I.
Phó tiến sĩ Phan Văn Dật, chủ nhiệm khoa văn trường Đại Học Sư Phạm ở thành phố Hồ Chí Minh không nghĩ rằng cái bằng cấp của mình lấy từ Đông Đức lại có giá đến thế. Ông được chọn vào tổ giữ xe đạp cho sinh viên trường đại học mà ông là giáo sư chủ nhiệm. Ông được chọn rất chóng vánh: trong vòng một tuần. Vì là Phó tiến sĩ lại còn đảm trách chủ nhiệm khoa. Ông là một trong 80 cán bộ giáo dục của nhà trường gồm có chủ nhiệm, phó chủ nhiệm khoa, tổ trưởng, hội đồng nhà trường được xét chọn và đã được giao cho công tác giữ xe đạp với một tương lai sáng lạn đi kèm mỗi xuất được 30 ngàn đồng một tháng. Chứ không sáng lạn à? Trong khi lương chính thức của chủ nhiệm khoa chỉ có 70 ngàn chẵn, lương của giám đốc chỉ hơn lương Phó tiến sĩ có 2 ngàn.
Bữa nay ông Phó tiến sĩ chủ nhiệm khoa Văn gặp ông Phó tiến sĩ khoa Lý Hóa ở đầu hẻm Minh Khê. Ông Phó tiến sĩ khoa Văn già hơn nên gọi ông Phó tiến sĩ khoa Lý Hóa bằng "chú":
- Kìa gánh thuốc lá và ổi chua, cóc xanh đi đâu thế chú?
- Còn đi đâu nữa! Sao hôm nay không đạp xích lô, ông anh?
- Đổi Mới Tư Duy! Cặp chân còm hết nước nhờn rồi. Còn đằng ấy dời địa điểm à?
- Tôi bị bà tổ trưởng tổ Đại Số tràn lấn một chỗ.
- Ồ, tại sao có cái sự vô tổ chức đó?
- Xã hội mình hiện giờ là xã hội vô tổ chức mà. Thằng nhà báo Anh, tên quái gì quên mất vừa đến thăm, tôi có đi phiên dịch, tôi hỏi cảm tưởng nó về Việt Nam xã nghĩa của mình như thế nào? Nó đáp một tiếng thôi, một tiếng nhưng còn hơn cả trái bom tấn trong thời chống Mỹ.
- Tiếng gì mà dữ vậy? Ông quen miệng giảng văn, quen thói của nhà văn nên ông cường độ quá mức, rủi lọt ra ngoại quốc, tụi bồi bếp ngụy nó bảo là mình chống chế độ, nói quá lố, khó tin.
- Ừ! Khó tin cũng kệ mả bố chúng nó, chúng nó ở ngoài đó bơ sữa no phè, uống uých ki say túy lúy rồi làm thơ lưu đày kể lể nọ kia, chúng nó có biết tình cảnh của tụi trí thức chết dở của mình ở trong nước đâu mà khó tin hay không tin. Chừng nào chúng nó về đây mình dí mõm chúng nó vào vũng lầy của cái xã nghĩa mình thì chúng nó mới hết khó tin!
- Nhưng mà tiếng gì như bom tấn kia chứ??
- Nó bảo là No rules.
- Tôi dốt, nô he hay nô run là nghĩa gì?
- Nô he là vô mao còn nô run là vô luật lệ, no good là không tốt.
Xảy đâu ông đại tá Lốp gánh đồ lề chữa xe đạp đi ngang. Ông đại tá người Bắc, đi Cam-bu-chia làm nghĩa vụ quốc tế chưa xong, đã để lại một cánh tay ở đất nước của chủ tịch Hun Sen đẹp trai phải biết, về quê không về, lại tấp vào đây sống với sổ thương tật. Phường không vô hộ khẩu. Nhưng ông đại tá không ngán. Xã hội xã nghĩa vốn là no run mà! Cho nên đã không về lại còn ngoéo cả gia đình vô lập nghiệp ở đây. Vì còn có một tay vá xe đạp khó, có lẽ vì vậy - mà càng rằng thì là - nhà nước chiếu cố cho ông đẹ té vô một chân giảng dạy quân sự Mac-xít ở đại học. Chả là nhân cái việc "xao xuyến xã hội" ở Đông Âu, nhà nước thấy cần tăng cường ngành mật vụ của mình nên đại học, trung học đều quân sự hóa. Loại lính này sẽ lấy từ các đại học. Sắc phục của họ là màu xanh biển Hòa Bình chứ không vàng da bò như cớm lô can hoặc màu cứt ngựa như cháu bác Mao Thiên An đại tiền môn. Mặc dù chộp được chân giảng sư đại học chắc như bắp, ngài đẹ té vẫn không chịu buông cái nghề vá xe đạp béo bở này. Sau giờ làm việc đại tá ra đây ngồi hát quốc tế ca: Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian hoặc Đoàn quân đi của thời đầu chống Pháp: Phá tan biên cương, loài người sống thân yêu. Và vá mỗi lỗ nhỏ 100 đồng cụ, lỗ to 200, nối ruột 300-500, lộn xích 600. Sơ sơ một buổi chiều, nếu tổ Mác đãi cũng được ngàn rưỡi hai ngàn. Gộp lại cả tháng hơn lương chính.
Phó tiến sĩ Phan Văn Dật trêu ông giảng sư quân sự:
- Ông có giải thích cho sinh viên nghe cây chà gạc của dân Cao Miên khác với cây xà mâu của Trương Phi ở chỗ nào không ông giảng sư?
