Vứt đi cái có, khổ vì cái không
Nguyễn Chí Thiện
(Di chúc của một người Việt Nam)
Hội Văn Nghệ Giải Phóng ngồi quanh bếp lửa. Nước đang sôi, sắp sửa châm trà thì tác giả Xuân Chiến Sĩ hét lên:
"Nó tới.
Tất cả đều nhào lăn nằm bẹp dí xuống nền chòi dơ dáy vì trận mưa đêm qua. Nín thở. Một giây, hai giây, ba, bốn giây đồng hồ. Tuổi thọ kéo dài đến giây thứ mười một. Không có chuyện long trời lỡ đất. Cây cỏ muôn thú vẫn bình an và Hội Văn Nghệ hồn xác còn nguyên vẹn. Chỉ có trái tim suýt sút cuống mà thôi.
Kết quả sơ khởi: guy gô nước sôi ngã lăn, nước văng phỏng mặt hai nghệ sĩ sở tại, còn nhà thơ Trung ương mới vô thì nhũi đầu vào bếp bị cháy một mảng tóc trán khét lẹt. Mớ xác trà bay túa ra, chỉ hốt lại được có một phần trăm, trái hẳn với tỷ lệ về dân chúng và đất đai giải phóng của mặt trận kiểm soát. Nhưng thắng lợi to lớn là "cái phải đến" đã không đến. Không đến chỉ có nghĩa là chưa đến. Không đến ở phút này không có nghĩa là không đến ở phút sau. Đó là luật tương đối, luật phát triển của sự vật. Có một điều chắc chắn là nó sẽ đến. Nó đến như một chuyến xe, không chờ, không đợi. Không sáng thì trưa, không trưa thì chiều.
Mà nó đã từng đến rồi. Không những một lần mà hai lần cơ, hai lần trong một đời người. Hai lần cách nhau có đúng nửa phút đồng hồ, nghĩa là ba mươi cái đếm, mấy hơi thở, mấy nhịp tim. Cái chết và cái sống chỉ cách nhau có thế. Nó đến bằng rải thảm và để lại một dãy nấm đất lè tè không có bia, ngoài ra còn sự lơ láo, không sao xóa được, cho những bình minh rừng.
Buổi uống trà sáng nay mất vui vì cái điềm gở báo hiệu.
Hai người chỉ bị thương xoàng nhưng cương quyết cáo lui không dự. Ông Thi sĩ, đại diện Trung ương - biệt hiệu "nhà thơ không có thơ" - chân ướt chân ráo mới vô, đáng lẽ cũng xin vắng mặt, nhưng vì thiên chức quá lớn lao, nên đành lấy khăn buộc quanh đầu, ngồi rốn lại để truyền bài hịch của Trung ương một cách bất đắc dĩ. Bài hịch dài quá mà tuổi thọ của con người ở đây chỉ được tính bằng giây - chứ không phải bằng phút - cho nên ông có sáng kiến.
Ông thọc tay vô ba lô lôi ra một cái gói thật to, mở luôn ba bốn lần giấy mới thấy cái ruột nhỏ bằng nửa nắm tay con nít.
Ông thi sĩ trân trọng nói:
"Đây là gói trà của Bộ Chính Trị uống trong lúc họp khuya. Tưởng nhớ tới Miền Nam anh dũng, các đồng chí chỉ uống có nước nhất thôi, còn mớ xác đưa cho anh Lành đem về kho uống, để lấy hứng làm tiếp bài thơ 30 năm đời ta có đảng. Nhưng anh Lành nhớ tới các đồng chí mình đang nằm gai, nếm mật trong rừng Cao Mên, nên chỉ uống có nước thứ nhì, còn mớ xác, ảnh sai tôi đem vô biếu các đồng chí, chứng tỏ rằng Trung ương lúc nào cũng coi miền Nam là thuộc địa của miền Bắc, ấy bậy, - thi sĩ khẽ vã mồm và tiếp - lúc nào Trung ương cũng coi miền Nam là máu của máu Việt Nam."
"Thôi đi mày! Đừng có tuyên truyền trà "Thái Đức" nghe mệt lắm! Cái gì thì nói phức đi. Ở trong này trà Con Khỉ hộc máu tụi tao có dư, cần gì anh Lơ Đu (1) phải nhọc công đến thế". Ông Phó tiểu ban vốn là bạn cố tri của thi sĩ Trung ương, nên gạt ngang xương.
