Đời xưa có một chàng phú thương đi khắp thiên hạ. Nước Tàu cổ giàu lắm; chàng đi buôn gấm vóc ngọc vàng. Dưới nước thì chở thuyền to; trên đất thì dùng ngựa quí. Người ta gọi chàng là Chú Lái, và văn nhân đời sau, ghi câu chuyện hào hoa mặc khác, riêng gọi chàng là Chú Lái Khờ.
Khờ, bởi vì không biết giữ của.
Chàng phú thương giàu không biết bao nhiêu mà kể. Ngọc vàng sai khiến ở mười ngón tay. Một bước chân đi có thể bỏ rơi từng mớ châu báu. Không cần mánh khóe; có cái số thiên kim như số Chú Lái thì cần gì quỷ quyệt như mọi lái buôn! Trời đã chọn bàn tay kia mà gửi kho vàng, và chọn cái trán kia gửi niềm tao nhã.
Của cải bốn phương chạy về chú Lái, nên Chú Lái cũng vung tay hào phóng, cho sự giàu có được tản ra bốn phương. Chú Lái không tiếc với đời; lượng rộng hải hà, Chú lái vờ làm dại dột....
Với tính phong lưu như vậy, một đêm kia khách ghé chơi ở Hồng Lâu. Bụi đường đã trắng áo quàng. Bước chân hồ mòn sỏi đá. Nỗi buồn của sông núi đã vào trong lòng khách: dạo xem thế giới, Chú Lái Khờ sầu chuyện cổ kim. Khách muốn say sưa, để chìm trong lãng quên.
Chú lái vào trước, những hòm vàng ngọc vào sau. Âm nhạc đã nỗi lên, phòng vui chơi hương thơm xực nức. Bọn con hát múa nhịp Nghệ Thường. Cánh tay nở hoa, hình người hóa bướm. Sáo ngọc thổn thức, những cặp môi anh đào chúm lại và run. Những ngón tay hồng đớn đau, vì nắn mạnh trên dây cầm sắt. Dần dần không gian nức nở; không ai khóc cả, mà nước mắt nghẹn ngào trong thanh âm. Chàng phú thương tựa gối lim dim , mê man trong sầu thảm; chàng khoan khoái thấy lòng mình loãng ra từng phút, sắp tan... Sắc đẹp hiện hình: những đào nương trắng như hoa lài nghiêng đầu thỏ thẻ. Không phải cuộc vui, đây là cuộc mê.
Nhạc này buồn như khúc sông cong, nơi khách gặp sương chiều bạc xóa; tiếng sáo này hắt hiu như gió trên đường cái; tiếng nhị hồ này âm u như đám mây đèo. Sao ở trong thanh âm, người khách thương lại gặp cái vô cùng của cảnh vật; tưởng như ai manh tới bên chàng cả hơi thở của nước tràng giang, cả nét mặt buồn của đồng nội vắng, cả dáng cô đơn của đỉnh núi gần trời. Giang sơn đang trải trong hồn chàng, và hồn chàng có mù sương như một buổi hoàng hôn thu. Khách có phải là lái buôn đâu; khách là một tấm lòng thơ, trời đem dạo giữa phong trần, cho đầy thêm cái đáy sầu não...
Chú Lái nghe đàn mà càng thêm khờ; có ai chữa được cái hận vô lý mà bọn đa tình truyền cho nhau mang tự cổ kim! Rượu đã dâng lên môi, Chú Lái Khờ vơ lấy uống; môi mềm chết điếng trong nước bồ đào. Triều đàn dâng đến cổ, khách mặc cho hồn dạt trôi bập bềnh trong sóng nhẹ của nhạc, rượu, trầm, hương. Mỹ sắc nở nhiều trong khu vườn lạc: mấy mươi hoa diện lửng lơ. Giai nhân mềm dẻo như những cánh hoa, thay đổi trong tay du khách. Ngón tay các em vuốt hộ tấm lòng anh, em đàn đi trên phím người của ta cho điệu cảm giác vô cùng mơn trớn! Khách không nhớ gì nữa; mấy hòm châu ngọc mang cẩn thận để bên góc phòng, khách đều mặc kệ, không đoái trông nom. Rượu ấm và thơm, Chú lái Khờ uống hoài không nghĩ; nhạc chầm chậm lại, nếu bỏ bớt đi, hương ngây ngất thêm, người lơi lã nữa...Chú Lái Khờ đã say; Chú lái Khờ đã ngủ....