- Có chứ!
- Ở chỗ nào?
- Ở chỗ là chà gạc đâm thằng Duồn chạy tét ghèn, còn xà mâu của Trương Phi thì...
- Này ông gì ơi! Lại vá giùm em cái lỗ... có tiếng kêu eo éo ở cạnh quán phở đầuhẻm.
- Ai thế? Ông đại tá vội để cái gánh giang san xuống đất quay qua quay lại tìm.
Ông Phó tiến sĩ Lý Hóa bảo:
- Bà tổ trưởng Triết Mác! Đồng nghiệp của ông đấy mà!
- Xe em xẹp.
Ông Phó tiến sĩ Văn nói:
- Bà ta "chạy sô" trong quán phở kia kìa, nhưng bà ta xấu hổ giấu mặt dữ lắm.
- Chạy sô mà còn giấu mặt làm sao?
- Giấu được ai thì giấu. Chừng nào lòi ra mới thôi.
- Phải riêng mình bả chạy hay sao mà xấu hổ. 1,500 cán bộ giáo dục của nhà trường đều làm nghề phụ. Không chạy sô thì rửa chén, rửa hủ yaourt, bán thuốc lá lẻ, chạy mối bỏ hàng. Đâu có ông bà nào sống được bằng đồng lương chính của mình.
Bà tổ trưởng Triết Mác rề xe đạp dựng vào góc tường van vĩ:
- Ông vá dùm tôi, mai tôi đưa tiền. Mau lên, nếu tôi tới trễ sẽ có người khác lấp vào chỗ trống của tôi ngay.
Ông Phó tiến sĩ Văn Dật cười ý nhị:
- Chỗ trống đó người ta thèm rỏ dãi, hễ hở là người ta lấp ngay. Đó là luật cung cầu, hay luật nhảy dọt.
- Em suýt mất chỗ làm em muốn khóc đây, còn trêu.
Ông đại tá tháo bánh xe ra và kêu lên:
- Lỗ to quá. Tét một đường dài.
- Em đâu có làm gì mà nó tét dữ vậy?
- Bị đá nhọn đâm toạc còn không làm gì! 400 chịu không?
- Thôi bớt bớt đi. Em chạy bàn một buổi chiều chưa chắc được "boa" một ngàn.
Xe vá xong bà tổ trưởng Triết Mác nhảy lên, đạp vun vút, một mừng: mai mới trả tiền vá, hai mừng: chưa đến đỗi trễ mất việc làm.
Ông Phó tiến sĩ Lý Hóa ngó theo và nói:
- Con này giảng Triết học Mác-Lê mà lại đếch biết áp dụng luật nước bốc thành hơi.
- Áp dụng thế nào? Ông Phó tiến sĩ Văn Dật hỏi.
- Cái con Thanh Xuân ở Đường Sơn Quán kiếm một ngày một đêm cả chục triệu. Nó có mướt gì hơn con nhỏ Triết Mác này đâu. Đeo làm giống máu gì cái thứ thầy không muốn giảng, trò không muốn nghe đó (1), đi lên Đường Sơn Quán chạy sô có phải khỏe hơn không?
- Nhà giáo vốn là mô phạm mà chú!
- Mô phạm bây giờ bán ký lô ở chợ trời ế nhệ! - Nhà Toán Lý đi luôn một hơi - Bởi vì Bộ Chính Trị quá ư mô phạm nên có kẻ quơ đến 25 ngàn lạng vàng, bởi vì Bộ Chính Trị quá ư mô phạm cho nên Tổng Bí Thư có đến 7 bà vợ bé. Còn chúng ta cũng vì muốn giữ mô phạm cho nên mới đi chữa xe đạp và bán thuốc lá lẻ!
- Thôi đi chú em! Phó tiến sĩ Văn Dật xua tay. - Chú em đừng có đoạt nghề của tôi. Hãy trở lại công thức đồng chì pha thép chảy ra nước, công thức H20, Cu gì gì đó. Tất cả đều...
- Đều vô dụng. Không có công thức nào bằng công thức tiền và gái cả. Do cái công thức đó mà càng cua Bách Hoa giá 25 ngàn một cái, bào ngư xào 230 ngàn một đĩa, gái trinh một chỉ vàng một "ca".
- Thôi bỏ đi ông Tiến sĩ Lý Hóa! Đừng có động tới cái đống phân đó thối lắm.
- Thối nhưng có lắm thằng 25-30 tuổi đảng chui vào. Một tên gọi là Phan Thanh, giám đốc thuộc Sở Công An thành phố ăn dầm nằm dề ở đó, đến chừng Đường Sơn Quán bị phe ông Kẹt khui và tóm trọn ổ, phe ông Thẹo đỡ đòn cho về nhà. Đáng lẽ me xừ Thanh lãnh án tù chung thân.
- Em út tí ti mà gì dữ vậy ông Lý Hóa!
- Mỗi đêm 15 triệu của công trám cái lỗ hổng Đường Sơn Quán mà tí ti ư?
- Tôi phải vá 150 ngàn lỗ cỡ của bà Triết Mác vừa rồi mới có được số tiền đó. Ông đại tá Lốp vọt miệng nói - Còn cái lỗ của con Thanh Xuân ai vá mà trả dữ vậy.
- Có gì mà dữ, tiền của Đảng mạnh ấy nấy moi. Bộ Chính Trị moi kho trung uơng, Thành ủy moi kho thành phố, Tỉnh ủy moi kho tỉnh, Huyện ủy moi kho huyện, Xã moi kho xã, Tổng Bí Thư moi đáy quần con sẩm lai Lại Kim Dung.