"Buổi sáng trong rừng không nên hô to và nói dài, chỉ nên nói khẽ và ngắn. Bởi vì B52 nó tới không lường được, lỗ tai phải thính như tai mèo để nghe hơi gió rít. Vì thế tôi đề nghị bỏ cái hịch của Trung ương vào bình trà rồi rót uống. Bằng cách đó thấm bài mau hơn. Và riêng tôi là người truyền đạt thì không lo sai hoặc sót chữ nào."
"Cái sáng kiến đó ở đâu mà đồng chí có vậy?" Tác giả Sống Như Anh (2) gặn hỏi.
"Đó là của nhà máy dệt kim Đông Xuân 8 tháng 3. Sau khi B52 đánh Hà Nội, nhân dân không dám tập họp đông đúc để nghe giảng bài nữa nên nảy ra sáng kiến đó.
"Hay lắm!" Mọi người vỗ tay reo mừng.
"Ta vừa tiết kiệm được sức khỏe, vừa thu nhận bài đầy đủ."
Nhà nặn tượng ba năm nay chưa tìm ra đất sét, nên chỉ gọt cây rừng để tự nâng cao nghệ thuật, nói:
"Xin lỗi đồng chí Trung ương nhé! Lâu lâu đồng chí mới vù vô Nam một chuyến, mà chúng tôi bảo vệ đồng chí hơi kém, đồng chí bị cháy một mớ tóc trán! Để bù lại khuyết điểm đó, tôi sẽ gọt cho đồng chí một bán thân bằng gỗ quý."
"Mày đem về ngoài đó triển lãm luôn!" Ông Phó tiểu ban nói. "Nè nghe tao dặn, mày đừng có quên. Để gia tăng thành tích, mày hãy tâu lên anh Lành rằng vô trong này mày đã chia mấy chầu B52 với tụi tao, như vậy là đã góp công giải phóng Miền Nam rồi!"
Ông Phó tiểu ban quay lại mấy nhà nghệ sĩ:
"Đừng có hù đồng chí Trung ương như vừa rồi nữa nghe! Hù chơi mà rủi nó đứt cuống tim chết thiệt, thì trung ương không còn ai đem trà dão vô cho mình. Còn đồng chí Xuân chiến sĩ, bộ định bỏ nghề nhạc sang làm... sân khấu rồi hả?"
Nhạc sĩ cười khà khà:
"Tôi tưởng nó tới thiệt chớ đâu có diễn kịch!"
Nhà thơ Trung ương vỡ nhẽ ra là người ta xỏ ngọt mình, nhưng đành nhịn. Phó tiểu ban cười, nửa khuyến khích nhạc sĩ, nửa vuốt ve thi sĩ Trung ương.
"Anh em cùng ở Hà Nội với nhau, biết nhau quá ể! Nhưng vô đây đứa trước đứa sau, anh em muốn thử giây thần kinh của mày đó nghe!"
Nhạc sĩ hỏi:
"Nó chưa tới nên còn thì giờ thực tập cho đồng chí mình trước, chớ để nó tới trở tay không kịp. Nó xuất phát từ căn cứ Utapao, cách đây chừng tám phút và bốn mươi "xơ gồng". Còn từ Guam thì chừng 15 phút chẵn. Mình nấu nước chưa kịp sôi thì nó đã tới rắc dưa hấu rồi!"
Nhà thơ Trung ương hỏi:
"Bị nhiều trận vậy anh em mình có kinh nghiệm gì chống B52 không?"
"Có chớ!" Nhạc sĩ nhạy miệng đáp.
"Trước nhất là uống trà, dầu có ngon mấy, cũng đừng có chép miệng to để tập trung tư tưởng nghe gió rít. Hễ nghe gió rít e e là cứ việc nhào tiều, chớ đừng có ngồi ngóng cổ cò, miểng nó phang một cái là đi tuốt. Thứ hai là trong lúc nó rải dưa hấu, mình phải gồng mình cho dữ dội và sẵn sàng hô Hồ Chí Minh muôn năm ba lần để đền xong nợ nước!" (3)
"Kinh nghiệm dữ vậy sao hồi nãy nghe trật lất hết? Thiếu chút nữa tôi hô Hồ Chí Minh muôn năm rồi!"