Nhưng mê ly của đàn địch không được ngừng lại; không khí vẫn ấp êm quanh khách như một lớp nệm tiên. Chú Lái đã mê kia kìa; anh chàng này đi đường hàng tháng, hàng năm, ngủ thật say như một chú lái. Áo thêu trệ biếng ở trên ngực, hở cả túi trong ; sợi xích bạch kim lộ ra ngoài xiêm, ngơ ngác một chùm khóa vàng. Bọn người hoa đang xúm quanh khách, thấy mà động tâm. Bộ khóa này sẽ mở cánh cửa hào quang của phú quý.
Giai nhân lăn sát vào du khách, thử xem chú Lái thực say chưa. Và chú Lái đang say khờ cả người, nằm rất im để tiện chìm vào tịch mịch. Bọn hồng phấn đã sờ tay vào khóa vàng , mỗi người đã cầm một chìa khóa. Nhẹ nhàng rón rén; nhưng tha hồ lấy, khi các kho đã mở ra. Đây là the, mỏng như ánh sáng, đây là gấm, đẹp như vườn hoa, đây là trầm; đây là xạ. Đây là mã não, hổ phách. Đây là ngọc, ngọc bích, bạch ngọc, ngọc huyền , ngọc trai. Và đây là vàng, là vàng! và đây là bạch kim, và đây là vàng nữa. Biết bao là giàu, là đẹp! Ngà trau chuốt ngọc giắt thêu, mời giai nhân chọn thứ quý nhất mà lấy..... Và giai nhân thấy được dễ dàng quá, khúc khích cười. Chú Lái thực là một anh khờ, không biết phòng ngừa, không chịu cẩn thận; ngọc trai đã mất, bao giờ về Hợp Phố nữa đâu!
Chú Lái còn say, chú Lái tự say, chứ rượu làm say sao được chú Lái! Chú vẩn tỉnh, nhưng chú muốn khờ. Ô, lòng khách vui cười biết mấy , khi hé mắt vừa cho vài sợi ánh xanh lọt vào, và xem các em bé thơ ngây diễn trò hổn độn! Khách sung sướng như có ai đánh, nhắm mắt rồi lại ghé xem, tiếc thầm: " Giá họ lấy được hết! "
Người đẹp đã thu kỹ lưỡng, khóa vàng lại buộc vào bên xiêm. Những đóa hoa hồng lại vuốt ve trang hoàng tử. Chú Lái bỗng bừng mắt và gọi rượu. Chén thơm rốc cạn, môi đầy tê mê; rốc cạn chén thơm, hồn như oán thán; say, điên, vui, dại, hòa lẫn trong lòng ngây ngất của người khờ. Chàng cười như một bậc vua, đưa tay lên ngực, lần vào lớp áo sát da người, nơi chỗ trái tim, và rút ra một bao gấm nhỏ, đây là kim cương! Chàng ra hiệu bỏ thêm rượu , thêm đàn, thêm hương. Rồi lấy cho mỗi người một ngôi sao đọng. Của trân bảo ấp iu trên ngực, Chú Lái Khờ, trong một cơn yêu dấu, đã thả cho lũ người.
Sớm mai, chú Lái Khờ đi, như không biết chuyện gì cả, mỉm cười hân hoan như một vị Phật. Hòm rương tuy nhẹ, nhưng tài trí không vơi, thì Chú Lái còn buồn nổi chi?
Người thi Sĩ cũng khờ như Chú Lái Không hề dấu kho vàng ngọc với đời. Để mất trời xanh, nên người phải tìm uống trong mắt biếc. Người đời cười là ngu dại: kẻ mất của có khôn bao giờ!
Thi sĩ ghé vào nhân gian, trọ một vài đêm, tìm đôi an ủi. Lòng để ở ngoài ngực, tay thờ ơ hay là tay ham hố, tay nào đến cũng lấy được ít nhiều ngọc châu. Và họ lấy chưa vừa ư, thì người thi sĩ tự tay lấy vào cái lõi sống còn của mình, để mà phân phát.
Kết Thúc (END) |
|
|