Ông Phó tiến sĩ Lý Hóa tiếp:
- Thằng đảng viên quèn bỏ túi cái bóng đèn ngủ lang với đàn bà góa thì bỏ tù, thì khai trừ đảng, còn thằng to đầu bị bắt quả tang tham ô dâm ô như thế lại xử tù treo các ông ạ.! Một bữa tiệc 5, 6 triệu là thường. Tên Thanh lấy của công quỹ 150 triệu để cho gái mà không bị một ngày tù.
- Quái lạ!
- Mà có thật!
- Tòa án nào xử vậy?
- Thì Tòa Án Nhân thành phố chớ còn tòa án nào! Ông Lý Hóa tiếp.
- Ông "binh vực viên" viện lý gì các ông biết không?
- Thì cứ lý do chung chung.
- Lý do rất đặc biệt! Không chung chung một chút nào. Hắn bảo đó không phải là Phan Thanh mà là em ruột của Phan Thanh. Phan Thanh có một người em ruột rất giống...
- Như tích Trầu Cau! Phó tiến sĩ Văn Dật tiếp: Giống cho đến nỗi mụ Thanh Xuân ngủ hai ba chục lần mà tưởng là Phan Thanh. Té ra chỉ là em của Phan Thanh! Nay mai khi giảng văn tôi sẽ gọi vụ này là Tích Trầu Cau Xã Nghĩa. Chỉ có tòa án Xã Nghĩa Việt Nam mới kết luận như vậy thôi.
- Thế cho nên Phan Thanh không bị phạt gì cả! Chỉ bị treo 4 năm.
II.
Phó tiến sĩ Văn Dật trở thành một chân đạp xích lô kiệt xuất. Một ngày chủ nhật ông có thể làm được bảy ngàn đồng một cách dễ dàng. Nếu ông ở nhà đạp xích lô thì ông dám thu được số tiền gấp ba lần lương Phó tiến sĩ chủ nhiệm khoa Văn trường đại học: 210 ngàn đồng. 4 tháng ông sẽ có ngót triệu. Ông giật mình. Cái tiếng "triệu" sao mà kỳ diệu. Không cần phải nghe ông Phó tiến sĩ giảng văn, bà bán cá cũng hiểu đó là gì, anh bán phở hay lão chài lưới cố công làm lụng cũng mê được nhiều tiền, có thấy ai nói làm việc cho lý tưởng lý tiết gì đâu. Lý tưởng không có tiền lý tưởng cũng mắc kẹt chuồng heo mà. Đó, bây giờ Liên Sô thừa lý tưởng vì không ai nhập cảng nữa, lại thiếu tiền nên sang Mỹ khẩn khoản xin tư bản bán gạo cho.
Chuyện đời quá ư kỳ cục. Trung Ương Đảng lãnh đạo chống đế quốc, để sau khi thắng đế quốc lại ăn mày đế quốc, Trung Ương Đảng lãnh đạo đánh tư sản để mỗi ủy viên trở thành đại tư sản, Trung Ương Đảng hô hào chống sinh hoạt tư bản trong khi trên khắp toàn quốc cuộc sống theo nếp tư bản tràn ngập đến tận cửa văn phòng Bộ Chính Trị đang dẫn đầu cuộc sống này.
Đảng đâu có cần trí thức. Đảng là trí thức của dân tộc mà. Những nhà "trí thức" đó đều chưa học hết trung học, đặc biệt nhà "trí thức" to nhất học chưa hết sơ học.
Hồi Văn Dật đi học bên Đông Đức, Văn Vật ôm mộng to. Đất nước Việt Nam sẽ có một đội ngũ trí thức như nước bạn. Văn Dật say mê nghiên cứu B. Bretch và Anna Seigher. Hồi đó Văn Dật đã nghĩ ngay: Văn học xã hội chủ nghĩa chẳng có gì ghê gớm lắm. Nó còn non trẻ mà. Nhưng Văn Dật có cơ hội thấy trí thức xã hội chủ nghĩa ở nước bạn được trọng đãi như thế nào. Ít ra họ cũng có cơ hội để làm việc. Việc của họ là đào tạo trí thức cho đất nước, không có giáo sư hoặc thầy giáo nào phải đạp xích lô hoặc chạy bàn. Văn Dật đã đi nghe bà A. Seigher, tác giả Cây Thập Tự Thứ 7 hai lần. Thính giả đến đông hơn ở những lần Walter Ulbrich Bí Thư Cộng Sản Đông Đức đến nói chuyện...
Một cái ổ gà làm bánh xe sụp xuống cắt đứt luồng tư tưởng của Phó tiến sĩ Văn Dật. Ngài Phó tiến sĩ đạp vô sát lề nghiêng mắt xem bánh xe có hề hấn gì không. Mỗi ngày phải trả tiền thuê mất 2.000, nếu hư hỏng sẽ phải bồi thường.
Bỗng một tiếng gọi giật lại tiếp theo một câu hỏi:
- Giáo án về Số Đỏ đã xong chưa mà đi đạp đó?
- Vừa đạp vừa ngẫm đây. Phó tiến sĩ Văn Dật ngó ngang thì thấy nhà thẩm mỹ học Mác xít Vũ Khiêu mà học trò gọi là ông Cà Khêu đang phóng xích lô tới.