"Thì bị trận vừa rồi tôi điếc con ráy mất ba ngày! Cái màn trinh... ủa màn nhỉ, bị thủng chưa gởi đi Liên Sô vá được nên nghe lạc âm... thiều!"
"Ró ó... ót!"
Mọi người lăn nhào ra đất. Phen này thì đúng nó rồi. Dưa hấu rớt trên đầu. Mỗi người đều lắng nghe coi xương thịt mình văng đi đâu để xin giấy báo tử. Nhưng... một phút, hai phút, rồi năm phút, mọi vật vẫn bằng an.
Ông Phó tiểu ban lóp ngóp ngồi dậy trước:
"Có tiếng gì quái gỡ vậy he?"
"Giống in là đạn pháo bầy ở Long An bắn vô Kinh Dương Văn Dương vậy ta!"
"Không!" Nhạc sĩ khẳng định một cách duy nhất đúng.
"Đó là tiếng con gà trống mắc dịch của ông Thứ trưởng văn hóa nhà mình. Tại vì mình giàu tưởng tượng quá xá nên bất cứ tiếng động nào mình cũng cho là xuất phát từ Utapao và Guam đó thôi."
Ông Phó tiểu ban vốn là người "Thâm niên cách mệnh", có thành kiến sâu sắc với đám theo đóm ăn tàn. Bỗng dưng một dúm ma-cà-rồng-giấy nào đâu ở ngoài Sàigòn lại được Mặt Trận võng lọng khênh vô đây đặt lên đầu tụi giải phóng thứ thiệt, nên miệng thì nói ngọt ngào nhưng chỉ ngó bằng nửa con mắt. Trong những buổi uống trà, anh em thường châm chọc họ một cách cay độc nhưng ông Phó vẫn cứ để yên.
Biết thế, văn sĩ A nói:
"Cái ông Thứ trưởng nhà mình không có việc gì làm nên đâm ra nuôi gà. Mà toàn là gà mái. Con nào con nấy cái mòng đỏ chót, lại đẻ xòn xòn. Bị anh em ngạo: Trứng đó đem ấp chắc nở ra gà con! Bởi thế ổng mới mua con gà trống mắc dịch để diệt khẩu chế diễu ổng đó."
Nhạc sĩ đưa đẩy:
"Bộ hết giờ sau mà nhè buổi sáng thiêng liêng, con gà phải gió lại cất giọng xô-pờ-ran-nô thế?"
Ông Phó tiểu ban giục:
"Hịch pha trà dão trung ương chắc uống gắt cổ lắm. Vậy đem trà mình ra thết đồng chí Trung ương, kẻo nó tới ta phải mắc công đem xuống dưới kia pha trà với nước tuyền đài."
Văn sĩ A nói:
"Chỉ có anh là còn Con Khỉ hộc máu (4) thôi, chớ đâu có đứa nào còn gì!"
"Còn con khỉ đỏ đít đâu?" (5)
"Uống hết rồi!"
Trong khi ông Phó tiểu ban chỏi tay trên đầu gối đứng dậy moi ba lô treo trên đầu võng để bắt con khỉ hộc máu ra thì văn sĩ lô-can đi đến các lều gom nào chén Hungari xếu mếu sống sót sau cuộc vượt Trường Sơn, nào những cái vỏ đạn rốc-kết bị bức hiếp làm cốc uống trà, tất cả được năm, sáu cái và xếp thành hình trên mặt tấm ni-lông rách.
Nước trong guy-gô đã sôi bỏ vòi. Vi trùng sốt rét, vi trùng kiết lỵ... hẳn đang ôm xoắn lấy nhau múa bản Tình Ca hấp hối chờ tuồn vào những cái dạ dày mỏng để tái sinh và đóng chốt luôn trong đó.
"Nè, anh nào giỏi giò chạy kêu anh Tám Thủy Thủ lại chơi. Ảnh cần biết ở ngoài Hà Nội độc giả hoan nghênh và trung ương khen cái truyện CHIẾC GUỐC XINH XINH của ảnh như thế nào."
