫn tiếp tục say mê liếm muối. Anh cán bộ bóp cò. Tiếng súng nổ vang dội khắp khu rừng. Con bò ngã qụy. Vậy mà đàn bò vẫn không hề nao núng. Chúng chỉ giật mình khựng lại ngóc đầu lên ngơ ngác chưa đầy ba giây đồng hồ để rồi sau đó lại tiếp tục hăng say chen lấn nhau cúi đầu liếm muối. Anh cán bộ nhắm thêm một con bò nữa rồi dí súng, bóp cò. Chú bò thứ hai ngã qụy xuống nằm nghiêng, chân dãy tê tê, máu từ đầu chảy ra lênh láng trên mặt đất, hai mắt trợn trừng, môi run bần bật nhưng cái lưỡi vẫn cố gắng thè ra để liếm nốt chỗ muối còn sót lại trên mép.
Đám bò còn lại chẳng thèm để ý gì đến chuyện đã và đang xảy ra, chúng chỉ biết có một điều duy nhất: liếm muối!
Anh cán bộ khoác súng lên vai và quay lại nói với người bạn đang đứng bên cạnh tôi:
- Anh Pẩu, anh bắt sống con bê kia để đem về cho thủ trưởng.
Anh Pẩu tức Hấu Cắm Pẩu, cấp bậc Trung Tá, gốc người Nùng. Mặc dù cho đến lúc này, thân xác anh hầu như chỉ còn da bọc xương nhưng dù sao cũng còn sót lại nét rắn chắc của một con người đã từng một thời sinh ra và lớn lên nơi núi rừng miền thượng du Bắc Việt. Đối với một người quen sống với núi rừng từ nhỏ thì công việc bắt bò, nhất là một con bê đâu có gì khó khăn. Nhưng tôi đã lầm. Lầm không phải lầm về anh Pẩu mà lầm về con bê.
Bây giờ sống trên đất Mỹ, xem Rodeo nhiều lần, thấy những chàng trai Cao Bồi quăng giây lasso bắt bò con rồi nhảy xuống ngựa cột chặt chân chúng lại, mọi người thấy dễ dàng quá tưởng như mình cũng có thể làm được. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Với sức lực của Hấu Cắm Pẩu, tôi và hai người bạn nữa mới có thể tròng được chiếc thòng lọng vào đầu con bê mặc dù lúc đó nó đang say sưa cúi đầu liếm muối. Cái khó khăn của chúng tôi là đầu con bê cứ cúi sát xuống mặt đất để liếm muối, và ngoài ra còn bị những con bò khác húc tới nên phải tránh né. Phải mất năm phút sau chiếc thòng lọng mới tròng được vào cổ con bê, vậy mà nó cũng chẳng thèm để ý đến chuyện đó. Chuyện của nó là chuyện liếm muối! Nhưng khi chúng tôi giật mạnh chiếc thòng lọng và kéo nó ra khỏi đàn bò thì sức vùng vẫy của nó thật là khủng khiếp.
Hấu Cắm Pẩu hét lớn:
- Đè chặt nó xuống!
Bốn người chúng tôi cố gắng đè được con bê nằm bẹp xuống nhưng chân nó vẫn đá lung tung. Hấu Cắm Pẩu ngước đầu lên nói với người Tày cho mượn con dao găm. Tay phải anh cầm con dao găm, tay trái anh bóp vào phía trong hai bên lỗ mũi của con bê, sau đó nhấn mạnh mũi dao xuyên qua vách ngăn lỗ mũi. Anh luồn sợi giây thừng xuyên qua và cột chặt lại.
- Xong!
Hấu Cắm Pẩu vừa dứt tiếng nói, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Tuy vậy tôi và hai anh bạn vẫn nắm chặt sợi giây thừng. Chú bê chợt vùng dậy định chạy nhưng bị sợi giây thừng cột mũi ghì lại nên không thoát được. Cho đến lúc đó tôi mới chợt ý thức và hiểu thấu được câu nói của người xưa: “Thằng Hai bị con Tám sỏ mũi dẫn đi.” (Thế là hết đường cựa quậy).