Ông ta hói trán đến buồn cười. Hai bên khuyết vô quá nửa xoáy nhưng ở giữa lại thòi ra một chỏm tóc như mũi cù lao. Đám giáo sư bảo đó là chỏm tóc chống đối. Ông không nói, không hô đả đảo cộng sản như dân Nga, dân Tiệp làm bên xứ họ, nhưng tất cả những bài thẩm mỹ của ông giảng, khi học sinh nghe xong đều không thấy chủ nghĩa Mác "hài hòa cân đối" gì cả, mà chỉ thấy cái chủ nghĩa này cà thọt, chân chánh trị thì dài, chân kinh tế thì ngắn, cái mồm nói hung nhưng bao tử lại lép xẹp, còn chánh sách "vì dân", thực tế chỉ vì các ông lớn.
Nhà thẩm mỹ đáp xe lại gần ông bạn Phó tiến sĩ. Nắng như đổ lửa. Hai người thả rề song song tìm khách. Nhà thẩm mỹ Vũ Khiêu hỏi:
- Anh nhấn mạnh điểm nào?
- Điểm nào cũng nhấn. Có vậy mới "té" bạc ra.
- Không! Tôi nói cái giáo án Số Đỏ cơ!
- Nhấn điểm bà Phó Đoan!
- Nhấn mấy điểm, hà hà?
- Một điểm trọng tâm thôi. Cái điểm tư sản của bà ta, từ một con sen, con nhài đi lên làm Me Tây rồi hưởng của chồng và trở thành vĩ nhân.
- Nè, tụi hiệu ủy có ghim ông lắm đấy nhé. Nó bảo ông chơi kiểu biểu tượng hai mặt như "mưa sa trên màu cờ đỏ". Ông có ý liên kết Bác vô đó, lộ liễu lắm, không được đâu!
- Hai mặt thì hai chứ, tôi sợ gì? Ông tổ lý luận Mác xít là Trần Văn Trầu còn nói thẳng ra là: Duy vật biện chứng đã lạc hậu không theo kịp trào lưu tiến bộ của thế giới cơ mà! Mình là bọn gõ đầu cá kèo ăn thua chi!
- Ông có giảng như thế thực không, hay chỉ miệng hùm gan sứa?
- Để rồi anh xem. Anh còn dám giảng phản thẩm mỹ thì tôi còn sợ gì. Phó tiến sĩ Văn Dật nghe tiếng khua lọc cọc bèn niễng đầu sang xe bạn:
- Cái bạc đạn của anh "giơ" rồi!
- Toàn bộ cái xe còn giơ sá gì cái bạc đạn.
- Không! Tôi nói là nó "rêm" chớ không phải "giơ" đâu.
- Ông bạn chủ nhiệm khoa Văn quá hư cấu đấy. Sự thực ra chính là hai cái đầu gối của tôi "rơ" nên đạp xe nghe lọc cọc thôi. Không phải bạc đạn của Cà Khêu đâu!
Hai nhà giáo nhìn nhau cười tươi như mếu. Vì không có ma nào gọi nên hai người cứ đạp song song và tán chuyện khào. Nhà thẩm mỹ Cà Khêu móc cái mũ nồi úp lên đầu và nói:
- Tôi vừa bị tai nạn ông Phó ạ!
- Tai nạn sao còn sống làm tài xế xích lô?
- Không phải tai nạn kiểu Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ!
- Vậy tai nạn gì?
- Nhẹ nhàng thể xác nhưng nhục nhã tinh thần. Nhà thẩm mỹ bỗng nhiên đạp chậm lại như gân chân bị cắt đứt. - Đáng lẽ tôi không nên kể cho anh nghe, nhưng vì là đồng nghiệp của nhau, tôi muốn anh rút một cái kinh nghiệm đau thương. - Số là... Nhà thẩm mỹ ho mấy cái liền và tiếp. - Hôm bữa đó trời mưa lâm râm. Tôi định về nhà nghỉ vì dầm mưa rủi cảm lạnh thì đến thuốc Aspirin cũng không mua nổi, rủi ngã bệnh mà vào nhà thương thì đau khổ lắm. Tôi đã bị đau khổ tràn ngập tâm hồn rồi. Victor Hugo nói "Rien ne nous rend plus grand qu une grande douleur". Ngẫm nghĩ thì cũng hay nhưng mà ở cái xã hội của mình hiện giờ không phải "Khônglàm gì chúng ta lớn bằng một niềm đau lớn" đâu, mà là niềm đau lớn kinh niên "45 năm đời ta có đảng" đã dìm chết chúng ta.
- Thôi ông bạn ơi! Để cho tôi còn tinh thần đạp chiếc xe tủi nhục này đến bến vinh quang.
Nhà thẩm mỹ trở lại buổi trời mưa:
- Tôi vừa có ý định về nhà thì bỗng có một người thù lù trong chiếc áo đi mưa xám vẫy tay. Tôi mừng quá đáp xe lại ngay, quên hết cái nỗi đau nhục ở bệnh viện mà tôi đã trải qua.
- Kỳ ông sưng phế quản ấy à?