Phó tiểu ban báo cáo với nhà thơ Trung ương:
"Ảnh mới đi một chuyến công tác ở Mỹ Tho về. Ảnh may mắn được tiếp xúc với thực tế cách mạng. Lần này không những ảnh "đẻo" một chiếc guốc như vừa rồi mà là một lố. Nhà xuất bản Văn Học hãy chuẩn bị đi! Nghe ở dưới Mỹ Tho có một nữ cán bộ tên Cúc mê cái... chiếc guốc đó lắm. Chắc guốc sắp đủ đôi rồi. Mày có gan ở lại ăn cưới không?"
"Hồi nãy đi ngang qua lều ảnh, tôi có rủ, nhưng ảnh đang rên hừ hừ, nên mặc dù có đại diện Trung ương vô mà ảnh không tới được, ảnh gởi lời xin lỗi đồng chí đại diện Trung ương."
Văn sĩ vừa tráng, rửa chén, vừa nói:
"Công việc ngoài đó rất nặng! Ảnh phải về ngay thôi."
Thi sĩ Trung ương tiếp:
"Anh Tám Thủy Thủ được ở ngoài đó khen dữ lắm. Anh em mình phải cố gắng giác ngộ cách mạng ảnh thêm nữa, để đưa ảnh gần thêm lý tưởng cao đẹp của mình!"
Phó tiểu ban cười mũi:
"Sợ anh ấy giác ngộ ngược lại mình mới bỏ mạng chớ!"
Thi sĩ hơi dội vì câu nói bất ngờ nhưng cố lướt qua bằng cách kể lại dư luận về truyện "Chiếc Guốc Xinh Xinh" ở Hà Nội bằng một giọng nghiêm chỉnh. Nhưng màn tai của thính giả vốn bị lệch vì B52 nên tiếng nói của thi sĩ đâm ra méo mó, đôi khi nghiêm chỉnh hóa ra hài hước.
* * *
Vào một buổi sáng mùa đông u ám, ông Trưởng ban Tuyên Huấn đến trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật để ban huấn từ cho văn nghệ sĩ.
Ông ta lúc nào cũng nhăn nhăn nhó nhó như cách mạng Miền Nam sụp đổ đến nơi. Hễ huấn thị là đay nghiến, giằn mặt, hoặc dọa dẫm. Do đó văn nghệ sĩ gọi ông ta là "Dì ghẻ". Vốn được ở gần và được Bác huấn luyện luôn, bà Dì ghẻ có biệt tài cầm b... cho Bác đé nên cũng muốn tìm đứa vén váy cho Dì tè. Đó là luật tương quan của Biện chứng pháp. Cũng lô-gích thôi. May quá, Dì tóm được anh chàng "nhà thơ không có thơ" này. Dì lập tức bỏ lên ghế Tổng biên tập báo Văn nghệ. Do đó anh ta coi Dì như đấng sinh thành, luôn luôn ghi xương khắc cốt chín chữ Cù Lao... Rồng.
Hôm nay, Dì bước lên diễn đàn, tay cầm tờ Văn Nghệ. Ắt tờ báo có phạm luật cấm gì của triều đình. Anh Tổng biên tập suýt chết ngất, nhưng không phải vậy. Thay vì nhăn nhó, như cái tật cố hữu của Dì, thì Dì lại vui vẻ:
"Thưa các đồng chí, hôm nay tôi đến đây để giới thiệu với các đồng chí một nhà văn mới rời bỏ hàng ngũ Sàigòn bước sang với cách mạng. Nói rõ hơn đây là một thắng lợi to lớn của cách mạng trong lãnh vực tư tưởng, lẫn văn học nghệ thuật."
Bà Dì vừa nói vừa giơ tờ báo cuộn tròn lên. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đời ta có đảng, bà Dì không nhăn nhó trước đám đông. Thật là đại hồng phúc cho văn nghệ sĩ.