Khoảng năm phút sau, muối đã hết, đàn bò quay trở vào rừng bỏ lại sau lưng xác hai con bò đực và một chú bê còn sống. Chú bê bị tách ra khỏi đàn nên lồng lộn tìm cách chạy theo đàn bò khiến bốn người chúng tôi hết sức vất vả mới ghìm lại được. Ông chủ nhà người Tày lúc đó mới cố vấn chúng tôi là cột sợi giây vào thân cây chờ một lúc cho đàn bò đi khỏi rồi mới dẫn con bê đi. Trong khi đó ông ta và anh cán bộ xả thịt hai con bò vừa bắn chết rồi cho khiêng thịt về nhà ông ta.
Tối hôm đó chúng tôi ngủ tại nhà người Tày và được ăn hai bộ lòng bò, còn thịt thì xoa qua một lớp muối để khiêng về trại.
Sáng hôm sau chúng tôi được ăn nốt chỗ lòng bò còn lại của tối hôm qua. Đến tám giờ sáng cả đoàn người lên đường về trại.
Toán chúng tôi có hai mươi bốn người thì hai người lo việc nồi niêu bếp nước, bốn người dẫn con bê, còn lại mười tám người kia chia làm chín cặp để khiêng thịt.
Rời khỏi nhà người Tày, mọi chuyện tương đối xuông xẻ nhưng khi qua khỏi con đường “sạn đạo” đến khu đất trồng sắn thì con bê bắt đầu dở chứng. Thoạt tiên nó khựng lại không chịu đi. Chúng tôi đã phải sử dụng đến bốn người để dắt một con bê, nghe có vẻ không hợp lý, nhưng thực tế thì khác. Có lẽ điểm đặc biệt ở đây là con bê chúng tôi dắt đi là con “bê đàn” và nó cũng là con bê rừng chứ không phải con bê gia súc. Sức hai người dẫn đi phía trước không thể ghìm nổi con bê khi nó ra sức phóng về phía trước vì lúc đó sợi giây thừng phía trước đã bị chùng. Phải cần hai người phía sau nữa mới có thể ghìm nó lại. Vậy mà bây giờ nó dở chứng không chịu đi. Thúc thế nào nó cũng không đi. Nó ì ra. Tôi mặc kệ. Tôi và Hấu Cắm Pẩu theo triền dốc kéo nó tuột xuống. Nó khụyu hai cẳng sau ngồi bệt xuống đất, hai cẳng trước duỗi thẳng băng chùi về phía trước trên mặt đất. Mặc kệ nó cưỡng lại, hai chúng tôi cứ tiếp tục kéo. Thế là sau một lúc nó khụyu luôn hai cẳng trước rồi nằm nghiêng thẳng cẳng, hai mắt trợn trừng. Tôi giật giật sợi giây để nó đứng dậy nhưng nó vẫn nằm ì. Một lúc sau tức quá, tôi và Hấu Cắm Pẩu lấy hết sức kéo nó tuột dốc qua được khoảng hai mươi thước, thế là mình mảy nó bị đá cưá chảy máu.Tôi thấy tội nghiệp nên bảo Hấu Cắm Pẩu giữ căng sợi giây còn tôi đến bên nó xem nó ra sao. Khi đến gần còn cách hơn một thước tôi dừng lại nhìn. Hai mắt nó đã trợn trắng đứng tròng, hơi thở dồn dập. Tôi thấy mình dã man quá! Lòng tôi chùng lại. Tôi bèn bước đến gần bên. Đúng lúc tôi vừa cúi đầu nhìn xuống nó, con bê bất thần vùng dậy một cách mãnh liệt và húc đầu vào người tôi. Thật may mắn, lúc nó vưà vùng dậy, chân tôi đạp phải hòn đá sỏi làm cho thân mình đảo về bên trái, đúng lúc thoát được cú húc kinh hồn. Cũng may, ba người bạn của tôi đã kịp thời kéo căng sợi giây thừng ghìm con bê lại.
Sau này mỗi khi nhớ lại câu chuyện bị “bò lừa” làm tôi cảm thấy thú vị vì đã được sống những giây phút hồi hộp khó quên trong đời. Trong những giây phút đó đã khắc sâu hình ảnh Hấu Cắm Pẩu, người bạn thân thương đồng thời cũng là người thầy dậy tôi chữ Hán.
Giờ đây nước mất nhà tan, gia đình phân tán, bạn bè một số đã ra người thiên cổ, chỉ còn lại đây chút dư hương với tấm lòng trân trọng để tưởng nhớ tới người bạn và cũng là người thầy cuả tôi của tôi: Hấu Cắm Pẩu.
Kết Thúc (END) |
|
|