- Vâng, kỳ đó tôi đau bất ngờ không có tiền đóng "nhập viện phí", học trò và đồng nghiệp giúp cho được phân nửa và gặp may là viên bác sĩ phó giám đốc bệnh viện là học trò cũ của tôi nên nó nhận vào và bảo đảm cho tôi trả viện phí nhiều kỳ. Qua được cái khổ nhỏ, lại gặp cái nhục to. Anh biết không, mình giảng dạy thẩm mỹ học, nhưng đời mình lại gặp toàn những chuyện phản thẩm mỹ. Số là tôi nằm bên cạnh một anh cán bộ xuất nhập khẩu tuổi đáng con tôi anh ạ. Anh ta được cơ quan đem cho nào đường cát, sữa hộp, lê, táo, trứng gà chất đầy bàn. Thấy không có ai thăm viếng tôi cả, anh ta bèn hỏi thăm. Sau khi biết tôi, anh ta tặng cho lê, táo và hột gà. Nhận hay không? Tôi có suy nghĩ trước khi nhận. Đúng ra làm bộ suy nghĩ vì hổ thầm. Làm bộ có lương tâm!! Chứ gì mà không nhận. Thẩm mỹ, Văn học, Lý Hóa hay gì gì đều không bằng một cái vỏ hột gà và một thìa đường cát. Nhục quá, nhưng vẫn nhận. Khi người ta đói thì đếch biết nhục. Cũng như đảng ta bây giờ vậy. Khoác áo Điện Biên Phủ tả tơi và đội mũ Đại Thắng Mùa Xuân nát bét, bị gậy đi ăn mày khắp nơi.
- Thôi bố nó ơi! Tôi rêm hết cả bộ xương cách trí tôi rồi.
- Nhưng ăn ghẹ, cam, táo đó không nhục bằng thầy đạp xe cho học trò ngồi.
- Hà, anh nói gì? Phó tiến sĩ Văn Dật kêu lên. Thầy nào và học trò nào?
- Thầy thẩm mỹ học và học trò của ông ta.
- Trời đất! Có vậy nữa sao?
- Thì tôi đây còn có hay không gì nữa!... Tôi liếc thấy thằng học trò dở nhất lớp tôi cưới vợ. Đám cưới tốn mấy chục cây. Cưới vợ xong ông bố cất cho cái nhà giá trên dưới 100 cây. Mỗi ngày tôi đạp xe qua lại nhà nó mà... Khi nó trả tiền cho tôi, tôi ngoảnh đi chỗ khác, tin rằng trời mưa và trời tối nó không nhận ra thầy nó, một ông thầy luôn luôn cho nó điểm xấu. Nhưng nó không thù, nó trả tới 2.000 một cuốc xe ngắn. Tôi biết nó là con của ai.
Hôm sau vào trường nó kín đáo trao cho tôi một phong bì. Tôi sợ run người. Tưởng là nó dọa đánh tôi bằng cú "võ thuật" như tên học trò đánh thầy ở trường Nguyễn Văn Trổi, ông thầy bất hạnh đã phải đi nhà thương cắt mất một phần ba lá lách.
Nhưng không, thằng học trò của tôi thuộc loại con ông cháu cha mà không du côn. Nó gói tặng tôi thêm 2.000 đồng nữa, kèm một bức thư tỏ ý thương thầy vất vả... Chết chưa! Tôi không hiểu lúc ấy cái tâm trí của tôi như thế nào? Vui hay buồn? Xấu hổ hay hãnh diện? Xấu hổ vì thằngthầy thẩm mỹ bị học trò bắt gặp làm một chuyện phản thẩm mỹ. Tôi định trả lời cho nó. Vâng, tôi định nói láo với nó.
- Láo thế nào? Phó tiến sĩ Văn Dật ngạc nhiên.
- Tôi định có dịp sẽ nói với nó rằng: Trò đã nhầm rồi! Cái người vất vả ấy không phải là thầy mà là em ruột của thầy. Thầy có một đứa em trai giống hệt thầy. Trán cũng hói và có chỏm tóc chống đối. Nhưng ngày tháng qua không hiểu sao tôi vẫn chưa trả lời nó... Tôi mong rằng anh không bao giờ phải gặp cái cảnh của tôi.
III.
Phó tiến sĩ Văn Dật về nhà. Bà vợ là giáo sư ngôn ngữ học cùng dạy một trường nhưng hai vợ chồng có nghề phụ khác nhau.
Ông khoe với bà vợ rằng ông đi dạy cho đoàn kịch nói Trung ương mấy vở của Berthold Bretch để đoàn này diễn trên sân khấu quay của ông Mai Chí Thọ vừa xin được ở bên Đông Đức về. Thực tình là kịch Berthold Bretch đã từng được Trường Đạo Diễn của Đình Quang và Nguyễn Thứ Nghi, con trai Thế Lữ, diễn ở sân khấu nhà hát lớn Hà Nội nhân ngày kỷ niệm danh nhân văn hóa, nhà soạn kịch Đức quốc Berthold Bretch. Nhưng có lẽ những vở kịch nay chỉ để cho người Âu Châu đọc trong phòng thôi; cho nên khán giả Việt Nam ở Hà Nội không hoan nghênh mấy. Cụ thể là sau đó không thấy diễn tiếp. Bây giờ có lẽ đoàn kịch này muốn mở một kỷ nguyên mới về biểu diễn kịch nói chăng? Cứ cơm nước xong là ông Phó tiến sĩ cọc cạch đạp xe đi giảng bài cho đoàn kịch. Tới khuya ông mới về với vẻ mỏi mệt, nhưng ông cũng ráng khoe với bà giáo sư ngôn ngữ rằng đoàn kịch đã lãnh hội tinh thần của các vở kịch 500%.
Bà ngôn ngữ học cũng tường thuật kết quả cua pạc-ti-cu-li-ê của bà về ngôn ngữ mà học viên là 6 vị công tử của các tổ quý tộc đỏ trong thành phố.