"Các đồng chí đã đọc truyện ngắn Chiếc Guốc Xinh Xinh của Thủy Thủ chưa?" Giọng của Dì toàn dấu nặng chình chịch. "Một truyện ngắn kiệt xuất, hơn hẳn thơ Gió Lộng của tôi, chỉ kém thơ lục bát trật vần của Bác chút ít. Câu chuyện tố cáo rằng trong một lần hành quân tại vùng An Hóa thuộc tỉnh Định Tường, bộ đội Ngụy Sàigòn đã đốt nhà cướp của quá tàn bạo. Đứng trước cảnh giết chóc này, một sĩ quan trong Bộ chỉ huy cuộc hành quân kia đã nhặt chiếc guốc của cô gái bị hãm hiếp, đập vào đầu tên chỉ huy trưởng và chạy bỏ đơn vị gia nhập quân giải phóng... Cách mạng thiệt là thần kỳ, làm cho kẻ thù của ta cũng phải giác ngộ. Thủy Thủ là một nhà văn được độc giả hoan nghênh nhất ở Sàigòn. Hơn nữa, anh ấy là một sĩ quan cấp... tá trong quân chủng Hải quân và là Chủ bút tờ Chuyên san Hải quân của chính quyền Sàigòn. Thủy Thủ là một nhà văn tiến bộ khao khát tự do. Anh ấy không thể sống và viết trong một chế độ tù ngục khát máu, nên đã băng mình qua cái chết để tìm tự do cho cuộc sống và cho ngòi bút của mình. Viên sĩ quan trong truyện đã dám dùng chiếc guốc đập vào đầu tên chỉ huy trưởng. Viên sĩ quan đó chính là tác giả truyện ngắn Chiếc Guốc Xinh Xinh vậy! Hội Văn Nghệ Giải Phóng đã kết nạp nhà văn Thủy Thủ ngay... không phải qua thời gian dự bị... Đây là một nhát búa ghê gớm đập vào bọn đầu sỏ phản động và một lời cảnh cáo bọn viết thuê và lũ giết thuê."
* * *
Ông thi sĩ Trung ương kể lại một buổi ban huấn từ của bà Dì ghẻ ở Hà Nội một cách hứng thú cho văn nghệ sĩ giải phóng nghe, nhưng không có ai vỗ tay hoặc tỏ lời khen như ông ta chờ đợi. Hơi ngượng nên ông ta tự thưởng cho mình chén trà hịch, nhưng cái chén vừa kề môi, ông ta chưa kịp hớp thì "Đoàng!" như một dấu chấm dứt. Nào văn sĩ, nào nhạc sĩ, nào Phó tiểu ban, nào đại diện trung ương bò lê nằm mẹp. Nó thiệt rồi... Đã bảo mà! Nó không tới ở phút này thì nó tới ở phút kế, không có chạy đàng trời nào cho khỏi nắng B52!! Cái lều rung rinh sắp đổ. Cả khu rừng sàn qua sàn lại, như võng đưa. Người ngợm chòi đạp đè cả lên nhau tìm hang chui. Quán tính hay tiềm thức (gọi bằng tiếng nào cho đúng?) thiệt là ác. Nó thâm nhiễm vào trong máu thịt, đụng tí là bật ra ngay.
Nhưng sau một hồi, mọi người nhớn nhác nhìn nhau. Không phải!!!
"Đó là súng bắn tổ tiên mình!" Phó tiểu ban xác định để trấn tỉnh anh em.
"Sao ở giờ cao điểm này lại đi bắn tổ tiên?"
"Tao bảo thằng kịch sĩ đi săn lấy thịt đãi khách, càng sớm càng tốt, để rủi khách rửa chân leo lên bàn thờ rồi mình phải cúng thịt cà khu cho nó hay sao?"
Rồi quay lại ông thi sĩ Trung ương:
"Sẵn có đủ anh em trong hội ở đây, mày có phổ biến giống gì thêm thì phổ biến nhanh đi, kẻo không còn cơ hội đấy."
Ông thi sĩ không ngờ tình thế tang thương đến nỗi này. Y sờ sờ trán như tìm xem có bị thêm vết thương nào nữa không, luôn tiện măn mó mấy cộng lông mày dài và bạc trắng mọc mất trật tự, nhưng y không dám nhổ bỏ, vì thầy bói ở Bờ Hồ đã xem cho y một quẻ, trước khi y đi sứ cho Dì ghẻ vào chốn tử địa này. Đức thánh tiên tri kính đen ở Bờ Hồ gieo tiền vào mu rùa bảo rằng: Chuyến đi này tiền hung hậu kiết; kiết là lành không phải kiết lỵ hoặc són trong quần như vừa rồi. Đức thánh kính đen cũng nhận sắc diện và bảo y phất lên được nhờ mấy cái lông mày tướng mạng ấy. Do đó mà y càng nuôi bộ lông, hy vọng một ngày kia, leo cao hơn.
Sờ thấy mấy cái lông mày trắng chưa bị B52 xén trụi, ông thi sĩ mừng húm, thấy số mình cao hơn Xuân Tóc Đỏ, nên tự động viên lấy tinh thần trở lại rất mau. Ông ta cởi cúc áo ngực ra moi lấy quyển sổ tay, bé bằng cái bánh bẽn, trong đó ông ta chép những lời dặn dò của ở trên để vô đây phụ nhỉ riêng cho anh em văn nghệ sĩ. Mặc dù đã học thuộc lòng, nhưng ông ta vẫn khâu quyển sổ dính vào da, đề phòng rớt mất.
Phó tiểu ban giơ tay bảo:
"Khoan, để tao cho mời Thủy Thủ tới nghe mới được."
Phó tiểu ban vỗ đít đánh bộp kêu lên:
"Bậy quá, hồi nãy mình quên rủ ảnh lại đây nghe câu chuyện chiếc dép... ủa chiếc guốc xinh xắn của ảnh được độc giả và bà Dì của chúng ta khen ngợi như thế nào ở ngoài Hà Nội."
"Ừ, nghe chuyện đó ảnh sẽ cắt được vài cử rét." Văn sĩ vuốt đuôi lươn." Còn nghe hịch của triều đình thì tuyệt gốc rét luôn."
"Cậu chạy đi kêu dùm chút! Cơ hội ngàn năm có một."
"Tôi đứng dậy hú bằng gam ma-giơ được không?" Nhạc sĩ hỏi.
"Ý chết! Không được đâu! Giờ này không nên làm tiếng động gì hết, kể cả địt thầm. Hề hề... xin hiểu theo ngôn ngữ Nam Kỳ nghe, bà con ta!"
Đáng lẽ trước khi bỏ tờ hịch vào nấu chung với trà, nhà thơ phải bắt bọn nghệ sĩ Nam Kỳ sớm đầu tối đánh này đặt bàn hương án để nghênh tiếp thánh chỉ, nhưng vì sợ B52 mà quên đi. Bây giờ sắp triển khai những lời dặn dò này, nhà thơ muốn bảo họ ngồi xếp bằng ngay ngắn để lãnh hội cho nghiêm túc, nhưng chưa chắc chúng nó vâng lời. Nghĩ vậy, nhà thơ bèn trang trọng mở sổ tay ra, giơ lên gần sát với bộ lông mày trắng, đọc như trả bài trước cặp mắt nhìn trừng trừng của Dì.
"Chỉ thị của ở trên trong giai đoạn hiện thời là đào thêm cho sâu các hố trên nước Cao Mên mỗi khi cắm cọc dựng lều. Do đó các văn nghệ sĩ phải triệt để thi hành Nghị Quyết sau đây của Bộ Chính Trị:
Điều một: Triệt để không bắn khỉ, cà khu, vượn, lọ nồi, dọc... trong rừng vì đó là tổ tiên của chúng ta. Nếu lỡ đã hạ sát một đồng chí tổ tiên nào rồi thì sau khi lóc thịt ăn phải dùng xương nấu cao và cặp dái gởi về cho mậu dịch Tôn Đản phân phối, không được tự tiện dùng cho cá nhân, vì đó là cá nhân chủ nghĩa.
Điều hai: Nhân dịp truyện ngắn Chiếc Guốc Xinh Xinh của tên ngụy đăng trên tờ Văn Nghệ ở Hà Nội, Hội Văn nghệ Giải phóng phải ra sức đề cao tên Thủy Thủ, để lôi kéo những tên gà mờ khác một cách nhanh, nhiều, tốt, rẻ, cứ theo chính sách cố cựu thò lò bốn mặt của đảng: Bề ngoài thơn thớt nói cười, nhưng bên trong thì vẫn xem hắn là ngụy 100%".
Bỗng... Đoàng! Viên đạn bay tè ngang tai, như một cái chấm cưỡng bức dứt câu. Nhà thơ ném quyển sổ ủi trán xuống đất như chuột chui hang, trong lúc mọi thính giả chỉ hơi giật mình vì đã quen tai với loại tiếng súng AK săn tổ tiên hàng ngày và lại vừa xảy ra lúc nãy!