Cứ nghe họ báo cáo công tác với nhau thì người ngoài tưởng là gia đình này may mắn hơn các gia đình trí thức khác, vì họ còn dùng được tài năng của họ cho nghề phụ. Phần lớn - nếu không là hầu hết - các giáo sư đại học đều phải làm nghề chân tay để cải thiện đời sống. Hoặc họ phụ bếp, chạy bàn, làm bánh bèo, nấu cháo bán rong, bán thuốc lá lẻ ngay trước cửa cư xá, hoặc chạy bỏ mối cho các cơ sở sản xuất. Câu chuyện vừa lao động vừa ngẫm giáo án như ông Phó tiến sĩ Văn Dật là phổ thông chứ chẳng lạ lùng gì.
Nhưng ở đời có nhiều nỗi éo le. Không biết bằng cách nào mà bà ngôn ngữ học lại tìm ra được rằng ông Phó tiến sĩ chẳng có đi dạy kịch gì sốt. Ông đi đạp xích lô. Ông mặc quần áo tươm tất ra đi, khi đến nơi thuê xe xong ông lại thay bộ đồ "dã chiến da beo Ngụy" vào cho hợp thời trang xích lô rồi hành nghề một cách độc lập tự do hạnh phúc. Khi hết giờ thuê, ông Phó tiến sĩ lại kênh đồ tốt vào đạp xe tà tà về nhà khoe với vợ cuộc giảng bài kết quả mỹ mãn.
Bị lộ tẩy, ông Phó tiến sĩ phải xin chuyển sang ngành giữ xe đạp cho sinh viên trong rào trường đại học. Ở đây thì ông hành nghề một cách đàng hoàng không sợ ai chê cười, không lo vợ tìm hiểu và bắt "thôi việc" nữa. Nhưng cái nghề phụ béo bở có đến 500 cán bộ giảng dạy đúc đơn xin. May cho ông Phó, ông là một trong 80 vị được "chọn". Nhưng chỉ được làm vài tháng rồi phải luân phiên cho những đồng nghiệp khác còn neo bấn hơn hai ông bà.
Riêng bà thì vẫn bền bỉ dạy kèm lớp đêm các công tử, còn ông thì cũng tổ chức được một lớp học tiếng Đức. Ông bảo vợ rằng: Nước Đức đã từng suýt làm bá chủ hoàn cầu. Nó bị cắt đôi như nước mình. Bây giờ nó sắp hợp nhất. Nó sẽ mạnh lên và ngôn ngữ của nó rất hữu dụng. Do đó mà có nhiều người đón gió nên đi học tiếng Đức của ông.
Nhưng ông Phó tiến sĩ lại cũng dạy tiếng Đức theo kiểu dạy kịch của Berthold Bretch ở trên kia. Ông không đạp xích lô mà ông "chạy bàn" cho một quán bia ôm tuốt ở rìa thành phố để được yên trí rằng không có ai quen bén mãn tới đây.
Ông Phó tiến sĩ vừa chạy bàn vừa nhẫm giáo án Số Đỏ và điểm nhấn mạnh của nó: Bà Phó Đoan vĩ nhân của xã hội lúc bấy giờ.
Bữa nào về nhà hai vợ chồng cũng khoe công tác của nhau. Ông Phó tiến sĩ khen học trò thuộc bài nhanh, tiếng Đức rồi đây sẽ lấy thế thượng phong trên thương trường và trong lãnh vực ngoại giao trên thế giới. Còn bà thì hồ hởi nói về những danh từ mới xuất hiện trong ngôn ngữ dân gian trong vòng 15 năm trở lại đây. Bà nói:
- Ngôn ngữ của ta có những bước thần kỳ từ khi thống nhất đất nước. Anh thấy không? Khi một dân tộc đã tuốt bỏ hết gông xiềng thì nó có sức sáng tạo phi thường về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa.
Ông Phó tiến sĩ hấp háy cặp mắt... gật gù rồi cười khẩy:
- Kinh tế của Ngụy trước đây không gồm có kinh tế quà tặng và kinh tế bị gậy, chính trị của Ngụy trước đây... bị "cô lập" hơn chính trị của mình bây giờ, về xã hội, cái Đường Sơn Quán của ta bây giờ hơn gấp nghìn lần. Ngụy nó không có đại tá vá xe đạp, không có Phó tiến sĩ giữ xe đạp, không có ông bự nào ăn trộm cả chục ngàn lượng vàng mà vẫn hiên ngang làm lãnh tụ anh minh, không có thầy đạp xích lô cho học trò ngồi, không có nhiều Xuân Tóc Đỏ và Phó Đoan như bây giờ.
- Thôi mà ông! Cay cú hoài, đất nước ta còn nghèo...
- Cho nên kẻ uống bia Mi-ghen người uống thuốc xịt rầy.
- Nhưng ông có nhận rằng ta độc lập hoàn toàn không?
- Sẽ có cuốn Le Procès de la Colonisation Soviétique của Phó tiến sĩ Phan Văn Dật xuất bản nay mai để so sánh với cuốn Le Procès de laColonisation Francaise của Nguyễn Ái Quốc đứng tên dùm cho tác giả chính thức.
- Nhưng ông có thấy riêng về ngôn ngữ dân tộc ta đã có những bước thần kỳ không?
- Có, có những sáng tạo phi thường.