Phó tiểu ban gật gù:
"Bữa nay cho mày chén thịt cà khu lông đỏ mặt xanh để biết mùi tanh nghe!"
Thi sĩ Trung ương lấy lại hồn thư nhanh chóng hơn lần trước. Y lượm sổ lên, mở ra, định đọc tiếp, nhưng bỗng một họa sĩ chạy tới hớt hãi, mặt cắt không được hột máu, mồm lắp ba lắp bắp chẳng ra tiếng.
"Được con gì? To không? Mặt đỏ hay xanh? Đi kiếm một bình toong rượu đế để tao đãi khách trung ương" Phó tiểu ban hồ hỡi phán lia. Anh họa sĩ định thần trở lại, nói:
"Anh Thủy Thủ ảnh ảnh..."
"Ảnh ở đằng lều. Cậu chạy kêu ảnh lại đây nghe khen, mau lên!"
"Ảnh bắn... bắn..."
"Bữa nay ảnh đã trổ tài săn bắn tổ tiên hả? Ừ, ảnh là con nhà lính chắc xạ tiễn khá hơn tụi mình."
"Ảnh bắn vào đầu!" Họa sĩ trỏ tay vào đầu mình.
"Thì đúng là Dương Bá Dương, bách bộ xuyên dương chớ còn gì nữa. Khỉ, dọc, phải bắn trúng đầu chúng mới chịu buông tay chứ trúng chỗ khác thì không ăn được."
Chàng họa sĩ nghẹo đầu sang bên:
"Ảnh a... ảnh bắn vô đầu ảnh!"
"Trời đất!"
"Hả... hả...??"
"Cái gì?" Mọi người nhảy dựng cả lên như bị B52 làm nảy tung mặt đất.
"Ảnh bắn vô đầu ảnh!!"
"Ảnh bắn vô đầu ảnh, ảnh nào?"
"Thủy Thủ bắn vô đầu Thủy Thủ, rõ chưa?"
Mọi người rụng rời tê tái. Họ mường tượng lại phát súng vừa rồi. Viên đạn kỳ cục quá. Nó bay đánh téc ngang tai như xé lụa làm cả tiệc trà hụp xuống tránh. Đạn bắn phải bay bổng lên trời chứ sao lại bay thấp vậy. Thì ra... viên đạn quái ác.
Văn sĩ, nhạc sĩ, phó tiểu ban đâm đầu chạy, cụng đầu vào cây rừng ngã ngữa, tróc gốc. Đến lều của Thủy Thủ dừng lại, như cua rơ tới mức ăn thua. Một sự thực bày ra trước mặt. Tác giả Chiếc Guốc Xinh Xinh nằm trên võng, khẩu AK ôm choàng ngực anh như đứa con đeo vú mẹ. Hai tay anh gầy khẳng khiu rám nắng buông thỏng hai bên mép võng, những ngón tay đụng đất quắp lại run run như đang miết cò tiếp thêm. Mắt nhà văn còn nháy nháy nhìn xuyên nóc lều và tàng lá như để tìm trời xanh. Đầu nghẹo sang mép võng, ngó về phía chiếc gà mèn ngã lăn trên nền đất nâu trong đó còn dính tí cháo còn sót sau bữa ăn chiều qua, như muốn nói: "Cảm ơn gà-mèn! Ta đã đeo mi trên lưng từ bấy đến nay và ta đã hiểu lòng mi! Ta hiểu mi quá ể, gà-mèn ơi!"
Một vết thủng từ dưới cằm như một đóa hồng xinh xinh trổ ra đỉnh sọ. Vào thì bé, mà ra thì phá to quá. Cái nắp sọ bay tung. Óc tóe ra nhuộm máu như đậu phụ dính cà chua trên bữa ăn cơm của cán bộ Hà Nội. Trong cái sọ bọng ắt hẳn còn một khoảng trống giành cho chiếc guốc xinh xinh ngày nào.
Cuộc hành quân vùng An Hóa của Ngụy Sàigòn mà anh mô tả năm nào đã thực sự kết thúc nơi cái lều này. Cái gót guốc mổ vào đầu ai kia, ai kia chẳng hề gì, nay quay ngược lại mổ vào chính chủ nó. Ôi cái gót guốc xinh xinh!
Ông Phó tiểu ban giật lấy chiếc lều phủ lên người nhà văn. Những đầu ngón chân đã trở nên xanh như chàm. Máu không tới đó được nữa. Trái tim đã ngừng bóp. Chiếc võng như con tàu bị vỡ toang lốc máy, ngừng hẳn.
Sau khi che lấp cái cặp mắt chưa chịu nhắm kia, ông Phó tiểu ban lục lọi ba-lô của nhà văn. Không có món gì quý giá hơn quyển sổ tay anh dùng ghi đề tài mà ai cũng biết. Trong đó có những đề tài anh lấy được trong chuyến công tác ở Mỹ Tho mới vừa rồi. Anh say sưa kể cho anh em nghe trong những bình minh uống trà lơ láo.
Anh em hỏi:
"Chừng nào thì có một chiếc nữa để gởi ra Hà Nội cho thành đôi xinh xinh?"
Thủy Thủ không đáp. Cho đến hôm nay, tiếng "đoành" là câu trả lời.
Ông Phó tiểu ban mở quyển sổ ra, lật ào ào như gió bão, trong lúc anh văn sĩ, người đã uống nhiều guy-gô trà kho nhiều nhất với Thủy Thủ thì hốt hoảng lục các thứ đồ tế nhuyễn như ruột tượng, bao đạn, lon muối, lọ tiêu, bó củi, hủ ớt ngâm dấm và mấy rê thuốc ông Tề, tất cả mua ở chợ chồm hỗm Ché Phèn trong chuyến đi vừa rồi, cũng không biết để tìm gì. Ý như đập cổ kính ra tìm bóng...
Bỗng Phó tiểu ban ngừng lật và giơ quyển sổ ra:
"Này, đọc! Đọc!"
Mọi người dụm đầu, mắt dán vào những dòng chạy trên trang giấy, nét rất cứng cáp, cả chữ in lẫn chữ viết chen trong những chấm than dựng lên tua tủa như đầu đạn.
TÌNH YÊU: ngõ cụt!!! SÁNG TÁC: bế tắc!!! CÁCH MẠNG:?!!! GUỐC ơi, ta không có ĐƯỜNG VỀ!!!
Thủy Thủ là một nhà văn tiến bộ yêu tự do. Một đêm mưa dầm anh đã kiêu hãnh lái tàu rời bỏ đại dương quen mà anh cho là ao tù chật hẹp để vượt đi tìm những vùng trời nước lạ thênh thang hơn cho thỏa cánh chim bằng. Anh đã đến nơi anh mơ ước. Nhưng con tàu anh đi đâu có được bao nhiêu hải lý, và Thủy Thủ đã trông rõ mặt đại dương, đã tự nhận lại chính mình. Đại dương là thế đấy. Nó là thế đấy. Nó chỉ đẹp trong mơ, trong thơ. Nó chỉ đẹp khi người ta đứng trên bãi cát và cắp tay người yêu cùng nhìn. Chứ không thể đẹp khi lướt trên đầu sóng lưới búa.
Bây giờ Thủy Thủ buông tay. Chiếc võng đã liệm đời anh như một con tàu ghịt cứng hai đầu, mũi và lái. Tới không có đường đã đành mà lui thì... Guốc ơi, ta không có đường về!.
1980
1. Le Doux, tiếng Pháp có nghĩa là Lành. Lê Đạt đặt cho Tố Hữu tên là Me xừ Lơ Đu, rất phổ biến trong văn nghệ sĩ.
2. Sống Như Anh làm một quyển sách ca ngợi Nguyễn Văn Chổi hay Trổi gì đó.
3. Thơ "Hãy nhớ lời tôi" của Tố Hữu.
4. Loại trà Cao Miên có nhãn hiệu Con Khỉ in hai màu xanh đỏ, vì in kém mỹ thuật nên màu đỏ tùm lum ở miệng, do đó anh em gọi là trà con khỉ hộc máu.
5. Cũng màu đỏ tùm lum dưới đít khỉ nên anh em gọi là con khỉ có tháng (nhưng người viết tránh tục tỉu viết là khỉ đỏ đít).
Kết Thúc (END) |
|
|