Bà giảng sư ngôn ngữ học sợ chồng tranh mất thành tích, dãu miệng:
- Chứ không à?... Những sáng tạo mà người ta gán cho văn chương tư sản của Tự Lực Văn Đoàn có nhầm nhè gì so với những kỳ công của nhân dân ta. Tôi nói ngay để ông sáng mắt ra. Ngày mới tiếp thu Sàigòn dân ta tặng mình danh hiệu "quân phỏng dế" thay vì gọi mình bằng tiếng nói đàng hoàng, cao quý và hợp pháp: "quân giải phóng". Rồi kế đó, tù cải tạo lại sáng tạo ra danh từ "đi thăm lăng Bác" thật là tuyệt vời, 4 ngàn năm văn hiến, dân tộc ta đã không có được một danh từ nào khả dĩ thay cho mấy tiếng "đi đồng" cũ rít, hôi thối, ngoại trừ trong thời đại Hồ Chí Minh.
Ông Phó tiến sĩ thấy mụ vợ quá ư hùng biện, sợ bà ta phá tan Hữu Nghị Quan leo trèo tường Bá Linh quậy nát cái vương quốc văn học của mình bèn giơ tay dịu dàng như vũ nữ Việt Nam múa Hồ Thiên Nga lô-can để ngăn mụ ta lại:
- Bà nói còn thiếu. Để tôi bổ túc: Dân còn sáng tạo thêm một ý nghĩa mới cho hai tiếng "quần chúng" nữa.
- Quần chúng là số đông người. Nếu chiết tự ra thì tiếng "quần" có nghĩa là một tập thể như trong quần đảo, quần hồ, mãnh hổ nan địch quần hồ, quần...
- Quần dài, quần xà lỏn, quần xì-líp, quần jean, quần thủng đít...
- Cái ông này đâm hơi quá!
Ông Phó tiến sĩ vẫn thản nhiên tiếp:
- Nhưng chưa hết cái tiếng "quần" phong phú của ngôn ngữ Việt Nam.
- Ví dụ...?
- Như trong câu hát nhại của đám thiếu nhi quàng khăn đỏ. Như thế này: Em thấy Bác trong quần... chúng ta! Đó là một sáng tạo tuyệt vời, nghệ thuật dùng chữ đã đi đến mức cực kỳ tinh vi. Hai chữ đơn tổ hợp thành một chữ kép nhưng mỗi chữ vẫn giữ được tính độc lập của mình và không bị tiếng láng giềng ảnh hưởng hoặc xuyên tạc như Nga Tàu ảnh hưởng hoặc phá phách nước ta. Nếu bà nghiên cứu ngôn ngữ thì bà đọc sách của Nguyên Tuân chứ không nên đọc thơ Hồ Chủ Tịch. Văn của Nguyễn Tuân tinh tế còn thơ Hồ Chủ Tịch ngô nghê thô kệch lại chúa trật vần. Tôi có cả ngàn ví dụ nhưng chỉ nêu một vài về văn của Nguyễn Tuân. Hồi còn sinh thời, ông ấy vẫn nói trên báo rằng: "văn học, cái báo, cái chí của ta bây giờ nó vừa nhạt lại vừa nhẽo. Báo thì không đọc được còn sách thì in ra không ngồi được (2)". Bà thấy cái nghệ thuật chẻ chữ kép của ông ta không? Báo khác với chí nhưng ta vẫn quen miệng gọi là báo chí (gồm báo và tạp chí). Còn nhạt nhẽo là một tiếng đơn gồm hai vế, đi chung với nhau thì nó bổ túc cho nhau làm cho từ mạnh khỏe hẳn lên, nhưng chẻ ra làm đôi thì nhạt có nghĩa là đàng nhạt, nhẽo có nghĩa là đàng nhẽo. Cái đảng của mình bây giờ trên thế giới nói chung nó nhạt nhẽo như con chi chi ấy, còn cái chủ nghĩa của nó thì nhạt như nước rửa yaourt 4 đồng một hũ vậy. Đó, bà thấy sự sáng tạo của quần chúng ta chưa. "Thấy Bác trong quần chúng ta " khác với "Thấy Bác trong quần... chúng ta". Cũng những chữ ấy nhưng khác nghĩa hoàn toàn. Há há... á.
Ông Phó tiến sĩ thấy vợ mất hết hồ hỡi, nhưng ông vẫn không thương hại chút nào, ông cảm thấy ông đang giảng cho học trò của ông với tất cả lòng chân thật của một giảng sư có trách nhiệm đào tạo thế hệ trí thức chân chính không nói láo không hứa ẩu thiên đường viễn vong, không bụm bịt tội lỗi. Ông thấy ông hùng biện hẳn lên:
- Còn nhiều sáng tạo trong ngôn ngữ nữa lắm bà ạ! Ví dụ nè: phim con heo nghe nó bẩn tai quá nên quần chúng ta gọi khác đi là "phim chăn nuôi", đi uống bia 7 ngàn một lon có phục vụ viên ở trần ở truồng, nếu nói nguyên câu như vậy e bác Hồ nhảy mũi, nên bọn cán gáo gọi là đi bia nhộng, làm đĩ thì gọi là chạy sô, bọn quyền thế ăn cắp chạy võ như trong Bỉ Võ thì gọi là cán cối, đồng khởi hóa ra đồng khỉ, xã hội chủ nghĩa thì đổi ra là xuống hàng chó ngựa (XHCN), còn Bộ Chính Trị thì được nhà văn gọi là ổ điếm đực, gồm những tên điếm đực quốc tế lừng danh là Honecker, Todor Zivkov, Ceaucescu... chúng nó xài toàn cây!
- Ông này bữa nay mất lập trường quá sá. Rồi đây trong kỳ giữ xe đạp sắp tới người ta sẽ không xét chọn ông nữa đâu!
IV.
Hôm nay ở nhà hàng Đồng Khánh ông Phó tiến sĩ được rất nhiều "boa". Món bồ câu ra ràng quay bán chạy như gió. Cặp bạc đạn của ông đã khô dầu nhưng phải hoạt động không nghỉ. Than ôi! Lời chúc của ông bạn thẩm mỹ đã trái ngược hoàn toàn. Một thằng học trò của ông đi với bố mẹ nó vào ăn ở đây. Nó bắt gặp thầy nó trong tư thế "bồi bàn", nghĩa là tay bưng chân chạy. Ông không chối vào đâu được. Đúng ra ông cũng không muốn chơi theo kiểu ông giáo sư thẩm mỹ. Ăn xong gã học trò thông cảm với ông thầy vất vả bèn móc túi "boa" cho thầy 2.000 sợi râu cụ. Thầy chủ nhiệm khoa run run cầm tiền và run run nói "cám... ơn!"
Thầy mừng quá! Thầy không thấy nhục chút nào. Bồi bàn là đồng nghiệp của Bác mà! Tuy tư duy như vậy, nhưng thầy chờ cho thằng học trò ra khỏi nhà hàng mới lau bàn. Tay lau bàn mà mắt ngó chừng sợ bất thình lình người quen vào quán. Danh dự của ông Phó tiến sĩ trong đội ngũ trí thức xã nghĩa này giá mấy đồng chinh mà ông sợ mất nhỉ? Trung tướng còn bán thuốc lá ở vỉa hè Hà Nội nữa là!
Bữa nay khách đông được "boa" nhiều, nhưng hơi mệt hơn dạy một ngày. Về đến nhà ông chỉ nói qua loa về lớp học tiếng Đức quốc của ông rồi đi nằm. Bà ngôn ngữ học cũng khoe với chồng dăm câu về sự thông minh của đám công tử quý tộc đỏ, rồi đi đếm lại mấy chục đôi guốc mà sáng mai bà sẽ đem bỏ mối trước khi vào trường.
Hai vợ chồng đêm nay không có vẻ hồ hỡi như trước.
Khi vào buồng, bà cứ ngồi ở mép giường, quay mặt ra. Ông Phó tiến sĩ Văn Dật níu vai vợ. Bà vùng ra và bất thần quay lại quắc mắt:
- Anh nói thật em nghe, đêm nay anh đi đâu?
- Đường Sơn Quán! Hề hề... còn em?
- Em cũng đi theo anh.
Bà vợ gieo mình xuống bộ vạt tre, chân giường run kêu ken kéc. Bà úp mặt vào gối khóc rưng rức. Ông không dỗ dành năn nỉ gì cả như trước đây mỗi lần bà giận dỗi. Bữa nay không biết bà ngôn ngữ giận dữ hay chỉ dỗi sơ sơ! Mặc kệ. Đã đến thế thế thời phải thế. Trong cái xã hội này ai dễ biết ai là người hay ngợm. Ông quay mặt thở một phát dài hơn 20 năm giảng dạy văn học của ông.
- Anh đi đâu, nói thật đi! Anh nên trung thức với chính mình.
- Em cũng không nên dùng cái lớp học ngôn ngữ của em làm bình phong cho việc khác.
- Còn lớp học tiếng Đức của anh đã đào tạo được bao nhiêu tiến sĩ như anh?
Ông đành im lặng, cảm thấy bà biết rõ việc làm của mình. Bà quát tiếp:
- Một đĩa xào ở đó giá 230 ngàn đồng, anh vay mượn ở đâu?
- Có quỹ của nhân dân, đất nước ta rừng vàng bạc bể, em lo gì!
- Hu hu hu! Bà giảng sư ngôn ngữ bật ra tiếng khóc. Bà khóc ngọt ngào như nỗi hờn tủi bị đè nén o ép bấy lâu, nay vỡ bờ. Rồi bỗng bà dứt ngang:
- Anh đi chạy bàn cho quán bia ôm Lý Tự Trọng ngoài rìa thành phố và được học trò "boa" cho 2.000 cụ phải không?
- Ơ kìa bà này định hư cấu cái gì thế nhỉ?
- Em khổ lắm! Emxấu hổ lắm!
- Bà này!
- Em nhục nhã lắm! Em trông thấy anh chùi bàn. Anh trợt ngã. Anh đứng dậy. Đau lắm phải không anh! Hức hức...
- Anh đau thì có thời hạn, còn dân tộc ta đau thì vô định kỳ. Nhưng em làm gì ở nhà hàng? Em đâu có 25 ngàn để vào ăn một cái càn cua Bách Hoa. Anh thấy em rửa bát!!! Ông Phó tiến sĩ quát to.
- Em em... đang ở sau bếp giảng ngôn ngữ học cho ông Táo!
- Thế à! Vì bận giảng bài nên đã nhìn lầm. Người té đó là ông anh ruột của anh... anh có một người anh giống anh như đúc. Chính ổng chạy bàn chứ không phải anh.
- Thế à... nói vậy thì ông anh ruột của anh cũng nhìn nhầm rồi! Người giảng ngôn ngữ cho ông Táo là em ruột của em. Em... a... có một người em gái giống em như lột. Cô ta rửa bát nhặt rau đó chứ không phải em đâu!
Đêm nay trong giấc mơ đẹp nhất của đời mình, hai vợ chồng ông Phó tiến sĩ cùng hô tới ba lần "Chị Hai Thanh Xuân và Đường Sơn Quán muôn năm."
6/91
1. Lời Trần Văn Giàu và Lý Chánh Trung.
2. Nguyễn Tuân và Cành Hoa Mai Bên Bờ Sông Nhật Lệ.
Kết Thúc (END) |
|
|